…anh chị nhiều lần phải lựa lời khi nghe bạn bè nhắc đến chuyện làm sui gia. Biết trả lời sao khi quyền quyết định lại không phải là cha mẹ trong thời buổi mà con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy. Rồi vấn đề sinh con đẻ cháu cũng là vấn đề đau đầu. Bạn bè của anh chị không ít lần than thở rồi giận dỗi, có khi còn dùng tiền treo thưởng mà con cái vẫn chưa chịu sinh cháu. Chị đã từng bất ngờ đến sửng sốt khi đi du lịch ở một số nước của châu Á, châu Âu khi thấy những cặp vợ chồng trẻ đẩy xe nôi đi dạo mà trong đó lại là chú chó cưng…
Như thường lệ, sau buổi tập thể dục buổi sáng, cả nhà hai vợ chồng, hai đứa con tụ tập về chiếc bàn có bốn cái ghế dưới tán cây xanh mướt của công viên đã được chủ quán kê sẵn dành riêng cho gia đình chị. Mỗi người một bài tập thể dục riêng nhưng áo ai cũng ướt mồ hôi và câu chuyện thì rôm rả xoay quanh bàn cà phê.

Cả nhà đã thấy chiếc xe SH quen thuộc do anh Út điều khiển dừng lại cái bàn kế bên. Anh Út cũng thường chở vợ và hai đứa cháu ngoại ra sân tập và hay uống cà phê sáng ngồi gần bàn gia đình anh chị… Chính hai đứa bé đang độ tuổi mẫu giáo lại là nhịp cầu nối giữa hai gia đình. Lần nào ra sân, hai đứa nhỏ cũng khoanh tay chào cả nhà chị thật dễ thương. Anh chị Út phải mua đồ ăn sáng đem theo, đút cho đứa nhỏ, hối thúc đứa lớn ăn rồi đưa tới trường.
– Con chào ông, bà…
– Ngoan… hai cháu giỏi lắm… bà cưng nè…
Chị đáp lại lời chào của hai đứa nhỏ và âu yếm vuốt tóc chúng. Anh Út nắm tay hai đứa cháu hướng tới hai cái ghế như ra hiệu cho chúng tới ngồi ăn sáng và cất giọng trần tình.
– Tụi tui cứ bận rộn với đám con cháu mà chẳng đi được tới đâu. Nghe anh chị đi du lịch mười mấy nước mà ham quá. Thôi đành chờ tụi này lớn một chút, giao cho ba mẹ nó rồi hai vợ chồng già mới dắt tay nhau đi. Mà chẳng biết lúc ấy còn sức mà đi không đây. Ha… ha…
– Đó ba mẹ thấy không, tụi con mà lập gia đình sớm rồi có con thì ba mẹ cũng giống hai bác mà thôi. Cả đời vất vả nuôi con rồi bây giờ lại nuôi cháu nữa. Biết khi nào mới hưởng thụ.
Nhìn thằng bé kêu khóc, nước mắt nước mũi tèm lem không chịu đi nhà trẻ, cô con gái gần ba mươi cũng tiếp lời anh trai.
– Bây giờ mà có đứa nhỏ mè nheo giữa lúc mình mệt mỏi thì không hiểu sẽ ra sao nhỉ?
– Nếu ngày xưa, ba mẹ cũng ngại khó khăn thì bây giờ làm gì có hai đứa con. Mà ngày xưa, cuộc sống còn bao vất vả, thiếu thốn. Lúc anh hai con ốm đau, tiền lương chưa có, ba mẹ phải đi vay mượn để mua thuốc cho ảnh uống. Rồi những đêm nóng nực trong căn phòng nhỏ hẹp khu tập thể cơ quan, anh hai khóc suốt, ba phải chở anh hai trên chiếc xe đạp ra ngoài đường vắng tanh không ánh đèn nhưng không khí mát mẻ để anh hai không khóc. Tới hai giờ sáng, khí trời miền núi lành lạnh, trong phòng đã mát hai cha con mới về phòng. Ai cũng phải trải qua những khó khăn như vậy thì các con mới nên vóc nên hình như ngày nay nè.
– Hồi xưa ai cũng khó khăn nên khác, còn bây giờ, nếu sanh con ra mà không lo cho nó đầy đủ thì cũng không nên phải không ba mẹ. Con muốn con của con phải được hưởng những điều kiện tốt nhất để phát triển.
– Mỗi cái đều có mặt tích cực và tiêu cực của nó. Thời của hai anh em con sống trong khó khăn ở vùng quê nhưng lại rèn cho các con giàu ý chí, nghị lực vươn lên. Nhờ thế mà bây giờ các con được học hành tới nơi tới chốn, có công ăn việc làm, thu nhập ổn định và hiếu thảo như hôm nay. Còn những đứa trẻ được sống trong chăn ấm nệm êm, nếu không khéo giáo dục thì chúng sẽ trở thành những cậu ấm, cô chiêu, những loại gà công nghiệp không biết đối đầu với thử thách. Đó là chưa kể sẽ hình thành một kiểu tư duy là tụi nó sẽ là cái rốn của vũ trụ, là thế hệ được hưởng thụ và cha mẹ, ông bà sẽ trở thành những người phục vụ.

Chị lặng lẽ trầm ngâm. Nếu con trai không đổ vỡ trong hôn nhân thì bây giờ chị cũng có cháu nội đến tuổi đi học rồi. Con trai chị kết hôn năm hai mươi tám tuổi và không ai ngờ cuộc hôn nhân của đôi trai tài gái sắc ấy lại có thể tan vỡ. Cái tôi của thế hệ trẻ bây giờ quá lớn khiến tổ ấm dễ dàng thành tổ nóng bởi những trận tranh luận rồi cãi vã không phân thua thắng bại. Sau bao lần cố gắng hòa giải nhưng anh chị đành chấp nhận cho chúng ly hôn bởi chúng có đồng quan điểm rằng: Hôn nhân trong thế hệ của ba mẹ nếu có điểm không phù hợp thì chịu đựng rồi từ từ sửa chữa còn thế hệ bọn con thì khác…
Rồi khi được mời đi dự đám cưới của con những người bạn, anh chị nhiều lần phải lựa lời khi nghe bạn bè nhắc đến chuyện mình làm sui gia. Biết trả lời sao khi quyền quyết định lại không phải là cha mẹ trong thời buổi mà con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy. Rồi vấn đề sinh con đẻ cháu cũng là vấn đề đau đầu. Bạn bè của anh chị không ít lần than thở rồi giận dỗi, có khi còn dùng tiền treo thưởng mà con cái vẫn chưa chịu sinh cháu. Chị đã từng bất ngờ đến sửng sốt khi đi du lịch ở một số nước của châu Á, châu Âu khi thấy những cặp vợ chồng trẻ đẩy xe nôi đi dạo mà trong đó lại là chú chó cưng.
– Chào gia đình hạnh phúc nhất quả đất nhé.
Anh giơ tay chào những người bạn cùng đi tập thể dục ngang qua và đón nhận lời khen tặng của họ với nụ cười. Con gái thấy vậy liền nói:
– Đó, ba mẹ thấy không, ai cũng khen gia đình mình hạnh phúc nhất. Nếu có chồng, có vợ sớm thì bây giờ tụi con đâu có được đi tập thể dục rồi cà phê, đi du lịch cùng ba mẹ nè…
– Đúng là bây giờ rất hiếm những gia đình mà vợ chồng con cái cùng đi du lịch, cùng tập thể dục, cùng sẻ chia những vui buồn giữa hai thế hệ như nhà mình. Nhiều nhà, cha mẹ và con cái không hiểu nhau, không thể trò chuyện nên mỗi người trong gia đình như một tiểu vũ trụ, một ốc đảo. Ba mẹ cảm thấy hạnh phúc khi hằng ngày được chia sẻ cùng các con, nhưng… vẫn thấy thiếu thiếu …
– Con chào ông bà, cô chú đi con…
Chị bạn dẫn cháu nội đi ngang qua và kêu cháu bé chào anh chị đã cắt ngang lời của chồng chị. Cô bé nhỏ xíu như cái kẹo lễ phép cúi đầu và giơ bàn tay nhỏ xinh thay cho lời chào thật dễ thương.
– Cưng quá à…
– Thì đó, hạnh phúc không chỉ là cơm ngon, áo đẹp mà chỉ giản dị vậy thôi. Ba mẹ chỉ mong các con có đôi có lứa, nương tựa vào nhau cùng xây dựng hạnh phúc. Có thể còn khó khăn nhưng khi có nhau trong đời, đồng hành cùng nhau rồi có con cái là thế hệ nối tiếp, mình mới cảm nhận hết ý nghĩa của cuộc sống.

Nghe anh nói, hai đứa con không tranh luận hay phản biện gì thêm. Cả nhà cùng ra về khi thấy vợ chồng nhà đối diện chở hai đứa cháu đến trường. Cuộc sống như một dòng sông, có lúc yên bình nhưng cũng có khúc ngoặt bão giông, khi chấp nhận và đi tới thì ta mới cảm nhận hết ý nghĩa của những cung bậc đối lập nhưng thống nhất của nó: Hạnh phúc và khổ đau, nước mắt và nụ cười…
Hoàng Mai Quyên (TP. HCM)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Nụ Spa – Sải bước vào an yên giữa lòng thành phố Sài Gòn
- Đạo diễn “The Conjuring” hợp tác cùng Blumhouse tạo nên siêu phẩm kinh dị mới – M3GAN
- NTK Nguyễn Minh Tuấn bùng nổ với show thời trang INSIDE “cực chất”
- Món ngon nhớ đời từ củ khoai lang
- POPS Kids Learn nhận giải Top 100 – Sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho gia đình, trẻ em