Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Mẹ chồng con dâu

Sau đám hỏi, mẹ tôi bị bệnh đa nhân cách, lúc bấy giờ dân gian gọi là ma nhập. Thường xuyên chửi bới, la lối, không chịu ăn uống,.. bệnh càng lúc càng nặng, đến ngày cưới hai chân yếu, đi không được. Ông bà ngoại chủ động từ hôn, trả lại sính lễ gấp đôi theo luật tục lúc bấy giờ. Bà nội tôi dứt khoát không chịu. Bà nói, mẹ tôi đã gọi bà bằng mẹ thì đã là người của nhà họ Phạm. Nếu không hết bệnh thì nương thân nơi mộ phần nhà họ Phạm.

Sau 5 năm hưởng ứng chính sách của Nhà nước, khai hoang trồng lúa ở vùng tứ giác Long Xuyên. Cuối thập niên năm mươi của thế kỷ trước, nhà nội, nhà ngoại tôi từ hàng tá điền không có “cục đất chọi chim“, trở thành hàng gia thế, ruộng trăm, lúa ngàn .

Mùa xuân năm Canh Tý 1960, bà nội hỏi cưới mẹ tôi là con gái út của ông bà ngoại, cho ba tôi là con trai trưởng của bà. Đám hỏi diễn ra rất long trọng. Nhà trai đến nhà gái bằng tàu máy. Sính lễ được đựng trong những những cái hộp gỗ, cái khay, cái mâm… truyền thống, phủ vải đỏ tươm tất. Thanh niên họ nhà trai bưng mâm sính lễ đều mặc lễ phục áo dài khăn đóng. Hứa hẹn một hôn nhân hạnh phúc, thịnh vượng.

me-chong-con-dau-02

Sau đám hỏi, mẹ tôi bị bệnh đa nhân cách, lúc bấy giờ dân gian gọi là ma nhập. Thường xuyên, chửi bới, la lối, không chịu ăn uống… bệnh càng lúc càng nặng, đến ngày cưới hai chân yếu, đi không được. Ông bà ngoại chủ động từ hôn, trả lại sính lễ gấp đôi theo luật tục lúc bấy giờ. Bà nội tôi dứt khoát không chịu. Bà nói, mẹ tôi đã gọi bà bằng mẹ thì đã là người của nhà họ Phạm. Nếu không hết bệnh thì nương thân nơi mộ phần nhà họ Phạm.

Ngày đón dâu, cả hai nhà không tổ chức đám cưới, họ nội tôi đến nhà ngoại làm lễ. Cậu hai dìu mẹ tôi từng bước ra trước bàn thờ. Mẹ tôi chỉ còn sức một tay bám vào anh, một tay bám vào chồng, cúi đầu chào ông bà tổ tiên. Hai người dìu cô dâu nhẹ nhàng từng bước ra khỏi nhà, về nhà chồng . Chưa ra khỏi cửa chính, cô dâu không bước được nữa, ngã quỵ. Chú rể phải ẵm cô dâu xuống ghe tam bản đưa về nhà mình, giống như đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Ông ngoại, bà ngoại, cậu hai… nhiều người sụt sùi. Bà nội vẫn thản nhiên, nói nhỏ nhưng rõ ràng từng tiếng một : “Anh chị sui đừng lo, tôi sẽ chạy chữa cho con hết bệnh. Sau này chúng nó sẽ có con đàn, mình sẽ có cháu đống, chúng ta hãy tin như vậy”. Tôi là sản phẩm đầu tiên của đạo lý, tình yêu, niềm tin, lòng vị tha cao cả đó.

Bà ngoại tôi hay kể chuyện mẹ tôi xuất giá cho chúng tôi nghe như sợ chúng tôi quên vậy. Lần nào, ngoại cũng đưa khăn lên dụi mắt.

Ba tôi cả đời chăm chỉ làm việc, không rượu, không trà, không cà phê, không thuốc lá ,… cả đời chỉ lo cho con ăn học và cuối cùng là cái chết hy hữu khi bà nội vừa vào tuổi 75. Sau cái chết bất ngờ của ba, nội suy sụp cả tinh thần lẫn thể xác. Mặc dù ra ở riêng đã lâu, mẹ tôi đón bà về nhà mình chăm sóc những năm cuối đời.

Thông qua cầu truyền hình, trống hội Thăng Long đang vang lên giục giã đón chào một thiên niên kỷ mới. Trong thời khắc thiêng liêng đó, tôi có nhiều lời nguyện cầu. Tôi cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, quê hương không còn thiên tai lũ lụt, quốc thới dân an. Kế tiếp là lời nguyện cầu cho bà nội tôi được tăng long phước thọ, sức khỏe dồi dào, tinh thần minh mẫn, sống vài chục năm trong thiên niên kỷ mới tự do, bình đẳng, hạnh phúc. Nhưng đến cuối năm thì bà tôi qua đời đang tuổi 86, bởi một cơn đột qụy, trong vòng tay ấm áp của mẹ tôi .

Mấy năm gần đây, gia đình đứa cháu nội có bổn phận thờ cúng ông bà không có việc làm tại địa phương, nên cả gia đình em tôi phải đi Bình Dương làm công nhân. Ngày giỗ, ngày tết các em mới về làm đám, cúng kiếng ông bà. Thường ngày nhà nội phải đóng cửa.

Mẹ tôi đã già yếu không tự đi được ra nhà nội, không còn sức lực để đến chăm sóc và thắp hương cho ông bà. Mẹ đau lòng lắm. Mẹ không trách em, thương em nghèo khó phải tha hương mưu sinh, khuyên chúng tôi, nếu có điều kiện thì giúp em. Mẹ bảo chúng tôi phải giữ sáng đèn trên bàn thờ ông bà và hãy đến thắp hương khi có thể. Mỗi lần nhắc đến việc đó, mẹ luôn rưng rưng hai hàng nước mắt.

Những ngày giáp tết Tân Sửu vừa qua, sức khỏe của mẹ kém dần, các cơn ho co thắt phế quản làm cho chứng suy tim độ ba nặng thêm, huyết áp không ổn định. Chúng tôi tranh thủ về nhà mẹ ăn tết sớm. Nói với mẹ là tiếp nhau chuẩn bị nhà cửa, cúng rước ông bà về ăn tết, nhưng thực tế là chuẩn bị tinh thần đón tết cùng mẹ trong bệnh viện.

Suốt đêm 27 rạng sáng 28 (ngày gia đình chúng tôi cúng rước ông bà), mẹ không ngủ được, một phần vì ho, vì mệt nhưng phần lớn vì mẹ lo cho gia đình đứa em ở Bình Dương đang trong khu phong tỏa, mẹ lo nhà nội đóng cửa, con cháu không vào lễ tết được.

Đang nhỏ nhẹ nói với tôi những điều lo nghĩ, mẹ bỗng dưng nức nở. “Mẹ tôi là người tốt, hiền lành. Vất vả cả đời, mắc quả gì mà phải cô quạnh như vầy hỡi trời …” Tôi hiểu ra, bảo mẹ an tâm nghỉ ngơi, các con sẽ sửa soạn nhà nội, ông bà sẽ có tết như mọi năm.

Chúng tôi tức tốc bảo nhau ra nhà nội, quét dọn, lau chùi, trang trí bàn thờ, trang hoàng nhà cửa đèn hoa như bên nhà mẹ. Buổi chiều, làm thêm một mâm cơm rước ông bà đặt lên bàn thờ. Sau khi cúng rước ông bà ở nhà mẹ xong, chúng tôi đưa mẹ qua để mẹ vái cúng ông bà nội. Mẹ tôi tươi tỉnh, khỏe hẳn lên. Không biết vì tinh thần phấn chấn hay thấm thuốc, những cơn ho tự dưng biến mất. Đại gia đình chúng tôi ăn một cái tết thật vui vẻ và đầm ấm, mặc dù có đến ba gia đình ở trong khu phong tỏa, nhờ sự trợ giúp của Facebook, Zalo .

me-chong-con-dau-01

Hiểu được tâm ý và nỗi lòng của mẹ, anh em tôi bàn với nhau thỉnh lư hương của ông bà nội về nhà mẹ, để anh em chúng tôi có thể thắp hương sớm tối, để mẹ hàng ngày được gần gũi tâm niệm và cầu nguyện cho ông bà.

Ngồi trên xe lăn, mẹ cầm ba nén hương hướng về bàn thờ, hai dòng nước mắt chảy dài. Chúng tôi rất vui, rất tự hào nhìn những giọt nước mắt yêu thương, nghĩa tình, hạnh phúc của con dâu hiếu thảo đối với người mẹ chồng nhân từ.

Phạm Quang Tân (TP. HCM 1/6/2021)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

0 0 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Ngọc Mai
Ngọc Mai
1 year ago

Bài thi không đem đến cho tôi sự xúc cảm mãnh liệt rằng là phải rơi thật nhiều nước mắt. Nhưng từng câu chữ chính là một tấm chân tình, một sự yêu thương dành cho chính người mẹ và người. Nó mann mác, nó nhẹ nhàng nhưng đi sâu vào lòng tôi về giá trị yêu thương.

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx