Mỗi lần về Gia Định thăm bà cố, tôi luôn được cả đại gia đình chào đón. Tôi ngọng nghịu múa hát mà được cả nhà vỗ tay tán thưởng nên thích lắm. Bà cố ôm tôi trong vòng tay ấm áp, yêu thương. Tôi cảm nhận sợi dây kết nối rất gần gũi với ông bà cố, bà Năm, ông Tám, ông Chín tôi…
Hạnh phúc nhất của tôi là được làm cháu đầu tiên của dòng họ bên ngoại, tôi được đắm mình trong dòng suối yêu thương của bốn thế hệ, điều mà những đứa em sau này không có được vì lúc các em chào đời, ông cố, bà cố của chúng tôi đã vĩnh viễn rời xa cõi trần.

Bà ngoại tôi là con đầu lòng của bà cố. Má tôi là con đầu lòng của bà ngoại và tôi là con gái đầu lòng của má. Tôi là đứa trẻ hạnh phúc nhất, vì ngày tôi chào đời có mặt đầy đủ đại gia đình nội ngoại chào đón. Tôi được bồng bế, nâng niu mỗi ngày trên tay bà ngoại, vì vậy tôi đeo bám ngoại nhiều hơn cả má. Hàng ngày, má tôi nấu sẵn nồi cháo dinh dưỡng, thay đồ cho tôi sạch sẽ thơm tho rồi đem gửi cho ngoại ở cạnh nhà để đi làm. Một tay ngoại mớm cho tôi từng muỗng cháo, ly nước, bình sữa… Tôi lười ăn, hay ói nên ngoại chăm vất vả lắm. Bên chiếc nôi đong đưa,
tôi chìm vào miền yêu thương của ngoại: “Lặng rồi cả tiếng con ve. Con ve cũng mệt vì hè nắng oi. Nhà em vẫn tiếng ạ ời. Kẽo cà tiếng võng…”, đến bây giờ đã là sinh viên đại học năm cuối, tôi vẫn nhớ như in những lời ru của ngoại: “…Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi. Và mẹ em chỉ có một trên đời…”
Ông bà ngoại tôi ngoài mẹ còn có năm người dì, những người lúc nào cũng yêu thương, chiều chuộng tôi suốt thời ấu thơ mà đến giờ tôi cũng vẫn còn nhớ. Trong nhật ký của dì Tư có ghi: “Ái Ngọc – Cháu cưng nhất trên đời”.
Và mỗi lần về Gia Định thăm bà cố, tôi luôn được cả đại gia đình chào đón. Tôi ngọng nghịu múa hát mà được cả nhà vỗ tay tán thưởng nên thích lắm. Bà cố ôm tôi trong vòng tay ấm áp, yêu thương. Tôi cảm nhận sợi dây kết nối rất gần gũi với ông bà cố, bà Năm, ông Tám, ông Chín tôi.

Vì cưng cháu, cả nhà không muốn cho tôi đi nhà trẻ mà để mọi người cùng chăm sóc cho tôi, mãi đến ba năm sau khi em kế tôi ra đời, má mới quyết định cho tôi đi học mầm non. Quen ở nhà, tôi sợ hãi khi đến trường nên khóc dữ lắm. Má và bà ngoại đứng núp ở ngoài rào nhìn vào rưng rưng nước mắt…
Rồi dì Ba và dì Tư sinh em bé, ngoại phải thầu ba đứa cháu một lúc, bà nội tôi qua phụ ngoại chăm em kế tôi, thuê thêm hai cô bảo mẫu đến nhà chăm con dì Ba và dì Tư nhưng cả ba đứa bé cứ đòi bà ngoại. Sức khỏe không kham nổi nên bà ngoại bị tuột huyết áp phải nằm viện. Má và mấy dì quyết định cho mấy em đi nhà trẻ khi chưa tròn một tuổi. Thương cháu, bà ngoại khóc và trách mình bất lực. Rồi mọi rối rắm cũng được giải quyết. Và cứ thế, chúng tôi lớn lên.
Năm tôi mười hai tuổi, biến cố lớn xảy ra với đại gia đình. Dượng Tư của tôi đột ngột qua đời vì tai nạn, dì Tư với hai con còn nhỏ hụt hẫng giữa cuộc đời. Ông ngoại tôi vì quá đau thương nên bị tai biến phải vào bệnh viện cấp cứu ngay ngày dượng Tư mất. Lúc đó người lớn lo giải quyết chuyện đại sự, sáu đứa con nít được gom về nhà tôi để dì Ba, dì Sáu và dì Út chăm sóc. Tôi lúc đó là chị cả, phụ với mấy dì trông coi các em. Dì Tư tôi suy sụp quá ngất lên ngất xuống phải nhờ bác sĩ đến nhà để săn sóc và truyền dịch. Bà ngoại và dì Năm luôn kề cận chăm cho dì. Má tôi thì vào bệnh viện chăm ông ngoại. Ba tôi cùng các dượng lo đám tang. Cho tới tận bây giờ, cái cảm xúc đó vẫn còn nghèn nghẹn trong tôi.

Trong một khoảng thời gian dài, mấy dì được phân công qua ở cùng dì Tư, đại gia đình tôi cũng dần dần ổn định sau cú sốc. Cả nhà giang tay đùm bọc, nâng đỡ nhau bằng tất cả yêu thương. Tôi nhận ra “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Ông ngoại tôi cũng mang bệnh kể từ đó, hàng tháng má tôi nhận nhiệm vụ đưa ông ngoại đi khám ở bệnh viện.
Rồi bà cố lâm bệnh nhập viện, bà ngoại cùng các bà dì chia nhau vào chăm sóc. Bà ngoại là con cả, nên “Quyền huynh thế phụ”, các ông cậu và bà dì của tôi đều nghe theo sự sắp xếp của bà ngoại. Với chúng tôi, ngoại là bậc trưởng thượng nhưng với ông bà cố, ngoại luôn lễ phép, kính cẩn dạ thưa. Hàng tháng, ngoại đều mua gạo, nhu yếu phẩm mang về cho ông bà cố. Vào bệnh viện thăm, tôi thấy ngoại đang nhẹ nhàng ẵm đỡ bà cố từ trên xe đẩy lên giường, âu yếm lau mặt bằng khăn ướt và dịu dàng đút từng muỗng sữa với những lời dỗ ngọt thật dễ thương.

Hôm bác sĩ báo tình hình bà cố không qua khỏi, ngoại xoay mặt vào tường nước mắt tuôn rơi, cố nén không bật ra tiếng khóc vì sợ bà cố biết. Má tôi và mấy dì đang đi làm, nghe tin tất tả chạy lên bệnh viện, mọi người đưa bà cố về nhà, bà cố ra đi nhẹ nhàng, nét mặt bình thản và nụ cười mãn nguyện. Ông cố tôi, gần chín mươi, đầu đội tang vợ, ngồi đọc kinh cho bà cố suốt ba giờ đồng hồ. Thật cao quý nghĩa tình.
Bà cố mất, ông cố buồn nên sức khỏe kém dần. Bà Năm tôi không lập gia đình nên ở cùng ông bà cố, bà là người chăm sóc chính cho ông cố. Ông cố tôi to con mà bà Năm lại bị lệch đốt xương sống nên đỡ ông rất khó khăn. Hàng ngày mọi người thay nhau đến phụ giúp bà Năm lo cho ông. Bà mợ Tám lo cơm nước, ông Tư và ông Chín ghé tắm rửa cho ông cố, bà ngoại tôi, bà Bảy… các con cháu luôn ghé thăm động viên tinh thần ông cố.
Ngày ông cố mất, ngoại đề nghị bà Năm về ở nhà ngoại cho có chị có em. Má và mấy dì tôi lo cho ngoại thứ gì thì cũng lo cho bà Năm thứ ấy. Má kể: “Ngày xưa bà Năm ẵm bồng chăm sóc má và mấy dì y như mấy dì yêu thương, chăm sóc cho tụi con bây giờ “. Tôi vô cùng cảm động và nhủ lòng rằng sẽ đối đãi với các dì của tôi y như vậy sau này.
Như dòng suối mát chảy xuôi, chan hòa tình thương yêu cho cả mấy thế hệ trong nhà. Thường vào chủ nhật, mấy dì đăng ký rước ngoại đi chơi, ai đăng ký trước sẽ được đưa ngoại đi, ai chậm thì đành ngậm ngùi làm Thủy Tinh. Mấy dì vẫn đùa là “Cướp má qua nhà”. Ngoại gần gũi lắng nghe, chia sẻ những tâm sự của chị em tôi như người bạn. Còn chúng tôi kính trọng yêu thương ngoại vô bờ.

Những yêu thương, hy sinh lặng thầm được xây dựng thành nếp nhà, đơn giản từ lời thưa của ba má tôi với ông bà ngoại khi đi làm, của chị em tôi lúc đi học và về nhà. Thói quen mời ông bà, ba má trong các bữa ăn ngỡ là bình thường nhưng đã thành truyền thống văn hóa gia đình được kế thừa, truyền qua các thế hệ. Ngày giỗ ông bà cố, con cháu về đầy đủ, đông đúc. Chắc ông bà tôi đang ngậm cười nơi chín suối.
Nguyễn Lê Ái Ngọc (TP. HCM)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- adidas ra mắt trái bóng chính thức “Al Hilm” cùng phim ngắn kết hợp với “Rick and Morty”
- Bộ Y tế Khuyến cáo thực hành 7 thói quen để phòng chống bệnh covid-19 trong mùa dịch
- Ngắm những khoảnh khắc đẹp của Cầu Vàng trong đêm nhạc United We Stream Asia
- Ra mắt dự án xã hội đặc biệt dành cho phụ nữ Love Your Body
- Sean đi tìm sự bình yên trong tình yêu với “miễn là cùng nhau”
Chúc mừng cháu Ái Ngọc. Đúng là con nhà tông ❤️
Chúc mừng Ái Ngọc với bài viết hay, nhiều cảm xúc.
ÁI NGỌC CẢM ƠN TẤT CẢ CÁC CÔ CHÚ, ANH CHỊ CÙNG CÁC BẠN ĐÃ ỦNG HỘ.
Bài viết rất hay, thành công em nhé!
Con gái viết hay lắm. Chúc mừng con.
❤❤❤❤❤
Ái Ngọc viết khá lắm. Chúc mừng cháu.
Bài viết rất cảm động kèm những hình ảnh gợi lại ký ức thân thương…
Bài viết rất hay. Đúng là con nhà tông, viết không kém mẹ. Chúc mừng cháu ❤️
Chúc mừng cháu Ái Ngọc. Bài viết rất hay. Đúng là hổ phụ sinh hổ tử.