Trước khi thi vào đại học, tôi đã vạch sẵn hai con đường cho mình lựa chọn. Nếu đỗ vào đại học thì tôi sẽ học tiếp và lập gia đình như mọi người. Còn nếu không đỗ vào đại học thì tôi sẽ tự kết thúc cuộc đời mình. Chính vì vậy sau khi thi đại học xong tôi có viết cho mẹ một bức thư tuyệt mệnh khá dài, phòng khi tôi hành động không kịp trăng trối, mong mẹ ở lại cố gắng sống tiếp và không được khóc khi tôi mất đi.
Tuổi thơ là kí ức đẹp của mỗi con người để rồi khi ta lớn lên ai ai cũng ước được quay trở về cái ngày xưa ấy. Bởi nơi đó có biết bao kỉ niệm đẹp trong sáng, hồn nhiên và có thật nhiều tiếng cười hạnh phúc. Còn với riêng tôi, tôi sợ lắm khi nghĩ về tuổi thơ của mình.

Tôi là một đứa trẻ sinh ra trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Mẹ tôi là một cô gái miền biển có làn da hơi ngăm đen, dáng người của mẹ tuy không cao nhưng cũng rất ưa nhìn. Mẹ tôi đẹp hơn cả là tính tình thùy mị, nết na. Còn bố tôi là một công tử hào hoa ăn chơi khét tiếng ở cái làng chài ấy. Họ đến với nhau không phải bằng tình yêu thương xuất phát từ trái tim mà do sự ép buộc của hai bên gia đình.
Cho tới tận bây giờ, mỗi khi ngồi trong không gian yên tĩnh bỗng dưng nghe thấy âm thanh lớn là tôi cũng giật mình sợ hãi. Những âm thanh ghê sợ đó làm tôi lại nhớ đến những tiếng đập phá của bố tôi ngày trước. Mỗi khi bố mẹ tôi cãi nhau là bố tôi lại đập đồ đạc trong nhà, các vật dụng gần ông còn là công cụ để đánh mẹ tôi. Có lần ông cầm con dao phi thẳng về phía mẹ đang đi. Tôi vội vàng chạy lại ôm mẹ thì may mắn nó chỉ kịp chạm vào gót chân tôi, bị xước nhẹ và hơi rỉ máu. Hình ảnh đó cứ khắc chạm mãi trong lòng một đứa trẻ.
Thuở nhỏ, tôi như một đứa trẻ bị trầm cảm rất ít nói, không mấy khi tham gia các trò chơi cùng với các bạn trong lớp. Tôi sống e dè, rụt rè và hay sợ đám đông. Mỗi khi cô giáo gọi tôi đứng lên phát biểu thì mặt tôi tái mét, người run rẩy và cổ họng thì lí nhí mãi không phát ra thành tiếng. Không phải tôi học kém mà tôi cứ sợ sệt những ánh mắt của các bạn đang đổ dồn về tôi tạo nên một nỗi sợ vô hình mà chính bản thân tôi cũng không giải thích nổi. Hàng ngày đến lớp, tôi chỉ ngồi im một chỗ kể cả giờ ra chơi. Khi trở về nhà, góc tối mà tôi hay trốn nhất là tôi ngồi lọt thỏm trong cái cót làm bằng nứa để mẹ đựng thóc. Ngồi trong góc tối đó tôi cảm thấy mình được bình yên hơn vì không ai có thể nhìn thấy tôi khóc.
Mọi đứa trẻ thường sợ bóng đêm và hay nũng nịu nhờ cha mẹ dẫn đường khi cần thiết. Còn tôi thì ngược lại, tôi không sợ bóng tối. Nhớ những cái rét mùa đông lạnh như cắt da cắt thịt, tôi lọ mọ một mình đi trong đêm tối, mon men đến từng ngõ của nhà người quen để tìm mẹ. Đầu tôi ướt hết, chân trần không có dép, cả người tôi run lên vì lạnh nhưng vẫn không tìm được mẹ. Tôi lại lặng lẽ trở về trong cái căn nhà ấy. Cả đêm, tôi phải nghe những tiếng chửi và tiếng gào thét thô tục của bố. Nó mãi ám ảnh trong tâm hồn thơ ngây của một đứa trẻ. Sáng dậy, tôi thấy một góc chiếu bị thâm đen vì cả đêm qua tôi không ngủ đã khóc trong im lặng.
Tôi thèm lắm cái không khí hạnh phúc của gia đình nhà bên cạnh. Những đứa trẻ trong gia đình họ luôn được vui cười, nô đùa, thả diều và hát véo von quây quần bên cha mẹ. Bữa cơm nhà họ tràn ngập tiếng cười và cả tiếng nói khi gắp thức ăn cho nhau. Còn bữa cơm của gia đình tôi luôn chìm trong im lặng và có khi chan cơm bằng cả những giọt nước mắt mằn mặn. Tôi cố nuốt mà nó cứ nghẹn ứ, cũng cố ăn để duy trì sự sống. Tôi là một đứa trẻ sống nội tâm, hiểu tất cả mọi chuyện của người lớn đang diễn ra. Còn bố mẹ tôi không bao giờ hiểu được cảm xúc của tôi bởi họ cứ nghĩ tôi là một đứa trẻ con.
Mãi sau này khi lớn lên tôi mới hiểu “trầm cảm” là một căn bệnh khá nguy hiểm. Tôi cảm nhận tuổi thơ của tôi cũng từng mắc căn bệnh đó. Sống mặc cảm, tự ti và thậm chí cũng có lúc tôi cáu gắt với những đồ vật xung quanh mình. Bởi tôi cũng chẳng biết tâm sự hay chia sẻ cùng ai để vơi đi nỗi buồn. Cho đến năm tôi học lớp 8, tôi đã bắt đầu viết nhật kí cho riêng mình. Tôi thấy khi viết ra lòng mình được nhẹ nhõm hơn, bởi ít nhiều tôi đã có những trang giấy để làm bạn tri kỉ. Dù bi kịch của gia đình thường xuyên diễn ra với những tiếng ầm om, cãi vã, không khí gia đình trở nên ngột ngạt khó thở nhưng tôi vẫn không quên nhiệm vụ học tập của mình. Tôi thiết nghĩ, chỉ có con đường học mới có được hôn nhân hạnh phúc. Tôi sợ lắm một cuộc hôn nhân không trọn vẹn như mẹ tôi.
Trước khi thi vào đại học, tôi đã vạch sẵn hai con đường cho mình lựa chọn. Nếu tôi đỗ vào đại học thì tôi sẽ học tiếp và lập gia đình như mọi người. Còn nếu tôi không đỗ vào đại học thì tôi sẽ tự kết thúc cuộc đời mình. Chính vì vậy sau khi thi đại học xong tôi có viết cho mẹ một bức thư tuyệt mệnh khá dài, phòng khi tôi hành động không kịp trăng trối, mong mẹ ở lại cố gắng sống tiếp và không được khóc khi tôi mất đi.
Rồi ngày báo kết quả cũng đã đến, tim tôi đập nhanh loạn xạ nhưng tôi vẫn sẵn sàng đón nhận kể cả những điều xấu nhất. Tôi vui sướng nhảy nhót và hét lớn khi tôi biết mình đỗ vào đại học. Vậy là tôi đã thoát khỏi cái con đường tăm tối mà tôi đã vạch ra cho mình. Tôi đã chủ động xé bức thư tuyệt mệnh đó không để cho mẹ biết.
Từ ngày học đại học tôi giống như một con người hoàn toàn khác lạ. Không còn là cô bé rụt rè ngày nào, tôi hoàn toàn tự tin, vui cười cùng bạn bè và nỗ lực say mê học hành. Tôi cũng có những ước mơ và khát vọng như các bạn bè của tôi. Cuối cùng tôi cũng trở thành một cô giáo. Để rồi mỗi lần bước lên bục giảng, ngoài việc cung cấp kiến thức cho học trò, tôi còn cho các em những kĩ năng sống ngoài đời để các em có thêm niềm tin, có ý chí nghị lực trong học tập. Đặc biệt là những em học sinh cũng có hoàn cảnh éo le thì tôi luôn gần gũi, tìm hiểu để sẻ chia, động viên các em, tránh những bi kịch đáng tiếc xảy ra.
Vào những buổi chiều cuối tuần, hai vợ chồng tôi thường cho các con đi dạo chơi, rồi dừng lại cho các con đua diều trên thảm cỏ mát rượi. Nhìn các con nô đùa, vui vẻ, hạnh phúc làm trái tim tôi thấy ấm áp và trân quý những phút giây hạnh phúc của gia đình nhỏ vô cùng.
Tôi chợt nhận ra rằng tổ ấm gia đình là vô cùng quý giá và quan trọng. Tôi mong sao mọi người hãy cố gắng bảo vệ và giữ gìn, không nên vì bất kì lí do gì mà làm tổn hại đến những tình cảm tự nhiên, trong sáng của trẻ thơ.
Trần Thị Huyền (Nam Định)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi