Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Mẹ là tất cả đời con!

…Tôi không thể nào quên những khoảnh khắc Mẹ đổ bánh xèo bên chái bếp. Hình ảnh tám anh chị em tôi xúm xít quanh Mẹ với đôi mắt đứa nào đứa nấy hong hóng trông bánh chín. Cứ cho bột vào chảo nghe cái “xèo”, đợi một lúc lấy nắp vung ra là chiếc bánh nóng hổi, vàng ửng, giòn tan, thơm lừng, cả lũ anh em tôi tranh nhau xé bánh cái tẹt là hết. Mẹ đổ bánh không kịp cho đàn con đông đúc. Bánh xèo của Mẹ chỉ đơn giản với bột gạo nhà xay tay, đậu xanh trong vườn Mẹ trồng và một tí mỡ heo. Ấy vậy mà thơm ngon biết nhường nào!

“Mỗi mùa xuân sang Mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa Mẹ càng gần…”

Ai trong mỗi chúng ta cũng đều nghe những ca từ ấy. Và không có niềm vui sướng hạnh phúc nào bằng khi ta còn Mẹ. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ mà tạo hóa mang đến cho mỗi người. Có những lúc, tôi cứ tưởng cuộc đời là dấu chấm hết, là ngõ tối đường cùng. Nhưng không, với tôi chỉ cần có Mẹ là có những tháng ngày tươi đẹp, tương lai tươi sáng, con đường rộng mở phía trước.

me-la-tat-ca-doi-con-01

Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên đi học. Lúc ấy, trong mắt tôi mọi thứ đều xa lạ. Tôi khép nép sau lưng Mẹ, không chịu bước vào lớp, cô giáo bước ra đón, Mẹ nắm tay tôi trao cho cô. Tôi òa khóc, tay dụi đỏ mắt bước vào lớp học. Thỉnh thoảng, tôi nhìn qua cửa sổ còn thơm mùi sơn xanh mới quét, vẫn thấy Mẹ còn đứng đó xem tôi học. Chiếc nón lá cũ, chiếc áo bà ba bạc màu càng tăng thêm vẻ khắc khổ ngược xuôi của người Mẹ quê tảo tần.

Mỗi khi ba tháng hè kết thúc, Mẹ lại chạy ngược xuôi lo tiền học phí xây dựng cho anh chị em tôi. Vì gia đình đông con nên chúng tôi không được miễn giảm tiền trường. Ngoài công việc đồng áng, Mẹ còn đến từng nhà bà con cô bác mua manh (manh được đan bằng sợi dây bàng – một loại cây thân xanh tròn bằng chiếc đũa cao khoảng một mét, mọc vùng nước phèn). Nhiều hôm sau khi tan học, chị Hai, chị Ba được Mẹ giao nhiệm vụ đi gom manh về để Mẹ đóng kiện giao cho bạn hàng. Một  lần, tôi nghe một cán bộ y tế hỏi Mẹ “Sao anh chị sinh chi đông con để giờ cho khổ cực vậy?”. Mẹ chỉ cười cười “trời sanh voi sanh cỏ, với lại bà nội tụi nhỏ chỉ có mình Ba nó, hai bác nó đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ rồi. Nội sắp nhỏ bảo đông con cho vui nhà vui cửa”. Quả thật nhà tôi rất vui! Thời kỳ ăn không đủ no, áo không đủ mặc ấy Mẹ vẫn nuôi dưỡng anh chị em tôi ăn học nên người. Cả nhà thường quây quần bên nồi cơm số 7. Bữa cơm đơn giản chỉ cây nhà lá vườn, cá mắm theo mùa mà luôn vui vẻ.

 …Tôi không thể nào quên những khoảnh khắc Mẹ đổ bánh xèo bên chái bếp. Hình ảnh tám anh chị em tôi xúm xít quanh Mẹ với đôi mắt đứa nào đứa nấy hong hóng trông bánh chín. Cứ cho bột vào chảo nghe cái “xèo”, đợi một lúc lấy nắp vung ra là chiếc bánh nóng hổi, vàng ửng, giòn tan, thơm lừng, cả lũ anh em tôi tranh nhau xé bánh cái tẹt là hết. Mẹ đổ bánh không kịp cho đàn con đông đúc. Bánh xèo của Mẹ chỉ đơn giản với bột gạo nhà xay tay, đậu xanh trong vườn Mẹ trồng và một tí mỡ heo. Ấy vậy mà thơm ngon biết nhường nào!

Những năm 1985-1986, xã Mỹ Hạnh Nam huyện Đức Hòa tỉnh Long An là vùng chuyên canh cây đậu phộng. Người dân trồng rồi bán hết cho Hợp tác xã. Lúc chính vụ sản lượng rất cao, từ nguồn nông sản dồi dào đó, Mẹ đã mạnh dạn đi vay mượn tiền làm vốn thu mua nguồn đậu phộng từ hợp tác xã. Mỗi ngày Mẹ đều nhận giá từ bạn hàng đầu mối rồi tiến hành đánh độ đậu (ví dụ đậu 6 phân, 7 phân …) để ra giá thu mua. Lúc đó, Mẹ chỉ làm trung gian, mua ở hợp tác xã và bán trực tiếp cho bạn hàng đầu mối có xe đến chở. Hợp tác xã bán ra bao nhiêu Mẹ đứng ra thu mua hết và bán lại.

Công việc làm ăn đang tiến triển thì bỗng một ngày Mẹ bị đoàn kiểm tra liên ngành đọc lệnh bắt giam vì buôn bán không hóa đơn chứng từ hợp pháp. Ngày người ta đọc lệnh bắt không chỉ Mẹ bất ngờ mà cả anh chị em tôi. Trước mắt chúng tôi, người đọc biên bản “lệnh bắt giam” dõng dạc xen lẫn vào đó là những tiếng khóc uất nghẹn, tiếng van xin nài nỉ của chị Hai, chị Ba, anh Tư tôi, và tiếng khóc đòi Mẹ của những đứa nhỏ như tôi… Mẹ ôm chặt anh chị em tôi vào lòng, nghẹn cuống họng “Tụi con ở nhà nghe lời bà Nội với Ba, cố gắng học hành, Mẹ đi rồi về sớm với tụi con”. Rồi Mẹ vội quay mặt đi, bước chân nặng nề, Mẹ kéo vạt áo chặm lên má cố ngăn dòng lệ. Chiếc xe khuất dần cuốn theo bụi mù đường đất, bỏ lại những ánh mắt ngóng theo của anh chị em tôi.

Cuộc sống không có Mẹ dẫu khó khăn, thiếu thốn tình thương của Mẹ nhưng anh chị em tôi tự bảo ban nhau ngoan ngoãn, chăm học thật giỏi để đợi ngày Mẹ về. Còn nhớ, có lần Ba chở anh Bảy tôi đến trại giam thăm Mẹ. Lúc ra về, anh tôi không chịu về mà khóc xin chú quản trại giam “chú ơi! cho con ở lại, con muốn ở tù với Mẹ con!”. Nước mắt Mẹ rơi ròng ròng, Mẹ phải dỗ dành mãi anh tôi mới chịu về.

Vì là dân lao động chân tay nên Mẹ nhanh chóng quen với những công việc trong trại giam. Mẹ cải tạo tốt, được ra tù trước thời hạn. Ngày về, Mẹ ốm đi trông thấy. Chiếc áo nâu sờn vai, tóc cắt ngắn, hai má hóp vào, hai bàn tay chai sạn. Mẹ ôm anh em tôi vào lòng vui cười sung sướng nhưng nước mắt từ đâu cứ tuôn dài trên má Mẹ.

Trở lại cuộc sống thường ngày với tất cả công việc làm ăn bị đình trệ nhưng Mẹ không hề nản chí. Rút kinh nghiệm từ sự thất bại lần trước, Mẹ lại làm lại từ đầu. Lần này, Mẹ đến từng nhà dân để hỏi thăm thu mua đậu phộng. Mỗi ngày, từ sáng tinh mơ tôi đã thấy Mẹ chuẩn bị cơm nước xong. Mẹ chất lên yên xe honda 67 những chiếc bao bố to cao ngang vai người ngồi sau. Tất cả đã sẵn sàng cho một ngày vất vả bận rộn của Mẹ. Mẹ bảo rằng, những ngày đầu về làm dâu được bà Nội tôi chỉ dạy cho Mẹ cách ra ngoài buôn bán làm ăn, cách Mẹ mua manh, dù manh thu gom về, có khi đóng kiện rồi bán cho đầu mối rớt giá không có lời, nhưng Mẹ vẫn trả theo đúng như giá đã chào mua ban đầu. Chính việc luôn giữ uy tín trong làm ăn đã giúp Mẹ rất nhiều trong lần trở lại này. Mẹ kể thêm, khi đến nhà vườn nào đó mua đậu phộng thì những nhà vườn kế bên họ cũng thường qua kêu Mẹ tôi sang cân đậu của họ. Những bà con nhà vườn lấy chiếc nón lá cầm trên tay, vừa ngoắc ngoắc vừa kêu lớn “Hoa Đẹp! Hoa Đẹp! vô tui bán đậu nè” tôi lấy làm thắc mắc “Sao nhiều nhà vườn kêu Mẹ cân đậu của họ vậy?”. Mẹ chỉ bảo “Mình buôn bán lấy chữ tín làm đầu, nhiều khi con mua giá cao hơn thương lái khác chưa chắc người ta(nhà vườn) bán cho mình. Mình phải cân và mua đúng giá đó con, dù giá cả thành phẩm có lên xuống thì mình phải giữ uy tín để sang năm người ta còn bán đậu cho mình nữa”. Đến đây tôi mới hiểu vì sao nhà vườn ai ai cũng muốn bán đậu phộng cho Mẹ tôi.

Dù cuộc sống kinh tế gia đình được cải thiện nhưng Mẹ vẫn luôn tự tay làm kẹo đậu phộng ngày Tết cho anh chị em tôi. Dẫu những viên kẹo ấy không cầu kỳ sắc nét như ngoài chợ nhưng nó chứa đựng tình thương của Mẹ. Từ cách Mẹ lựa từng hạt đậu sâu hạt lép, đến cách Mẹ sên đường cho dậy mùi, cả thảy đều gói gọn tình yêu thương anh chị em tôi vào đó. Mẹ thường hay bảo anh chị em tôi rằng những hạt đậu phộng đã cùng đồng hành với Mẹ suốt cả thanh xuân. Nhờ có đậu phộng mà anh chị em tôi được ăn học thành tài. Nhờ có đậu phộng mà những ngày Tết xưa ấy cả nhà không còn phải ăn vỏ dưa hấu muối chua. Nhờ đậu phộng mà anh chị em tôi có được quần áo mới, dép mới để chạy khoe cùng lũ bạn khắp xóm.

Những câu chuyện của Mẹ, những bài học từ trường đời của Mẹ luôn là hành trang quý báu để anh chị em tôi vững bước trong cuộc sống. Tôi thấy mình thật may mắn khi có Mẹ và mình phải trân trọng những gì mình đang có. Tôi chợt nhớ lời hát ru năm xưa của Mẹ “Gió mùa thu Mẹ ru mà con ngủ, năm canh chày, là năm canh chày thức đủ vừa năm…”.

Mẹ chính là tất cả đời con!

Thi Hoàng Khiêm (Long An)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

4 3 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx