Tôi đã từng theo ông ra cánh đồng làng, ông thường đứng ngẩn ngơ rất lâu ở đó. Mắt ông nhìn vào đồng lúa nhưng tôi cảm nhận rằng hình như ông đang nhìn vào một nơi nào đó trong ký ức của mình. Ông ve vuốt từng khóm lúa, ông nâng niu từng cọng cỏ đồng quê như những điều quý giá. Ông nói với tôi: “Cháu à, quê hương là một điều thiêng liêng lắm!”
Tôi không được gần ông ngoại thường xuyên như ông nội. Nhưng không phải vì thế mà ký ức về ông mờ nhạt, ngược lại trong tôi hình ảnh ông ngoại vẫn rất gần gũi và xen vào đó còn có cả những điều day dứt.
Ông ngoại tôi là bộ đội chống Pháp rồi chống Mỹ, cả cuộc đời lăn lộn với các trận chiến. Bom đạn giặc thù không thể lấy nổi mạng sống nhưng nó đã phá hủy thính lực của ông, hai tai ông không còn nghe thấy âm thanh xung quanh nữa. Nhưng điều đó đối với ông đâu có hề gì, khổ nhất là những vết thương cứ âm ỉ hành hạ ông những khi trái gió trở trời. Những cơn đau làm ông khổ sở, khuôn mặt ông như bị biến dạng trông đến tội nghiệp. Ông luôn tự gắng gượng vượt qua những cơn đau tránh làm cho mọi người lo lắng. Thường sau những đợt như thế ông lại tiều tụy đi nhiều phần. Ông luôn trấn an mọi người bằng những nụ cười gượng, ông nói ông đã quen với những cơn đau rồi! Tôi chỉ chứng kiến những điều ấy có vài lần còn hầu như nghe mọi người kể lại là chính.

Ngày trước giao thông khó khăn, nhà tôi cách nhà ông hơn trăm cây số, đi lại chủ yếu bằng tàu hỏa, từ ga về nhà ông cũng phải mất vài chặng nữa, vì thế mỗi năm tôi cũng chỉ được thăm ông vào dịp giỗ bà ngoại. Nơi ông ngoại sống vốn không phải quê gốc của ông, đó là quê bà ngoại. Do cuộc đời ông phải trải qua nhiều sóng gió, gian nan nên ông đã phải chuyển đi chuyển lại giữa hai quê mấy lần, cuối cùng ông quyết ở lại vùng quê của bà ngoại bây giờ. Chẳng biết do duyên số hay không mà mẹ tôi lại bén duyên cùng bố, chính nơi quê gốc của ông ngoại. Thế là ông cũng có cơ hội về quê cũ nhiều hơn, vừa thăm anh em dòng tộc, vừa có dịp gặp gỡ con gái. Tôi được gặp ông ngoại trong những dịp ông về quê nhiều hơn là những lần tôi thăm ông là vì thế.
Ông ngoại vốn nặng lòng với vùng đất quê nhà. Lần nào về ông cũng đi khắp lượt họ hàng rồi lại thăm bà con lối xóm. Ông cũng nặng lòng với những ngõ quê, với từng thửa ruộng mà ông bà đã từng vỡ vạc, khai hoang ngày trước. Đó phải chăng đã là nơi lưu giữ kỷ niệm của ông từ những ngày ấu thơ? Tôi đã từng theo ông ra cánh đồng làng, ông thường đứng ngẩn ngơ rất lâu ở đó. Mắt ông nhìn vào đồng lúa nhưng tôi cảm nhận rằng hình như ông đang nhìn vào một nơi nào đó trong ký ức của mình. Ông ve vuốt từng khóm lúa, ông nâng niu từng cọng cỏ đồng quê như những điều quý giá. Ông nói với tôi: “Cháu à, quê hương là một điều thiêng liêng lắm!” Tôi đâu biết điều thiêng liêng mà ông nói ấy như thế nào đâu, bởi tôi còn là một đứa trẻ. Sau này, khi mà tôi đã lớn, ra ngoài làm ăn kiếm sống, chợt nhớ câu nói ấy mới thấy thấm thía lời ông nói. Con người ta khi sống ở quê, gắn bó với quê có lẽ không thể cảm nhận được ngọn nghành quê hương có ý nghĩa thế nào. Chỉ khi ta rời xa nó, mới nhận ra rằng quê hương không thể nào phai nhạt được trong trái tim mình. Có trải nghiệm cuộc sống và cũng là người hay nghĩ suy, trăn trở tôi mới ngày càng đồng cảm và thương ông ngoại nhiều hơn.
