Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Gia đình “bác Năm”

Nhà toàn con gái, mỗi anh con trai thì thấp bé nhẹ cân. Trong khi người ta có con trai phát rừng, phát rẫy, chặt mía ào ào, thì gia đình “bác Năm” luôn làm chậm hơn những gia đình khác. Con gái dù có giỏi giang như thế nào trong việc làm nông vẫn không thể bằng con trai sức dài vai rộng…

Ba tôi là con thứ năm trong gia đình nên làng xóm quen gọi bằng danh xưng thân mật anh  Năm, chị  Năm. Đối với người Việt chúng ta, nhất là những thế hệ đi trước người ta quen gọi nhau bằng thứ tự trong gia đình. Nhiều khi người ta cũng quên mất tên thật của người đó là gì ngoài cách gọi quen thuộc –  anh Năm, chị Bảy, cô Ba, bác Sáu, chị Tư…. Cũng như làng xóm, chúng tôi cũng gọi vui  gia đình mình là gia đình “bác Năm” – Một cách gọi chứa đựng tất cả niềm tự hào và tình yêu của chúng tôi đối với gia đình mình.

bac-nam-01
Đại gia đình “bác Năm”

Cũng như nhiều thế hệ đi trước luôn quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ” nên gia đình “bác Năm” khá đông con, tới sáu anh chị em trong gia đình. Đặc biệt là gia đình bác Năm có tới năm con vịt giời chỉ có một mì chính cánh. Thời  điểm đó rất nhiều gia đình rất coi trọng con trai. Đó là điều hiển nhiên bởi tư tưởng phong kiến đã tồn tại thành gốc rễ trong những gia đình Việt. Đặc biệt với những nhà làm nông như nhà “bác Năm”. Nhà toàn con gái, mỗi anh con trai thì thấp bé nhẹ cân. Trong khi người ta có con trai phát rừng, phát rẫy, chặt mía ào ào, thì gia đình “bác Năm” luôn làm chậm hơn những gia đình khác, dù con nhà “bác Năm” biết lên rẫy từ thuở lên ba lên năm. Dĩ  nhiên con gái dù có giỏi giang như thế nào trong việc làm nông vẫn không thể bằng con trai sức dài vai rộng. Cái được nhất của gia đình “bác Năm” là dù không mạnh về sức như những nhà đông con trai khác nhưng sự dẻo dai và tinh thần cố gắng không ngại khó, ngại khổ cũng chẳng thua ai nên công việc cũng đều đều trôi chảy. Chính lao động đã giúp tôi nhận thấy được sự vất vả một nắng, hai sương của người nông dân để cố gắng vươn lên học hành đến nơi đến chốn.

Cách dạy con của bác Năm cũng rất khác so với mọi người trong xóm. Thời chúng tôi, những đứa trẻ lớn lên đều bằng đòn roi. Ông bà ta luôn cho rằng “thương cho roi cho vọt” cho nên những đứa trẻ có lỗi lầm gì cũng đều ăn đòn nát mông. Thế nhưng chúng tôi lớn lên không bằng đòn roi như vậy. “Bác Năm” nói “con người chứ có phải con vật đâu mà hễ cái là đánh đập”. Thế nên “vợ chồng bác” không chủ trương dạy con bằng đòn roi như những gia đình khác . Lẽ dĩ nhiên là khi phạm lỗi chúng tôi vẫn bị phạt nhưng số roi rất tượng trưng để chúng tôi nhận ra được lỗi của mình. Cũng nhờ cách giáo dục tiến bộ của “bác Năm” mà chúng tôi lớn không bị ám ảnh đòn roi như những đứa trẻ khác. Tôi nhận thấy cách dạy trẻ bằng bạo lực thường xuyên của thế hệ trước khiến cho con trẻ bị tổn thương và cứ như vậy khi thành cha thành mẹ chúng lại xem đó là điều hiển nhiên và áp dụng vào những đứa con mình giống như mình đã chịu. Chúng tôi được yêu thương, dạy dỗ bằng lời hay lẽ phải nên chúng tôi trưởng thành đều trở thành những con người đàng hoàng, không trở thành gánh nặng của xã hội. Đến tận bây giờ tôi vẫn cảm ơn “vợ chồng bác Năm” về cách dạy con như thế.

Một điều khác nữa của nhà “bác Năm” so với bà con làng xóm đó là những đứa trẻ nhà “bác Năm” phải cố gắng đến trường dù buổi đi làm buổi đến lớp, không thể có mặt được ở bất cứ lớp học thêm, học kèm nào cả. Trong xóm rất nhiều gia đình lần lượt cho con nghỉ học. Một phần vì cuộc sống quá khó khăn, công việc nhà nông cần người nên nhiều đứa trẻ không thể kham được cùng một lúc hai việc là đến trường và lên rẫy nên chúng đành chọn con đường nghỉ học. Cứ như thế chúng lớn lên lại trở thành những nhà nông thực thụ gắn liền với rừng với rẫy. Riêng những đứa con “nhà bác Năm” dù có khó khăn, vất vả thế nào cũng cũng phải cố gắng đến trường. Sáu đứa con nhà “bác Năm” thì hai chị gái đầu vì các em còn quá nhỏ, con đường đến trường vừa xa vừa quá gian nan nên chỉ cố gắng đến hết cấp hai là ở nhà phụ cha mẹ nuôi các em tiếp tục đi học. Bốn đứa con “Bác Năm” bảo dù có khổ thế nào “vợ chồng bác” vẫn cố gắng cho con ăn học. Mỗi con chữ vừa rèn người vừa giúp các con thoát khỏi cảnh làm nông vất vả. Không phụ sự cố gắng của cả gia đình, bốn chúng tôi đều vào đại học. Và cũng nhờ thế , chúng lại tung cánh bay xa đến những chân trời mới. Đứa sống tỉnh này, đứa sống tỉnh khác nhưng đều có nghề nghiệp ổn định. “Bác Năm” bảo cha mẹ không giàu có nên chỉ có thể cho các con cái nghề. Chính cái nghề đó là điều chúng tôi cần thiết nhất.  Câu chuyện về con cá và chiếc cần câu đã được “bác Năm” ứng dụng một cách thành công nhất. Bởi cái vốn quý nhất mà cha mẹ cho con cái nên là chiếc cần câu và dạy chúng cách đi câu hơn là cách cho con cá.

Hiện tại chúng tôi đều đã trưởng thành, các con đã có gia đình riêng của mình nên “vợ chồng bác Năm” lại trở thành “vợ chồng son” trong căn nhà lặng lẽ. Mỗi khi lễ, tết chúng tôi tranh thủ tụ tập về  “vợ chồng bác Năm” lại rạng ngời hạnh phúc. “bác” hay nói, “ đàn cò bay về tụ tập ồn ào, rôm rả rồi lại bay đi kiếm ăn cả khiến cho “bác” buồn vui hụt hẫng”. Đối với “bác” con cái là vốn của cải quý giá nhất. Trong các câu chuyện với khách đến chơi lúc nào bác cũng khoe về các con khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc.

Chính nhờ được yêu thương, nuôi dạy trong một gia đình đầy ắp tình yêu thương và cách dạy con rất đặc biệt của “bác Năm” mà anh em chúng tôi lớn lên luôn yêu thương, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau chứ không bao giờ tranh giành, nạnh họe nhau như những gia đình khác. Tôi nhận thấy chính cách giáo dục gia đình sẽ quyết định tương lai của đứa trẻ khi nó trưởng thành.

Tôi luôn tự hào và yêu thương gia đình của mình. Mỗi khi mệt mỏi khi công việc không suôn sẻ, các mối quan hệ không được tốt đẹp tôi lại quay trở về nhà để nạp năng lượng tiếp tục cho cuộc sống mưu sinh. Tôi luôn nghĩ có một mái ấm gia đình với rất nhiều anh em là một hạnh phúc vô bờ bến. Đàn cò chúng tôi bay đi đâu cũng sẽ quay về bên “vợ chồng bác Năm” bởi – nhà là nơi để về.

Tuyết Hiếu (Khánh Hòa)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

2 5 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx