Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Mùi của thương nhớ

Có những mùi hương làm ta nhớ suốt đời, có những mùi thoảng qua rồi tan biến. Mỗi người ai cũng có một mùi để nhớ. Bởi mùi vị – sự trải nghiệm rất đỗi riêng tư đó thường dẫn dắt ta về miền ký ức nào đó về tuổi thơ, quá khứ hay những khát vọng và ao ước… Còn tôi, mùi hương thương nhớ được nâng niu trong ký ức, đó chính là mùi… mồ hôi của cha.  

Còn nhớ, lúc tôi 10 tuổi, mẹ lúc nào cũng căn dặn: bố làm mộc nào là mùi phay bào, mùn cưa, bụi gỗ bay vào không gian, bám vào mọi thứ, con đừng ôm lúc bố đang làm bởi vì bụi gỗ sẽ dính vào áo quần, chân tay, mặt mũi làm con dơ nghe không!

mui-cua-thuong-nho-01
Gia đình tôi

Thế mà không hiểu sao, mỗi lần đi học về, tôi không vội vào nhà ngay mà liền chạy một mạch ra xưởng mộc để chào bố, mặc trên thân thể bố đầy mồ hôi hay những bụi cưa lấm tấm dính vào tay chân, hay đầy trên ngực trần của bố, tôi vẫn ôm chầm lấy bố. Những hạt mùn cưa li ti quyện vào những giọt mồ hôi bóng loáng như những viên kim cương lấp lánh. Tôi ghì bố thật chặt và hít nhẹ một hơi: Ôi! cái mùi chân chất khi chúng hòa quyện vào nhau tạo ra một mùi vị khó tả! Và mỗi lần như thế, bố cười rồi nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến: – Nhanh vào trong nhà đi con, để bố còn làm!

Tuổi thơ của tôi lớn lên cùng năm tháng tuổi thanh xuân của bố, với thanh âm tiếng đục gỗ, tiếng cưa, tiếng bào của máy móc… nó trở nên rất đỗi thân thương và quen thuộc. Rồi mỗi ngày, tôi đã cảm nhận rõ hơn từng chút, từng chút một sự hy sinh của người. Tôi bắt đầu thấy sự lam lũ, khổ cực của bố mẹ khi gồng mình kiếm tiền để nuôi các anh em tôi đi học.

Dạo ấy, kinh tế gia đình khó khăn lắm, nhà làm nông, ngoài 3 sào lúa trên đồng đợi đến mùa gặt để có gạo ăn, mẹ tôi phải thân cò lặn lội ở chợ quê, bán từng mớ rau, củ đậu… chạy vạy từng bữa cơm; còn bố làm những đồ mộc dân dụng như tủ, bàn ghế, giường, cửa… ai có nhu cầu thì tới tìm đặt và mua, số tiền bán được chẳng khấm khá bao nhiêu, chỉ đủ trang trải gia đình và đóng học phí cho mấy anh em tôi đi học!

Khi đồ gỗ ở quê tôi được mọi người ưa chuộng và sử dụng phổ biến, người dân trong vùng tìm đến gia đình tôi để đặt hàng ngày càng đông, lúc ấy bố làm việc hăng say, chăm chỉ mới kịp hàng. Tình hình kinh tế gia đình được cải thiện, mẹ tôi vui mừng vì có vốn để kinh doanh, mẹ không còn bán rau như trước nữa mà chuyển qua bán các loại chổi đót, thúng nia và các mặt hàng từ mây; còn bố thì đầu tư, sắm sửa thêm máy móc làm mộc. Bên cạnh đó bố còn mua các loại gỗ, nên hàng hóa phong phú, đa dạng mẫu mã, chất liệu đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dân.

Làm ăn phát đạt, bố không cho phép bản thân nghỉ ngơi, có nhiều buổi trưa, bố quên bữa rồi cứ thế hăng say làm việc. Cho đến một ngày, bố ngã bệnh. Bố được mẹ và chú thuê xe chở xuống bệnh viện tỉnh, sau khi được chăm sóc điều trị, bố khỏe lại và trở về làm. Thương bố vất vả, cứ mỗi lần học xong, tôi lại ra xưởng phụ bố, nhưng bố không muốn tôi giúp bất cứ việc gì và nói: bố chỉ muốn con cố gắng học hành cho giỏi, sau này làm cán bộ, đỡ vất vả nhé!

Tính bố tôi ham làm là vậy, dẫu người thân có khuyên nhủ ăn uống điều độ, làm việc có chừng mực, bố đều bỏ ngoài tai. Hơn 30 năm nay bố làm trụ cột cho mẹ và anh em tôi nương tựa. Gia đình tôi có điều kiện đầy đủ hơn, tất cả là nhờ bàn tay bố gây dựng.

mui-cua-thuong-nho-03
Tác giả (bìa trái) và bố (bìa phải) trong một ngày vui của gia đình

Tôi lớn lên rời xa quê hương lên thành phố học tập. Tốt nghiệp ra trường, tôi quyết định ở lại chốn thành thị làm việc và xây dựng tổ ấm cho riêng mình… công việc bận rộn nên tôi ít có thời gian về quê thăm bố.

Mỗi khi nhìn đứa con thơ, tôi cứ nhớ về hình ảnh của tôi những năm xưa đó, được bố hết mực thương yêu nuôi dạy nên người. Những lúc ấy, tôi càng thương bố, hương mồ hôi hòa với mạt cưa của bố chợt ùa về trong ký ức.

Chiều nay, trong lúc tự làm chiếc xe tập đi bằng gỗ cho con, vô tình một lọn dăm bào bay dính vào khóe môi, trong lúc vội lấy ra thì bỗng một mùi hương làm tôi sững lại, thoáng bâng khuâng vài giây, nước mắt tôi rơi. Mùi gỗ của dăm bào dính những giọt mồ hôi lại làm tôi nhớ bố. Tôi tự hỏi đã bao lâu rồi tôi chưa được ôm người!

mui-cua-thuong-nho-02
Tác giả trong một lần làm mộc

Cảm ơn bố vì tất cả! cảm ơn vì những vất vả, hy sinh bố đã âm thầm dành hết cho gia đình, cho con và con viết bài thơ này để thay cho lời con muốn nói, rằng con yêu bố thật nhiều!

Những mũi cưa lặng lẽ xuyên trưa
người đàn ông
đóng từng cánh cửa
mở ra cuộc đời

Những tiếng đục lặng lẽ chẳng nghỉ ngơi
người thợ mộc
dựng khối gỗ bằng khối óc
dẻo đôi bàn tay

Những tiếng bào lặng lẽ xuyên ngày
người thợ mộc
tay cầm máy
bào mòn tuổi xuân

Những tiếng nấc lặng lẽ xuyên đêm
tôi – đứa con trai
gối mình trên nước mắt ướt mềm
nghĩ về bố

Hoàng Đức Tiến (Nha Trang)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

4.3 3 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Mỹ Chi Chi
Mỹ Chi Chi
1 year ago

Mùi của tình thân

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx