Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Con nào cũng là con

…những người mẹ dù bất cứ hoàn cảnh gì thì xin chớ để lại trong lòng trẻ thơ những ấn tượng không đẹp. Những vết thương ngoài thân xác thì có thể lành nhưng vết thương lòng thì rất khó nguôi ngoai. Mong sao tất cả các bà mẹ đều đối xử với núm ruột của mình như nhau, bởi vì con nào cũng là con!

 Con nào cũng là con, dù trai hay gái, xấu hay đẹp thì cũng do người mẹ chín tháng mười ngày sinh ra. Nhưng tôi không được cái may mắn đó. Không phải tôi nói theo cảm tính vì những gì để lại trong tôi là những đoạn hồi ức khá sâu sắc vào những thời điểm khó quên trong cuộc đời!

Những chuyện vặt vãnh lúc nhỏ thì tôi không ấn tượng lắm. Nhưng khi đứa em trai út ra đời thì cũng là lúc tôi nhận thức và suy ngẫm trước những sự việc xảy ra trong gia đình mình. Tôi có bảy chị em: năm gái và hai trai. Chắc do thấm nhuần câu “Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng” nên tình thương mẹ đều dành hết cho chị tôi. Tôi là đứa thứ hai trong năm đứa con gái nhưng lúc nào tôi cũng bị ghẻ lạnh. Thường thì làm bất cứ công việc gì thì tôi cũng là người bị chỉ định nhiều nhất với lý do là phận em phải làm thay cho chị. Khi không có chị thì tôi cũng phải là người cáng đáng mọi việc vì lớn thì phải lo cho em. Nhớ có mùa đông rét căm căm nhưng tôi không được mẹ may cho cái áo ấm bằng vải nỉ, lý do vì tôi giỏi chịu đựng.

con-nao-cung-la-con-01
Cùng cha tại nhà thờ cha Diệp

Cha và mẹ hoàn cảnh và tính cách gần như trái ngược. Cha tôi người miền Bắc, quê ở tận Ninh Bình là một con chiên ngoan đạo. Mẹ là người miền Nam, sống ở Cần Thơ và theo đạo Phật giáo. Chị em tôi đã từng chứng kiến những cuộc cãi nhau giữa cha mẹ về tôn giáo, về miếng cơm manh áo, về gia đình chồng và rất rất nhiều mâu thuẫn khác. Có điều là lúc nào cha cũng là người im lặng bỏ đi, còn mẹ thì lúc nào cũng khóc lóc kể lể bù lu, bù loa khiến chúng tôi vừa lo sợ vừa cảm thấy não lòng! Những lúc như vậy tôi hay đặt ra nhưng câu hỏi như: Lỗi tại ai? Vì sao phải gây gổ?… Khi kết luận tôi thấy đa phần là lỗi ở mẹ. Mẹ rất nóng tánh, hay mắng chửi con cái chứ không phải là dạy dỗ khi con cái sai. Thậm chí mẹ sẵn sàng phang, ném vào người đứa nào bằng vật gì mẹ có trên tay. Cái khổ của tôi là sau khi thấy mẹ khóc lóc, kể lể thì tôi thấy mẹ cũng rất đáng thương bởi vì hoàn cảnh khó khăn, con cái đông đúc mà ra.

Nhưng cuối cùng thì tôi lại thấy cha là người đáng thương hơn cả. Tôi thương cha nhất là khi cha phải bán hết ruộng vườn, nhà cửa để bồng bế con thơ theo mẹ sống bên ngoại ở trong miền Nam. Nghe đâu bên nội đã rất giận cha về việc này. Thường đàn ông ít khi khóc nhưng tôi thấy cha đã rơi nước mắt trong ngày dứt áo ra đi!

 Tôi rất thương cha nên cái gì có thể làm cho cha vui tôi đều làm. Ví như cùng cha đi nhà thờ, ăn cơm chung với cha, chơi cờ tướng với cha, khoe những phần thưởng học tập với cha… Vô hình chung đã tạo thành hố ngăn giữa tôi và mẹ. Mẹ tôi thường khó chịu khi làm thức ăn thành hai loại: cha ăn uống kham khổ cũng được bao gồm muối mè, trứng vịt luộc dầm nước tương với rau luộc… Các món ăn miền Nam nhất là các loại mắm, tôi và cha đều không biết ăn. Những lúc như thế tôi thường nghe những tiếng cằn nhằn: “Mày với thằng cha mày ăn uống khó khăn”.  Riêng tôi bị gán thêm những cụm từ mà theo tôi đó là cội nguồn của sự ghét bỏ của mẹ tôi như: Bản mặt giống y như mụ nội mày, âm trì, địa ngục. Bản mặt hãm tài làm tao cất đầu lên không nổi…Cũng vì nguyên nhân này mà không bao giờ tôi được cho đi đâu mỗi khi có đám tiệc ở nhà bà con, thậm chí có khách tới nhà tôi cũng được cấm không được ló mặt ra.

Có lần tôi lấy xe đạp đi mua sách về trễ. Mẹ tôi đã cho tôi một trận đòn nên thân khi chưa vào đến cửa vì mẹ tôi không có xe đi công việc. Những vết bầm vết trầy rồi cũng lặn, cũng lành sẹo nhưng câu nói mà mẹ tôi buông ra trong cơn nóng giận: “Mày có đi đâu thì vác xác mày đi một mình thôi, để xe ở nhà cho tao. Mày đi mà có bị xe đụng, xe cán tao cũng không màng tới đâu!”. Từng lời của mẹ tôi đến giờ không hề phai nhạt trong tâm trí tôi. Có lẽ vì tôi cứ nhớ và bị nó ám ảnh thường xuyên trong đầu. Tôi còn nghi ngờ tôi không phải là con ruột của mẹ? Mà thà rằng tôi là con lượm hay con nuôi gì đó thì tôi sẽ không buồn tủi khi bị đối xử như vậy.

Nhà tôi bán bún riêu cả ngày nên chị em tôi thay nhau làm việc. Công việc không lúc nào ngơi tay vì ai đi học buổi sáng thì phụ bán tiếp vào buổi chiều và ngược lại. Kiểm lại tôi thấy mình toàn bị giao làm những việc khó như: bằm ớt, bào rau muống, giã cua… Cứ mỗi lần bằm ớt xong là hai tay tôi nóng ran lên, có khi không cẩn thận bị ớt văng vào mắt cay và nóng cả buổi. Lặt và bào rau muống khiến cho móng tay tôi dính mủ đen hết các móng tay. Còn giã cua thì đó là công việc mà cả nhà tôi ai cũng ngán làm. Lớp thì bị cua kẹp, còn có kinh nghiệm lắm thì khi làm cua vẫn bị đâm lủng tay trong quá trình lột mai, vắt lược thịt cua. Cả trăm cua phải giã đi giã lại nhiều lần thì mới tận dụng hết thịt cua.

Có lần mẹ tôi kêu tôi chở đi chợ bằng xe đạp vì mẹ mệt. Tôi mừng thầm trong bụng vì cảm thấy như vậy mới là tình mẹ con. Khi đến chợ mẹ tôi kêu tôi ngồi trong tiệm tạp hóa đợi mẹ đi mua đồ về bán. Không biết mẹ tôi đã mua những gì trong tiệm và đem đi đâu. Tôi chỉ biết là bà chủ tiệm cứ nhìn chừng như sợ tôi biến đi đâu mất. Cứ một lát lại hỏi mẹ tôi đến chưa? Thì ra mẹ tôi làm cái chuyện mà người ta gọi là “mượn đầu heo nấu cháo”. Mẹ mua hàng ở tiệm, sau đó đem đi bán lại cho người khác. Không biết là lời hay lỗ nhưng chủ yếu là mẹ tôi có tiền mặt để trả mỗi chỗ một ít theo kiểu gối đầu, nghĩa là trả nợ cũ rồi mua thiếu nợ mới. Tóm lại là tôi phải làm con tin, thế chấp cho đến khi mẹ tôi đem tiền đến trả.

con-nao-cung-la-con-02
Cha mẹ cùng 7 người con, từ lớn đến nhỏ (tính từ phải qua trái)

Cũng một kỷ niệm mà tôi khó quên trong đời đó là khi tôi vừa tròn mười tám tuổi. Mẹ dắt tôi đi bán máu. Tôi nhớ lúc đó tôi vừa sợ và vừa tủi thân nhưng cứ nuốt nước mắt vào trong. Bình thường tôi đã sợ cây kim tiêm, huống hồ là cây kim lấy máu nó thật to. Vào thời điểm đó tôi thấy buồn cho mẹ. Bởi vì chính mẹ tôi cũng bán máu nhưng lại không đủ tiêu chuẩn. Và đây cũng là con đường cùng vì nợ nần chồng chất. Nồi bún riêu không đủ nuôi sống một bầy con bảy đứa đều còn ăn học. Đã vậy mẹ tôi có máu đề đóm chỉ mong trúng số để đổi đời. Cứ như vậy nên cả lời lẫn vốn đều không còn để duy trì sự buôn bán. Tôi nhớ số tiền bán máu của tôi có thể cứu vãn tình thế được vài ngày. Hình như đó cũng là lần đầu tiên mà mẹ nhìn tôi với ánh mắt thân thiện!

Tất cả những chuyện xưa đã là quá khứ. Tuy nhiên khi đề cập đến tình mẫu tử tôi lại chạnh lòng. Tôi chỉ mong sao những người mẹ dù bất cứ hoàn cảnh gì thì xin chớ để lại trong lòng trẻ thơ những ấn tượng không đẹp. Những vết thương ngoài thân xác thì có thể lành nhưng vết thương lòng thì rất khó nguôi ngoai. Mong sao tất cả các bà mẹ đều đối xử với núm ruột của mình như nhau, bởi vì con nào cũng là con.

Phạm Thị Thúy Kiều (Cần Thơ)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

5 2 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
15 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Tô Hưng
Tô Hưng
2 years ago

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Hoàn cảnh bạn cũng thật đáng thương. Nhìn lại bản thân tôi thấy mình thật may mắn khi có một người mẹ luôn hết lòng hi sinh vì đàn con, bất chợt nhớ mẹ biết bao. Và tôi cũng thường hay gặp mẹ trong mơ kể từ khi Người đã về cõi vĩnh hằng. Còn cha tôi chỉ là người khó tính chứ vẫn ấm áp như vầng Thái dương và đương nhiên không “khó” và “khô”như mẹ bạn, nhưng tôi lại còn biết có người mẹ còn “khô” hơn cả mẹ ban nữa kìa . Và hiện thời bà ấy vẫn sống trong sự hiếu thảo miễn cưỡng của những người con đấy. Thế nên dù sao mẹ bạn vẫn còn tuyệt vời thiên hạ rồi.

Lê Văn Giáo
Lê Văn Giáo
2 years ago

Tình mẫu tử là thiêng liêng, cao cả. Thênh thang như biển Thái bình, vút tận trời xanh. Sự hi sinh của người mẹ đối với con là vô bờ bến, dù mẹ có nhiều đưa con, cho dù thiên vị, cho dù tình thương có mức độ. Người mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi con khôn lớn là cả một quá trình theo năm tháng. Cho dù thế nào đi chăng nữa mẹ vẫn là người mẹ con yêu quý nhất trên đời ! Mẹ là tất cả, là hoài bảo, là động lực, là chỗ dựa tinh thần cho con lạc quan sống và cống hiến cho đời…Ôi tình mẫu tử đẹp biết mấy ! Mẹ sẽ không ở đời với con mãi mãi. Một ngày nào đó mẹ sẽ rời xa ta mãi mãi. Dù phép thuật nhiệm mầu cũng không níu kéo mẹ ở bên ta( Cây khô chưa dễ mọc chòi, Bác mẹ chưa dễ ở đời với ta). Nếu tác giả chọn mô típ này thì hay quá ! Thường thể hiện chân thật hoá nhân vật tôi, nhà văn thường xây dựng khung truyện theo thể loại tiểu thuyết, nhân vật hư cấu, trong đó có bóng dáng tác giả qua ngôn ngữ dẫn câu chuyện. Ở góc độ thể loại câu chuyện mà tác giả vừa thể hiện thì có thể biểu đạt thể loại Nhật dụng( bút kí) thì hay nhất. Câu chuyện sẽ được chuyển tải theo mức độ biểu đạt mà nhà văn thể hiện. Nhờ lối diễn đạt này thì hình ảnh người mẹ cho dù thế nào đi chăng nữa sống động, đậm nét thiên chức vĩnh cữu. (Tác giả có thể nghiên cứu Ngữ văn 7, tập 1: Cổng trường mở ra( Lí Lan); Mẹ tôi(A-Mi-Xi)…Đôi lúc chúng ta thể hiện quá chân thật theo bút pháp của mình, theo lăng kính của mình như tự truyện thì hình ảnh người mẹ dường như bị xoá nhoà hay phai nhạt kí ức tuổi thơ. Mà xưa nay hình ảnh người mẹ đi vào thơ ca, truyện kí…bằng một tình cảm thiêng liêng, đẹp. Có thể nói qua lăng kính của tác giả hình ảnh của người mẹ được xây dựng đầy chất sáng tạo, nhân văn, với giá trị vĩnh hằng nhất ! Tạo hoá thiêng liêng vẫn là ở người mẹ(Cái cò lặn lội bờ ao, Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non). Vâng hình ảnh của người mẹ là như thế ! Đứng ở góc độ của người bình luận là như thế !

Lê Văn Giáo
Lê Văn Giáo
2 years ago

Con nào cũng là con: Tác giả xoay quanh chủ đề tổ ấm gia đình. Mạch cảm xúc xuyên suốt văn bản. Phương thức biểu đạt kể là chính. Độ dài văn bản ở mức độ tương đối. Kể về người thật việc thật trong một gia đình mà tác giả là nhân vật chính quá sử dụng ngôi thứ 1, nhân vật chính có vẻ không hài lòng về người mẹ của mình qua từng giai đoạn tuổi ấu thơ. Tình mẫu tử dường như sứt mẻ bởi người mẹ đối xử thiên vị. Năm tháng thôi đưa, tình cảm này in dấu ấn tổn thương trong lòng nhân vật tôi bởi sự tự ti, lạnh nhạt, cô đơn. Tác giả xoay qua nhờ chỗ nương tựa và chở che của bố ! Quan điểm của tác giả về cha và mẹ khác nhau, đó là vấn đề tôn giáo( đạo Thiên chúa và đạo phật). Nhân vật tôi chọn người cha là thể hiện quan điểm đó ! Mâu thuẫn là ở chỗ đó. Nhân vật tôi dành chọn tình cảm của con đối với bố ! Bởi vì bố hiểu và thông cảm cho cô nhiều hơn. Ấn tượng người mẹ dường phải nhoà trong kí ức tuổi thơ và còn lắng sâu năm tháng( đoạn kết: núm ruột…). Còn bình luận tiếp.

Phạm Thị Thuý Kiều
Phạm Thị Thuý Kiều
2 years ago
Trả lời  Lê Văn Giáo

Anh bình tâm huyết quá! Em xin đa tạ anh!

Nguyễn Văn Thẩm
Nguyễn Văn Thẩm
2 years ago

Mong sao những đứa trẻ sau này sẽ được hưởng nền giáo dục tốt nhất từ gia đình!

Nguyễn Văn Thẩm
Nguyễn Văn Thẩm
2 years ago

Em cảm ơn anh!

Phạm Thị Thúy Kiều
Phạm Thị Thúy Kiều
2 years ago

Em cảm ơn anh!

Phạm Tuyết Vân
Phạm Tuyết Vân
2 years ago

Bài văn thật xúc động, cảm ơn tác giả nhiều!

Phạm Thị Thúy Kiều
Phạm Thị Thúy Kiều
2 years ago
Trả lời  Phạm Tuyết Vân

Em cảm ơn chị!

Nguyễn Minh Trang
Nguyễn Minh Trang
2 years ago

Tội nghiệp bạn tôi!

Nguyễn thị huyền sương
Nguyễn thị huyền sương
2 years ago

Bài viết hay lắm, đối với cha mẹ, con nào cũng yêu thương

Phạm Thị Thúy Kiều
Phạm Thị Thúy Kiều
2 years ago

Em cảm ơn chị đã cảm thông!

Cao thị nga
Cao thị nga
2 years ago

Câu chuyện thật buồn

Nguyễn Minh Trang
Nguyễn Minh Trang
2 years ago
Trả lời  Cao thị nga

Ai cũng đáng thương hết!

Phạm Thị Thúy Kiều
Phạm Thị Thúy Kiều
2 years ago
Trả lời  Cao thị nga

Xin cảm ơn Nga đã đọc!

15
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx