Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Bố Suyền

Bác Suyền đổ nước sôi ra chảo to, pha thêm nước lạnh cho ấm, bảo tôi ngồi xuống miếng ván mà tắm. Tôi cởi phăng quần áo, vứt xuống đất, bác nhặt vội bộ quần áo rách bươm, đầy chấy rận xuống cái hố vừa đào rồi lấy thau múc nước sôi đổ lên, vùi đất thật kỹ. Nước mắt bác rưng rưng… 

Đã quá trưa, tôi lúc này mới lên bảy tuổi địu trên lưng bó củi vứt xuống sân rồi vào nhà. Dì Mý Hin chỉ vào tôi nói giọng cộc lốc:

– Nó đấy!

Một thanh niên mặc quần áo dân tộc Dao đến bên tôi hỏi:

– Em có muốn xuống huyện làm con nuôi cho người Kinh không? Bác Suyền vợ vừa mất, có hai con trai nhỏ, đứa lớn lên ba, bé mới hơn hai tháng. Em trông con cho bác ấy thôi.

Tôi gật đầu “ừ” liền.

– Đi thì đi luôn đi! – Dì tôi nói.

Người thanh niên chào dì rồi bế tôi lên lưng con ngựa buộc trước cửa. Tôi đói, chẳng buồn chào dì, cũng chẳng ngoái cổ lại nhìn thằng Sếnh – em trai tôi, năm tuổi đang ngủ bên nồi cám lợn sôi sùng sục. Giữa mùa đông, tôi đi lấy củi một mình trong rừng với bộ quần áo rách tả tơi, lạnh thấu xương. Thằng em còn được ở nhà, ngủ cạnh nồi cám là ấm lắm rồi.

bo-suyen-02
Gia đình Bố Suyền

Tôi ôm chặt lưng anh Tẩn Quẩy Pao – giám mã của huyện để con ngựa vượt hơn ba cây số đường nhỏ đưa xuống huyện. Một người đàn ông chừng ba mươi tuổi, dáng cao gầy ra đón tôi vào gian nhà tập thể. Anh Pao bảo:

– Đây là bác Suyền – Chánh Văn phòng UBND huyện. Từ nay em sẽ ăn ngủ ở đây và trông hai em Quân, Công cẩn thận nhé!

Bác Suyền hỏi tôi bằng tiếng Quan hỏa:

– Cháu cùng với tôi ở đây nhé!

Tôi gật gật đầu. Anh Pao đi rồi, bác đun nồi nước sôi rồi gọi anh Páo Lẩu đến và bảo:

– Cậu cắt tóc cho em Sân. Cắt trọc đi.

Anh Páo Lẩu vừa cắt tóc vừa kêu:

– Đầu bẩn quá. Ở nhà không tắm gội bao giờ à?

Tôi lặng thinh.

– Nhiều chấy quá, cổ và nách áo cũng đầy trứng chấy.

Bác Suyền đổ nước sôi ra chảo to, pha thêm nước lạnh cho ấm, bảo tôi ngồi xuống miếng ván mà tắm. Tôi cởi phăng quần áo, vứt xuống đất, bác nhặt vội bộ quần áo rách bươm, đầy chấy rận xuống cái hố vừa đào rồi lấy thau múc nước sôi đổ lên, vùi đất thật kỹ. Nước mắt bác rưng rưng.

Bác đưa cho tôi bánh xà phòng thơm và bảo:

– Tắm gội nhanh lên không cảm lạnh đấy!

Miệng nói, chân bác bước nhanh và ngồi xổm gội đầu rồi kỳ cổ, lưng, nách, bụng… Nước mắt tôi trào ra. Tuy còn bé, tôi cũng biết ngượng khi thấy mình ở bẩn đến thế! Tắm xong, bác lấy khăn lau khô người và mặc cho tôi bộ đồ mới màu xanh. Bác vào nhà lấy ra cái gương nhỏ đưa cho tôi. Trong gương, hiện lên một thằng con trai tuy hơi gầy nhưng hồng hào và khá đẹp. Tôi xấu hổ đưa gương lại cho bác, nói:

– Cái này không phải là tôi.

– Là con đấy! Ở nhà trông hai em, bố lên bếp ăn tập thể lấy cơm về bố con mình ăn nhé!

Tôi gật đầu vì thấy bụng sôi lên đói.

Bố Suyền về, mang theo ba suất cơm có su su luộc chấm nước mắm, một đĩa đậu phụ kho với thịt ba chỉ rồi vào bếp rán thêm hai quả trứng gà, bảo với Quân:

– Từ nay nhà mình có thêm anh Sân ở cùng các con. Con phải ngoan, nghe lời anh nhé!

Quân vâng thật ngoan. Còn bé Công nằm ngủ trong nôi vì mới được bố cho bú bình sữa bò. Hai em đáng yêu quá! Bữa cơm đó tôi ăn rất ngon miệng.

Tối đến, bố Suyền bảo:

– Bố con mình đi ngủ sớm thôi! – Rồi chỉ vào phía trong giường, bảo tôi lên đấy ngủ, kế bên tôi là em Quân song đến em Công. Còn bố ngủ ngoài cùng, quay mặt vào ôm lấy em Công.

Lần đầu tiên trong đời tôi được đi dép nên thích lắm. Tối đợi bố Suyền và hai em ngủ say, dưới ánh đèn nhỏ xíu như hạt đỗ, tôi rón rén bò dậy, quờ tay xuống gầm giường lần tìm đôi dép ngắm nghía chán lại nhổ nước bọt vào từng chiếc, xoa đi xoa lại cho sạch bóng rồi giấu xuống dưới chiếu.

Tối đầu tiên được ngủ trong chăn ấm nhưng tôi thao thức không chợp mắt nổi. Từ nhỏ đến giờ tôi chỉ được đắp bao tải ngủ thôi. Tất cả sự việc trong ngày diễn ra trước mắt tôi như một giấc mơ. Một lúc tôi lại lật chiếu lên, sờ xem đôi dép cao su còn ở đấy không. Lỡ nửa đêm, tôi ngủ say, kẻ trộm lẩn vào lấy mất thì sao?

Sau này, tôi nghe kể lại: Năm 1953, mẹ tôi mất trong một đêm mưa gió bão bùng. Sáng hôm sau, sương tan, người bản thấy túp lều tranh nhà tôi sập mái, xông vào thấy mẹ tôi chết co quắp, thằng Sếnh một tuổi lăn sả vào day mút mãi cái vú lép kẹp của mẹ. Tôi ba tuổi mặt mũi lem luốc, khóc không ra tiếng. Dân bản thương tình, tìm manh chiếu rách, bó mẹ đi chôn. Họ thay nhau đem củ mài, củ báng cho tôi ăn, thằng Sếnh thì được truyền tay nhau bú nhờ những người đang nuôi con nhỏ.

Trước đó một năm, bố tôi bị bắt đi lính cho Pháp, đóng ngay tại trung tâm huyện. Khi bị điều về Điện Biên Phủ, bố sợ chết và không muốn theo Tây nên rủ một số người chạy trốn. Việc bại lộ, bố bị đánh một trận thừa sống thiếu chết và bắt giam ngay tại đồn huyện lỵ.

Sìn Hồ giải phóng, bố tôi về nhà. Lúc ấy mọi người mới biết ông trốn khỏi trại lính lần thứ hai trót lọt, xuống Nậm Lúc trà trộn với người Mông và làm thuê cho họ. Bố tôi cặm cụi làm ruộng nuôi con nhưng những ngày đi trốn, ông đã nghiện thuốc phiện. Tôi lên năm tuổi thì bị ông đem đi ở bế con cho nhà giàu đổi tiền hút thuốc hàng ngày. Quãng đời đầy nước mắt ấy, tôi không thể kể hết. Chỉ biết năm sau, ông đưa dì Mý Hin về nhà thì cũng đón tôi về, hàng ngày đi cày nương, chăn trâu, chăn ngựa cho nhà giàu. Hai năm sau, bố trút hơi thở cuối cùng. Tôi ở với dì khổ cực trăm đường… rồi tôi được đón đi ở với bố Suyền như đã kể ở trên.

bo-suyen-01
Tác giả Phùng Cù Sân cùng con cháu trong ngày mừng thọ

Năm sau, bố Suyền nghỉ phép về Hà Đông đem lên người vợ mới. Năm 1960, tôi lên mười tuổi được bố Suyền làm hồ sơ cho đi học lớp vỡ lòng ở Ký túc xá Lai Châu, sau gọi là Trường Thiếu niên Dân tộc tỉnh Lai Châu. Một thời gian sau, tôi nghe tin cả gia đình chuyển về quê bố ở Huế và mất liên lạc từ đấy. Những ngày nghỉ hè, nghỉ tết, nhìn các bạn ai cũng háo hức về nhà, tôi tủi thân ra sân đứng một mình. Hàng ngày, tôi lên rừng lấy củi hoặc làm nương cho cô bác trong trường, làm cho nhà nào ngày nào thì ăn cơm và ngủ nhờ nhà ấy ngày đó…

Cuộc đời tôi có nhiều bước ngoặt. Sau khi trở thành thầy giáo, tôi trở về trường cũ dạy học và sau đó trở thành hiệu trưởng, được Tỉnh ủy Lai Châu điều động về quê hương Sìn Hồ công tác, làm Bí thư Huyện ủy Sìn Hồ rồi chuyển về tỉnh, làm Bí thư Dân chính Đảng tỉnh và nghỉ hưu từ năm 2010. Tôi đã lặn lội vào Huế tìm bố Suyền, rồi sau đó em Công về Sìn Hồ bốc mộ mẹ vào Nam. Năm 2004, bố ốm nặng, tôi cùng vợ con vào Huế thăm lần cuối trước khi bố qua đời.

Sự đổi đời của tôi hôm nay là do công ơn của các thầy cô giáo chăm lo dạy dỗ, nuôi nấng và sự nỗ lực phấn đấu của bản thân. Nhưng trước hết là nhờ cái duyên tôi được bố Suyền đón đi nuôi năm ấy, dù chỉ ở với bố hai năm ngắn ngủi. Tôi muốn đặt tên câu chuyện này là “Đổi đời” nhưng suy nghĩ lại, tôi chọn cái tên giản dị “Bố Suyền” để khắc ghi mãi khoảnh khắc đầu tiên tôi gặp bố.

Phùng Cù Sân (Lai Châu)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

3.8 6 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
6 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Facebook: chẻo Thu Diển
Facebook: chẻo Thu Diển
1 year ago

Bài rất hay chân thực cuộc sống

Facebook: chẻo Thu Diển
Facebook: chẻo Thu Diển
1 year ago

Khi đọc xong bài viết của bác em nghĩ đến cái nghèo cái khó của tuổi thơ, cái may mắn khi gặp được gia đình tốt của bác,
Chúc bác thật nhiều sức khỏe

Phùng thim
Phùng thim
1 year ago

Đọc đến đâu cháu khóc đến đó, cháu cũng khổ nhưng k thiếu thốn nhiều như bác ngày ấy

Nguyễn Phú
Nguyễn Phú
1 year ago

Bài viết thật cảm động cay đắng xót xa mà thật ấm áp tình người.

Phạm Thị Hảo
Phạm Thị Hảo
1 year ago

Thật ngưỡng mộ nghị lực của Bố

Phùng Yến
Phùng Yến
1 year ago

Con luôn rất xúc động khi đọc lại câu chuyện này. Thầm cảm phục nghị lực phi thường, vượt lên hoàn cảnh của bố…

6
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx