Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Mẹ là nguồn cội

Hàng ngày mẹ gói bánh tét đem qua trại giam tù gần cạnh bên nhà bán, hôm nào ế thì chúng tôi được nhờ. Mỗi đứa mẹ phát cho một khoanh bánh ăn, anh em chúng tôi ăn ngon lành, cười khoái chí. Nhìn chúng tôi ăn nét mặt mẹ vui nhưng đâu biết lòng mẹ lo, kiểu này kéo dài thì đứt vốn.

Tháng năm, khi cơn mưa bắt đầu rơi lác đác vài hạt, cũng làm vừa đủ mát xoa dịu đi cái nắng chói chang của ngày hạ. Con đường như sạch bóng hơn, đen láng thơm mùi nhựa mới chạy dọc từ thành phố Trà Vinh đến trung tâm thị xã Duyên Hải. Về quê thăm mẹ lần này cũng như bao lần trước, nhưng nay tôi thấy người có gì như khác lạ. Xuôi dòng suy nghĩ trên con đường xe chạy như êm, trí nhớ trong tôi bắt đầu quay ngược hoài niệm thuở thiếu thời còn sống chung gia đình: Mẹ và ba anh em tôi.

Me-la-nguon-coi-02

Khi ấy tôi chừng 3-4 tuổi. Do mâu thuẫn giữa mẹ với các con riêng của ba nên mẹ buồn, mẹ dẫn anh em chúng tôi về quê ngoại sống. Những ngày đầu cực khổ lắm, nhà ngoại nghèo, gạo không có đủ để ăn phải ăn độn củ khoai, củ mì thay cơm, có bữa đỡ hơn thì ăn cháo nấu loãng chung với khoai. Chúng tôi còn nhỏ ăn riết sanh ngán, đứa nào đứa nấy hình vóc ốm nhom ốm nhách, nước da vàng ẻo. Nhưng biết làm sao được. Hàng ngày mẹ gói bánh tét đem qua trại giam tù gần cạnh bên nhà bán, hôm nào ế thì chúng tôi được nhờ. Mỗi đứa mẹ phát cho một khoanh bánh ăn, anh em chúng tôi ăn ngon lành, cười khoái chí. Nhìn chúng tôi ăn nét mặt mẹ vui nhưng đâu biết lòng mẹ lo, kiểu này kéo dài thì đứt vốn. Gia đình chúng tôi sống nhờ vào gánh bánh tét của mẹ. Nhà không có đất ruộng với lại vùng đất quê ngoại nước mặn mãn năm, xung quanh nhà toàn là rừng chưa khai phá do nhà nước quản lý. Dân cư thưa thớt, bánh bán được là nhờ vào người ở trong nhà trại.

Ngày qua ngày chúng tôi lớn lên. Xóm tôi bắt đầu có nhiều người về ở đông hơn. Nông trường 30/4 khai phá đón các gia đình về đây xây dựng vùng kinh tế mới. Trại tù họ cũng dời ra tuốt ngoài rừng thuộc vùng Rạch Nò. Mẹ tôi bắt đầu đi bán xa, đường đi vất vả. Có bữa gặp trời mưa lớn ở giữa rừng mẹ tìm gốc cây mắm to vào đụt đỡ, tạnh bớt mưa rồi đi tiếp. Có hôm chờ hoài không ngớt mưa, mẹ nóng lòng  đội mưa đi vì sợ ế bánh bán không kịp giờ tập trung tù vào trại là khỏi bán. Mẹ đi qua cầu trơn trượt bị té, quăng nguyên gánh bánh xuống con rạch sâu. Cả vốn liếng là gia tài của gia đình tôi coi như bị “Bà thủy” ăn hết. Mẹ phải đi hỏi mượn tiền tháng của bà Tám hàng xóm để có tiền xoay sở cho gánh bánh tét tiếp tục bán.

Mẹ ngoài đi bán còn phải đi chợ Bến Giá mua nếp và các phụ liệu để làm bánh. Hôm nào hết sớm thì đỡ, còn hết trễ thì mẹ tôi mệt lắm. Tối phải ngồi gói bánh thức khuya đến 1-2 giờ sáng canh bánh chín vớt ra treo trên xuyên nhà rồi mới được đi ngủ. Sáng 5 giờ là dậy, mẹ kêu chúng tôi làm bài xong sửa soạn đi học.

Hồi đó tôi và anh tôi học cùng lớp 5 phải đi xuống tận xã Long Toàn mới có trường. Đoạn đường xa gần 5 cây số. Lộ toàn đá xanh, cục bự chà bá chông chênh nhấp nhô nằm ở giữa đường, hai bên là lối mòn cho người đi bộ. Hôm nào đi sớm trời còn mờ sương không thấy đường, chân trần không mang dép đạp phải cạnh đá đau điếng. Học hết cấp 1, sang lớp 6. Anh tôi vì lớn tuổi, không còn phù hợp với trường phổ thông nên xin chuyển trường qua học Bổ túc tại huyện. Thằng em Út bắt đầu vào lớp 1 học trường Long Toàn B cách nhà hơn 3 cây số cũng tự đi đến lớp. Hồi đó thương nhau lắm, nhưng mỗi đứa phải tự thân vận động mà vươn lên.

Me-la-nguon-coi-01

Khó khăn bắt đầu chồng chất trên lưng Mẹ tôi khi trại tù chuyển đi nơi khác rất xa. Không còn chỗ bán bánh tét nữa, Mẹ tôi thất nghiệp. Rồi Mẹ làm đủ thứ nghề. Từ đi vào rừng đốn củi bị kiến vàng cắn thành ghẻ lở khắp mình sanh bệnh, đến đi chằm lá mướn, đào khoai…Và một thời khắc đánh dấu đáng nhớ cho gia đình tôi. Mẹ được người giới thiệu vào làm công nhân Nông trường 30/4. Từ đây chúng tôi sống đỡ hơn, có gạo ăn, thịt heo theo chế độ được lãnh hàng tháng. Nhưng bù lại mẹ tôi tuổi ngoài 50 phải đi đào đất, phá rừng đắp mương dừa. Sáng đi học trưa về tôi và anh phải ra phụ mẹ để hoàn thành phần đất khoán. Hôm nào anh em tôi về trễ mẹ làm một mình. Mẹ gánh vác để cho chúng tôi duy trì việc học trong hoàn cảnh cơ cực đó.

Đến tuổi trưởng thành, anh tôi không đi học tiếp mà đi tìm việc kiếm tiền phụ mẹ để nuôi tôi tiếp tục học lên cao hơn. Tôi vào học trường Công nhân Bưu điện 3 tận bên Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang. Ra trường về nhận việc ở Công ty Điện Báo Điện thoại Vĩnh Long. Có việc làm ổn định thì anh tôi lấy vợ. Tôi thay anh phụ mẹ nuôi đứa Út đi học cho tới ngày ra trường xin được việc làm. Vậy đấy, cứ thay nhau người làm anh cùng với mẹ nuôi em ăn học tới nơi tới chốn.

Tháng ngày dần trôi. Anh em tôi bây giờ cuộc sống không còn cơ cực như trước. Mẹ chắc cũng mãn nguyện phần nào vui cho anh em chúng tôi. Mỗi đứa đều có gia đình riêng sống đủ ăn hạnh phúc. Mỗi khi tụ họp lại, chúng tôi thường kể chuyện ngày xưa, mẹ cực khổ nuôi ba anh em, cho ăn học tới nơi tới chốn. Đây cũng là dịp để giáo dục các con cháu trong gia đình, dù khó khăn cách mấy anh em trong gia đình cũng phải biết đoàn kết giúp đỡ cùng nhau vượt qua khó khăn để vươn lên.

Me-la-nguon-coi-03

Xe dừng lại trước cửa nhà mẹ hồi nào không hay. Nơi đây tôi sống và lớn lên, nơi chan chứa buồn vui của gia đình, nơi bảo bọc ân tình kỷ niệm thời thơ ấu. Bước vào chào hỏi cả nhà xong rồi đến bên mẹ, tôi thưa mẹ hai tay cầm quyển tập thơ của tôi vừa mới xuất bản tặng mẹ. Đây là những bài thơ tôi viết về Mẹ và Quê hương. Từng con chữ trong tập thơ tôi là lời tri ơn chân tình đến Mẹ. Người đã chắt chiu làm đủ thứ nghề để đổi lấy chén cơm, tấm áo, nuôi anh em tôi khôn lớn. Mẹ cầm tập thơ lên đánh vần “thờ… ơ… thơ… MẸ LÀ NGUỒN CỘI”. Mẹ nhìn mắt như sáng hơn, nụ cười rạng rỡ của người đã qua tuổi 87. Mẹ dò hỏi: “Mầy bận rày bày đặt mần thơ nữa hả Thái? Còn nghề Bưu điện leo cột đèn của mầy sao rồi”. Tôi thường dấu mẹ, không để cho mẹ biết công việc mới cũng như những chuyện buồn, chỉ nói là đang làm công việc cũ vẫn bình thường, để mẹ khỏi phải lo. Trong thâm tâm tôi lúc nào cũng muốn mẹ xem tôi như là đứa con nhà nghèo ham học của ngày xưa. Bởi vì tôi sống từ thiếu thốn mà nên. Trải qua khó khăn phấn đấu, nhẫn nại. Tôi nhớ mãi không quên gia đình tôi những ngày khó khăn vất vả.

TP. Trà Vinh 25/05/2021

Trần Văn Thái ( VNPT – Vinaphone Trà Vinh)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

4.2 5 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
12 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Nguyễn Dương
Nguyễn Dương
2 years ago

Bài viết hay quá chú… xúc động lắm chú…

Nguyễn Văn Nghiêm
Nguyễn Văn Nghiêm
2 years ago

Thật sâu lắng và chân thật qua từng lời kể

Duy Thien
Duy Thien
2 years ago

Thật cảm động, câu chử chân thật đậm chất nam bô

Thanh Nguyen
Thanh Nguyen
2 years ago

Người Mẹ trên cả tuyệt vời, cám ơn tác giả

Văn Trường
Văn Trường
2 years ago

Truyền cảm quá luôn. Triệu like

Sương Mai
Sương Mai
2 years ago

Bài viết hay quá, xúc động

Hoàng Thị Tuấn Hương
Hoàng Thị Tuấn Hương
2 years ago

Em làm thơ hay mà viết văn rất chân thật. Chị chúc mừng em. Chị cảm phục mẹ em rất nhiều. Một người mẹ chịu thương, chịu khó nuôi các con ăn học thành người. Con kính chúc mẹ truòng thọ, mạnh khỏe ak

Phú Cường
Phú Cường
2 years ago

Chúc mừng gia đình a Thái ! Chúc cả gia đình nhiều sức khoẻ. Chúc Má thọ 110 tuổi !

nguyễn tâm
nguyễn tâm
2 years ago

chúc chú đoạt giải

Huỳnh Long
Huỳnh Long
2 years ago

Chúc mừng em.

12
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx