Kể câu chuyện của ngoại, để tất cả mỗi người con, người cháu của bà, dù đi Nam hay ra Bắc, dù đi đâu về đâu, đều luôn luôn nhớ về nguồn cội, nhớ về bà ngoại – một tuổi thơ đầy ắp bình yên…
Ông bà ngoại năm nay cũng gần chín mươi tuổi. Chừng ấy năm bên nhau, hẳn cũng đủ đầy niềm vui, nỗi buồn. Những điều mình viết chỉ là trong trí nhớ hạn hẹp của mình, được bà vun vén, chắt chiu kể lại qua năm tháng. Và các con cháu ai cũng có một phần ký ức với bà.
Bà kể về tình yêu của ông bà, nhưng bà không nhắc đến chữ yêu, bà chỉ kể về những ngày tháng cùng ông trải qua chiến tranh, trải qua nghèo đói, tự tay xây dựng nên gia đình. Gia đình mà chúng ta có hôm nay, đầy đủ con cháu dâu rể chắt chiu, đều xuất phát từ tình yêu của ông và bà.
Bà kể về những ngày sống lênh đênh trên con thuyền nhỏ, sóng biển vỗ vào mạn thuyền, chao đảo khiến người ta lo sợ. Ông cùng bà cũng đã chèo chống vượt qua. Rồi những ngày cắm đất trồng khoai, xây dựng căn nhà đơn sơ trên đất, che mưa che nắng cho lũ con thơ.
Mặc cho mùa hè gió Lào bỏng rát hay mùa đông cái lạnh cắt da cắt thịt, mặc cho những cơn bão đi qua cũng không làm vơi đi tình yêu thương của bà với gia đình, với con cháu, với cả những người xung quanh. Cái lam lũ của cuộc đời khiến một người đàn bà mạnh mẽ, và bao dung hơn bao giờ hết.
Bà với ông có tất thảy chín người con, ông bà khéo đặt tên, nên tên các con cũng hay, cũng vần như thơ văn: Trọng, Dung, Chung, Thuỷ, Ngân, Hà, Nga, Yến, Oanh.
Nhưng có một nỗi đau mà suốt cuộc đời bà chẳng thể nguôi ngoai, đó là nỗi đau mất con, cho dù tháng năm đã bào mòn đi tuổi xuân, sức khỏe, trí nhớ của bà, duy chỉ có nỗi đau là vẫn còn đó. Bà mất đi hai cậu con trai khi còn bé, bà luôn ước rằng giá mà được nhìn thấy hai cậu lớn lên, rồi dựng vợ như bao người khác, thì tốt biết bao.
Bà kể về những người con bà đã hết mực yêu thương, rồi bà nhắc đến những đứa cháu bà chăm bẵm bế bồng: Con Thùy, con Huyền, thằng Dương, con Giang, con Ngọc, bé Lan. Những đứa cháu đầu, đứa nào đỏ hỏn cũng được bà hôn lên trán hằn in vết trầu. Rồi có đứa được bà đặt tên, bà mong cho cháu gái như ngọc như ngà, là bảo bối của cha của mẹ, rồi có đứa bà nắn tay, thoa mũi, bà mong cho cháu trai lớn lên cứng cáp.
Những ngày khi bà còn có sức khỏe, bà đi bộ mấy cây số để qua nhà các cháu. Bà nhớ đứa nào, bà sẽ ghé qua chơi. Bà giúp mấy đứa dọn nhà, hái lạc. Cháu gái thì bà chải tóc, cháu trai thì bà kể chuyện ngày xưa. Hôm nào có bà qua chơi là hôm đấy mừng vui hơn cả tết. Còn nhớ ngày đó, nếu bà ghé qua nhà anh chị gần, sẽ trông mong chiều bà ghé qua nhà mình chơi. Cứ thế cứ thế lớn lên, có một người – gọi là bà ngoại.
Giờ trưởng thành, nhiều khi thèm nghe bà ngâm thơ kể chuyện, thèm nghe bà hát ru, thèm ăn miếng bánh bà để dành trong tủ. Thèm lắm.
“phụ tử tình thâm, công thầy nghĩa mẹ”…
Tình yêu của bà được xây dựng hơn năm mươi năm qua, có lúc xô lúc tròn, lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Tình yêu ấy cũng đủ dư dả để mỗi lần ông dỗi bà qua nhà con ngủ mấy ngày trời, vẫn thương bà với mấy con gà không biết xoay xở ra sao. Hay những lúc bà vào nhà con gái chăm cháu, sợ ông bỏ bữa lại cuống cuồng về nhà. Tình yêu ấy đủ đầy nên gian nhà nhỏ năm xưa cũng lớn lên thành đại gia đình, có con có cháu, có gái có trai, yêu thương đùm bọc.
Năm này qua năm khác, con cái lớn rồi thì dựng vợ gả chồng, cháu lớn rồi thì đi khắp muôn nơi, duy chỉ hai ông bà vẫn ở đấy, nương tựa vào nhau, ngồi uống cốc chè xanh, kể nhau nghe:
– Biển chiều nay lộng gió, không biết chúng nó có bắt được con cá nào không?
Khi bóng xế chiều, bà cũng đã trọn vẹn làm vợ, làm mẹ, làm bà, làm một người phụ nữ tuyệt vời. Bà vẫn nắm tay ông, trải qua bao cơn giông tố, để rồi hôm nay, đôi lúc chẳng phân biệt được gì, vẫn hỏi ông:
– Hôm nay ngày mấy rồi ông?
Ông vẫn hiền từ trả lời:
– Hai chín Tết rồi.
Bà lấy vội chiếc bánh chưng trên bàn, cứ đòi cắt cho mấy đứa cháu ăn, bảo rằng:
– Tết rồi, bà chẳng có gì cho bây ăn. Bà tệ quá!
Tuổi thơ với hình ảnh căn nhà nhỏ cuối ngõ, cánh cổng sắt sơ sài hoen gỉ, con chó mẹ cùng đàn con nằm sưởi nắng trước sân nhà, và cả hình ảnh một người bà ngồi đợi cháu nhỏ về thăm. Vẫn đó giỏ làn đầy những bánh những quà, vẫn đó những vạt rau bà ươm bên giếng, vẫn đó cây khế ra quả hai năm, bà ướp đường giấu trong hộp tủ. Vẫn đó bà ngoại hát ru, bế bồng, chăm bẵm.
“Ai cũng muốn một vé đi về tuổi thơ
Và tụi con ước rằng
được trở về những ngày còn bé nhỏ
Có căn nhà cuối ngõ,
cánh cổng sắt đã gỉ hoen
Có bà ngoại ngồi trước sân nhà
chờ cháu nhỏ ghé về thăm.”
Dành tặng cho những ai là cháu của Ông Thìn, bà Tâm.
Trần Thị Ngọc (TP. HCM)
CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021”
Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi
- Phim về chú chó đỏ khổng lồ nổi tiếng thế giới tung trailer đáng yêu đến “tan chảy”
- CapitaLand Development được vinh danh tại giải thưởng bất động sản châu Á PropertyGuru 2022
- Thúy Ngân khoe vòng eo con kiến tại đại tiệc Private Halloween Party 2022 nhà Dsquared2
- Sắc màu truyền thống trong đêm bế mạc Tuần lễ thời trang thu đông Look
- Du học Anh chi phí hợp lý, học bổng cao