Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Cẩm Giàng đêm phong tỏa

Nồi bánh chưng đang bốc khói. Từ khi trong huyện phát hiện ra ca dương tính đầu tiên, tôi đã quyết định cho con gái học trên Hà Nội ở lại ăn Tết. Chiều qua biết có người nhà mai lên Hà Nội, nên tính sẽ gói sớm mấy cái bánh chưng gửi cho con cùng với ít gạo rau, khoanh giò để con ăn Tết nhà trọ. Cả ngày lụi hụi gói, chất bánh, đến năm giờ chiều vừa bắc nồi bánh chưng xuống thì nhận được tin phong tỏa. Khói bếp bỗng xộc vào mắt, cay xè

cam-giang-01

Tiếng loa từ nhà văn hóa thôn phát đi lệnh phong tỏa cách ly huyện Cẩm Giàng từ lúc 16 giờ ngày 05.02.2021 cho đến khi có thông báo mới, tôi đứng lặng giữa sân, cảm giác nghẹn ngào dâng lên. Tiếng cô phát thanh viên vỡ đi, tiếng xe máy ù ù vội vã ngoài đường.

Nồi bánh chưng đang bốc khói. Từ khi trong huyện phát hiện ra ca dương tính đầu tiên, tôi đã quyết định cho con gái học trên Hà Nội ở lại ăn Tết. Chiều qua biết có người nhà mai lên Hà Nội, nên tính sẽ gói sớm mấy cái bánh chưng gửi cho con cùng với ít gạo rau, khoanh giò để con ăn Tết nhà trọ. Cả ngày lụi hụi gói, chất bánh, đến năm giờ chiều vừa bắc nồi bánh chưng xuống thì nhận được tin phong tỏa. Khói bếp bỗng  xộc vào mắt, cay xè. Vớt bánh mà thấy người cứ nhão ra. Gọi cho con, nó cười động viên:

– Nhà mình cẩn thận là được, chứ con trên này ăn mấy đâu mà mẹ lo, con ra phố mua có đủ mà.

– Nhưng bánh chưng nhà nó khác.

– Biết là vậy, mà dịch giã thế này, một Tết không ăn bánh chưng nhà để những Tết sau lại được ăn mà mẹ.

 Nghe con động viên, thấy vững dạ.

– Mẹ nhớ gọi điện dặn ông bà ngoại cẩn thận đấy.

Con bé dặn biết nó lớn thật rồi, thế là lại tất gọi cho bố mẹ già ở quê. Từ hôm 28.01 biết tin Chí Linh bùng dịch, tôi đã thường xuyên gọi điện cho bố mẹ. Hôm sau được nghỉ dạy ghé về qua dặn dò, dọn dẹp một chút, mua cho bố mẹ ít đồ Tết rồi cũng không về được nữa. Chỉ là khác xã, cách nhau hai cánh đồng, nhưng ngay sau đó hai hôm có tin một đồng nghiệp là F1, cả trường thầy trò đều diện F2, F3 nên cần thực hiện nghiêm túc cách ly tại nhà theo hướng dẫn của ngành y tế.

Bố điện thoại nói vẫn đạp xe đi mua đồ bình thường, mẹ vẫn ra đồng chăm rau. Sốt ruột quá, tôi như muốn gắt lên

– Bố mẹ già rồi, bao nhiêu bệnh thế, ra ngoài nhỡ mắc dịch là nguy hiểm lắm. Tối nay có lệnh phong tỏa rồi, phải ở yên trong nhà, mắc bệnh là người ta về mang đi luôn đó, chúng con cũng đang cách ly nên không về được đâu.

Biết mình đang cao giọng, khiến bố mẹ buồn lo, tôi xuống giọng:

– Thôi, từ mai mua đồ ăn nhiều vào cất tủ lạnh rồi không ra ngoài nữa, nhớ đeo khẩu trang khi đi ra đường, giữ khoảng cách. Làng  đã có mười mấy người F1 vừa đi cách ly, có cả những cháu học sinh tiểu học, cả hơn trăm cháu lớp 1, lớp 4 phải đi cách ly ở trường bên cạnh kia, trông những ảnh mọi người chụp gửi cho thấy thương lắm. Bố mẹ hết sức cẩn thận.

– Được rồi, yên tâm, bom giặc ta chẳng sợ.

– Cái này còn nguy hiểm hơn ấy.

Bố cười hiền. Tết này con không về được đâu.

Bánh chưng vớt ra chẳng kịp ráo nước, gọi con trai hỏi

– Tối thế này có dám đi xe về ông bà cho bánh không, giờ mới sắp phong tỏa, vẫn kịp, mẹ thì không đi được rồi.

Nó gật, đeo khẩu trang, đội mũ, đi găng tay, phóng xe đi vào màn đêm, tôi không quên nhắn theo, cứ treo túi bánh ở cổng xong  bà ra lấy sau, rồi đi ngay nhé. Con đi thì quay vào giục chồng mang túi bánh vào góp Tết bên ông bà ngoại chồng.

Chồng gọi điện dặn bà mợ mở cổng, mở cửa sẵn, để cứ thế mang vào bếp, mai mợ hãy lấy lên. Chị chồng gọi điện nói chuyện về phong tỏa, bảo sao phải cẩn thận thế. Bệnh dịch này cẩn thận không thừa, chẳng phải chỉ vì sợ bị mắc bệnh mà còn lo cho người khác. Nói không may nếu đồng nghiệp lên F thì tất cả cùng lên, cẩn thận thế cho mọi người khỏi khổ.

Đã đúng một tuần nghỉ dịch cho tới chiều nay tôi mới giao bài cho học sinh. Cũng không nặng nề gì chỉ là một đề văn thôi. Tối qua trường họp hội đồng trực tuyến đến gần mười một giờ đêm, về chuyên môn và về công tác phòng chống dịch, chuẩn bị cơ sở vật chất nhà trường sẽ là khu cách ly tập trung thứ ba trong xã. Các trường học trong huyện đều thế cả. Nhiều thầy cô diện F2, F3 vẫn sẵn sàng xung phong đi dọn vệ sinh, kê bàn ghế làm phòng cách ly nếu thiếu người. Họp dài bất thường vậy nhưng tôi cảm thấy tinh thần mạnh mẽ hơn và cảm giác quên đi dịch đang hoành hành ngoài kia, át đi tiếng loa đọc tên những F0, F1 và các điểm ai đã đến cần khai báo ngày một tăng, cảm thấy các công tác chuyên môn thường ngày đang ùa về giục tôi phải làm ngay, soạn giáo án mới, học modul, hướng dẫn học sinh ôn tập, chuẩn bị tinh thần học trực tuyến trong mùa dịch mới… Và tôi giao bài cho các em, khuyến khích làm xong thì đọc sách, đọc truyện. Tình hình nghỉ lâu trong dịch với tình trạng F2, F3 sẽ dễ cho các em lo lắng, đưa các em vào tinh thần tự học ở nhà có thể sẽ giúp quên đi nỗi lo kia.

Đang dọn bếp thì bà lão hàng xóm gọi cho ít gạo nếp. Đã chuẩn bị sẵn, nên tôi cũng biếu bà gói bánh, kẻ đứng ngoài, người đứng trong cổng. Bà lão kể ngày mai, ngày mốt nước lên đồng, máy lồng xong sẽ làm đất chang vãi, cả bẩy sào chưa chắc đã xong trước Tết, nay đã hăm tư Tết rồi. Cảm giác mối bận tâm lớn nhất của bà bây giờ vẫn chỉ lo cho vụ cấy mới.

– Phong tỏa rồi đấy bà biết chưa?

– Ừ, vì cái con Co vít chết tiệt chứ gì. Phong tỏa cứ phong tỏa, cấy cày cứ cấy cày, giống như ngày trước còn đánh nhau ấy. Đánh nhau cứ đánh nhau, cấy cày vẫn cấy cày.

Con trai vừa phóng xe về.

– Nhanh thế. Bên ấy thế nào con?

– Con thấy đường xóm vẫn bình thường, lác đác có người đi về thôi.

Nhìn ra đường, đèn đường đã nhấp nháy soi sáng lá cờ đang bay trong gió, trong đêm. Thì ra chiều nay, anh cán bộ thôn đã đi cắm cờ và mắc đèn nháy các ngõ. Tiếng trẻ con nhà hàng xóm vẫn nô đùa vui tai. Có chàng trai trẻ đi xe qua sau xe chằng một cây đào. Bác hàng xóm vừa sơn lại nhà, cổng, đang rửa xô chậu ngoài ao, tiếng kêu lanh canh.

Sương bắt đầu xuống, vườn cây thẫm đi. Ngoài kia, đoàn tàu rúc một hòi còi khi sắp qua đoạn có đường bộ cắt qua. Đang nấu cơm tối thì có cuộc điện thoại của một người bạn từ miền Trung hỏi thăm vì vừa nghe tin huyện phong tỏa: “Mọi người vẫn bình thường anh ạ, sẽ cùng chung tay mong đẩy lùi đại dịch trong thời gian sớm nhất”.

Nguyễn Thu Hằng (Hải Dương)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

4.5 2 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx