Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Niềm ân hận của riêng tôi!

… cho đến khi cha mất, kệ sách của ông tôi được “kế thừa”. Những quyển sách cháy bìa năm xưa cha đốt tôi không bao lại. Cứ để vậy, vì tôi muốn nhắc nhở cho mình những bài học trong quá khứ vẫn còn đó và phải biết tu sửa chính mình. Vết thương lòng đã cũ nhưng nó vẫn mãi là một vết thương đáng nhớ.

Hồi nhỏ, tôi là một kẻ rất “ngổ ngáo” và bất trị. Cái tính “hiếu thắng” không biết từ đâu đã ăn vào trong máu của tôi. Chơi với đám bạn cùng xóm những trò chơi nào tôi yếu thế hơn hoặc thấy mình chắc thua thì bèn tìm cách suy nghĩ để tạo lợi thế về mình. Mục đích giành chiến thắng để thỏa mãn bản thân. Chính sự hiếu thắng ấy đã để lại hai nỗi ân hận mà tôi gây ra cho những người thân mà tôi yêu thương. Sự ân hận ấy, giờ đây dù có phôi phai đôi chút nhưng nó vẫn là “vết sước trong lòng” mà tôi mãi không sao quên được…

niem-an-han-cua-rieng-toi-01
Cha tôi lúc còn sinh thời. Người bên phải

Nhớ lần đó tôi khoảng mười một, mười hai tuổi. Tôi cùng đám bạn trong xóm tổ chức chơi đá banh, tôi có thằng em thứ ba chơi bóng rất hay, dù nhỏ con nhưng nó rất khéo léo. Hôm ấy chia đội, nó một đội và tôi đội bên kia. Con nít chơi đá banh sự “ăn thua” là yếu tố không thể thiếu. Bóng lăn chừng mười lăm phút đội tôi thua đội nó 3 – 0. Càng thua tôi càng điên tiết, tôi tìm cách “chơi xấu”, mà mục tiêu tôi nhắm vào thằng em của tôi. Cơ hội đã đến, khi nó đang dẫn bóng tôi cố tình áp sát và thụt cùi chỏ thật mạnh vào mặt nó. Cú thụt cùi chỏ đó làm cho nó tét một lỗ thật to trên mũi, máu ra rất nhiều nhìn nó thở máu “xì” ra theo vết thương tôi vừa lo sợ, vừa ân hận vô cùng. Khi ấy, còn nhỏ không hiểu hết sự nghiêm trọng của vết thương như thế nào. Trong lòng cứ nghĩ máu chảy nhiều hồi chắc nó sẽ chết. Bối rối, hoang mang là cái cảm giác ám ảnh tôi mấy chục năm trời. Thời may, mấy ngày sau vết thương nó cũng lành tôi cũng thấy mình nhẹ lòng. Dù vậy, sau này trên “sống mũi” vẫn còn vết sẹo nhỏ và khi nhìn vào vết sẹo trên mũi của nó tôi lại nhớ lại chuyện xưa, nhưng có lẽ trong lòng thằng em tôi đã quên chuyện ấy từ lâu lắm.

Nhà tôi hồi ấy rất nghèo (mà hầu như thời đó ở quê nhà nào cũng nghèo), cha tôi là một người rất mê sách. Những lúc ông đi làm mướn ở xa. Mỗi chuyến về, ông thường “nhín” chút tiền mua sách. Sách ông mua đa số sách dạy làm người, tôi biết mục tiêu ông mua sách là mong muốn anh em chúng tôi đọc. Trong các anh em tôi, chỉ có tôi là mê sách và khi ấy tôi còn nhỏ kiến thức chưa được bao nhiêu, chỉ đọc cho có “màu mè” thực chất chẳng am hiểu nội dung sách là bao nhiêu. Khi nói đến sách, tôi chỉ giỏi “cãi bướng” cho hơn.

Năm đó tôi học lớp chín, tôi nhớ rất rõ cái  ngày hôm đó, cha tôi ngà ngà men rượu, ông gọi tôi lại nói chuyện sách. Ban đầu còn nói ôn hòa, về sau sự tranh cãi giữa hai cha con tôi càng ngày càng gay gắt. Với một thằng học lớp chín như tôi thì làm sao tranh luận sách vở gì. Chỉ vì tính hiếu thắng trong tôi trỗi dậy, lúc đó tôi chỉ nói “ngang như cua” không phân biệt “tôn tri tật tự”. Sẵn có men rượu, cha tôi nổi sùng ông bèn gom đống sách mà ông kì công dành dụm tiền mua được đem ra đốt, mẹ tôi thấy thế chạy ra “cứu sách”. Đống sách cha tôi đốt lần ấy, nhiều cuốn bị cháy lem nhem bìa.

Chuyện ấy, tưởng chừng như qua đi rồi thôi nhưng càng lớn lên và đủ hiểu biết tôi lại càng ân hận vô cùng. Tôi tự trách mình không hiểu tại sao lúc đó tôi lại làm thế để làm gì. Và cho đến khi cha mất, kệ sách của ông tôi được “kế thừa”. Những quyển sách cháy bìa năm xưa cha đốt tôi không bao lại. Cứ để vậy, vì tôi muốn nhắc nhở cho mình những bài học trong quá khứ vẫn còn đó và phải biết tu sửa chính mình. Vết thương lòng đã cũ nhưng nó vẫn mãi là một vết thương đáng nhớ.

Tôi giờ đã có gia đình, có thằng con đang học lớp sáu tôi vẫn cố gắng duy trì cho nó một thói quen đọc sách báo. Nhưng có lẽ sự cạnh tranh khốc liệt của công nghệ thông tin, sự cố gắng của tôi với thằng con không biết duy trì được bao lâu. Có lúc tôi thầm nghĩ, cuộc sống thật nhiệm mầu. Có những sai lầm quá khứ để nhận ra tương lai mình sáng sủa hơn.

Mỗi thời mỗi khác. Cuộc sống thay đổi không ngừng đôi lúc người ta không có thời gian hoài niệm quá khứ. Nhưng dù sao đi nữa, trong mỗi chúng ta kí ức về gia đình bao giờ cũng tồn tại trong tâm thức. Kí ức đẹp hay xấu, buồn hay vui thì nó cũng là “tài sản” của riêng ta.

Trần Thành Nghĩa (Trà Vinh)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

4 1 Bỏ phiếu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
4 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Huỳnh Long
Huỳnh Long
1 year ago

Kí ức đẹp hay xấu, buồn hay vui thì nó cũng là “tài sản” của riêng ta.

Huỳnh Văn Trường
Huỳnh Văn Trường
1 year ago
Vũ Tùng
Vũ Tùng
1 year ago

Tôi mà đọc sách phải tự để dành tiền mua, chứ có được cha mẹ mua cho đâu, bạn sướng lắm đó

Anh Tuấn
Anh Tuấn
1 year ago

Sách là tài sản quý giá vô cùng

4
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx