Năm năm làm vợ, chị sinh liền hai cô con gái. Bà mẹ chồng có vẻ không vui. Đến khi anh được đề bạt làm Phó Giám đốc phụ trách nhân sự, thì bà mới thầm thì với chị: “Ông thầy bói ở Chợ Xanh nói hay thật. Hạnh dẫu là con gái nhưng được giờ sinh. Sinh được nó, đường công danh của bố nó hanh thông lắm”. Chị thấy ấm lòng nhưng vẫn tủi thân vì trong sự quan tâm tới con bé, bà vẫn chừa một khoảng cho cái hy vọng về “đứa cháu đích tôn”.
Mười giờ, chị gấp cuốn “Nghìn lẻ một đêm”, vặn đèn ngủ nhỏ lại và ngồi thiền ngay trên tấm phản. Những câu chuyện về vị vua ở đất nước Hy Lạp xa xôi ấy dần mờ đi trong tâm trí. Nhịp thở của chị nhẹ nhàng, đều đặn, cơ thể thả lỏng vô thức.
Tiếng còi xe dè dặt ngoài cổng khiến chị choàng tỉnh. Anh vào nhà, đặt cái cặp lên bàn thật nhẹ. Từ ngày con bé Hạnh chuyển vào miền Nam, sự nhẹ nhàng ấy trở nên gượng gạo hơn. Tiếng sấy tóc xoe xóe phá tan sự tĩnh lặng. Bộ quần áo pyjama vắt sẵn ở thành ghế. Chị pha một cốc trà gừng cho anh rồi lên giường nằm. Những câu chuyện về vị vua xứ Hy Lạp trở lại trong những hơi thở thật khẽ. Chị ước mình được như nàng Sêhêrazat ấy, ước anh có đủ độ nhạy cảm để hiểu được cuộc đời người phụ nữ là một cuốn tiểu thuyết, mà thành tâm khám phá say mê, mà nâng niu trân trọng.
Năm năm làm vợ, chị sinh liền hai cô con gái. Bà mẹ chồng có vẻ không vui. Đến khi anh được đề bạt làm Phó Giám đốc phụ trách nhân sự, thì bà mới thầm thì với chị: “Ông thầy bói ở Chợ Xanh nói hay thật. Hạnh dẫu là con gái nhưng được giờ sinh. Sinh được nó, đường công danh của bố nó hanh thông lắm”. Chị thấy ấm lòng nhưng vẫn tủi thân vì trong sự quan tâm tới con bé, bà vẫn chừa một khoảng cho cái hy vọng về “đứa cháu đích tôn”.
Khi bé Hạnh gần ba tuổi, chị lại mang bầu nhưng chửa ngoài dạ con phải mổ cấp cứu và cắt một bên buồng trứng. Chị cảm nhận rất rõ sự trầm lắng của không khí gia đình ngay từ khi ở bệnh viện về. Con đường công danh của anh rộng mở với những vị trí mới, những dự án lớn và cả những đợt công tác dài đằng đẵng. Bà mẹ chồng có thói quen thắp hương mỗi chiều. Bữa ăn tối thường diễn ra trong mùi trầm ấm áp. Vừa ăn, bà vừa nhẩn nha nói về bổn phận của người phụ nữ trong gia đình, bâng quơ hoài vọng về một đứa cháu trai giỏi giang. Chị vốn đã ít nói, lại càng trầm tính hơn, chỉ nhớ như tạc vào lòng những lời răn dạy thấm thía của mẹ mình về kiếp phận đàn bà. Người đàn bà vốn là mạch nước ngầm, nuôi khát vọng vươn dậy mãnh liệt của cây tùng cây bách.
Suốt bao năm, chị cố gắng giữ mình là một dòng chảy bền bỉ. Là nước nhưng lại gánh vác sứ mệnh giữ lửa cho gia đình. Anh yên vị với sự nghiệp bền vững, hai đứa con gái ngoan ngoãn học giỏi là minh chứng cho những hi sinh thầm lặng của chị. Nhưng với bà mẹ chồng, đó là điều hiển nhiên. Bà không còn nhắc đến chuyện “đứa cháu đích tôn” nữa. Điều đó khiến chị vừa thấy được an ủi nhưng không khỏi băn khoăn, ém lòng nghĩ về phúc phận mà mình được hưởng, ấy là sự bình yên trong căn nhà đầy đủ tiện nghi này.
Bà mẹ chồng mất sau một cơn tai biến, phút lâm chung nhìn chị đau đáu, tay chỉ về phía cánh tủ ngay dưới cuối giường. Có lần chị thấy bà cất vào đó một chiếc rương khảm trai nho nhỏ. Chị linh cảm ở trong đó có thể chứa đựng một điều bí mật. Chị phập phồng lo sợ điều đó có thể làm xáo trộn sự bình lặng bấy lâu. Cứ chần chừ như thế, rất lâu sau chị vẫn không dám mở chiếc rương ra. Đôi lúc chị tự vấn: phải chăng sống lâu trong sự an yên tự tạo mà mình đã quên đi cả bản năng nhạy cảm và ích kỉ đàn bà?
Hạnh ra trường đi làm ở công ty bố, tháng trước tháng sau đã dẫn về một cậu bạn trai trẻ măng, học sau hai khóa ở trường Ngoại thương. Nhìn cái cách Hạnh chăm chút cậu trai ấy, chị nén tiếng thở dài. Đàn bà cá tính như Hạnh mà trót yêu là say lắm. Chị cảm thấy gương mặt cậu trai phảng phất nét gì đó quen quen. Chị cố lục tìm trong trí nhớ xem đã gặp cậu ta ở đâu. Hôm đó anh bận đi công tác đột xuất, mình chị cứ miên mải trong nỗi băn khoăn chẳng thể sẻ chia.
Từ lời dặn dò tha thiết trong bức “mật thư” đã nhòe mực mà bà mẹ chồng viết lại, chị tìm đến một ngôi nhà ngói khang trang ở một thị trấn ven biển. Mấy tuần nay, chị giằng xé bởi biết bao suy nghĩ. Bao dung tha thứ để đón nhận hay xới tung mọi chuyện đã xảy ra cách đây hơn hai mươi năm? Một cô sinh viên năm cuối đến công ty của chồng chị thực tập, vì nhẹ dạ hay vì toan tính, cô ấy ngã vào tay vị Phó giám đốc nhân sự? Khi biết mình có thai, cô ấy đã tìm đến bà mẹ quyền lực của chị. Là cô ấy còn một chút lương tâm không muốn cản trở đường công danh của chồng chị, hay là một nước cờ cao tay?
Và bà mẹ chồng đã giấu giếm bí mật ấy suốt từng đó năm trời để chị yên tâm giữ gìn sự tròn trịa hình ảnh một gia đình hạnh phúc. Một khoản tiền, một suất biên chế ở Phòng Tài chính huyện đủ để cô gái ấy về quê sống an nhàn. Chồng chị có biết đến sự tồn tại của đứa con trai bất đắc dĩ sau cuộc tình chóng vánh ấy không, trong bức “mật thư” bà mẹ chồng không nhắc tới.
Tiếp đón chị là một người đàn ông tóc đã chớm bạc. Chị giới thiệu mình là người ngày xưa từng hướng dẫn thực tập cho vợ anh ta. Người đàn ông hồ hởi: “Chị ở chơi, nay thứ sáu, chắc Thủy được về sớm”. Anh ta xăng xái đi lấy sào chọc chùm dừa bên hông nhà. Chị ngồi xuống ghế ngắm khung ảnh nhỏ đặt cạnh bàn nước. Một người phụ nữ khá đẹp ngồi nép vào người đàn ông tóc muối tiêu kia, phía sau là một chàng trai đeo kính trắng cười rạng rỡ, hàm răng đều tăm tắp. Nụ cười ấy chị thấy quen quá. Chị lập cập đeo kính vào để nhìn rõ hơn. Tim chị như nghẹn lại, bởi đó chính là cậu bạn trai mà Hạnh dẫn về ra mắt hôm nào.
Mắt chị như hoa lên. Tại sao cuộc đời lại trớ trêu đến thế!? Chị lật đật đứng dậy, bước ra hiên cáo lỗi phải về Hà Nội. Người đàn ông hai tay cầm hai trái dừa đã chặt sẵn, bối rối vì không giữ được khách. Chị bước ra chiếc taxi đợi sẵn ở cổng, chân đi như không chạm đất. Cậu lái xe nhìn chị qua gương chiếu hậu với ánh mắt nghi hoặc. Chị mở điện thoại, tay run lên, nhắn tin cho chồng, rồi cho Hạnh, nhưng tần ngần chẳng dám gửi cho ai. Chị không biết sẽ phải nói với ai trước về sự trùng hợp éo le này.
Chị bí mật đi làm xét nghiệm ADN và bình tĩnh đón nhận kết quả. Một cuộc gặp gỡ được chị sắp xếp sau cả tháng trời chuẩn bị tâm lý cho mình và con gái. Không phải là cuộc hội ngộ đoàn viên mà là sự trái ngang của số phận. Không có nước mắt, không trách móc, không thanh minh hay thú tội. Chị từ tốn nói ra những lời gan ruột chắt ra từ sự bao dung thứ tha. Người đàn ông của chị cúi đầu, lập cập châm thuốc hút, nhả khói mù mịt. Cậu trai trẻ mặt đỏ bừng bối rối nhìn Hạnh. Hạnh bặm môi nhìn đi nơi khác. Không khí đặc quánh. Một lát, Hạnh nói về quyết định sẽ vào miền Nam lập nghiệp, phá tan sự im lặng bằng giọng nói dứt khoát như người ta nhổ bung một chiếc đinh.
Chị nắm chặt tay con gái. Người phụ nữ muôn đời vẫn là những mạch nước ngầm chảy dưới bóng cây tùng cây bách, biết bao dung thứ tha để lọc gạn lại sự bình an cho hạnh phúc của mình.
Tạ Thị Thanh Hải (Hưng Yên)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2020 – “Nhớ bông điên điển mùa về”
- Chơi Là Chạy tập 2: Cris Phan, Đức Phúc bước vào Đại hội thể thao
- GUMAC khai trương siêu thị thời trang Hạnh Phúc, mang đến những trải nghiệm hoàn toàn mới cho cả gia đình
- Radisson Blu Resort Phú Quốc với trách nhiệm cộng đồng
- Tư vấn điều trị sẹo khó
Cảm ơn mọi người đã đọc và đồng cảm ạ.
Rất hay!
Hay lắm em! Chị rất thích câu cuối “Người phụ nữ muôn đời…. hạnh phúc của mình.”
rất hay. và rất đời thường .từ trước đến nay vẫn còn những lạc hậu .chưa xóa bỏ được
Chúc mừng chị nhé!
Càng đọc càng cuốn. Hay quá!
rất hay ạ
Rất hay và ý nghĩa. Chúc mừng em.
Rất lâu rồi mình mới đọc được câu chuyện hay như vậy.
Bài viết rất gần gũi và xúc động