Cha ra sau hè thọc trái dừa khô, nạo rồi cho mẹ vắt nước cốt nấu cháo, ba chị em kéo nhau xin đi mua dưa mắm nhà bà ba để được tắm mưa, nhảy trên cầu tre… Làn nước ấm của dòng sông khi nhảy từ trên tay vịn cầu trong cơn mưa lạnh cùng tiếng reo cười vang suốt tháng năm! Cháo dừa ăn với dưa mắm chiều mưa xúm xít trong căn nhà lá thuở nào thơm ngọt đến nao lòng!
Nhà mình ở bên sông. Hồi ấy, cha mẹ “cất” với cột kèo là vài cây dừa xẻ ra, còn lại là mù u, tre mỡ, tầm vông sau vườn. Mái, vách bằng lá dừa nước ngâm rồi chằm vào cây hom, kết lại bằng sợi dây từ vỏ cây lùng đã tước ra hong nắng. Vài lần nước nổi, nhiều mùa mưa nắng đi qua, trên mái nhiều chỗ dột, phía dưới hai bên vách lá mục nát hở toang hoang. Có những đêm mẹ cha giăng áo mưa trên nóc mùng cho đàn con ngon giấc, những trưa làm đồng xa chạy vội về xiết lại sợi dây chì cho cột nhà chặt vào gốc me gốc còng khi gió ngoài sông thổi mạnh vào.
Ngày ấy, có hàng xóm hỏi thuê mình đội xịa bánh sùng đi bán cùng con họ, nhưng cha mẹ lắc đầu. “Thì để nó phụ anh chị lo cho tụi em, chứ học hết cả bầy nuôi được tới đâu?”. “Tui còn lo được, có học rồi sau này mần cái gì cũng được hết trơn”. Và để cho tụi con “có học” không nhớ hết cha mẹ đã làm bao nhiêu nghề: dặm mạ, cắt lúa, vác gạo, hái dừa, chặt củi, bán cá tra… ai thuê gì làm nấy. Sau một ngày làm lụng, tối cha xòe tay dạy con ôn toán cộng trừ, cuối mỗi tháng cười đóng khung giấy khen treo lên vách lá.
Thời gian sau, cha mẹ có nghề làm “đá bịch” (như làm kem bây giờ). Dậy từ lúc nửa đêm, mẹ pha chế, đổ vào bọc nhỏ cột thun, cha đi Ngãi Hùng lấy nước đá về xếp vào thùng lắc cho đông lại, rồi xếp vào thùng xốp, bỏ mối cho vài người bán ở gần nhà, xong xuôi cha quảy phần của mình trên vai băng khắp các cánh đồng với chuông nhỏ lắc leng keng. Có khi lội ruộng qua bên Chánh Hội, có lúc chống xuồng lên tận Giồng Tranh dịp Oc om bok của người Khơ Me. Người ta hay mua nhiều với điều kiện là cha phải hát. Máu văn nghệ đầy nên rất say sưa.
Có ngày nghỉ hè theo cha bán, ngồi trên bờ ruộng con cũng hát theo: “Tôi kể người nghe, chuyện tình Lan và Điệp một chuyện tình cay đắng…” hay “Một chiều rừng gió lộng một chiều rừng nhớ chuyện bên đồi thông…”. Ngày mưa ế cha về ướt lạnh, “Cho tụi con chọn đó ăn bịch nào?”. Lòng trí ngây thơ giành nhau chọn “mùi mít, đậu xanh, quách…’’, chị em cười ầm “Uớc gì ngày nào cũng được ăn đã như vầy!”. Và bữa cơm chiều cơm ấy: Cha ra sau hè thọc trái dừa khô, nạo rồi cho mẹ vắt nước cốt nấu cháo, ba chị em kéo nhau xin đi mua dưa mắm nhà bà ba để được tắm mưa, nhảy trên cầu tre xuống lòng sông rồi cố gắng nổi lên sau cùng để được khen “nín hơi dài nhất”. Làn nước ấm của dòng sông khi nhảy từ trên tay vịn cầu trong cơn mưa lạnh cùng tiếng reo cười vang suốt tháng năm! Cháo dừa ăn với dưa mắm chiều mưa xúm xít trong căn nhà lá thuở nào thơm ngọt đến nao lòng!
Những năm tụi con học cấp hai, Cha mẹ đổi sang nghề “giao nước đá”! Bốn giờ sáng, cha mẹ dậy bơi xuồng đi, tụi con đứa nào học chiều thì theo phụ, học sáng thì được ở nhà nhưng cũng phải thức để học bài. Sẵn chuyến đi, cha mẹ lấy thêm bánh kẹo, bánh mì bán, nhận sạc bình, rèn dao thuê cho nhà dọc bên sông. Lúc này tụi con cũng lớn hơn, có thể xếp hàng lội bùn cùng cha mẹ từ dưới sông lên để chuyển nước đá vào những ngày nước cạn, cầm cây dầm móc mũi phụ mỗi khi ghe ngược nước, gió to. Dần dà tự bơi xuồng, lái ghe chạy máy Koler đi lấy đến 200 bẹ (kg) nước đá giao đám tiệc là thường. Nhớ lúc gặp sóng to vì ghe lớn chạy ngang làm chìm cả ghe nước đá, tự bơi vào bờ ngồi khóc cũng vài lần.
Đường bên chợ rộng hơn. Có nhà mua xe cúp 50, hon da 76, cha cũng mua về xe đạp “sườn đầm” tập tụi con chạy trong sân rồi ra huyện học cấp 3. Con đường đến trường đất sình lầy phải cầm theo cây khựi đất dính bánh xe, ngày nắng bụi bay mịt mù, mỗi ngày hai lượt đi về gần ba tiếng đồng hồ, có hôm tay lái xe, tay cầm vở ôn bài nhưng chẳng đứa nào nản chí bởi mỗi ngày nhìn cha ngồi lấy dao lam cắt những chỗ da sần sùi, thúi khóe phải luôn xức thuốc bảy màu cùng lời dặn “Tụi con lo mà học để có tương lai, cha mẹ không có tiền của để lại đâu, mà cha mẹ có để lại cả núi vàng không hiểu biết cũng xài hết mau thôi”.
Nghe người lớn nói Thành phố (Hồ Chí Minh) dễ có việc làm, hè chị em muốn đi phụ quán bún bò, nước mía… rồi về học tiếp cha không cho. Đêm trốn bên vách hè đi theo cô út nghe tiếng cha la mẹ “Hai đứa còn khờ, đi bị người ta dụ ham tiền làm bậy bỏ học luôn rồi sao!”.
Cứ như vậy cho đến khi tốt nghiệp phổ thông, mỗi mùa hè lại lên Thành phố, có lúc chưa có việc làm thì xin phụ hồ cho công trình. Hết hè trước khi về quê là đi xe ôm đến đứng bên ngoài nhìn vào cổng trường Đại học sư phạm ở Quận 5: hẹn ngày vào!
Khi em gái là sinh viên ưu tú lãnh học bổng đi du lịch ra Hà Nội, mình vui với việc nấu bếp tại một trường mầm non. Lúc em thành giáo viên Toán của một trường cấp 3 tư thục chất lượng cao trên Thành phố, em gái út làm thư ký văn phòng cho một chi nhánh của tập đoàn bất động sản Savil thì mình cũng trở lại việc học hành. Chẳng dám nói đã thành công vì có những ước mơ lớn hơn luôn chờ đợi, nhưng công việc của một phó hiệu trưởng trong hệ thống trường mầm non quốc tế cũng đã giúp cho cha mẹ an tâm về công việc của mình.
Hôm nay, tuổi hơn sáu mươi, khẳng khiu gầy, Cha vẫn mạnh khỏe đi giao nước ngọt, nước suối, sau xe kéo có thêm túi quần áo cũ đã giặt xếp gọn gàng cho trẻ con trong những xóm làng xa. Ngôi nhà mới chị em góp phụ cha mẹ xây có thêm chòi lá sát bờ sông để có dịp sum vầy là cả nhà ca hát.
Nhiều lúc bước chân chùn lại vì những khó khăn tạm thời, những thách thức buộc mình lớn lên trong từng ngày sống nhưng lòng vẫn bình yên khi tưởng nghĩ lại… Ngày xưa… Chị em ôm nhau ngủ vì mưa lạnh “Em ước có thêm một cái mền”… Có cha mẹ cầm chân đập nước tập “lội sông”… Có nét buồn khi mua sách thiếu cho con học mà người ta không bán phải đi vay….Có ánh mắt mừng vui khi các con đi làm thêm rồi về để học…. Có tình thương chân thật nhất! Có sức sống đầy tràn trong dáng hình lam lũ! Có cha mẹ, các em… Bóng mát cuộc đời mình! Gia đình! Từ đây, tôi lớn khôn, vững chãi mỗi bước đi!
Vài chú thích:
Hom: thân cây dừa nước chẻ ra phơi khô, co lại
Cháo dừa: gạo nấu cháo với nước cốt dừa, một trong những món ăn đặc trưng của miền Tây
Dưa mắm: dưa leo, dưa gang xắt phơi ráo, ngâm với nước mắm, tỏi, ớt
Lê Thị Ngọc Diễm (Trà Vinh)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi