Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Của để dành

Tôi từng khoe với mọi người rằng mình có hai cục kim cương ngoại hạng. Có ai đó đã nói: con cái chính là CỦA ĐỂ DÀNH của cha mẹ. Và tôi muốn viết cho các con rằng: nếu như được sinh ra một lần nữa, tôi vẫn muốn mình sẽ là mẹ của các con, những kho báu mà tôi luôn yêu thương và hy sinh cả cuộc đời.

Khi đọc những dòng viết trên Facebook của con trai, tôi đã không ngăn được những dòng nước mắt xúc động “Cảm ơn ba mẹ đã sinh con ra và nuôi con lớn lên trong bao khó khăn thiếu thốn của cuộc sống. Vóc hình của con hôm nay, cuộc sống và những thành công của con hôm nay đều nhờ công ơn và sự dạy dỗ của ba mẹ. Thế nên, nếu được sinh ra một lần nữa, con vẫn muốn được làm con của ba mẹ”.

cua-de-danh-03
Anh đọc truyện em nghe

Dòng hồi ức đưa tôi trở về với quá khứ. Những năm đầu của thập niên 80, tốt nghiệp trường ĐHSP của thành phố Hồ Chí Minh vào loại khá giỏi, tôi đã bỏ đi những cơ hội để có thể ở lại thành phố mà xung phong về nơi khó khăn nhất với khát vọng gieo tri thức cho những vùng đất khô cằn sỏi đá, đầythiếu thốn… Cả hai vợ chồng tôi hăm hở lên đường với lý tưởng cống hiến bao lâu nay đã ấp ủ trong tim. Mảnh đất đồi núi, biên cương Tri Tôn, An Giang đã đón vợ chồng tôi với cái nắng như cháy da, cháy thịt vào ban ngày và lạnh thấu xương vào ban đêm. Ngoài giờ lên lớp chính khóa, ban đêm tôi còn đứng lớp dạy bổ túc cho cán bộ công nhân viên của huyện. Hằng ngày, chồng tôi đạp xe 17km vào lâm trường… Vừa làm việc, anh vừa dạy chữ xóa dốt cho công nhân và nhân dân quanh vùng… Chiều, anh đạp xe về với bó củi đã chặt phơi từ trưa… Hai vợ chồng cứ phơi phới sống lạc quan… thỉnh thoảng viết bài cộng tác cho các báo.

Cho đến khi có con trai đầu lòng thì tôi mới bị những khó khăn quật ngã. Khí hậu khắc nghiệt của xứ núi đã làm con tôi bị bệnh triền miên: từ sốt ho, viêm phổi cho đến cả sốt rét. Đồng lương nhỏ bé của hai vợ chồng cứ như gió vào nhà trống. Chỉ đến khi cậu bé bị suy dinh dưỡng khá nặng, thân thể chỉ còn lớp da nhăn nheo… thì tôi mới gạt nước mắt viết đơn xin chuyển ra huyện đồng bằng dạy học nhưng không được, tôi đành viết đơn xin nghỉ việc để đem con về quê nội dưỡng bệnh.

Quê chồng tôi cũng chỉ là một vùng nông thôn nhưng khí hậu trong lành và sự đùm bọc, yêu thương của đại gia đình đã giúp con trai tôi dần dần khỏe mạnh. Hai năm sau, tôi lại viết đơn xin đi dạy lại với thời gian tập sự như thưở mới ra trường. Con trai dần lớn khôn, đến trường và học giỏi như một sự đền đáp lại bao vất vả của ba mẹ. Thế nhưng trong tôi vẫn có nỗi buồn sâu thẳm khi thấy con mình phải chịu nhiều thiệt thòi. Con thích vẽ và vẽ giỏi nhưng ở một thị trấn nhỏ bé này không kiếm được một người thầy để dạy. Những mặt sau của sấp giấy bản thảo của ba trở thành những quyển truyện tranh Tây Du Ký… mà con trai tôi vẽ chép lại y như nguyên bản… Cậu bé như một cái cây dại tự vươn lên trên mảnh đất khô cằn đầy thiếu thốn.

Hàng ngày anh rèn cho con cách viết nhật ký. Cuốn nhật ký mà hai vợ chồng thay nhau viết từ khi hay tin có con trong đời với những đổi thay khi con biết cười, biết lật, biết trườn, biết ngồi, biết đứng, biết nói, biết đi đã trở thành cuốn mẫu để con tham khảo. Con đọc say mê với tất cả tò mò nên anh đã khuyến khích con viết. Mỗi khi con muốn đi chơi thì phải viết xong một trang nhật ký mới được đi… Ban đầu là bắt buộc, dần dần thành thói quen, tự giác viết… Con viết tất cả những gì mà mình quan sát, cảm nhận được từ gia đình, hàng xóm, bạn bè, thầy cô trong trường… và nhờ đó đã hình thành tình yêu văn chương trong con và biết thường xuyên tự nhìn lại mình những đúng, sai.

Con mong mỏi những kỳ nghỉ hè để được về quê ngoại, được đến những nhà sách, đến cung văn hóa thiếu nhi để được sinh hoạt, chơi cờ vua, đọc truyện, được mua sách. Những quyển truyện tranh vàsách tham khảo về Toán lại là những thứ con tôi đam mê nhất. Nhìn các cháu, con của cô chú ở thị xã có điều kiện học tập vui chơi hơn con mình, tôi lại giấu nỗi buồn vào lòng. Dường như thấu hiểu tất cả nên con trai tôi đã học rất giỏi, rất ngoan. Cậu bé biết giúp tôi làm việc nhà, thương yêu em gái rồi biết sáng tác với ba lần đoạt giải Văn chương Thủ Khoa Nghĩa ở An Giang, được xuất bản một tập truyện ngắn và một tập truyện dài. Những năm học cấp ba, con trai không chỉ làm lớp trưởng, phó bí thư Đoàn trường, học sinh giỏi Toán cấp Tỉnh, thủ khoa của kỳ thi tốt nghiệp mà còn vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi đậu vào hai trường đại học với số điểm rất cao.

cua-de-danh-02
Hai anh em cùng nhau giúp mẹ

Con trai chọn ngành Báo chí của trường Đại học KHXH&NV và đã trở thành một biên tập viên của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh cho đến giờ. Tình yêu văn chương, sự đam mê về Toán học và những môn tự nhiên đã rèn luyện cho ngòi bút của con ngày càng sắc sảo. Những kỹ năng tập bơi lội bằng cây chuối ở dòng kênh sau nhà khi xưa giúp tôi yên tâm khi con đi công tác ở biển đảo…

Khi con trai được sáu tuổi, tôi sinh thêm đứa con gái và vợ chồng tôi cũng viết nhật ký cho con gái như viết cho con trai. Con gái lớn lên cũng mê đọc sách và có bài đăng báo từ lớp 4… Năm lớp 6, con gái đoạt Giải nhất Giải Văn chương Thủ Khoa Nghĩa của tỉnh An Giang; hai năm liên tục con gái đạt giải khuyến khích UPU toàn quốc, sau này còn đạt Giải Nhì tản văn của tập san Áo Trắng… Con gái giỏi Toán, học lớp chuyên Anh nhưng lại là học sinh giỏi Văn cấp Tỉnh và đoạt HCV môn Văn HSG Đồng bằng SCL, HCV môn Văn Olimpic 30/4. Và cứ thế, cô bé đã đậu vào đại học KHXH&NV với số điểm rất cao.

Nếu con trai thương cha mẹ theo kiểu đàn ông thì con gái lại như dòng suối mềm mại đầy thương yêu. Những cái ôm hôn cha mẹ, những điều quan tâm nhỏ nhặt nhất…. Chỉ cần nghe tiếng nói của tôi qua điện thoại là con biết tôi không khỏe, không vui. tôi đã nhiều lần phải rơi lệ khi đọc những dòng chữ của con trong lễ Tri ân và trưởng thành dành cho học sinh cuối cấp: “Cảm ơn ba mẹ đã tìm thấy nhau giữa bao nhiêu tỷ người trên trái đất. Cảm ơn tình yêu của ba mẹ mà con đã được sinh ra đời và làm con của ba mẹ. Cảm ơn ba mẹ đã chắt chiu từ khó khăn thiếu thốn để cho con được đủ đầy và khôn lớn. Cảm ơn ba mẹ- đất chở trời che của con…”

Con cái tốt nghiệp đại học, tìm được việc làm tốt… Thế nhưng với vợ chồng tôi, điều quý nhất chính là sự hiếu thảo, biết thương người của các con.

cua-de-danh-01
Gia đình trong chuyến du lịch Nhật Bản

Những ngày vợ chồng tôi nghỉ hưu về sống bên các con, bạn bè hàng xóm không ít người ngưỡng mộ khi thỉnh thoảng thấy cả nhà bốn người cùng đi bộ thể dục, ngồi cafe, chơi cầu lông, đánh bóng bàn, cùng đi thưởng thức ca nhạc, vũ kịch, và những chuyến cả nhà đi du lịch trong và ngoài nước.

Nghe những lời khen của mọi người, gương mặt tôi bừng lên niềm hạnh phúc. Chẳng giàu có hơn ai nhưng tôi biết mình là người hạnh phúc. Tôi từng khoe với mọi người rằng mình có hai cục kim cương ngoại hạng. Có ai đó đã nói: con cái chính là CỦA ĐỂ DÀNH của cha mẹ. Đi qua bao thăng trầm của cuộc đời, tôi càng thấu hiểu điều mà nhân gian đã đúc kết. Và tôi muốn viết cho các con rằng: nếu như được sinh ra một lần nữa, tôi vẫn muốn mình sẽ là mẹ của các con, những kho báu mà tôi luôn yêu thương và hy sinh cả cuộc đời.

Hoàng Mai Quyên (TP. HCM)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

5 1 Bỏ phiếu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Mỹ Chi Chi
Mỹ Chi Chi
1 year ago

Con cái đúng là của để dành quý giá

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx