Con em út lại khóc ré lên, nó giãy đành đạch… mẹ vẫn trốn trong góc buồng, vẫn ôm mặt khóc. Mẹ không chịu nổi cảnh chia ly, đứa con gái mới lớn, chưa từng bước ra khỏi cánh đồng làng. Ấy vậy mà chỉ trong một tháng suy nghĩ, cũng là một tháng thức trắng đêm, bố mẹ tôi đã quyết định gửi chị cả vào mảnh đất cuối cùng cực nam Tổ quốc để mong được “làm cô giáo”.
Bố run rẩy dắt chiếc xe cọc cạch ra ngõ, giọng bố lạc hẳn đi: “nhanh lên con, lỡ chuyến xe… lỡ cả cuộc đời!”. Dưới ánh đèn dầu le lói năm 1998, năm chị em tôi dáo giác nhìn nhau, không ai nói với ai một lời, chỉ có âm thanh sụt sùi, tiếng nấc nghẹn, nức nở những giọt nước mắt rơi lã chã, những bàn tay xiết chặt vào nhau, những cái ôm thật lâu như muốn thời gian ngừng lại.
Chị cả đứng lên, mưa bắt đầu nặng hạt, gió thổi mạnh… chị nhìn khắp nhà, nhìn bốn anh em tôi rồi lặng lẽ bước đi thật nhanh. Chiếc xe cọc cạch của bố bắt đầu hành trình chở ước mơ, chở theo cuộc sống mới cho năm chị em chúng tôi.

Chị cả đi rồi! con bé út thét lên, tiếng nấc, tiếng khóc chợt phát ra đồng loạt, tất cả như vỡ òa bởi kìm nén nghẹn ngào của sự chia tay, tiễn biệt “người phương Bắc kẻ tận cuối trời Nam” biết khi nào gặp lại. Chị đi rồi, bốn anh em tôi mỗi đứa ngồi một góc, tám con mắt sưng vù lên vì đã thấy nhớ chị, giờ này chắc chị lên xe rồi, chúng tôi bắt đầu chuỗi ngày chờ ngày chị thành tài trở về.
Con em út lại khóc ré lên, nó giãy đành đạch… mẹ vẫn trốn trong góc buồng, vẫn ôm mặt khóc. Mẹ không chịu nổi cảnh chia ly, đứa con gái mới lớn, chưa từng bước ra khỏi cánh đồng làng. Ấy vậy mà chỉ trong một tháng suy nghĩ, cũng là một tháng thức trắng đêm, bố mẹ tôi đã quyết định gửi chị cả vào mảnh đất cuối cùng cực nam Tổ quốc để mong được “làm cô giáo”. Cái đêm đầy kỳ vọng ấy, đầy niềm tin, đầy quyết tâm và đồng lòng ấy, khoảnh khắc 12h30’ đêm 16 tháng 7 năm 1998, thực sự đã làm thay đổi cuộc sống cả gia đình tôi.
Giai đoạn 1975 – 1986, kinh tế nước ta do nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu, không được mua bán tự do trên thị trường, không được tự ý vận chuyển khi chưa có ý kiến của cấp có thẩm quyền.
Phân phối hàng hóa, không trao đổi bằng tiền mặt, tem phiếu theo quân số. Sổ gạo được thiết lập để phân phối lương thực, thực phẩm theo đầu người. Lương đôi khi cũng được trả bằng hiện vật…. khó khăn trăm bề.
Đến năm 1987 Việt Nam hình thành và phát triển nền kinh tế “hợp tác xã”, người dân được phân chia ruộng đất theo đầu người. Cứ mỗi vụ mùa, nông dân đều phải nộp thuế cho Hợp tác xã, hoặc quy ra tiền, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn bủa vây nền kinh tế non trẻ.

Xuất thân từ nông dân, bố mẹ tôi nghèo lắm, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn không đủ nuôi bảy miệng ăn. Chúng tôi may mắn được sinh ra ở thời bình, nhưng cái nghèo cái đói vẫn đeo bám dai dẳng, chị em chúng tôi lớn lên bằng ngô, khoai, sắn, bằng cơm độn… chứ làm gì có cơm trắng mà ăn, lúc đó được ăn và không bị chết vì đói đã là hạnh phúc lắm rồi.
Vất vả là thế, nhưng tấm lưng còng của mẹ, đôi vai gầy của bố vẫn tần tảo nuôi nấng và cho chúng tôi theo học đầy đủ như chúng bạn. Sách vở của chúng tôi, là những cuốn sách cũ mà bố mẹ tôi xin được, cứ thế đứa lớn học xong cất lại cho đứa bé học tiếp. Chị cả học xong lớp 9 thì ở nhà phụ mẹ việc ruộng đồng và còn tranh thủ đi học may để có cái nghề nuôi thân.
Nghe cậu út báo tin Cà Mau đang tuyển sinh ngành Sư phạm hệ 9+3, bố mẹ tôi mừng rơi nước mắt, một tia hi vọng lóe sáng. Thật sự bố mẹ tôi chưa bao giờ lại nghĩ được rằng con mình sẽ có cơ hội đổi đời như thế. Mừng bao nhiêu thì lo bấy nhiêu, tất cả chúng tôi nhỏ lớn đều chưa rời xa bố mẹ nửa bước, rồi tiền đâu cho chị cả đi học, rồi con gái chưa kịp lớn đã đi xa như vậy, biết phải làm sao? Bố mẹ tôi lo lắng nhiều ngày, suy nghĩ nhiều ngày… và bao nhiêu câu hỏi chưa có đáp án. Nhưng thời gian không chờ ai cả.
Nếu ngày ấy bố mẹ tôi không quyết định kịp thời thì chắc chắn chị cả bây giờ đã theo chồng, con cái nheo nhóc và chắc chắn vẫn là nông dân với mảnh ruộng chẳng là bao, nghèo đói vẫn bám theo.
Chị cả đi học, gia đình tôi đã mất đi một lao động chính, bố mẹ tôi cố gắng chắt bóp từng đồng để nuôi chị ăn học. Thương nhớ nhau, chúng tôi bày tỏ qua những lá thư dài thườn thượt….bưu điện chuyển cả tuần, có khi cả tháng mới đến được. Những lá thư đầy nước mắt, cứ đọc thư là bố mẹ tôi lại khóc, bố nghẹn ngào đọc cho cả nhà cùng nghe, lần nào mẹ cũng xếp lá thư lại rồi ôm xuống bếp, trốn trọng góc tường đọc đi đọc lại rồi lại khóc, mẹ nhớ chị lắm. Hai đầu đất nước cách nhau tới ba ngày ba đêm di chuyển bằng xe khách cơ mà. Thời ấy làm gì mà có cái điện thoại nào? có việc khẩn phải tới bưu điện để đánh điện tín với chi phí rất cao….
Đúng là ông trời không phụ lòng người. Học xong chị cả tôi được nhận về dạy tại vùng đất Khánh Hải, quê hương của Bác Ba Phi. Chị được nhận lương, tự nuôi được bản thân mình, cuộc sống của chị đã thực sự bước sang một trang mới, thực sự đã thoát khỏi cảnh“chân lấm tay bùn”, thoát khỏi lũy tre và cánh đồng làng. Đây chính là niềm hạnh phúc, là động lực lớn nhất để chị em chúng tôi cùng cố gắng vươn lên.
Tiếp nối thành công đó, năm sau bố mẹ tôi lại cho anh thứ hai vào Cà Mau học. Hai năm sau….. và lại hai năm sau… vẫn chiếc xe đạp ấy cọc cạch ấy, bố lần lượt tiễn chúng tôi vào Nam trong nước mắt nghẹn ngào. Cứ thế đứa lớn nuôi đứa nhỏ, gồng gánh nương tựa nhau mà sống, học tập và lập nghiệp. Khoảng thời gian ấy gia đình tôi sống trong nước mắt… nhưng vì tương lai, bố mẹ tôi vẫn cam chịu, vẫn còng lưng cày quốc để tiếp tục lo cho chúng tôi đến cùng. Đó là sự hi sinh vô giá mà cả đời này chúng tôi khắc ghi.


Cả gia đình tôi đã đoàn tụ tại Cà Mau được 10 năm nay. Năm chị em tôi thì bốn đứa là giáo viên, một đứa du học tại Đức và công tác tại Sở Khoa học Công nghệ tỉnh, đứa nào cũng có gia đình êm ấm, con dâu con rể của bố mẹ tôi cũng đều là công chức, viên chức nhà nước, tất cả đều thành đạt.
Chúng tôi đón bố mẹ vào để phụng dưỡng tuổi già, để ông bà được vui vẻ bên con cháu, sống cuộc sống an nhàn, không còn lo toan gì nữa. Riêng tôi, mỗi lần đứng trên giảng đường là một lần tôi cảm thấy tự hào và luôn nhớ ơn bố mẹ. Nhớ tới những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt mà cả gia đình chúng tôi cùng trải qua, những năm tháng khó khăn vất vả ấy chẳng bao giờ chúng tôi quên được.
Tôi nhớ âm thanh cọc cạnh ngày nào trên chiếc xe đạp của bố, thầm cảm ơn bố, chiếc xe đạp ấy chở ước mơ, chở khát vọng và đem lại cuộc sống hoàn toàn mới cho cả gia đình chúng tôi. Âm thanh đó tôi đã đưa vào bài giảng để truyền đạt cho các sinh viên của mình, mong mỏi của tôi là các em sẽ thành đạt và phát triển quê hương đất nước Việt Nam giàu đẹp.
Nguyễn Thị Kim Thêu (Cà Mau)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Sau cơn mưa trời vẫn tối
- Bác sĩ Nguyễn Hoàng Việt Thắng – BV Thẩm mỹ Sao Hàn: “Cần giáo dục lối sống cho bệnh nhân sau hút mỡ”
- Huyền thoại LeBron James quyết đấu “một mất một còn” trong Space Jam: Kỷ Nguyên Mới
- Điểm danh những phim kinh dị Việt ấn tượng trên màn ảnh
- Cười cả tuần với 4 web drama mới “xịn xò” tháng 7
Thật yêu thương gia đình này.
Gia đình là để yêu thương. Mỗi thành viên đều mang một nghị lực phi thường, đồng lòng đồng sức, cùng nhau vươn tới tươi lai tươi sáng.
Con em út làị ré lên, nó giãy đàch đạch, mẹ vẫn trốn trong góc buồng, vẫn ôm mặt khóc… Đọc tới đây con cảm nhân sự dau đớn vô cùng của những người thân yêu đành chấp nhận sự chia ly để còn lo toan cho cuộc sống.
Một sự hi sinh cao cả mà thầm lặng
Thương bố ghê, bố dăt xe ra ngõ vì bố không muốn ai thấy bố khóc.
Bài viết này cho mình cảm xúc đặc biệt.
Bài viết thât cảm động. Mình không biết cảnh khổ khi ấy, nhưng cũng rưng rưng nước mắt.
Mời mọi người tiếp tục ủng hộ bài thi viết về gia đình của mình.
Bố mẹ vẫn kiên cường nhất. D
Chị hai dũng cảm ghê