Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Mẹ tôi

…tháng nào mẹ cũng cặm cụi viết thư gửi cho tôi đều đặn. Thư mẹ viết rất dài, những đứa mê văn chương như tôi thường rất thích đọc. Những dòng chữ không vô tình tự xích lại gần nhau mà ẩn sâu trong đó là những tình cảm vẹn nguyên, ấp áp, đong đầy yêu thương của một người mẹ dành trọn vẹn cho con.

Một buổi sáng cuối mùa xuân còn hơi se lạnh, ông mặt trời như vừa mới tỉnh giấc khẽ chuyển mình chiếu tia nắng đầu tiên sưởi ấm cho khắp nhân gian. Trên cây nhãn trước nhà, chim chóc ở đâu vui mừng bay về tụ hội hát ca. Nhìn ra xa, tôi bắt gặp hình ảnh chim mẹ đang âu yếm, líu lo đút mồi cho chim con; chim con mừng vui như đang nói lời cảm ơn mẹ từ tận đáy lòng mình. Hình ảnh đáng yêu ấy làm tôi lại nhớ đến mẹ của mình.

‘Mẹ” chỉ một tiếng vang lên nhưng cũng đủ ấm áp, lớn lao trong trái tim của mỗi con người và trong đó có tôi. Mẹ tôi – một người phụ nữ tảo tần, sớm hôm chịu thương chịu khó, vất vả quanh năm. Mẹ sẵn sàng hy sinh để các con có được cuộc sống an vui.

me-toi-01

Nhớ những ngày còn nhỏ, tối đến bên ngọn đèn dầu hoa kì leo lét mẹ dạy cho hai anh em tôi học bài. Khi có “hoa đèn” đỏ rực như hòn lửa thì mẹ lại nói nhà mình sắp có niềm vui lớn. Giọng mẹ trong trẻo, ấm áp dạy tôi đánh vần từng chữ, đôi bàn tay gân guốc hơi xanh xao của mẹ bắt tay tôi viết từng nét chữ đầu tiên. Năm đó tôi mới chập chững bước vào lớp 1 còn bao khờ dại chưa xác định được mục đích của việc học là gì. Cứ mỗi khi tôi ngáp dài, lộ rõ cái cảm giác thèm ngủ của một đứa trẻ thì mẹ lại dịu dàng tiếp thêm năng lượng:

 – Cố lên con! Cố gắng học để sau này con không phải làm ruộng vất vả chân lấm, tay bùn.

Tôi cố mở to đôi mắt và lễ phép đáp lại:

– Vâng ạ!

Nhìn nụ cười hiền hậu của mẹ như đang khích lệ, động viên tôi học cho xong bài để ngày mai tới lớp.

Hôm nào tôi làm xong bài sớm, mẹ lại nằm kể chuyện cổ tích cho tôi nghe. Những câu chuyện li kì, hấp dẫn nhưng giàu giá trị nhân văn cao cả. Nó như một nguồn năng lượng hữu ích vô hình nhen nhóm nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ thuở ấu thơ. Nhớ nhất những buổi trưa hè oi ả nóng bức, mẹ nằm đu đưa trên chiếc võng cót két hát cho tôi nghe những khúc hát ca ngợi về Đảng, về Bác và Cách mạng. Từng ca từ của lời bài hát, cùng với những lời ru trong trẻo của mẹ giúp cho tôi thêm yêu quê hương, yêu đất nước mình nhiều hơn, biết tự hào về các thế hệ cha ông đi trước đã đổ biết bao xương máu để đất nước được hòa bình. Tất cả đã thắp lên ngọn lửa yêu Tổ quốc và lòng căm thù giặc trong tôi từ khi nào tôi cũng không nhớ nổi.

Những ngày đầu tiên tôi bước vào Đại học, tôi khóc sưng mắt vì nhớ nhà, nhớ mẹ. Nhớ giọng nói ấm áp và nhớ cả những bước chân trần không dép của mẹ. Nhớ lắm những câu chuyện cổ nước ta mà mẹ thường hay kể cho tôi nghe trong cuộc sống thường nhật. Suốt ngày mẹ chăm chỉ làm việc bên ruộng vườn để tăng thu nhập cho gia đình. Những giọt mồ hôi lấm tấm rơi như làm co cả vạt áo của mẹ nhưng mẹ vẫn luôn mỉm cười hạnh phúc. Tôi không thể nào quên được những quả trứng hồng mà mẹ đã bòn góp dành dụm, mẹ không dám ăn cứ nói đổ “mẹ phải kiêng trứng” nhưng thực ra mẹ muốn tẩm bổ cho tôi . Mẹ ăn mặc rất giản dị, không có sở thích mua sắm cho riêng mình. Chiếc áo hoa cũ bạc màu, còn có cả vài mụn vá mà mẹ thường hay mặc hình như nó cũng gần trạc tuổi tôi. Dù có gian nan, vất vả nhưng chẳng bao giờ mẹ phàn nàn hay than trách.

Có lẽ, mẹ là người thương yêu tôi nhiều nhất, tháng nào mẹ cũng cặm cụi viết thư gửi cho tôi đều đặn. Thư mẹ viết rất dài, những đứa mê văn chương như tôi thường rất thích đọc. Những dòng chữ không vô tình tự xích lại gần nhau mà ẩn sâu trong đó là những tình cảm vẹn nguyên, ấp áp, đong đầy yêu thương của một người mẹ dành trọn vẹn cho con. Tuy xa mẹ nhưng tôi luôn có cảm giác mẹ luôn ở bên cạnh  quan tâm, sẻ chia, động viên và khích lệ tôi học tập. Cảm động hơn cả là dòng tái bút của mỗi bức thư đều giống nhau: “Cả nhà vẫn khỏe, con yên tâm nhé ! Con nhớ ăn uống đầy đủ, chịu khó học hành. Hễ hết tiền nhớ điện về mẹ sẽ gửi cho con”. Nghe đứa em họ nói tôi mới biết mẹ bị ốm nặng nhưng mẹ vẫn cố giấu tôi không nói trong thư.

Được nghỉ lễ tôi trở về thăm nhà, ngồi trên xe mà lòng háo hức chờ đợi phút giây được gặp lại mẹ đang đến thật gần. Khi tôi bước chân về tới đầu làng, tôi đã nhìn thấy bóng cái nón lá của mẹ đang nhấp nhô trên thửa ruộng nhà mình, tôi vui mừng hét lên:

– Mẹ ơi! con về rồi!

Mẹ tôi vội vàng ngẩng đầu lên, lấy tay gạt nhanh những giọt mồ hôi đang lấm tấm vướng gần mi mắt và reo vui:

– A! Huyền đã về đấy hả con?

Những bước chân của mẹ nhanh thoăn thoắt, mẹ chạy lại gần xách ngay cái ba lô nặng nhất cho tôi. Mẹ không ôm tôi vào lòng như thói quen của các bà mẹ ở thị thành dành cho con mình sau nhiều ngày xa cách. Nhưng nhìn ánh mắt mừng vui, cùng giọng nói như hơi nhịu đi của mẹ cũng đủ để cho tôi cảm nhận được tình yêu thương đong đầy, ấm áp đó còn  lớn  hơn cả những cái ôm siết chặt.

Cứ sau mỗi kì nghỉ, chuẩn bị trở lại trường học là những bước chân của tôi nặng nề, bịn rịn thật khó tả.  Số tiền mẹ cho tôi mang theo bao giờ cũng đủ các chủng loại: từ tờ tiền lẻ đến tờ tiền chẵn, từ tờ tiền giấy một nghìn, hai nghìn, năm nghìn, mười nghìn… đủ cả. Đó là những đồng tiền mẹ tôi chắt chiu, dành dụm từ nhiều ngày trước đó. Tiền lẻ mà mẹ có được là nhờ bán những mớ rau, quả ổi hay mấy quả chanh phía trước nhà. Còn tiền chẵn chắc mẹ tôi bán gà, bán lợn hay bán cả thóc mới có được. Những đồng tiền tôi cầm trên tay, mẹ đã phải đánh đổi biết bao giọt mồ hôi và công sức. Dù không nói ra thành lời nhưng trong lòng tôi luôn ghi nhớ công ơn của mẹ.

Thời gian trôi đi như một bánh xe vô hình, tôi cũng ra trường và lập gia đình ở một nơi xa quê hương. Cho dù tôi đã trở thành một viên chức, một người vợ, người mẹ của hai đứa con nhưng trong mắt mẹ, tôi luôn là một đứa trẻ cần phải quan tâm, dặn dò. Cứ mỗi khi cái rét đầu đông đang mon men tới gần, mẹ lại gọi điện dặn dò tôi từng li từng tí. Câu cuối bao giờ mẹ cũng hỏi “Khi trái gió trở trời, cái chân của con có còn đau như trước nữa không?”. Tôi cười lớn đáp lại để mẹ được yên tâm rằng tôi đang rất ổn và khỏe mạnh.

Cuộc sống áo cơm khiến cho con người ta trở nên tất bật, vội vã; nó lấn át cả thời gian dành cho cha mẹ, người thân. Mọi thứ hoạt động giống như một guồng quay đều đặn và không có cách gì để làm thay đổi nó.

Đã có lúc, tôi nhận ra con đường đời không mấy bằng phẳng như con đường nhựa hay con đường bê tông mà con người đã đổ sẵn. Đôi bàn tay ta có khi được chạm vào cánh hoa hồng mịn màng, hít một hơi thở thật sâu để cảm nhận được hương thơm thật quyến rũ của cuộc đời nhưng cũng có khi vô tình chạm phải gai làm ta rỉ máu. Dòng đời có muôn màu, đa sắc, không chỉ có màu hồng của niềm vui mà đan xen vào đó là sự u tịch của tranh giành, giả tạo, thị phi… đều có cả. Khi ấy, tôi lại thèm cái cảm giác được ở bên mẹ, nhẹ nhàng gục vào vai nghe từng hơi thở của mẹ để đón nhận cái gọi là “bình yên” nhất. Bởi mẹ sẽ sẵn sàng nấu cho tôi món ăn tôi thích, sẽ động viên tôi mỗi khi tôi gặp khó khăn.

Để rồi một ngày nhìn lên mái tóc mẹ đã pha sương trắng xóa, màu tóc đen mẹ nhượng lại trọn vẹn cho các con, các cháu. Cảm xúc trong lòng một đứa con như tôi lại chùng xuống để lắng sâu suy cảm và khắc chạm vào tim mình lòng biết ơn chân thành về mẹ.. Hãy cố gắng sống tốt như lời mẹ dặn và mang lại niềm vui cho các con giống như mẹ.

Trần Thị Huyền (Nam Định)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

0 0 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx