Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Người mẹ cao cả

Người trong xã thường gọi mẹ tôi là: Bà giáo vỡ lòng. Mọi người gọi như vậy cũng đúng thôi vì cả một đời giáo, mẹ tôi chuyên dạy lớp vỡ lòng. Cuộc sống khó khăn vất vả của thời bao cấp, một buổi lên lớp, một buổi chăn lợn, cấy lúa, trồng rau mẹ tôi tần tảo nuôi đàn con khôn lớn.

Mẹ ru con bài ca êm êm
Mẹ ru con trong vòng tay áo
Mẹ mong con lớn làm cô giáo
Mang chữ cho đời con quý à ơi….”

Đó là lời ru của mẹ đưa chị em tôi vào giấc ngủ cách đây đã mấy chục năm nhưng tôi cảm thấy như vừa mới ngày hôm qua. Mẹ tôi năm nay đã ngoài tám mươi. Người trong xã thường gọi mẹ tôi là: Bà giáo vỡ lòng. Mọi người gọi như vậy cũng đúng thôi vì cả một đời giáo, mẹ tôi chuyên dạy lớp vỡ lòng. Hình tượng cô giáo vỡ lòng vô cùng cao cả, không những trong tâm trí tôi mà còn trong tâm trí của lớp lớp học trò quê tôi. Cuộc sống khó khăn vất vả của thời bao cấp, một buổi lên lớp, một buổi chăn lợn, cấy lúa, trồng rau mẹ tôi tần tảo nuôi đàn con khôn lớn. Dù khó khăn là vậy nhưng mẹ tôi không sao nhãng nhiệm vụ “trồng người”. Mẹ tôi dạy trò bằng tình thương yêu, sự trách nhiệm và lòng nhiệt huyết có khi còn hơn con đẻ.

Nguoi-me-cao-ca-03
5 chị em tôi

Tôi còn nhớ thời đó nhà tôi có một cái bàn gỗ dài do bố tôi tận dụng gỗ tạp để đóng, tối đến mấy chị em ngồi xúm xít quanh bàn để học bài. Còn mẹ tôi ngồi lên chiếc mo cau để xuống nền đất, chân quấn xà đùi cho muỗi khỏi đốt, lấy giường làm bàn, bên cạnh chiếc đèn dầu đỏ tù mù ám khói đen, mẹ tôi cần mẫn dùng bút chì viết mẫu cho tất cả học sinh trong lớp. Tôi là gái út, học lớp “cô giáo mẹ” luôn quanh quẩn bên mẹ giở các trang vở cho mẹ viết mẫu. Mẹ dặn tôi phải nhẹ tay kẻo nhàu nát vở của các bạn. Dù công việc gia đình vô cùng bận rộn nhưng mẹ vẫn chăm chấm bài, khi mẹ chấm bài tôi chăm chú ngồi xem. Mẹ dùng bút đỏ sửa sai cụ thể từng nét chữ, từng điểm đặt bút, dừng bút, chỗ xuống dòng. Mỗi tối mẹ hướng dẫn năm chị em chúng tôi học, nhắc chị lớn dạy em bé, rồi mẹ đi viết mẫu, chấm bài soạn bài đến khuya mới đi ngủ.

Vì là cô giáo làng nên mẹ hiểu hoàn cảnh từng học sinh, thời bấy giờ nhiều nhà đông con hoàn cảnh nheo nhóc lắm. Nhà tôi cũng đông chị em nhưng cũng không đến nỗi bị đói, thương các bạn đói khổ mẹ bung khoai khô lẫn với đỗ đen, nắm thành từng nắm nhỏ chia cho các bạn. Có những bạn mùa đông phong phanh một manh áo mỏng, rét tím da thịt. Mẹ tôi cởi vội chiếc khăn len vuông đang đội choàng vào cho bạn ấy khỏi rét. Có những bạn học dốt, mẹ tôi dạy mãi mà không viết được tay cứ ặt ra. Tôi chứng kiến mẹ giơ thước thẳng tay vút mạnh xuống, tôi nhắm vội mắt vào nghĩ rằng tay bạn ấy sẽ tóe máu và bạn ấy phải khóc thét nẹt. Nhưng không, tiếng thước rơi đánh “chát” một cái xuống mặt bàn, bạn ấy mặt tái xanh. Tôi nhìn thấy hai dòng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt mẹ tôi. Sau lần ấy bạn đó tập trung hơn và viết được. Có những bạn nhà nghèo đi học không bảng, phấn, sách vở. Mẹ không hề mắng mỏ, ngậm ngùi chia sẻ và sẵn sàng đưa sách, đưa bút của tôi cho bạn ấy.

Đi học lớp mẹ tôi dạy, tôi còn chứng kiến, đồng nghiệp của mẹ tôi là cô Quảng người cùng làng. Cô có bốn người con nhưng chồng cô theo gái, bỏ lại đàn con nheo nhóc. Vì giận chồng nên cô trút toàn bộ oán hận lên những đứa con. Những trận đòn của cô với các con thật là khủng khiếp. Sau này lớn lên tôi mới hiểu đó là những trận đòn ghen. Bọn trẻ con cô ấy chạy cuốn quýt đến bên mẹ tôi, ôm chặt lấy mẹ tôi và kêu “Bá ơi, cứu con!”. Ôm bọn trẻ trong lòng, mẹ tôi trào nước mắt. Thương bọn trẻ, những lúc ra chơi mẹ tôi thường tâm sự, chia sẻ những khó khăn cùng cô, cùng giúp cô lúc yến gạo, cân khoai nuôi dạy các con. Tôi cũng không biết mẹ tôi nói gì với cô ấy, nhưng từ sau buổi đó cô không đánh bọn trẻ nữa.

Thời đó, mỗi gia đình ở nông thôn thường có cối xay lúa, giã gạo. Nhà tôi cũng có một chái nhà, nơi để cối xay lúa, giã gạo. Nơi đây chính là chỗ ươm mầm cho sự nghiệp “trồng người” của mấy chị em chúng tôi từ tấm bé. Chị em chúng tôi tập trung bọn trẻ cùng trang lứa lấy que cời bếp viết những chữ đen xì lên cửa sổ để tập làm cô giáo giảng bài cho bọn trẻ trong xóm. Mẹ tôi vừa xay lúa, giã gạo vừa dõi theo và nhắc nhở chị em tôi về lời nói, hành động, cử chỉ của “cô giáo con” trước học sinh. Lời dạy ấy theo suốt cuộc đời nhà giáo của chị em chúng tôi.

Trong cuộc sống hàng ngày của gia đình tôi, mẹ là một “giám đốc gia đình” điều hành mọi công việc vì thời bấy giờ bố tôi là chủ nhiệm, suốt ngày “chạy ngược, chạy xuôi, chân rối rít” lăn lộn với phong trào của hợp tác xã chỉ ở nhà vào các bữa cơm trưa, tối. Người “giám đốc gia đình” ấy phân công đứa lớn việc lớn, đứa bé việc bé thật khoa học nề nếp. Mọi công việc giao cho mỗi thành viên được “nghiệm thu” qua bữa cơm tối của gia đình. Nói là “nghiệm thu” có vẻ quan trọng nhưng bữa cơm trong gia đình tôi đầm ấm đầy ắp tiếng cười. Chị cả bê chiếc chõng tre dài do bố tôi đóng để ở giữa nhà.

Cả gia đình gồm tám người, đó là năm chị em chúng tôi, bố mẹ và bà nội quây quần bên bên chiếc chõng tre ấy. Bữa cơm nhà tôi đạm bạc lắm, chỉ là mấy con tép do các chị cất vó hay mấy con mại cờ, thòng đong, thia lia do bố tôi đơm đó có được. Bà nội tôi nấu mớ cá ấy cùng nắm dải khoai và mấy ngọn me chua đất ở ngoài vườn nhưng sao mà ngon đến nhớ đời. Trong bữa ăn, mẹ dạy chị em chúng tôi cách đơm cơm, mời cơm, cách cầm đũa…

Sau này lớn lên tôi mới hiểu đó là văn hóa trong ăn uống của người Việt. Cũng trong bữa ăn chị em tôi kể chuyện trường, chuyện lớp, chuyện với bè bạn. Bố, mẹ tôi lắng nghe, biết tính nết của từng đứa để uốn nắn chỉ bảo. Mẹ bảo chị em trong gia đình phải yêu thương, đùm bọc, trách nhiệm với nhau “ấm cùng sưởi, rét cùng run” không được sống theo kiểu “cú có cú ăn, vọ không có vọ lăn vọ chết”. Mỗi bữa ăn một câu chuyện cũng là những khía cạnh của cuộc sống cũng như các kỹ năng, tình huống sư phạm mà mẹ tôi truyền đạt và dạy dỗ chị em chúng tôi.

Tình yêu thương, chăm sóc học sinh như con, sự say sưa nghề nghiệp của mẹ, thông cảm chia sẻ với những khó khăn của đồng nghiệp thấm dần trong năm chị em chúng tôi. Sau này cả năm chị em tôi đều yêu nghề sư phạm và nối nghiệp mẹ. Chị em chúng tôi hơn người khác vì có mẹ là cô giáo nên bước vào nghề sư phạm với hành trang vững vàng. Phát huy truyền thống từ “cô giáo mẹ”, chị em chúng tôi đều say nghề, tận tụy, hết lòng vì học sinh, chan hòa yêu thương đồng nghiệp.

Giữa thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay người người buôn bán, nhà nhà buôn bán để nhanh giàu. Nhưng khi hỏi đến chị em tôi, nếu được chọn lại thì chọn nghề nào. Chị em chúng tôi đều trả lời ngay: “Nghề giáo”, bởi nghề giáo của chị em chúng tôi được hình thành từ cốt nhục của mẹ tôi, được ươm mầm từ những nơi giản dị nhất, được nuôi dưỡng hàng ngày qua những bữa cơm đạm bạc thấm đẫm tình người. Và một điều có tiền cũng không thể mua được đó là sự tôn vinh của xã hội đối với thế hệ gia đình nhà giáo của tôi.

Giờ đây chị em tôi đều đã có gia đình nhưng vẫn mong được về với mẹ vì bên mẹ là một bầu trời bình yên, được dạy dỗ được vuốt ve chỉ bảo ân cần. Chị em chúng tôi cùng cầu mong cho mẹ sống lâu để tiếp tục “truyền lửa” cho thế hệ sau.

Bùi Thị Hương Huyền (Hải Dương)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

4.1 8 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
59 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Nguyễn Thị Thuý Sinh
Nguyễn Thị Thuý Sinh
1 year ago

Hôm nay mới được đọc bài viết của bạn tôi. Cảm xúc dâng trào!
Bồi hồi nhớ Mẹ – Người mẹ hiền nhân hậu, đảm đang – Cô giáo làng đáng kính của bao thế hệ!
Kính yêu Mẹ! Mong mẹ mãi mạnh khỏe cùng cháu con!

Minh Hoàng
Minh Hoàng
1 year ago

Bài viết chân thực khắc họa hình ảnh người mẹ thật cao cả. Nhất định bài sẽ đạt giải.

Hoàng Thị Hiền
Hoàng Thị Hiền
1 year ago

Bài viết tuyệt vời. Hay quá

Họa Mi
Họa Mi
1 year ago

bài viết thật tuyệt !

Bui Thi Dương
Bui Thi Dương
1 year ago

Bài viết của Hương Huyền rất thực tế làm nhiều học trò và nhiều người đã già lắm rồi lại hồi ước lại cô giáo làng thật ấn tượng với học trò của mình và cái bao trùm tình cảm với đồng nghiệp với nhân dân thật ấn tượng làm sao. Cám ơn cô giáo làng và cũng cám ơn bút viết của Hương Huyền nha

Hằng Nga
Hằng Nga
1 year ago

Bà giáo vỡ lòng hiện lên đạo đúc cao đẹp của nhà giáo lồng trong phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trung hậu , đảm đang!

Hằng Nga
Hằng Nga
1 year ago

Bài viết chân thực mà vô cùng sâu sắc!

Hoa Lan
Hoa Lan
1 year ago

Đọc bài viết của bạn, tôi cảm nhận như có bóng hình của mẹ tôi trong đó; Tôi càng thêm kính phục sự cao cả của các mẹ trong giai đoạn đất nước còn khó khăn!

bao xuyen
bao xuyen
1 year ago

Mình đọc các bài viết về người mẹ nhưng mình hâm mộ nhất bài viết này. Chúc cho gia đình cô luôn mạnh khỏe,

Hằng
Hằng
1 year ago

Cô giáo đáng kính đầy nghị lực và tình yêu trò vô bờ bến!

59
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx