Nếu nói gia đình tôi hạnh phúc hay bất hòa thì cũng đều không đúng vì tôi có cảm giác họ sống khá là theo cảm xúc cá nhân. Nhiều khi họ cười cũng chẳng biết họ có vui hay không nữa, có điều là họ có vẻ không hợp nhau trong cách nói chuyện cũng như suy nghĩ…
Con người chúng ta suốt cuộc đời luôn muốn đi tìm và khám phá những điều mới mẻ. Bởi vậy có những con người sẽ mạnh mẽ, chịu đựng hay tham lam để đấu tranh và giành giật những thứ mà họ cho là cao quý. Ngược lại một số sẽ lẳng lặng và tận hưởng những thứ hạnh phúc giản đơn mà đẹp đẽ lạ lùng.
Nhưng có lẽ đẹp và thiêng liêng nhất sẽ chẳng bao giờ vượt ngoài không gian của hai chữ “gia đình”. Vốn xuất phát từ những bình dị nhất, đôi lúc bước ra từ mảnh vỡ chắp vá trong lời ru của mẹ, có khi lại là những cơn say liên miên của ba, rồi nhẹ nhàng và êm dịu từ những lời ca vu vơ của chị… rồi vô tình thấm đẫm vào tâm hồn ta và đem đến những nguồn năng lượng thần kì giúp ta vượt qua những khó khăn vấp ngã.
Tôi luôn hạnh phúc khi nói về gia đình nhỏ của mình, bởi ở đó có những bữa ăn ngon, những bộ quần áo mới mà tôi luôn hãnh diện và “khoe mẽ” với lũ con gái cùng lớp. Nhưng đằng sau những thứ vật chất tầm thường đó, hình như tôi luôn cố dấu đi những điều đau đớn mà mình đã phải chứng kiến, cho dù lũ bạn có hay xì xào và đồn thổi rằng: “Dạo này nhà nó hay to tiếng” thì tôi cũng cố gắng phớt lờ bằng điệu cười nhạt nhẽo, rồi dịu hẳn bằng một câu tặc lưỡi: “ba tao nói chuyện với khách hàng, chứ có chuyện gì thì sao tao vẫn vui vẻ như thế này được”. Thật không quá khi nhận bản thân là “chuyên gia” trong lĩnh vực che giấu cảm xúc, vì vốn dĩ tôi là một đứa luôn quan trọng cái vẻ ngoài, để ẩn đi những nét tầm thường và tục tĩu. Nhưng cho dù là vậy thì thật sự tôi vẫn luôn tự dằn vặt và nén chôn vùi cái đau khổ đó. Tôi mạnh mẽ nhưng tôi sợ to tiếng, tôi sợ cái âm thanh đó sẽ dày vò và ám ảnh tôi cả cuộc đời.
Ba tôi vốn là một thương nhân có tiếng, ông rất giỏi kiếm tiền, chắc cũng vì vậy mà trong thương trường “đầy dẫy” những thứ “đâm chọc” đó, người đàn ông ấy vẫn luôn cứng rắn và đạt được những thành công khiến tôi vô cùng tự hào. Mẹ tôi vẫn luôn khẳng định rằng: “Ở cái làng này có ai giỏi như ba mày đâu, mới 26 tuổi đầu đã xây được nhà tầng, một mình nuôi mấy miệng ăn của gia đình. Bươn trải bao nhiêu năm mới được như này đấy!”.
Tôi vốn là đứa không thích nghe người lớn nhắc lại mấy cái chuyện xưa, rồi kể lể những câu chuyện khổ sở này nọ, nhưng thú thật phải công nhận là ba tôi quá đỗi chăm chỉ, ông luôn dậy sớm và đi chợ từ tờ mờ sáng, ngày nào cũng như ngày nấy, bất kể mưa gió hay giông bão. Trong mắt tôi vẫn luôn ấn tượng bởi hình ảnh “vai áo ướt đẫm mồ hôi” của ba. Bươn trải và kiếm tự kiếm tiền từ năm 17 tuổi nên ba tôi luôn tự tin giải quyết trọn vẹn mọi công việc của gia đình, cũng chính vì vậy mà ông luôn mang tâm lý bảo thủ và cầu tiến. Tôi đã học hỏi rất nhiều từ khả năng nói chuyện lưu loát và hoạt ngôn của ông. Tôi biết nó sẽ rất tốt nếu mọi thứ chỉn chu và ổn thỏa nhưng nó cũng là nguồn cơn của mọi sự cãi vã và khổ đau trong cuộc sống.
Tôi bắt đầu sợ hãi và hứng chịu sự đau đớn từ những ngày mới vào lớp 1, khi mà còn đang chập chững và mông lung đánh vần những con chữ, tập viết làm sao cho đẹp nhất để không làm ba thất vọng. Nhưng đúng là mọi thứ chẳng như người ta mong đợi, tôi có cố gắng viết đi viết lại và cho dù cô giáo đã cho tôi 8, 9 điểm thì chỉ cần thua kém mấy đứa bạn 1,2 điểm thì mỗi khi về nhà cũng bị lôi ra la mắng, rồi mọi thứ trong nhà lại ồn ào trong tiếng cãi vã, không khí gia đình trở nên ngột ngạt hơn bao giờ hết.
Có lẽ, cái việc học dốt cứ đeo bám tôi mãi. Nhiều khi sợ bị mắng mà tôi chẳng dám đưa ba kí những bảng điểm hay sổ liên lạc. Đến giờ tôi vẫn chẳng hiểu nổi tại sao tôi lại làm như vậy. Để rồi khi ba tôi đi họp phụ huynh thì mọi thứ lại càng căng thẳng. Tôi luôn sợ bị so sánh, sợ bị la mắng mỗi lần ăn cơm, rồi sợ nhất là không khí gia đình sẽ kinh khủng thế nào nếu tôi bị điểm kém. Cho đến bây giờ, những nỗi sợ hãi từ những lần bị điểm kém vẫn luôn dày vò tôi, mà mỗi khi nhắc lại tôi lại thấy xấu hổ và buồn bã.
Nói như vậy nhưng ba là người luôn đồng hành và bên cạnh tôi trong bất kì chặng đường nào, là người sẵn sàng chứng kiến những thành công cho dù là nhỏ nhất của tôi. Tôi chưa bao giờ quên được cái cảm giác ngày tôi đậu đại học, trong cái nắng gay gắt tháng 6, ba chạy “như bay” về nhà để hỏi kết quả của tôi. Khi tôi báo trúng tuyển thì có lẽ đó là nụ cười tươi nhất và đẹp nhất mà tôi thấy trên gương mặt của ba từ đó đến giờ. Ba vẫn không nói gì như mọi ngày nhưng dường như cũng không che giấu được niềm vui. Tôi biết ba tự hào về điều đó vì cho dù ở đâu, làm gì thì ông vẫn luôn mong tôi được thành công và hạnh phúc.
Nếu nói gia đình tôi hạnh phúc hay bất hòa thì cũng đều không đúng vì tôi có cảm giác họ sống khá là theo cảm xúc cá nhân. Nhiều khi họ cười cũng chẳng biết họ có vui hay không nữa, có điều là họ có vẻ không hợp nhau trong cách nói chuyện cũng như suy nghĩ, nhiều khi mẹ tôi hay phàn nàn: “Tao sống với ba mày cũng chỉ vì chúng mày thôi, chứ không tao bỏ lão lâu rồi”. Thật tâm thì tôi không hề muốn gia đình đổ vỡ, vì lũ bạn sẽ nghĩ tôi như thế nào đây, hay là trêu trọc tôi là thằng con “cù bất cù bơ”.
Nhưng nếu phải chứng kiến những cảnh cãi vã đó thì chắc mọi người cũng sẽ đau lòng lắm. Những lần to tiếng xảy ra hàng ngày và với tần suất ngày càng nhiều, nhiều lúc tôi tự hỏi, “Hay là ba mẹ muốn mình trở thành tội phạm, họ xúc phạm nhau quá nhiều, quá gay gắt, mình phải làm gì đây?”. Nhưng, một, hai rồi ba ngày qua đi tôi lại quên ngay những ý nghĩ điên rồ ấy. Ba mẹ chẳng nói chuyện với nhau, họ luôn mang cái gương mặt khó ưa mỗi khi nhìn nhau.
Cứ mỗi lần ăn cơm, mẹ tôi lại chua ngoa: “Gọi ba mày xuống ăn cơm. Có ăn không thì bảo để còn dọn dẹp”. Tôi vốn là đứa chẳng thích ồn ào, mỗi lần như vậy tôi lại chạy đi tìm ba bên nhà mấy ông hàng xóm để mẹ tôi khỏi phàn nàn. Thật ra thì những cuộc cãi vã của họ chỉ xoay quanh những vấn để nhỏ như: tiền, rồi những cuộc xung đột từ những áp lực của cuộc sống… Có thể họ đang không hiểu ý của nhau, nhưng vài ngày thì mọi thứ lại quay lại quỹ đạo bình thường, và mọi vấn đề đều được giải quyết êm đẹp.
Tôi vốn dĩ là đứa rất dễ bị cảm xúc lấn át, những cuộc cãi vã như vậy, nhiều khi tôi âm thầm buồn bã và viết lại vào một cuốn sổ. Tôi muốn để dành để khi ba mẹ tôi về già, khi mà họ không còn phải chịu những áp lực dồn nén nữa, tôi sẽ mở cho họ đọc, tôi chắc chắn khi đó, họ sẽ không còn lặp lại những cuộc cãi vã nữa, sẽ ôm nhau thắm thiết và dành tình cảm cho nhau trọn vẹn hơn.
Giờ đây, mọi thứ đã yên ổn, cuộc sống của tôi cũng đã dần đi vào quỹ đạo, ba và mẹ tôi vẫn sống như vậy, họ vẫn coi đó là hạnh phúc. Dù đó là quá khứ buồn nhưng tôi thật sự mong muốn họ sẽ yêu thương và đùm bọc nhau, để sớm nhận ra hạnh phúc đơn giản trong cuộc sống này.
Tôi yêu họ. Dẫu cuộc sống có lắm bộn bề và chông gai thì tôi tin tưởng rằng gia đình sẽ mãi là nơi ủ ấm của tất cả tình yêu thương.
Nguyễn Ngọc Tráng (TP. HCM)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Một gia đình nhỏ, một hạnh phúc to!
- Hai siêu quái vật Godzilla và Kong đại chiến trong trailer mới nhất: Cháy nổ mãn nhãn, trời long đất lở, đại dương dậy sóng
- Xem show Bằng Kiều Live Concert tại Radisson Blu Resort Phú Quốc với ưu đãi đặc biệt
- Herbalife Vietnam vinh dự nhận giải thưởng Trách Nhiệm Xã Hội Doanh Nghiệp 2022
- Chuyện xóm tui 2 của Thu Trang – Tiến Luật nhận cúp ở hạng mục Webdrama hay nhất