Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Hạnh phúc của mẹ

…năm 86 tuổi thì ngoại mất. Nghĩ lại mẹ cũng cừ, mẹ nuôi ngoại bệnh lao phổi gần 15 năm, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà và tất cả những gì ngoại mong muốn mẹ đều đáp ứng được hết dù rất nghèo. Ngày ngoại mất, mấy cậu dì khóc nhiều lắm, riêng mẹ không khóc nhiều. Có lẽ mẹ đã làm tất cả những điều tốt đẹp cho ngoại, nên khi ngoại ra đi mẹ không có gì hối hận.

Sài Gòn giờ tĩnh lặng. Giãn cách xã hội cùng cơn mưa chiều nặng hạt càng làm không khí trầm lắng hơn. Cả gia đình đang bên mâm cơm chiều, tiếng nhạc buồn từ nhà hàng xóm vọng vào. Những ca từ trong bài hát vang lên “…một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ….”. Mẹ dừng đũa, nhìn lên ảnh ngoại, tay quệt nước mắt, mẹ nhớ những tháng năm cuối đời của ngoại…

hanh-phuc-cua-me-01
Mẹ tôi

Ngoại bệnh, lại là bệnh lao phổi nặng nên ngoại ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Mẹ thức hết đêm này đến đêm khác lo tất tần tật cho ngoại vốn không còn làm chủ việc vệ sinh cá nhân. Cậu dì nhiều nhưng hầu hết nghèo, phải mưu sinh hàng ngày nên không giúp được gì, một mình mẹ vừa chăm sóc ngoại vừa chạy kiếm tiền nuôi ngoại bệnh.

Thời điểm khó khăn nhất là lúc ngoại trên 80 tuổi còn mẹ cũng gần 60. Tuổi đó mẹ không còn khỏe nữa, cảnh túng thiếu, không có tiền lại càng khó bội phần. Ở bệnh viện, mẹ thức khuya lo ngoại, sáng mẹ chăm sóc ngoại xong, gởi nhờ người giường bệnh kế bên coi giúp. Mẹ lội bộ 6-7 cây số từ bệnh viện về xã để mua ve chai. Khi kiếm đủ số tiền lời 15 đến 20 ngàn –đủ để lo cho ngoại một ngày, mẹ gánh ve chai trở lên huyện để bán. Xe ôm nhiều nhưng mẹ không dám đi vì mỗi chuyến đi mất 6 ngàn, không đủ tiền nuôi ngoại. Hôm nào đồ khấm khá thì mẹ lên với ngoại sớm, hôm nào không đủ thì mãi đến chiều mẹ mới lên tới. Những lúc đó lòng mẹ bất an vì vừa lo cho ngoại ở một mình trên bệnh viện, vừa lo không đủ tiền cơm nước cho ngoại.

Lần đầu ngoại bệnh nặng nhập viện gấp, cầm cự được vài ngày hết tiền. Mẹ điện em ruột ngoại, bà dì ủng hộ hết mình, nhưng bà ở rất xa. Vì quá mừng, hấp tấp mẹ đi ngay. Đầu không nón, chân không dép (đứt dép giữa đường), túi không một đồng vậy mà mẹ vẫn đi xe đò mấy chặng, vượt 200 cây số, mượn tiền chủ xe sau trả chủ xe trước, cứ thế mà từ trưa đến nửa đêm thì mẹ tới nhà bà dì. Nhờ vậy mà ngoại được cứu chữa kịp thời.

Có lần tôi ở xa về thăm mẹ và ngoại, người chăm sóc bệnh kế bên nói với tôi: “Tội nghiệp bả (tức mẹ) cả ngày nay không ăn gì, cứ nói dóc với bà ngoại là ăn rồi để ngoại ăn ngon miệng. Coi chừng bả ngất, kiếm gì cho bả ăn đi!”. Tôi nhòe mắt. Mẹ là như vậy đó, sẵn sàng nhịn đói để lặn lội mua những món ăn nào ngoại thích; sẵn sàng đi vay mượn để mua những món ăn ngoại thèm mặc cho sau đó bị người ta nặng lời vì không thể trả nợ đúng hẹn.

Thậm chí có lần mẹ đi… ăn trộm. Ngoại thèm ngọn bí luộc mà chợ không có bán, dọc đường trời sẩm tối, thấy vườn nhà ai đó có trồng bí mà chủ nhà không có ở nhà để mẹ hỏi xin, nên mẹ liều, lén vào vườn hái trộm, bị chó dí đuổi, đến khi mẹ trốn vào đến toa lét bệnh viện mà chân vẫn còn run run vì từ trước đến giờ mẹ có lấy trộm của ai thứ gì đâu.

hanh-phuc-cua-me-02
Tôi và mẹ Tết 2015

Ngoại xuất viện muốn đi thăm con cháu ở xa, mẹ không do dự, khăn gói đi cùng ngoại. Ở đó, mẹ không còn mua ve chai nữa, mẹ thức trắng đêm làm thuốc lá để kiếm tiền nuôi ngoại. Khi nào ngoại gọi, mẹ lại tạm dừng công việc để lo cho ngoại, xong tiếp tục làm cho đến sáng. Công việc này đòi hỏi phải thức đêm để lấy sương cho thuốc lá, nên sáng mọi người ngủ bù để lấy sức, còn mẹ lại phải lo giặt giũ, cơm nước cho ngoại. Một ngày mẹ chỉ ngủ 3-4 tiếng nhưng mẹ vẫn kiên cường vượt qua vì tình thương yêu vô bờ của mẹ đối với ngoại.

Vì không phải ở quê nhà, lúc ngoại bệnh thì mẹ lâm vào cảnh khó khăn. Có những lúc mẹ không có đồng nào trong túi cũng không thể chạy vạy đâu, ngoại ngồi trông ra cửa bệnh viện suốt. Mẹ hỏi ngoại nhìn gì, ngoại trả lời “Sao lâu rồi không có ai thăm má con mình nữa?”. Mắt mẹ nhòa đi, an ủi ngoại: “Bệnh viện xa, tụi nó cũng không có tiền nên khó thăm má lắm!…”.

Tranh thủ ít ngày ngoại khỏe xuất viện, mẹ lại lo đi kiếm tiền. Cứ như vậy mẹ theo ngoại vô ra bệnh viện hết lần này đến lần khác. Cho đến năm 86 tuổi thì ngoại mất. Nghĩ lại mẹ cũng cừ, mẹ nuôi ngoại bệnh lao phổi gần 15 năm, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà và tất cả những gì ngoại mong muốn mẹ đều đáp ứng được hết dù rất nghèo. Ngày ngoại mất, mấy cậu dì khóc nhiều lắm, riêng mẹ không khóc nhiều. Có lẽ mẹ đã làm tất cả những điều tốt đẹp cho ngoại, nên khi ngoại ra đi mẹ không có gì hối hận.

Mẹ kể lại, từ hồi mẹ 14 tuổi suốt ngày ở ngoài đồng mò cua bắt ốc để cùng ngoại lo cho những đứa em, dù mẹ không phải là chị cả. Mẹ đi kiếm từng cái bàn, cái ghế cũ, nuột lạc, những tấm lá chằm mang về nhà.

Ngoại bị hư mắt nặng, phải mổ mút một bên mắt, ở tuổi 15 một mình mẹ phải chạy ngược chạy xuôi kiếm tiền để đưa ngoại từ Bến Tre lên Sài Gòn chữa trị – mảnh đất chưa bao giờ mẹ đặt chân đến. Trong gia đình, mẹ cũng là người dì, người cô được con cháu thương nhất. Con cháu có bất trắc hay bệnh hoạn, mẹ lại là người lo lắng hơn cả. Mẹ cõng anh họ mấy cây số lên bệnh viện để chữa chạy trong đêm tối mù mịt. Đứa cháu bỏ nhà ra đi, mẹ “giang hồ” mấy ngày để tìm nó về. Tay xách đồ, tay bồng tôi đang 3 tháng tuổi, lặn lội tìm đường thăm đứa cháu đi bộ đội ở phương xa.

Có lần tôi được người bà con cho 3 bộ đồ cũ, người quen than không có đồ, thế là mẹ lấy 2 trong 3 bộ đồ đó đem cho dù nhà tôi khó khăn hơn họ. Một lần giường trong bệnh viện, người bệnh kế bên bệnh nặng mà không có người thân bên cạnh, thế là mẹ lại lội bộ băng băng hàng mấy cây số trong đêm tối mưa gió để báo tin cho người nhà người ta biết. Mẹ làm việc gì đều xuất phát từ con tim, không suy tính, vì nếu có suy tính mẹ không bao giờ làm được những việc như vậy.

hanh-phuc-cua-me-03
Gia đình tôi và mẹ Tết 2020

Giờ đây cuộc sống đã đủ đầy, mẹ vẫn bận rộn vào những ngày sắp về quê. Mẹ mua đủ thứ cho bà con, nào dép, nào áo quần, thậm chí đồ cũ để đem về cho bà con quê mình. Ở tuổi 75, về quê một mình với hơn chục ký đồ, xe cộ xa xôi, nhưng tôi không cản mẹ được.

Tất cả những người biết mẹ đều yêu thương và mong được gặp mẹ không chỉ ở tính rộng rãi, thương người của mẹ, mà mẹ còn rất hài hước. Ở đâu có mẹ là ở đó có những trận cười giòn giã. Những câu chuyện không biết mẹ đã kể cho mọi người nghe bao nhiêu lần nhưng khi kể lại mọi người cũng cười ngặt nghẽo. Với mỗi câu chuyện, theo cách nhìn của mẹ, thêm mắm dặm muối, biến thành những câu chuyện thật hài hước. Mọi người thường nói: “Nghe tiếng cười đám đông ở đâu biết có bà Tư Khể (tức mẹ) ở đó”. Mọi người ở quê mong mẹ về lắm, vì khi gặp mẹ cuộc sống với bộn bề lo toan của bà con biến mất theo những câu chuyện cười rất đời và sáng tạo của mẹ.

Mỗi lần nhìn nụ cười hiền hậu của mẹ, tôi cảm nhận niềm hạnh phúc lan tỏa từ mẹ. Hạnh phúc thật giản đơn, không khó như ta nghĩ. Mẹ tôi hạnh phúc trong mọi khoảnh khắc vì mẹ sống và yêu thương người xung quanh mình bằng cả trái tim.

Nguyễn Thái Học (TP. HCM, 14-6-2021)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

5 2 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
2 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Nguyễn Ngọc Mỹ
Nguyễn Ngọc Mỹ
1 year ago

Yêu Mẹ!!!Mong một lần để nói lời đó với Mẹ tôi.Một ước muốn thật xa vời…

Huỳnh Long
Huỳnh Long
1 year ago

Người mẹ tuyệt vời.

2
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx