Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Giàn trầu của bà

Ngày bà tôi mất, ông buộc cho cây trầu mảnh vải trắng để cây cũng được mang tang bà, đang xanh tốt, giàn trầu bỗng hắt hiu một mầu vàng rũ rượi. Ông thay bà sớm khuya chăm chút giàn trầu…

Ông bà nội tôi đã về với tổ tiên nhưng giàn trầu không dưới bàn tay chăm sóc của bố mẹ tôi vẫn xanh tốt quanh năm. Mỗi lần về thăm nhà, nhìn thấy giàn trầu không của ông bà, trong tôi biết bao kỷ niệm lại ùa về.

gian-trau-cua-ba-01

Mẹ tôi kể, giàn trầu này có từ khi mẹ mới về làm dâu trong nhà. Khi ấy, nó chỉ là một cây nhỏ được ông tôi xin giống của một người bà con mang về trồng ở phía chái tường nhà. Qua năm tháng, cây vươn mình lên xanh tốt, ông tôi phải bắc giàn để những ngọn trầu không đua mình vươn lên. Bà rất thích ăn trầu. Vôi được bà tôi trong một bình sứ nhỏ, cau và vỏ chay được mẹ tôi mua vào những buổi chợ phiên, trầu thì được hái trong vườn nhà. Tôi thường được bà sai ra vườn hái trầu, bà dặn: “Con chọn những lá có màu xanh sẫm bóng và có các gân nổi rõ ở mặt bên dưới thì ăn mới ngon”. Bà có một ống giã trầu nhỏ, thi thoảng ông lại bỏ ống giã trầu của bà ra rồi hì hục dùng ống ngoáy trầu để nghiền nhỏ lá trầu và quả cau, vỏ chay, chút thuốc lào rồi mới đưa cho bà ăn. Mùi trầu cay phảng phất lan tỏa ngùi ngùi khắp không gian.

Ngày bà tôi mất, ông buộc cho cây trầu mảnh vải trắng để cây cũng được mang tang bà, đang xanh tốt, giàn trầu bỗng hắt hiu một mầu vàng rũ rượi. Ông thay bà sớm khuya chăm chút giàn trầu. Ông bảo với mọi người trong nhà: “Cây cũng có tâm hồn như con người vậy, nên cần phải được yêu thương, chăm sóc, nhìn giàn trầu không lại nhớ đến bà, mình phải chăm sóc giàn trầu như khi bà vẫn còn sống”. Nước tưới cho giàn trầu ông chọn nước sạch. Thành thông lệ, mỗi buổi sáng thức giấc ông lại lọ mọ ra bờ giếng kéo lên những gầu nước trong vắt, rồi dùng cái gáo dừa nhỏ tưới từng ít một lên gốc, vừa làm ông vừa thủ thỉ tâm sự với cây những điều sâu thẳm nhất trong tâm hồn.

 Nhớ lại khi bà còn sống, tôi rất thích được  ngoáy trầu cho bà ăn và được nằm gọn trong lòng bà nghe bà kể chuyện về sự tích trầu cau. Câu chuyện tôi nghe nhiều lần đến nỗi thuộc lòng nhưng qua giọng kể ấm áp, truyền cảm của bà câu chuyện ấy lúc nào cũng đầy hấp dẫn và mới mẻ. Tôi cũng được bà dạy cách têm trầu. Một lần bão bất ngờ đổ về trong đêm, mưa gió ràn rạt tốc vào chái nhà. Nằm bên cạnh bà tôi thấy bà thao thức cả đêm không ngủ vì lo giàn trầu yếu ớt không đủ sức chống đỡ trước cơn bão. Biết bà lo lắng nên mưa xối xả nhưng ông vẫn quàng áo mưa ra dùng cây chống, che chắn cho giàn trầu. Sáng hôm sau, cơn bão đã đi qua, giàn trầu của bà vẫn còn nguyên vẹn.

Trầu không nhà tôi tốt lắm nhưng tôi không thấy ông bán lá trầu bao giờ. Ai đến xin ông đều hái cho và trước khi hái ông cũng nói nhỏ nhẹ như để mình ông nghe: “Bà ơi! Tôi đến hái trầu đây, bà cho tôi xin mấy lá biếu mọi người nhé!”. Trong làng có đám cưới tự tay ông hái trầu mang đến, nếu tôi không bận học thì ông cũng rủ tôi đi, đến nơi ông bảo: “Trầu của bà nhà tôi mang đến biếu gia đình đấy, chúc cho vợ chồng các cháu hạnh phúc”. Có người thành tâm để lại mấy đồng tiền lẻ ông lại cho tôi rồi bảo: “Lộc của bà, cháu cầm lấy mà mua sách vở”.

Tôi lấy chồng và lập nghiệp xa quê, mỗi khi về thăm bố mẹ, tôi lại ra vườn chọn hái những lá trầu to nhất, đẹp nhất để têm với miếng cau nhỏ, một ít vôi tôi, miếng vỏ chay cùng với chút quà thành kính đặt lên bàn thờ tưởng nhớ ông bà. Thi thoảng bố mẹ tôi lại dúi vào tay tôi mấy đồng tiền lẻ nhàu nát và bảo: “lộc từ vườn trầu đấy hai cụ cho chắt mua sách vở”.

Có lần tôi dẫn các con đến bên giàn trầu nói cho chúng biết giàn trầu này là của hai cụ, hai cụ mất rồi nhưng bây giờ ông bà vẫn giữ. Đứa con gái đang học tiểu học tròn xoe mắt thốt lên: “Thế con phải gọi cây trầu là cụ, cụ trầu mẹ nhỉ. Mẹ ơi mẹ xin ông bà một nhánh cây trầu mang về trồng trong vườn nhà mình đi!.

Tôi ôm con vào lòng bật cười trước sự ngộ nghĩnh của con, thấy sống mũi mình cay cay!

Vũ Khánh Linh (Hội VHNT Bắc Giang) 

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

 

3 1 Bỏ phiếu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx