Tôi sững sờ, đứng như chôn chân. Bức tường thành sừng sững bấy lâu đổ sập xuống trước ánh mắt rụng rời của đứa trẻ chưa đầy mười tuổi. Đập vào mắt tôi là hình ảnh mẹ đang húp vội vàng bát bún ốc còn nghi ngút khói. Bà bán bún leo lẻo: “Vào đây con!”. Mẹ tôi ngẩng đầu lên, quay lại, luống cuống: “Con, con ngồi ăn đi, mẹ gọi bà làm cho rồi này!”. Tôi giận dữ, quay lưng ù té chạy…
Tôi chạy lại chỗ lồng gà con, nghĩ miên man. Ngồi im lặng một lát thì mẹ tôi cũng chạy đến nơi. Mẹ ngại ngùng: “Con, con, nghe mẹ nói này…”. Tôi bực bội, giận dỗi quay đi. Chúng tôi không nói với nhau lời nào. Suốt buổi, mẹ né tránh khi vô tình chạm ánh mắt tôi.
Hôm ấy là một ngày chủ nhật, mùa đông. Tối hôm trước mẹ đã bảo tôi: “Ngày mai chợ phiên hai mẹ con mình đi bán đàn chó và gà nhé!”. Tôi vui lắm. Vì từ lúc có nhận thức đến bấy giờ, tôi đã khi nào được đặt chân đến chợ đâu. Chợ Bái tôi đã nghe từ lâu nên thèm thuồng và háo hức lắm. Cả đêm đó tôi không ngủ được, tưởng tượng ra bao nhiêu ảnh hình…
Năm giờ sáng mẹ đã bấm tôi trở dậy. Tôi lóp ngóp chui ra khỏi chăn, mắt nhắm mắt mở khoác chiếc áo bông bạc phếch. Mẹ đã dậy từ lúc nào. Cám đã vùi dưới tro, nồi cơm gang trên bếp vừa cạn. Mẹ giục tôi đi nhanh kẻo bán không được giá. Xe mẹ đã sẵn sàng. Cả đàn chó con trong chiếc lồng tre được chằng chéo cẩn thận. Bên trên mẹ còn chồng thêm lồng gà con nữa. Tôi dắt xe ra. Hai mẹ con bắt đầu đi.
Gió bấc táp vào mặt. Mẹ con tôi vẫn gồng lưng. Kệ gió ngược chiều. Thi thoảng mẹ quay lại, mặt hồng lên động viên tôi: “Cố lên con!”. Thấy nụ cười hiền hậu trên khuôn mặt xinh đẹp của mẹ, tôi co chân đạp mạnh quên mất cái rét cắt da vây bủa.
Chúng tôi đến chợ. Người ra kẻ vào, đông lắm. Mẹ kiếm lấy một chỗ men cổng chợ để ngồi. Lùi vào trong một chút là bao nhiêu hàng ăn: bánh đúc, bánh cuốn thơm phức. Người cò kè mặc cả, nâng lên đặt xuống. Tôi nhìn mặt mẹ đỏ bừng, toát mồ hôi dù gió bấc vẫn thổi liên hồi. Đàn chó đã bán xong. Nhưng còn tới mươi con gà con vẫn còn liếp chiếp.
Chợ đã vãn hơn. Tôi đánh mắt nhìn sang thấy những hàng ăn vẫn còn thơm lắm. Mùi hành mỡ lựng lên bám chặt lấy cánh mũi. Bấy giờ, tôi mới nghe rõ tiếng sôi sùng sục của dạ dày. Khuôn mặt mẹ hốc hác, phạc phờ. Khổ thân, chắc mẹ đói rũ rồi. Tôi biết mẹ là người hay đói, thường ngày trước khi đi làm bao giờ mẹ cũng ăn rất no. Bữa sáng của mẹ chẳng bao giờ khác là vài bát cơm nguội cùng quả cà chan nước lã. Đông cũng như hè. Mẹ thường ăn rất ngon lành. Vậy mà sáng nay đi sớm quá, mẹ con tôi chẳng kịp ăn gì. Không biết mẹ có chịu được không. Tôi cứ miên man nghĩ, thầm lo cho mẹ.
Ngồi một hồi chẳng ai hỏi đến. Tôi lại nhớ ra cái dạ dày mình đang đình công dữ dội. Tôi sợ mẹ không đủ sức để về nên định bụng bảo mẹ sang ăn tạm cái bánh cuốn. Nhưng rồi, tôi nghĩ chắc chắn mẹ sẽ không ăn. Mẹ là cô giáo, đời nào ăn đường ăn chợ thế. Ngay với chúng tôi, mẹ vẫn răn ăn hàng ăn quán là rất xấu. Lâu lâu, muốn đổi món cho chúng tôi mẹ sẽ mua về, hoặc tự tay làm. Tất cả anh em chúng tôi chưa một lần bén mảng tới cái quán nào để ăn quà. Tôi thì từ chối một cách hách dịch, còn em gái tôi nó đi qua trong ánh mắt thèm thuồng và nuốt nước miếng ừng ực.
Bất chợt, mẹ ôm bụng, nhăn nhó: “Mẹ đau bụng quá, con ngồi trông gà nhé! Mẹ ra đây chút!”. Tôi lo lắng cuống cuồng: “Vâng, mẹ có sao không mẹ?”. Chẳng biết làm gì khác, tôi níu mắt nhìn theo, rầu rĩ. Ruột gan tôi nóng ran, hết đứng lại ngồi. Đi đi lại lại quanh góc chợ, lòng tôi rối như vò. Sao mẹ đi lâu thế. Liệu mẹ có làm sao không? Nhớ tới lần mẹ say nắng ngã gục bên ruộng đay, ruột tôi càng nóng như lửa đốt. Mấy lần tôi toan chạy đi tìm mẹ, nhưng lại lo ai xách mất lồng gà. Đó là bao nhiêu công sức của cha mẹ tôi lẽ nào để ai lấy mất. Lại còn hai cái xe đạp nữa. Đi làm sao đây? Ý nghĩ tăm tối nhất vụt hiện. Không! Tôi không thể ngồi thêm được nữa. Tôi băng đi. Tôi chạy xuống cuối chợ, tìm khắp dãy vệ sinh lụp xụp, bẩn thỉu, khắp các xó xỉnh… Không thấy mẹ đâu. Tôi vụt chạy tiếp, lòng hoang mang, liệu ai đó bắt mất mẹ không? Tôi nhìn dọc nhìn ngang, quanh các quán hàng. Mẹ ở đâu, ở đâu? Bất chợt, tôi giật mình. Cái áo lông cũ mèm ngồi quay lưng lại với tôi. Lẽ nào?
Tôi tiến lại gần hơn. Đó là quán bún ốc.
Đúng là mẹ. Tôi đã không lầm.
Tôi không tin vào mắt mình. Tôi gạt đi ý nghĩ. Người đàn bà cắm đầu trước bát bún ốc kia sao có thể là mẹ – Người phụ nữ đoan trang, tằn tiện, hi sinh cho chồng con suốt cả một đời? Không, không thể nào. Tôi không tin, không tin.
Nhưng đó là sự thật.
Tôi chạy lại chỗ ngồi, như trốn chạy một điều gì khủng khiếp – ném trả cái nhìn ngượng ngùng, bối rối của mẹ bằng sự đổ vỡ ngổn ngang trong đáy lòng.
Suốt cả quãng đường về dài năm cây số chúng tôi không nói với nhau một lời.
Suốt nhiều năm sau đó, tôi vẫn không sao lấy lại hình ảnh mẹ tôi ngày trước. Món bún ốc từ đó cũng không bao giờ xuất hiện trong bữa ăn của mẹ con tôi.
Mẹ cố gắng dựng lại bức tường thành. Tôi dửng dưng chối bỏ.
Tôi đi học xa, lấy chồng xa, rồi xa mãi. Bữa ăn với mẹ hiếm họa là những bữa cuối tuần vội vàng. Nhiều hôm nằm bên mẹ, tôi muốn nói một điều gì. Nhưng cái gì đó rất tệ đã ngăn tôi lại.
Mẹ đổ bệnh – khi tôi mang bầu bé thứ ba. Nhiều lần dọa sẩy, tôi lại hay cả nghĩ, nên cả nhà quyết định không cho tôi biết bệnh tình của mẹ. Nhưng tôi vẫn linh tính có điều chẳng lành và tôi đã tự tìm ra sự thật. Mẹ mang trọng bệnh, thời gian chẳng còn được bao lâu. Tôi tu tu khóc, gào lên như một đứa trẻ bị đòn oan. Tâm trí muốn nổ tung, trái tim nghẹn cứng. Con nhóc cay nghiệt, tàn nhẫn suốt bao năm điên cuồng lồng lên trong tôi, rồi đổ ập xuống, trút hơi thở cuối cùng. Tôi thấy mình bị xé ra thành trăm mảnh…
Tôi về bên mẹ. Những đêm đông cuối cùng thắc thỏm và sợ hãi. Tôi vòng tay ôm mẹ từ phía sau lưng, muốn níu thời gian, siết chặt không gian mà sao mọi thứ cứ rã rời. Tôi nằm im, sợ mẹ biết mình đang khóc. Nước mắt đầm tay. Đêm ấy, mẹ trở mình ôm chặt lấy tôi dù phổi trái của mẹ đau đớn thế nào. Mẹ khó nhọc đưa tay lau nước mắt tôi. Tôi ấp úng: “Mẹ… mẹ… !”. Nhưng rồi, mẹ khẽ lắc đầu: “Ngủ thôi con gái!”.
Tôi vẫn thấy có tảng băng đè nặng tim mình.
Hôm sau, tôi hỏi mẹ muốn ăn gì. Mẹ bảo: “Bún ốc con à!”. Tôi hì hụi làm mà nước mắt giàn giụa như mưa. Nấu xong, tôi bưng lên bón từng thìa cho mẹ. Tôi hỏi mẹ có vừa miệng không mà mắt cay nhòe. Mẹ mỉm cười: “Con cũng ăn đi!”. Chúng tôi nhìn nhau. Đã lâu lắm rồi mẹ mới ăn ngon như thế.
Đó là bữa bún ốc đầu tiên tôi thấy mẹ cười, cũng là bữa bún ốc cuối cùng của mẹ con tôi…
Dương Thanh Hải (Hưng Yên)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Sun Life tổ chức Triển lãm Thơ: Còn Hôm Nay, Ta Còn Mãi Mãi
- 5 tư thế Yoga dễ thực hiện cho mình hạc xương mai
- Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Gia đình mến thương
- Thanh Hằng hóa công chúa trong show diễn The Princess của NTK Nguyễn Minh Công
- No Time To Die tung trailer mới hé lộ cuộc đối đầu sinh tử vì tình cũ của Daniel Craig
Mẹ vẫn là người kiên nhẫn với con cái nhất.
Dạ đúng vậy anh ơi. Mẹ bao dung và thứ tha nữa ạ!
Biết Mẹ hay đói mà! Thương quá!
Dạ. Con định kiến, hẹp hòi, nông nổi. Thương xót mà không chịu thấu hiểu ạ
Tại sao suốt bao nhiêu năm 2 mẹ con không nói chuyện với nhau. Người ta nói đời ngắn lắm, vậy mà phải đợi cả một đời mới nói chuyện với Mẹ!
Nhận ra điều đó thì đã muộn màng ạ. Người mẹ không có lỗi, chỉ là tại con không chịu thấu hiểu và mở lòng chị ạ
Bài viết quá xuất sắc. Rất nhiều cung bậc cảm xúc cứ trào dâng. Cố ngăn nhưng nước mắt vẫn tuôn trào. Thương mẹ quá! Mẹ ơi! Chị bình chọn bài viết này.
Em khóc mãi mới viết xong chị ạ
Xót xa thương mẹ biết bao nhiêu 😭😭😭😭
Rớt nước mắt
Buồn quá chị nhỉ