Theo thời gian cái nóc nhà không thể che mưa, cũng chẳng thể che nắng được nữa dù nhiều lần cố gắng chắp vá. Bố đưa ra một quyết định quan trọng bằng một câu khẳng định chắc nịch, như một chân lí sống đến tận bây giờ còn đọng trong tâm trí của mỗi người con trong gia đình – “nhà phải có nóc”!.
Tôi lớn lên trong một gia đình thuần nông đông con và cuộc sống nghèo khổ của những năm đầu thập niên 90, bởi lẽ: ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, và nơi để cả gia đình chui ra chui vào cũng chẳng được gọi là cái nhà, vì nó không có “ nóc” hay là có cũng như không?. “Nó” được làm bằng rơm có nhào đất bùn, được dựng lên bằng bốn bức vách, ở dưới sàn nhà là lớp đất sét dày cộm, nhấp nhô. Trên nóc nhà là vài cây gỗ cong cong và lợp bằng những tấm lá dừa khô đan thành phên. Mỗi lần trời mưa chị em chúng tôi lại đem nồi, thau ra để hứng nước mưa từ trên nóc đổ xuống. Những ngày bố mẹ chưa đi làm về, mấy chị em lại ngồi túm tụm ôm nhau che dưới tấm nilong chắp vá.
Theo thời gian cái nóc nhà không thể che mưa, cũng chẳng thể che nắng được nữa dù nhiều lần cố gắng chắp vá. Bố đưa ra một quyết định quan trọng bằng một câu khẳng định chắc nịch, như một chân lí sống đến tận bây giờ còn đọng trong tâm trí của mỗi người con trong gia đình – “nhà phải có nóc”!.
Ngay ngày hôm sau, gia đình tôi đã quyết định cất nóc cho ngôi nhà bằng cách: bố quyết xuống hỏi mua mái ngói loại 3 ( loại rẻ nhất) của chủ lò gạch, nơi chị gái tôi mới xin việc làm được vài tháng, tất nhiên cũng không có tiền mặt để trả, mà sẽ trừ vào tiền công làm việc ở lò gạch của chị. Từ ngày có nóc nhà, trời mưa chúng tôi không còn phải lấy nồi, thau ra hứng nước nữa, đôi khi lại thích mưa lớn hơn để trải nghiệm cái cảm giác ngắm mưa trong ngôi nhà đúng nghĩa.
Cũng kể từ dạo ấy, bố làm việc gấp nhiều lần hơn. Sáng gà chưa gáy bố đã cùng mẹ ra đồng. Chiều mặt trời đã lặn từ lâu, chị em chúng tôi lại ra ngõ ngồi đợi bố mẹ mãi mới thấy về, đến nỗi muỗi cắn đỏ hai bắp chân. Tôi biết từ đó áp lực dồn lên cái “nóc nhà” đang hiện hữu trước mặt chúng tôi bằng da, bằng thịt, trên dáng vẻ nhỏ bé, hao gầy và rám nắng… Bố tôi!. Người đàn ông đầy trách nhiệm, mạnh mẽ để nhà có nóc! Bố là nóc nhà che chở cho hết thảy bảy người phụ nữ, chân yếu tay mềm.
Bố là người gốc Bắc, con trưởng trong gia đình có sáu anh em trai. Và thượng đế thật trêu ngươi khi bố là con trưởng, cháu đích tôn lại sinh một lũ vịt trời (thiên hạ gọi chị em chúng tôi như thế). Bố mẹ sinh được sáu đứa con gái, mẹ kể ngày sinh tôi (đứa con thứ 5 trong gia đình ), mẹ đau bụng đúng ngày đẹp 20/11, cái ngày sinh đẹp vậy nó cũng liên quan đến tôi tận bây giờ – một cô giáo đang ngồi gõ phím và nước mắt lăn dài. Mẹ kể ngày sinh con, có mấy người trong dòng họ đem pháo ra chờ ngay cổng trạm y tế, nếu mẹ sinh bé trai thì sẽ nổ pháo ăn mừng, còn nếu là con gái thì để dành pháo, khỏi đốt cho “ đỡ phí”.
Định mệnh, tôi là một nữ nhi, rất xinh xắn, trắng hồng vẫn không được chào đón và sau đó 3 năm, mẹ cố thêm một lần sinh nữa, và một thiên thần xinh xắn, đẹp gái lại xuất hiện. Sáu chị em gái, mười phân vẹn mười. Bố vui, vì đứa nào cũng khỏe mạnh, xinh xắn. Nhưng cũng kể từ đó, gia đình tôi là đề tài, là câu chuyện của mỗi cuộc vui, cuộc nhậu của xóm làng. Bố vẫn lạc quan, vẫn đi làm, và còn làm nhiều hơn thế, và đây cũng là lí do bố luôn đi làm về trễ, bố nói: Bố làm cố cho các con có được đủ cái ăn, bố cứ cuốc đất là nghĩ đến các con, cuốc cho mỗi đứa 10 cái, vậy là cũng được 60 cái cuốc, vậy cũng xong một mảnh nhỏ nhỏ. Và ngày nào cũng thế.
Đến mùa thu hoạch, nhà tôi đủ cái ăn, không còn đói, và bắt đầu bán hoa màu, có tiền trong nhà rồi! vách nhà cũng được thay thế bằng tường gạch, “nóc nhà” vẫn vững chãi, kiên cố bằng ngói đỏ, không chỉ vậy mà còn có cả cái chuồng heo to đùng để chị em chúng tôi sau giờ đi học về thì có “thú cưng” để chăm sóc.
Cuộc sống gia đình chúng tôi ngày càng ổn định và phát triển, bố mẹ và chúng tôi sống vui vẻ hạnh phúc. Thời điểm sóng gió đến với gia đình, khi ông nội giục bố cưới thêm vợ, sinh thêm con, để ông có cháu trai đích tôn chống gậy. Mẹ buồn, chúng tôi khóc thút thít, còn bố thì lại…. cười khà khà, lạ nhỉ? Sao bố lại cười? là bố đang vui sao? Mấy chị em chúng tôi trốn sau cái ri đô treo ở cửa phòng khách ngăn với cái buồng của sáu cô công chúa, nghe lén cuộc nói chuyện của hai người đàn ông. Bố cười to hơn, giọng bố dõng dạc và nói với ông nội “Con không lấy ai hết, con chỉ có một vợ duy nhất và sáu đứa con gái, như thế là đủ rồi, lo làm ăn, vợ chồng con ráng nuôi cho con cái học hành đến nơi đến chốn là với con là mãn nguyện rồi!”. Ông nội la lớn tiếng rồi bỏ về, bố ngồi yên lặng phì phào điếu thuốc lá, khói bay trắng phủ mờ khuôn mặt lẫn mái tóc pha sương. Chị em chúng tôi kéo sập cái ri đô, cười khúc khích, chạy ra ôm cổ bố. Cũng từ đó, nghe đâu ông nội giận không công nhận cháu gái đích tôn, nên đã truyền ngôi cho cháu trai nhà chú em kế bố.
Năm tháng trôi đi, hai chị lớn của tôi đến tuổi cập kê và lấy chồng, bốn chị em được ăn học đầy đủ, gọi là “đủ” cho sang và gọi là “đủ” với gia đình tôi thôi. Cuộc sống gia đình lúc bấy giờ vẫn khó khăn lắm, nhưng cả gia đình đều lao động, chúng tôi ngày một buổi học, một buổi đi cắt cỏ thuê, lấy củi, bỏ hạt giống thuê… nói chung cái gì kiếm ra tiền, vừa sức, chân chính là chị em chúng tôi đều làm để phụ bố mẹ trang trải cuộc sống.
Năm 2015, Bố quyết định mua xe máy 50 để cả nhà có phương tiện di chuyển những nơi xa. Giữa năm bố lại đưa ra thêm một quyết định rất lớn, đó là “thay nóc nhà lần 3”. Lần này nhà được xây bằng xi măng, nền nhà lát gạch bông, và tất nhiên có nóc bằng tôn lạnh, lại thêm cả la phông. Với quyết tâm cho vợ con có được cuộc sống tốt, bố vay mượn nợ thêm để có được gian nhà như ý, khi về già có gian nhà chui ra chui vào, không phiền đến con cái hay khách đến chơi cũng nở mầy nở mặt. Nhà rộng 3 gian, bố mẹ cũng lên chức ông bà ngoại được mấy năm, chị thứ ba và chị thứ tư của tôi lên Sài Gòn vừa làm, vừa học, ở nhà còn tôi và gái út. Năm đó, cả nhà tôi ăn tết lớn, mừng có xe, có nhà.
Sau tết, cái ngày như sét đánh ngang tai, ngày 2 tháng 3 năm 2016(3 tháng 2 năm 2016 âm lịch) – Bố tôi mất, mọi thứ thật trớ trêu, từ cái ngày mất cũng ngược, chứ đừng nói đến lí do bố mất thật không thể tin. Bố bị tai nạn lao động, trong lúc trèo lên cây đào hái tiêu, bố bị trượt chân té xuống với độ cao chưa đến 2m… Bố mất ngay tại gốc đào, mặc dù mẹ đã hô hoán kêu gọi mọi người chở bố đi cấp cứu, nhưng khi đến nơi bác sĩ lắc đầu. Trời đất như sụp đổ, niềm vui chưa kịp tày gang… Bố đi để lại cảnh vợ góa, con côi, bốn đứa đang tuổi ăn, tuổi học… một mình mẹ xoay sở ra sao? Khi “nhà mất nóc” nợ trả thế nào? Thời gian trôi đi, người phụ nữ ấy đã mạnh mẽ vượt qua với nghị lực sống phi thường để đi làm trả nợ, để nuôi con, và để hoàn thành tâm nguyện của người chồng “cho con ăn học đến nơi đến chốn”.
Hai chị gái theo ngành kế toán ra trường, phụ mẹ nuôi hai em ăn học xong rồi lấy chồng. Cô em út theo ngành giáo được hơn năm năm, còn cô bé sinh ra không được đốt pháo, mẹ đã lấy ngày sinh của chị gái để đổi cho hai chị em, với mong muốn bớt buồn. Thời đó sinh mấy đứa mới đi làm giấy tờ một lần nên có khi giả bộ nhầm cũng không ai hỏi giấy chứng sinh, cô gái ấy đã theo ngành giáo dục, chắc là do định mệnh sinh ngày nhà giáo VN 20/11 hay do nghề chọn người mà nay cũng ngót nghét làm cô nuôi dạy trẻ được 10 năm, ngày sinh thật đẹp, nhưng hãy quên đi… ngày mẹ chọn mới là đẹp nhất!
Hiện tại cô ấy cũng có một gia đình thật hạnh phúc, nhà cửa khang trang và đặc biệt “nóc nhà” của cô ấy thật vững chãi, người chồng của cô như một người bạn, người anh và đôi khi cô cảm nhận như chính bố cô đang hiện hữu…!
Nguyễn Thị Bích Thảo (Bình Dương)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Không khí mùa lễ hội cuối năm tưng bừng tại Meliá Hồ Tràm
- Từ Hy Viên tái hôn với mối tình đầu 20 năm trước
- Á Hậu Hoàng Thùy: đi ngủ sớm, không cầm điện thoại buổi tối muộn
- Bài dự thi Nhật ký 15 ngày sống chậm: Về quê, tôi trở về với tuổi thơ
- Thu Trang, Tiến Luật phối hợp cùng FAPtv làm webdrama “Chuyện xóm tui”
Có bố thật tuyệt vời
Cám ơn Bạn. Mà tiếc những tháng ngày đó ngắn ngủi quá…