Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Ngoại tôi

…khoảng sau ngày 23 âm lịch đưa ông Táo xong là lúc ngoại tôi vác cuốc đi tìm các nấm mộ hoang, thấy chưa có ai làm cỏ đắp đất chăm sóc là ngoại sửa sang cho đẹp để đón tết. Ngoại nói: Người ta mất trong chiến tranh thân nhân loạn lạc hoặc hồi đó chôn cất gấp không được chu tất do sợ máy bay bỏ bom. Lâu ngày riết rồi thành các mộ hoang…

Những tia nắng ban mai đầu tiên trong ngày đang vén nhè nhẹ màn sương mỏng còn sót lại của đêm qua, làm phơi lộ ra con đường dài rộng thơm mùi nhựa mới. Chiếc xe như chiều lòng người lao đi vun vút êm ru thẳng tiến về hướng biển thị xã Duyên Hải.

Hôm nay tôi về quê cúng giỗ ngoại. Năm nào cũng vậy, dù công việc bận cỡ nào tôi cũng phải tranh thủ về. Tôi rất thương ngoại, từ lúc ngoại còn sống ở chung nhà, tình cảm ông cháu rất khắng khít. Lúc tôi mới về, xóm ngoại rất vắng người, thưa thớt vài ba nóc nhà. Nghe ngoại kể: Hồi đó xóm này đông người, do hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ người dân chạy giặc bỏ xứ đi nới khác sinh sống. Sau ngày giải phóng 1975 dần dần quay về. Cuộc sống mới bắt đầu ổn định nhưng còn nghèo và hoang sơ.

Ngoai-toi-11
Ngoại tôi

Nhớ thuở ấy, cứ đến ngày tảo mộ, khoảng sau ngày 23 âm lịch đưa ông Táo xong là lúc ngoại tôi vác cuốc đi tìm các nấm mộ hoang, thấy chưa có ai làm cỏ đắp đất chăm sóc là ngoại sửa sang cho đẹp để đón tết. Ngoại nói: Người ta mất trong chiến tranh thân nhân loạn lạc hoặc hồi đó chôn cất gấp không được chu tất do sợ máy bay bỏ bom. Lâu ngày riết rồi thành các mộ hoang. Người bạc phần số không may mất trong hoàn cảnh thiếu thốn, gần tết mà “ở nhà” cỏ mọc um tùm, lâu ngày không sửa lại sẽ thành cái “mả lạng”. Mình còn sống phải làm phước.

Ngoại tôi có lòng thiện tâm. Tôi còn nhớ, ngày xưa nhà ở thưa thớt, đoạn đường xa cỡ trên 4-5 cây số mới có xóm nhà, lại phải đi bộ men lộ cát gặp trời nóng dễ khát nước. Ngoại hướng dẫn anh em chúng tôi hàng ngày chia nhau vệ sinh sạch sẽ gáo múc và xách nước mưa đổ đầy vào lu đem để trước cửa nhà, giúp cho những người đi đường xa khát nước ghé uống rồi nghỉ chân. Có hôm đem nguyên quày chuối chín bói và trái cây trong vườn nhà ra đãi khách bộ hành.

Ở chung với ngoại, tôi biết tính ngoại kỹ lưỡng và cẩn thận. Nhà nền đất, chúng tôi đi chân trần mỗi khi leo lên giường ăn hoặc khi đi ngủ phải phủi chân, bằng cách lấy hai bàn chân chà qua đánh lại cho hết sạch cát đất rồi mới leo lên. Ăn cơm ngồi phải xếp bằng ngay ngắn trên giường tre, khi ăn đũa và vào miệng, đổ cơm phải lượm lên ăn cho hết, chén phải vét sạch. Ngoại nói: “Hạt gạo là hạt ngọc, mình phải quý vì nó đã nuôi sống mình”. Câu nói ấy tôi nằm lòng tới tận bây giờ chưa quên.

Năm tôi 12 tuổi thì ngoại ngã bệnh nằm một chỗ. Thương lắm! Ngoại có 7 người con, dì Hai và dì Sáu mất lúc nhỏ, cậu Út liệt sĩ ngành Bưu điện, cậu Tư, cậu Bảy và dì Năm thì ở xa. Má tôi là con thứ ba về ở chung với ngoại. Nhưng cuộc sống nghèo hàng ngày má phải đi bán bánh tét kiếm gạo. Chỉ có anh em chúng tôi thay phiên chăm sóc ngoại. Lúc bệnh ngoại không ăn uống gì được, ăn gì vào cũng ói ra, chỉ uống mật ong rừng cầm hơi.

Tôi được giao canh chừng pha mật ong đổ cho ngoại. Tuổi nhỏ ham chơi lúc gấp pha ẩu tả rồi đút cho ngoại bằng muỗng cà phê, ngoại nuốt từng giọt, thấy lâu nên tôi đổ gấp làm ngoại sặc. Tôi nhớ như in hình ảnh ngoại cong người lên đau đớn của người bệnh nằm liệt lâu ngày nhưng phải ráng vì cơn ho sặc. Sau này lớn lên tôi mới hiểu, hối hận mà thương ngoại lắm.

Ngoại nằm riết 1 tháng… 2 tháng… 3 tháng… rồi dần kiệt sức, người chỉ còn da bọc xương. Ngoại bảo chắc không kéo dài được nữa.

Từ nhà ngoại đến thị xã Vĩnh Long xa gần 110 cây số. Hồi ấy mỗi ngày chỉ có một chuyến xe đò đi cả ngày mới tới. Vì thế nên xe chở đầy ắp người ngồi chung với các thứ hầm bà lằng, nào là tôm cua, củi bó, dưa hấu, bí đỏ… nói chung xe chở được gì thì cứ chở, thậm chí người đeo theo quanh xe nhìn giống như quày dừa nước. Bởi vậy ngoại bệnh, cũng không ai về thăm được. Đến ngày ngoại gần mất, sao thời may trong Nông trường 30/4 có đoàn dân công từ các huyện trong tỉnh Cửu Long (năm 1992 chia ra 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh) về đóng quân để làm thủy lợi. Má kêu Hai Phúc là đứa cháu rể vào năn nỉ nhờ người ta đánh điện cho cậu Bảy về gấp. Cậu Bảy mần việc ở Ty Bưu điện trên tỉnh. Ngày hôm sau cậu tôi về đến nhà thì ngoại hấp hối rồi qua đời.

Nhân ngày giỗ ngoại, tôi hồi tưởng lại chuyện xưa cùng người thân trong gia đình. Người lớn thì nghẹn ngào ân hận vì không được gần gũi chăm sóc ông do ở xa đầu tắt mặt tối chén cơm manh áo. Các cháu thì tiếc khi sanh ra chưa gặp mặt ngoại để được ông vỗ về yêu thương.

Đám giỗ ngoại cũng là dịp tụ họp gặp nhau trong gia đình để ôn nhắc lại các chuyện xưa nhằm giáo dục thế hệ trẻ sau này biết cội nguồn và các khó khăn vất vả vươn lên của ông bà cha mẹ ngày xưa. Ngoại mất đã 37 năm.

Tấm gương sáng của ngoại không bao giờ tắt trong gia đình tôi.

Trần Văn Thái (Trà Vinh)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

2.3 4 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
3 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Huỳnh Long
Huỳnh Long
1 year ago

Kí ức về ngoại thật đẹp.

hoai thuan dang van
hoai thuan dang van
1 year ago

bình chọn bài ” Ngoại Tôi ” của tác giả : Trần Văn Thái

Thai
Thai
1 year ago

Hồi tưởng về ngoại yêu thương.

3
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx