Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Chị tôi cưới vợ cho chồng

Nhường cho anh rể và người đến sau hai gian nhà dưới, còn chị chăm lo cho cha mẹ chồng ở mấy gian nhà trên. Chị vẫn lặng lẽ làm tròn bổn phận của người con dâu trưởng đảm đang, lặng lẽ thương anh bằng sự ân cần của người vợ thảo hiền và thương cho cả người đàn bà đến sau cùng chung một sự ràng buộc.

Mỗi khi nhắc đến chị gái đầu, mẹ tôi bao giờ cũng rơm rớm nước mắt và nén tiếng thở dài. Người xưa đã dạy “Con đầu không sâu cũng điếc” quả là đúng, ít ra là đối với chị tôi.

Chị tôi vốn xinh đẹp và ngoan hiền. Thuở ấy trong cái nghèo đói chung của đất nước vì đang căng mình phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhà tôi cũng không là ngoại lệ. Dẫu vậy, chị vẫn được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Nhiều khi nhịn đói hay khoai sắn thay cơm, hay đi bộ gần chục km để xuống trường huyện nhưng chị vẫn kiên trì để hoàn thành việc học. Chỉ tiếc là khi đi học trường sư phạm, vì quá xa, nhà lại đông em nên chị đành nghỉ học để về phụ giúp ruộng đồng cho cha mẹ nuôi các em ăn học.

Rồi chị yêu và cưới anh rể, một chàng trai hiền lành và tài hoa ở xã bên. Anh làm nghề thợ mộc, đóng giường tủ bàn ghế rất đẹp dù thời ấy chưa có máy móc hiện đại như bây giờ. Tình yêu đến một cách tự nhiên mà chân thành ấy được sự vun vén của cả hai bên nội ngoại.

Anh cũng là con trai cả nên cả hai bên đều mong muốn anh chị sớm sinh con đầu lòng. Nhưng rồi chờ mãi một, hai năm mà chị tôi chưa có tin vui khiến cho gia đình lo lắng. Chị cũng muộn phiền đến gầy rạc cả người. Vì buồn nên anh rể lại càng đi làm nhiều hơn, xa hơn, ít về nhà với chị. Mẹ tôi thì đi không sót đền chùa miếu mạo nào để xin cầu cho chị. Rồi nghe ai mách ở đâu có thầy thuốc giỏi cũng đi bốc thuốc cho chị bằng được. Vậy mà vẫn bằn bặt tin vui.

Sang đến năm thứ tư, không thể kiên nhẫn được nữa, chị đành thưa chuyện với cha mẹ chồng xin được giải thoát cho anh đi bước nữa. Cha mẹ chồng chị vốn gốc Bình Trị Thiên di cư ra, rất lễ giáo phong kiến và mong muốn có đứa cháu nối dõi nhưng cũng nhất quyết không cho phép anh bỏ vợ. Nết ăn ở của chị bấy lâu nay đã khiến ông bà hài lòng, thương dâu như con. Phúc phận không đến, nghe lời cha mẹ và cũng vì thương chồng, chị tôi đã làm một việc lạ đời – đi cưới vợ cho chồng.

chi-toi-cuoi-vo-cho-chong-01
Ảnh gia đình anh chị trong ngày cưới con gái – Ảnh NVCC

Người thứ nhất là một cô gái đã qua một lần đò. Nghe lời chị, anh cũng đi xem mặt rồi đưa về sống thử trước khi làm các thủ tục li hôn và kết hôn. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, nết ăn ở vụng về mà gian xảo, siêng ăn nhác làm, lại đua đòi ăn diện đã khiến cho cha mẹ chồng chị tức giận nên chị đành cho cô gái một ít vốn để ra đi.

Đến người thứ hai là một cô gái cùng xã quá lứa lỡ thì sống cùng cha mẹ già. Khác với cô trước, cô này chân chất mộc mạc và gia đình bên ngoại cũng chẳng còn ai. Không đắn đo, sau khi sống thử, chị cưới cô ấy về cho chồng theo đúng lễ nghĩa, phong tục.

Ngày xưa nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương từng than “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng” nhưng với chị, dù có chút chạnh lòng nhưng không hề oán thán. Nhường cho anh rể và người đến sau hai gian nhà dưới, còn chị chăm lo cho cha mẹ chồng ở mấy gian nhà trên. Chị vẫn lặng lẽ làm tròn bổn phận của người con dâu trưởng đảm đang, lặng lẽ thương anh bằng sự ân cần của người vợ thảo hiền và thương cho cả người đàn bà đến sau cùng chung một sự ràng buộc.

Có phải việc làm và cách cư xử của chị đã làm cảm động đến đất trời hay không mà mà hơn hai mươi năm sau ngày cưới, chị mang bầu. Không thể diễn tả hết niềm hạnh phúc vô bờ của anh chị cũng như hai bên nội ngoại. Nhưng tạo hóa lại trêu ngươi quá oan nghiệt. Đứa bé ra đời sớm hơn dự kiến gần một tháng đã mang sẵn mầm bệnh. Chi tuổi cao, chưa một lần sinh nở, cộng thêm điều kiện y tế đã không thể giữ đứa con lại cho anh chị. Nó mất khi vừa đến với thế giới được ba ngày tuổi. Chị như hóa đá trước nỗi đau. Gia đình tôi vừa đau vừa xót cho chị nhưng cũng có chút an ủi bởi anh rể vẫn hết lòng yêu thương chị.

Thời gian là phương thuốc tốt nhất để chữa mọi vết thương lòng. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Lòng chị có chút nguôi ngoai khi anh rể và người đến sau lần lượt sinh hai đứa con đủ nếp lẫn tẻ. Cả nhà vui và đặc biệt là chị gái tôi. Chị thấy trách nhiệm nặng nề của mình với gia đình chồng đã vơi bớt phần nào. Chị chăm sóc cho người đến sau khi thai nghén, sinh nở còn chu đáo hơn với cả em gái ruột. Rồi cảm giác vui sướng rưng rưng khi được nghe tiếng gọi mẹ dù mình không rứt ruột đẻ ra mà cũng có công chăm bẵm. Hai đứa con, nhờ phúc ấm nên ngoan ngoãn, khỏe mạnh, học giỏi. Không ai bày nhủ nhưng chúng cũng biết gọi “mẹ cả”, “mẹ hai”; tình cảm và rất nghe lời. Anh rể trước tấm lòng của chị thì rất cảm phục và trân trọng, thương yêu chị nhiều hơn. Anh nhất quyết không chấp nhận khi có đôi lần chị bảo muốn về lại nhà với cha mẹ ruột.

Rồi đứa con gái đầu của anh chị cũng đã học xong đại học, ra trường và xin được việc làm ổn định. Khi đưa người yêu về ra mắt, cháu đều giới thiệu rất long trọng mẹ cả và mẹ hai thấm đượm yêu thương. Gia đình thông gia cũng thấu hiểu và nể phục nên chẳng một lời dị nghị. Con gái lớn về nhà chồng, con trai đi học rồi đi làm xa nhà. Ba anh chị vẫn sống cùng nhau dưới một mái nhà xưa. Rồi khi lên chức ông bà, chị cùng người đến sau lại luân phiên nhau đi chăm sóc cháu ngoại.

Ngôi nhà ấy dù đơn sơ nhưng luôn đầm ấm và ríu rít tiếng cười trong mỗi lần lễ tết. Giấu đi những nỗi buồn, lau đi giọt nước mắt, chị chấp nhận, an nhiên sống với định mệnh đời mình.

Cầu mong sao, với những hi sinh cho gia đình chồng, chị sẽ được đón nhận tình yêu thương, niềm kính trọng và sự chăm sóc của chồng con cho đến hết cuộc đời.

Đinh Hạ (Nghệ An)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

3.7 3 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
4 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Phạm Anh Tuấn
Phạm Anh Tuấn
1 year ago

Cảm phục chị quá

Nguyễn Thị Hồng Vinh
Nguyễn Thị Hồng Vinh
1 year ago

Bài viết hay, xúc động quá! Cảm phục những tình cảm đẹp, rất cao thượng mà chị đã dành cho gia đình nhà chồng! Kính trọng và yêu mến chị vô cùng❤️❤️

Nguyễn Hoàng
Nguyễn Hoàng
1 year ago

Có thể khẳng định rằng … một gia đình, một tổ ấm hạnh phúc nhờ bàn tay lo toan của cô….

Nguyễn Hoàng
Nguyễn Hoàng
1 year ago

Cô rất khéo léo lo toan công việc gia đình… cảm ơn bài viết đã có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc

4
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx