Trời nhá nhem, mẹ gọi tôi vào nhà với đôi mắt đỏ hoe. Thay cho mình một bộ đồ mới thơm mùi nắng, rồi giũ sạch bùn đất lấm tấm trong hơi thở, tôi ngồi trên ghế đẩu, khẽ nhìn từng nụ tròn xanh múp của cây mai sáu cánh ngoài vườn. Ba trồng nó bốn năm trước, từ một cây non trơ trọi, cuối cùng đã đến lúc đơm hoa. Thế nhưng ba đã chẳng chờ được để thấy.
Ngày trước, tôi từng nghĩ mình thật trơ trọi. Một đứa trẻ sớm mất ba, lại sống xa mẹ, hiếm khi được hưởng trọn vẹn vị sum họp đầm ấm. Gia đình là điều gì đấy tồn tại trong phức hợp cảm xúc, nghĩ tới chỉ thấy lồng ngực chợt nôn nao, lúc chua chát, lúc lại ngọt ngào.
Trong hằng hà khoảnh khắc lắng đọng, tôi chợt phát hiện thời điểm giao mùa luôn làm mình hoài niệm nhất, bởi trong kí ức ít ỏi, tết với tôi luôn là chuỗi ngày buồn vui lẫn lộn. Tôi đã từng mong tết biết bao, rồi có lúc lại sợ hãi nó đến nao lòng…
Những năm tết đẹp, tôi nhớ ba rất thích chưng hoa trong nhà. Năm tôi 9 tuổi, ba chuộng nét thanh thoát của lay-ơn, thế là chiều 28, chúng tôi hớn hở xuống chợ lựa ngay một bó tươi nhất. Tuy không khá giả, nhưng chưa bao giờ ba mặc cả giá tiền. Ba bảo người trồng hoa cực khổ một năm rồi, nỡ lòng nào lại làm khó họ. Nói xong ba cười xòa.

Năm tôi lên 10, biển “đói kém” cuốn phăng đi ước mơ về cái tết no ấm. Ba vẫn thích lay-ơn, nhưng chẳng đủ khả năng để mua nữa. Hai ba con dắt díu xuống chợ, tôi ngồi trông xe, còn ba thì vào lựa một chậu cúc nhỏ vừa túi tiền. Dù thế, trên môi ba vẫn là nụ cười tỏa nắng.
Khi tôi 11 tuổi, nội mất đột ngột trong một tai nạn giao thông. Ba thẫn thờ ngồi sụp ngoài hiên với vành khăn trên đầu. Tết năm đó chỉ quanh quẩn mùi nhang trầm cùng tiếng kinh cầu siêu não ruột. Loại hoa duy nhất chưng trong nhà cũng là một bình cúc trắng.
12 tuổi, đến lượt ngoại buông tay. Tết chẳng còn mùi bánh in ngoại đúc. Mấy cây vạn thọ đã trổ bông được mẹ cắt vào cắm trên bàn thờ. Trong nước mắt chảy dài, tôi biết đây lại là một năm hoa xuân đơn sắc.
Quãng yên ả sau đó là những cái tết hai ba con ra vườn trồng hoa. Tháng 10 gieo cúc vạn thọ. Tháng chạp thì lặt lá mai. Tôi ít khi chịu ngồi yên mà hay chạy lung tung tìm cái này, nghịch cái nọ, có lần còn trách nó quá nhàm chán so với thế giới ngoài kia. Rồi chẳng biết tự bao giờ, hai ba con cứ thế xa lạ dần. Nụ cười của ba chỉ còn thấp thoáng trong những đêm lạnh đốt điếu thuốc chờ đón tôi, tại sân ga chiều giao thừa đông đúc.
Biến cố ập đến vào năm tôi 22 tuổi. Trong một đêm ra khơi, ba chìm vào con sóng nhấp nhô vỗ thân tàu đánh cá, chẳng kịp trối trăng. Năm ấy, bình lay-ơn được đặt cạnh đóa cúc trắng trên bàn thờ. Không ít lần ngồi thụp trước di ảnh, tôi hay níu lấy ngực trái mặc nước mắt tủi thân chảy dài. Tim tôi sau sự ra đi lần lượt của người thân, dường như lại khoét thêm một lỗ sâu hoắm. Qua thời gian vết thương thì liền, nhưng sẹo thì chẳng bao giờ biến mất.
Tết dần dần chẳng còn đủ đầy như ngày thơ bé. Cảm xúc chờ mong cũng không chạm vào đáy mắt được nữa. Có lẽ sự hụt hẫng khi nhìn căn nhà trống trải chìm trong mùi tang thương làm những háo hức đợi tết trở nên buồn cười… ra nước mắt. Tôi tốn bốn tháng để tiêu hóa nỗi buồn, nhưng hình như sự mất mát luôn giữ lấy tôi thật chặt.
Thế rồi, tôi xa nhà đi làm biền biệt. Khu vườn vắng người chẳng còn ai chăm bẵm. Mẹ đau lưng nên không đủ sức để gieo hoa như ba dạo trước. Vậy là tết đến, tôi ráng thu xếp về sớm để xới đất trồng cây. Bởi ba bảo rồi, tết mà không có hoa, thì còn gì là tết?
Năm vừa cúng mãn tang, tôi dành trọn một tháng để ở nhà. Bước lững thững ra vườn, trong chiếc bóng khẳng khiu của cành mai vừa lặt lá, tôi lom khom dằm chặt gốc cây sau cơn mưa chớm xuân bằng chiếc bay nhỏ. Thời gian như nén theo từng thớ đất thịt, mùi hăng hắc đặc trưng của ẩm ướt. Mùi đất trời giao thoa trong một sát na khoảnh khắc làm tôi chợt khựng lại với bao cảm xúc hỗn độn…
Trời nhá nhem, mẹ gọi tôi vào nhà với đôi mắt đỏ hoe. Thay cho mình một bộ đồ mới thơm mùi nắng, rồi giũ sạch bùn đất lấm tấm trong hơi thở, tôi ngồi trên ghế đẩu, khẽ nhìn từng nụ tròn xanh múp của cây mai sáu cánh ngoài vườn. Ba trồng nó bốn năm trước, từ một cây non trơ trọi, cuối cùng đã đến lúc đơm hoa. Thế nhưng ba đã chẳng chờ được để thấy. Có lẽ cuộc đời là như vậy. Gặp gỡ rồi chia ly. Chờ đợi rồi bỏ lỡ. Tiếc nuối cứ âm ỉ ghim chữ “giá như” vào tim, còn tết thì cứ thủng thẳng đến mà chẳng chịu cho người ta thời gian để lành hẳn…
Bao nhiêu mùa xuân đã qua sau đoạn mất mát thăng trầm, loại hoa chưng tết nhà tôi chỉ còn vỏn vẹn là vài đóa nhạt nhòa trong cái bình gốm trắng bên phải di ảnh. Lúc nhỏ háo hức đợi tết với những ý niệm được ra ngoài bay nhảy. Đến khi đủ lớn để mong bé lại, chợt chỉ muốn co cụm dụi vào lòng ba mẹ.
Thế giới ngoài kia to thật đấy, nhưng với những đứa trẻ cô đơn mang hình hài người lớn như tôi, vòng tay gia đình mới là nơi đủ rộng để chứa đựng hết thảy yêu thương, bao dung và chia sẻ.
Gia đình mà, đi đâu xa, rồi cũng muốn trở về nhà..
Nguyễn Trần Thanh Trúc (TP. HCM)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Doanh Nhân – Luật sư Phan Trang: Thành công sớm vẫn phải vượt chông gai
- The Anam ra mắt Câu lạc bộ Bãi biển Beach Club
- Cùng Laneige trang điểm tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên
- Hari Won bị Trường Giang “lật tẩy” trong hậu trường show mới – Bếp Vui Bùng Vị
- Hiểu hơn về cuộc đời với tập sách Trong mất mát – Tình người vẹn nguyên