Ngoảnh đi ngoảnh lại, khi thấy mình có chút trưởng thành cũng nhận ra mẹ đã già. Bao vất vả, lo toan dồn lại thành chứng đau lưng hành hạ mẹ dai dẳng nhiều năm, lại cộng thêm bệnh dạ dày. Những lúc nghe mẹ kêu đau mà không thể san sẻ, đỡ đần. Bốn đứa con lớn khôn bận bịu với cuộc sống riêng, chỉ lúc rỗi rãi, khi khó khăn, trắc trở lại quay về bên mẹ. Dù không còn khỏe nhưng tôi biết mẹ vẫn luôn là điểm tựa cho cả gia đình. Có mẹ, lòng luôn thấy bình yên!
Đầu năm 2008, tôi sinh con gái đầu lòng, đúng đợt rét lịch sử. Chưa bao giờ trải qua đợt rét hãi hùng như vậy, cộng thêm lần đầu làm mẹ, tôi đã có những tháng ngày thật khó quên.
Thương con gái nhỏ vừa chào đời đã có trải nghiệm khắc nghiệt, lo thắt ruột mỗi biểu hiện bất thường của con, bao lần không ngăn được, nước mắt cứ chực trào ra, thầm cảm ơn ở gần nên bà ngoại sang thường xuyên đỡ đần, chỉ dẫn. Nếu không cứ ngỡ đang bơi giữa đại dương mịt mù và thăm thẳm. Và tự nhiên thấm thía câu nói của các cụ “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Sinh con, chăm con bỗng thấy thương mẹ mình thật nhiều.

Mẹ lấy chồng năm mười tám tuổi, mười chín tuổi sinh con đầu lòng rồi ra ở riêng, con được hơn tuổi lại sinh tiếp đứa thứ hai. Nhà ngoại thì xa, bố thì đi chợ suốt. Không thể hình dung được giữa cảnh bụng to, con mọn lại chẳng có người đỡ đần đó mẹ xoay xở thế nào?
Chăm cháu đầu lòng, mẹ vẫn giữ quan niệm kiêng cữ nhưng cũng rất chịu khó tiếp thu những kiến thức mới tôi thu thập được.Truyền thống và hiện đại kết hợp khá ăn ý.Và có một điều quan trọng, có mẹ, tôi vững vàng và an tâm. Rét như thế mà hôm nào mẹ cũng dậy từ 5 giờ giặt một chậu tã đầy cho cháu, nước buốt đến tận tim gan; giặt xong là hai bàn tay mẹ ửng đỏ như phải bỏng. Xong lại vào xem xét cháu một lượt rồi mới tất tả về để bày hàng bán tết.
Tròn một tháng sang ngủ với cháu, đầy tháng rồi nhưng rét quá nên mẹ chưa đón cháu sang chơi được. Có đêm, bé quấy và khó chịu quá. Hôm sau gọi điện bảo mẹ sang ngủ cùng, mẹ bảo đầy tháng rồi ngại, tôi khóc vì vừa mỏi mệt vừa lo lắng. Mẹ lại đành phải sang. Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ, con gái lấy chồng lúc sinh nở cần có mẹ biết bao. Nhưng lúc mẹ đẻ, bà ngoại cũng chỉ xuống được ít ngày,vì xa xôi, bận bịu. Bà nhiều con, mẹ cũng đẻ nhiều bận, rồi cũng phải quen, và cũng qua hết. Kể cả lần mẹ phải đưa em kế tôi nhập viện cấp cứu viêm màng não ngoài Hà Nội. Bao nhiêu ngày giành giật sự sống cho con giữa thành phố xa lạ trong cảnh thiếu tiền, thiếu người, kết cục trở về tiền hết, con mất, rồi hai đứa con thơ gửi ở nhà bác nhếch nhác, mắt sưng vù, đặc rử vì đau mắt và vì khóc nhớ bố mẹ. Lần nào kể lại mẹ cũng không cầm được nước mắt.
Bố chịu khó nhưng nhiều lúc vô tâm. Mẹ bảo ngày tôi nhỏ, được cái dễ nuôi và khỏe mạnh, chỉ có sau đợt lên sởi không giữ gìn kĩ nên giờ mới sinh một số bệnh. Mà giữ sao được khi lúc đó cả tôi và hai đứa em cùng lên sởi một lúc. Mẹ quay như chong chóng với ba đứa con thơ ốm bệnh cả ngày lẫn đêm. Mẹ kể, có đêm tôi sốt, mê sảng đòi uống nước mà mẹ mãi mới ra lấy được vì còn giải quyết cô em gái đang đi ngoài đầy ra giường. Bố nằm ngủ một mình trên gác không hề hay biết. Không phải bố không thương con mà vì bố luôn nghĩ, chăm con là “đặc quyền” của mẹ. Chính vì bố vô tâm nên dù có chịu khó nhưng không ít lần làm mẹ phải rơi nước mắt, giữa cảnh xa quê, gia đình nhà chồng đông đúc, mẹ đã chịu không ít tủi cực.
Thế nhưng, mẹ vượt qua tất cả như một lẽ tự nhiên. Dù nhiều lần rơi nước mắt nhưng xong mẹ vẫn vui vẻ, yêu đời lạ kì. Ngày bé, rất nhiều lần tôi thấy ngài ngại khi mẹ cứ rỗi rãi là lại cất tiếng hát. Mẹ hát không hẳn hay nhưng rất tha thiết, có hồn. Có khi là một đoạn nhạc, thường là nhạc đỏ, ca dao hay phổ luôn thơ Tố Hữu. Sau này tôi mới nhận ra một người phụ nữ dám cất cao tiếng hát của mình, lại là những lời hát say sưa, khỏe khoắn chính là người phụ nữ mạnh mẽ.
Nhiều khi trẻ con hàng xóm tụ tập, vào mùa ngô, mẹ hay dụ chúng ngồi lẩy ngô bằng cách kể chuyện cổ tích. Rất nhiều chuyện còn in đậm trong tâm trí tôi cho đến bây giờ nhờ những buổi tối như thế. Mẹ sáng dạ dù không được học nhiều. Ông ngoại tôi là hiệu trưởng trường cấp 1 nhưng học đến lớp 7 mẹ phải nghỉ vì nhà thiếu người làm, các em đông lại bé. Tôi tin, nếu được học hành đàng hoàng, tương lai của mẹ đã khác rất nhiều.
Có lẽ tôi ngấm ít nhiều tình yêu văn chương, ca hát của mẹ nên từ nhỏ đã rất thích học văn. Ngay từ lớp 1, cứ được phát sách giáo khoa là tôi sà đến quyển Tiếng Việt và cày nát mới thôi. Sách truyện ít nên cứ mở đi mở lại đến nỗi đến giờ các bài thơ, đoạn trích trong chương trình vẫn ở lì trong tâm trí.
Ngày tôi được gọi tập trung vào đội Văn của tỉnh để thi Quốc Gia, có người ngạc nhiên thắc mắc: con ông hàng xoong mà giỏi nhỉ? Nhưng tôi biết chẳng có gì là tự nhiên và vô duyên cớ.
Chỉ có một điều ở mẹ mà không hề ngấm tí ti vào tôi đó là tố chất kinh doanh, buôn bán. Mẹ bảo ban đầu đâu có biết bán buôn gì. Bố tôi đi chợ mua được ít hoa quả rẻ hay bắt được ếch, cua tôm cá mà bảo mẹ đi bán thì mẹ ngại không để đâu cho hết.Thế mà rồi lại quen. Rồi mẹ sắm hẳn xe hàng, thuê cầu chợ, lại thuê hẳn cả cửa hàng ở ngã tư và bây giờ là cửa hàng tại gia. Bao công to,việc lớn trong nhà mẹ đứng ra hết, bố thì dễ, thế nào cũng được.
Nhớ ngày tôi học cấp 2 trường chuyên của huyện, chiều đó họp phụ huynh, tôi dặn đi dặn lại mẹ đi chợ về sớm để còn đến kịp vì nền nếp trong các hoạt động của trường rất quy củ.Thế mà đợi đến gần tối chưa thấy mẹ về, lòng tôi nóng như lửa đốt, giận mẹ vô cùng.Tối muộn mới thấy mẹ cùng xe hàng lóc cóc vào cổng. Chưa kịp hỏi mẹ đã giải thích, vì về hơi muộn, sợ không kịp nên mẹ vào thẳng trường để họp cho tôi chứ không về qua nhà nữa. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Hôm sau vô tình nghe mẹ kể với cô hàng xóm, rằng vào trường họp cho con thấy người ta toàn xe máy đẹp, còn mình cồng kềnh cả một xe hàng, nổi bần bật. May kết quả học tập của con khiến mẹ mở mày mở mặt. Tự nhiên thấy thương mẹ, hết cả chút e ngại , xấu hổ ban đầu khi hình dung ra cảnh mẹ đi cả xe hàng vào trường. Chắc các thầy cô được phen ngơ ngác.
Ngoảnh đi ngoảnh lại, khi thấy mình có chút trưởng thành cũng nhận ra mẹ đã già. Bao vất vả, lo toan dồn lại thành chứng đau lưng hành hạ mẹ dai dẳng nhiều năm, thuốc nọ thuốc kia lại cộng thêm bệnh dạ dày. Những lúc nghe mẹ kêu đau mà không thể san sẻ, đỡ đần. Bốn đứa con lớn khôn bận bịu với cuộc sống riêng, lúc rỗi rãi, khi khó khăn, trắc trở lại quay về bên mẹ. Dù không còn khỏe nhưng tôi biết mẹ vẫn luôn là điểm tựa cho cả gia đình. Có mẹ, lòng luôn thấy bình yên!
Nhất Mạt Hương (Bắc Ninh)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
Thú vị nhất là xe hàng nổi bần bật ha.