Tôi đã làm nhiều bài thơ về mẹ nhưng chưa một lần đặt bút viết cho cha. Phải chăng tình phụ tử sâu nặng nhưng rất khó diễn đạt thành lời? Tôi đã nợ cha nhiều hơn là một lời thơ như thế!
Cứ mỗi chiều tan học về là một hình ảnh đã trở nên quá đỗi thân thương lại đập vào mắt tôi: cha với cái mủng thủng mấy chỗ, đang vơ quét lá chuối khô nơi góc vườn trong ánh nắng chiều tà chiếu xiên vàng vọt. Cha tôi là vậy, lúc nào cũng hết lòng vì con. Vốn là một nhà giáo đã nghỉ hưu, ông chăm sóc chúng tôi theo cách của một nhà mô phạm: lúc nào cũng phải đứng đắn, giản dị đến khắt khe. Gia đình tôi đông con, mẹ lại làm nông, tất cả chỉ trông vào mấy sào ruộng khoán.
Ngày còn công tác, cha tôi đi dạy trên miền núi biền biệt, thi thoảng mới về thăm nhà. Lũ chúng tôi lớn lên trong tình thương và dạy dỗ chủ yếu là của mẹ. Mỗi lần cha được về phép là cả một thời gian cổ tích với anh em tôi. Ông luôn mang theo về rất nhiều sách, thôi thì đủ loại: truyện, võ thuật…nhưng tôi và thằng em thích nhất là sách dạy võ. Có sách cái là y như rằng hai anh em ra ngay bãi đất trống sau nhà hì hục tập theo, đã có lúc vì trúng cú đá quá mạnh của tôi thằng em khóc chéo lên và thế là lập tức tôi ăn ngay một cán chổi vào mông đau điếng từ mẹ.
Cũng bởi cha đi biền biệt, lâu mới về nhà nên đã có chuyện thật như bịa xảy ra. Đó là đứa em út của tôi lâu quá không gặp cha nên khi ông về nó cứ trốn sau tấm liếp mà nhìn trộm ông như một người xa lạ. Dẫu cho mẹ tôi cố bảo, nó cũng nhất quyết không chịu vào chơi với bố. Lúc ấy chị em tôi đều bực nó, mãi sau này được học truyện “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tôi mới hiểu và đồng cảm với nhân vật bé Thu cũng như với nó. Trong cuộc sống có những hoàn cảnh thật oái ăm mà trẻ con thì bao giờ cũng hồn nhiên và có niềm tin rất chắc chắn. Cha tôi chưa bao giờ dùng roi vọt nhưng chúng tôi lại rất sợ, chỉ cần ông nhắc nhẹ là anh em tôi đã im re và không dám sai lời.
Mỗi lần cha được về thứ bảy, chủ nhật là cả một thời gian cổ tích với anh em tôi còn bởi ngày ấy còn nghèo khổ lắm. Bữa cơm có miếng thịt quả là sung sướng. Người ta bảo miếng ngon nhớ lâu quả không sai. Tôi vẫn còn nhớ như in không khí và hương vị những giờ cơm trưa có cha về: rộn ràng, háo hức vô cùng. Bữa cơm diễn ra thật vui vẻ, ấm cúng: tiếng đài radio bán dẫn hát 30 phút dân ca và nhạc cổ truyền hòa quyện với mâm cơm có bát thịt bốc hơi nghi ngút mùi thơm đậm đà, luôn in dấu ấn sâu đậm trong tâm trí anh em tôi đến tận bây giờ… Chao ôi, bao giờ cho đến ngày xưa !
Thế rồi tôi vào Đại học, xa quê, xa mái nhà xưa với biết bao kỷ niệm tuổi thơ nghèo khó nhưng êm đềm, trong vắt. Giảng đường nơi thành phố phồn hoa mở ra trong tôi bao điều mới lạ. Có lúc nhớ nhà khủng khiếp muốn bỏ về nhưng rồi với những lời động viên trong thư của cha tôi đã vượt qua được.
Ngày ấy điện thoại còn hiếm lắm mỗi lần cha gọi điện, nghe được tiếng nói thân thương tôi lại chực trào nước mắt. Sau này tôi mới biết mỗi lần gọi điện cha tôi đều ghi ra mảnh giấy nhỏ những điều cần dặn dò thật ngắn gọn để tiết kiệm tiền! Tính cha là thế, luôn cẩn thận trong mọi việc.
Một chuyện làm tôi cứ day dứt và ân hận mãi. Khoảng năm thứ hai Đại học tôi bắt đầu học đòi đám bạn cà phê, hút thuốc và còn đòi cha gửi tiền để học võ, học đàn nữa. Mà để có được kinh phí cho tôi đi học đã là một nỗ lực lớn từ gia đình bởi lúc ấy cha đã nghỉ hưu với mấy đồng lương còm cõi. Sau ngày cha đã đi xa chị tôi kể lại: ”Ngày đó cha nhận thư em cũng rất lo lắng, nhưng rồi cha động viên cả nhà tiết kiệm mọi thứ để cho em được bằng bạn bằng bè. Trước đó mấy bữa, trên đường thu hoạch mùa về, lúc ngồi trên xe bò lốp chở lúa, con bò kéo xe không hiểu vì sao nhảy cẫng lên làm xe ngã khiến cha bị té gãy chân. Nhưng cha vẫn bảo không được cho em biết để em tập trung học, vì em là niềm tự hào của cả gia đình ta”. Nghe những lời ấy lòng chợt nghẹn ngào không thốt nên lời. ”Cha ơi con xin lỗi, con thật vô tâm!”
Trong lúc ở quê nhà cha mẹ đầu tắt mặt tối, chạy vạy khắp nơi vậy mà con… trong sâu thẳm tâm can tôi vang lên những lời muộn màng khi đứng trước di ảnh cha. Có những việc trong đời khi ta biết ân hận thì đã muộn. Giá như ngày đó tôi thấu cảm hơn, bớt đua đòi đi thì chắc nỗi khổ của cha đã vơi bớt phần nào, cha ơi!
Tốt nghiệp Đại học, tôi công tác ở một trường THCS phương Nam, thi thoảng mới về thăm gia đình. Những lúc ấy tôi luôn nhận được những lời chỉ bảo ân cần của cha từ những việc nhỏ nhất. Nào là về phía học sinh, về phía đồng nghiệp, rồi phải bán anh em xa mua láng giềng gần… thoạt tiên, tôi cảm giác khó chịu và bảo: “Con lớn rồi mà cha”, lúc đó tôi cảm nhận được trong ánh mắt cha có vẻ buồn buồn. Sau này càng ngẫm tôi thấy những chỉ bảo của cha thật sâu sắc và chứa đựng biết bao tình thương yêu, bao nỗi lo lắng cho đứa con vừa ra trường chưa từng trải như tôi. Lúc tôi nói vậy chắc là cha thất vọng về tôi lắm!
Cuộc đời luôn chứa đựng bất ngờ, đang êm đẹp thì đột nhiên cha ngã bệnh và rời xa chị em tôi mãi mãi. Căn bệnh K phổi ác nghiệt đã làm cho con người kiên cường ấy phải ngã quỵ. Trên đời có nhiều nỗi bất hạnh nhưng có lẽ không nỗi đau nào lớn bằng việc mất đi người thân của mình, cảm giác ấy thật xót xa, thật hụt hẫng, đớn đau!
Vượt qua tang thương tôi lấy lại cân bằng để tiếp tục công việc. Một ngày, trong lúc lục lại tư trang của cha tôi bắt gặp một quyển sổ lớn kiểu giáo án, bìa đã cũ. Lật giở từng trang khóe mắt tôi chợt rưng rưng. Cha đã ghi lại chi tiết các khoản chu cấp cho tôi trong bốn năm học Đại học. Những hàng chữ xiêu vẹo ghi đã vay nợ những ai trong xóm, của những người thân và trả vào lúc nào… Ẩn sau những dòng chữ ấy tôi cảm nhận được bao nhiêu sự hy sinh, khổ cực, vất vả của cả gia đình vì tôi, mắt tôi lại nhòa đi, giọt nước mắt rơi xuống làm nhòe cả chữ viết.
Bên dưới quyển sổ ấy là những lá thư tôi gửi về đều được cha cất giữ cẩn thận. Tôi còn thấy một bộ quần áo mới của cha chưa hề mặc. Cha là thế, luôn tiết kiệm, cả cuộc đời vì con mà hy sinh tất cả. Đó là cái tằn tiện của một ông đồ xứ Nghệ thật đáng trọng, vẫn vang vọng trong tôi lời cha dặn: ”Phải khổ luyện mới thành tài con ạ”. Thật đáng thương cho cha, lúc con cái trưởng thành thì cha lại không còn nữa, không còn được bế cháu nội như cha hằng mong muốn, có lúc tôi nghĩ sao ông trời lại bất công với cha đến thế!
Tôi ngồi viết những dòng này thì cha đã rời cõi tạm hơn chục năm rồi. Mỗi lần ngước nhìn di ảnh cha với thân hình gầy gò và nụ cười tỏa ấm tình yêu thương là tôi lại không khỏi cay cay nơi khóe mắt. Tôi lại luôn dặn lòng phải sống sao cho xứng đáng với cuộc đời cha, luôn là niềm tự hào của người cha kính yêu!
Tuấn Phạm (Nghệ An)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Crowne Plaza tăng cường sự phát triển tại Châu Á – Thái Bình Dương
- Seachains giành chiến thắng tại bảng F khi “đọ mic” freestyle cùng Lil’ Wuyn bước vào Chung Kết
- Bộ 6 quyền lực mở màn Rap Việt mùa 2 với màn bắn rap đỉnh cao
- Những Rapper đình đám của Rap Việt “đốt cháy” sân khấu Underground RapStar
- 10 sai lầm khi sử dụng kem chống nắng
Bài văn rất hay anh Tuấn Phạm ạ.
Cảm ơn nhiều vì đã đồng cảm nhé
Đọc mà em cũng khóc anh Tuấn ak. Nhớ Cha Mệ hic, Chúc anh và gia đình nhiều sức khoẻ
Cảm ơn em nhé
Hay quá thầy ạ
Cha mẹ sống là vì con cái mình
Trân quý cảm ơn BTC đã lan tỏa bài viết ạ !