Thế rồi những chuyến về quê cũ của ông cũng thưa dần. Tuổi già cộng với những vết thương chiến tranh không cho ông có cơ hội đi lại nhiều. Tôi cũng lớn dần. Có một quy luật thật là nghiệt ngã đó là sinh – lão – bệnh – tử ai cũng phải đối mặt. Điều hiển nhiên là tôi càng trưởng thành và mạnh mẽ thì ông lại càng già yếu. Lẽ ra khi ông già yếu ít về quê cũ thì tôi lại càng phải năng thăm ông mới đúng. Nhưng không, tôi đã rất lười, à phải nói là vô tâm. Tôi lao vào cuộc sống mưu sinh như một con thiêu thân. Tôi quên ngay cả những điều bình dị và đáng làm nhất ở trên đời. Người ta nói đồng tiền có ma lực ghê gớm, nó cuốn người ta vào vòng xoáy vô hình để rồi bỏ quên đi tình thân và những điều thiêng liêng nhất trong cuộc sống. Và khi tôi quay nhìn lại mới thấy mình còn được những gì? Đó là những bức bối, những căng thẳng, lo lắng và toan tính chăng?
Ông ngoại bệnh nặng rồi sang bên kia thế giới. Chỉ khi nhận được tin đó tôi mới thảng thốt nhận ra mình đã mất đi điều gì đó thật lớn lao! Tôi tự vấn lương tâm mình rằng thời gian qua tôi đã làm gì? Sao tôi không về thăm ông? Sao tôi không bỏ chút thời gian tất bật, toan tính kia mà về bên ông để nghe ông đọc những câu Kiều, nghe ông ngâm nga vần lục bát cho lòng mình thanh thản? Đó là điều mà tôi day dứt suốt một quãng thời gian dài. Tôi mơ thấy dáng ông gầy đứng bên đồng quê xanh mướt, ông nheo mắt cười. Có lúc lại thấy ông hóa thành một cậu bé chạy trên bờ đê lộng gió thả cánh diều giấy bay lượn trên không trung. Rồi ông bay theo cánh diều lên cao mãi, mất hút trong khoảng không xanh thẳm đầy gió và nắng.
Sẽ chẳng còn nữa dáng ông đứng đó ve vuốt khóm lúa đồng. Sẽ chẳng còn câu nói thủ thỉ: “quê hương là điều thiêng liêng lắm”, ông ngoại đã về nơi miền cực lạc. Nhưng vẫn còn lại đây nỗi nhớ của một đứa cháu, với những nghĩ suy, day dứt, với những chiêm nghiệm về cuộc sống và những buồn vui của kiếp con người.
Lê Minh Hải (Phú Thọ)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- “Nổi da gà” khi nghe Hồng Vân kể chuyện trong sê-ri Chuyện ma có thật
- 5 xu hướng làm đẹp chiếm lĩnh năm 2020 – Hướng đến vẻ đẹp tự nhiên
- Herbalife Việt Nam được vinh danh top 100 Doanh nghiệp Bền vững Việt Nam năm 2022
- Doraemon trong 8 mùa phim với 416 tập đã tung ra bao nhiêu bảo bối?
- Breadtalk Phan Xích Long diện mạo mới, phong cách mới