Đêm khuya thanh vắng, tôi đứng im trong nhà nhìn cái bóng mờ ảo của mình soi trên tường ngoài trời lòng xao xuyến khôn nguôi…
Tôi nhớ tới ông ngoại của mình ngày xưa, nhà ông ngoại là gian nhà gỗ ba gian mái lợp ngói, diện tích khá rộng rãi với cách trang trí kiểu ngày xưa, sạch sẽ và giản dị. Nội thất đều làm từ gỗ đã trải qua hơn một thế kỷ nhìn vào cách sắp xếp đồ đạc cũng phần nào toát lên tính cách của chủ nhân. Ông tôi là người có nếp sống kỷ cương, nhà cửa gọn gàng lúc nào cũng toát lên phong thái của một nhà nho học.

Bước vào nhà cảm giác trang trí nho nhã vừa vặn, tất cả đều sạch sẽ gọn gàng rất dễ chịu. Nơi đây đã chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của một đại gia đình, nó là nơi ghi dấu nếp nhà mà ông tôi bỏ công gìn giữ mấy chục năm.
Nhà ông ngoại có tổng cộng tám người con hầu hết đều nên người và có sự nghiệp rực rỡ. Mẹ tôi là con cả, ông vốn là một ông giáo làng nổi tiếng thâm trầm và nghiêm khắc, cách dạy con của ông có đôi phần khắc nghiệt nhưng ít nhiều đã rèn luyện cho đàn con đông đúc một ý chí mạnh mẽ và nghị lực vượt khó đến phi thường. Nhờ thế mà ông đã lèo lái con thuyền gia đình vượt qua bao cơn sóng dữ của thời cuộc, sống giữa thời mưa bom bão đạn, thoát chết không ít lần dưới những trận càn và địa pháo của giặc, những cơn sóng sau luôn dữ dội nhiều hơn cơn sóng trước rất nhiều. Mẹ tôi trong nhà lại giống tính ông nhiều nhất, là con gái trưởng sinh ra trong thời đại trọng nam khinh nữ nhưng mẹ lại được ông cho học hành để biết chữ nghĩa ở đời chứ không mãi vùi đầu trong xó bếp, từ may vá thêu thùa đến việc bếp núc trong ngoài mẹ đều thông thạo và mẹ cũng khó tính y hệt ông.
Ba mẹ tôi có cả một thời tuổi trẻ khốn khó vì đói kém ăn cơm độn sắn qua ngày từ bo bo đến rau tàu bay…từ chạy giặc tứ tán lên rừng xuống biển cho đến cuộc chiến mưu sinh vật vã sau giải phóng. Ba mẹ tôi đã trải qua cuộc đời đầy biến động cho đến khi vào miền Nam và sống mấy chục năm qua. Hành trình du mục nếm mật nằm gai đã tạo nên những con người rất đỗi kiên cường, và có được một cốt cách tinh thần riêng. Và theo nguồn mạch truyền thống từ đời ông bà, chúng tôi sinh ra đều được nuôi dưỡng theo tinh thần đó, trong gia đình lấy đạo đức làm quy chuẩn “trên bảo dưới phải nghe”, “nhân lễ nghĩa trí tín” làm bài học làm người đầu tiên, cha mẹ là vị tướng điều binh khiển tướng còn con cái là đội quân có nề nếp và quy củ.
Lúc tôi còn nhỏ đôi lúc có chút phẫn chí oán giận sự nghiêm khắc đó, tôi bướng bỉnh khi cho rằng đó là những hủ tục cổ hủ không phù hợp với cuộc sống hiện đại đề cao tính tự do và quyền cá nhân công bằng, tôi luôn cố ý đi chệch đường ray đó nhưng mẹ lúc nào cũng lôi tôi về lại đúng vị trí mà mình nên đi. Khi tôi sáu tuổi ăn cắp tiền của mẹ đã bị đánh một trận đau điếng, chiếc roi mây trút xuống đầy giận dữ, mẹ đánh tôi cho sự sai trái đầu đời. Đánh thật đau để tôi nhớ mãi không quên để biết rằng “ăn cắp quen tay” là thói xấu không bao giờ được phép phạm phải.
Tôi không bao giờ quên được vẻ mặt giận dữ của mẹ ngày hôm ấy, mẹ bảo: “Khi con ăn cắp được một lần sẽ có lần thứ hai thứ ba, nó trở thành một thói quen xấu xí khó bỏ, nó làm nhân cách của con trở nên méo mó”. Không biết có phải vì nhìn thấy ánh mắt rươm rướm và vẻ mặt đau đớn của mẹ hay không mà tôi đã tự hứa với lòng vĩnh viễn không bao giờ lặp lại sai lầm ấy thêm lần nào nữa, bài học đầu đời của mẹ tôi mãi ghi lòng tạc dạ đến tận bây giờ cái gì không phải của mình tuyệt đối không được đụng đến.

Ông tôi rất mực thước trong cách ứng xử nên đã rèn cho mẹ tính cách vừa nhã nhặn vừa bản lĩnh kiên cường, với mọi người phải biết đối nhân xử thế, biết hướng con cái về cội nguồn, kính trên nhường dưới, mẹ đem tất cả những điều đó áp dụng vào cách dạy chúng tôi. Từ cách đi đứng không được hấp tấp cho đến lời nói phải từ tốn, ăn trông nồi ngồi trông hướng, tính cách được rèn giũa từ những điều nhỏ nhặt như ngồi vào mâm cơm phải biết mời người lớn hơn trước, không chọc đũa vào lựa miếng ngon ăn, nhìn nồi cơm vơi phải biết nhường người ăn sau, không được vừa ăn vừa nói nhồm nhoàm thô lỗ, gắp vừa đủ không bỏ thức ăn thừa mứa, không tạo ra âm thanh quá lớn khi ăn, đứng lên phải biết kéo ghế vào… Mẹ dạy chúng tôi từng chút một, thỉnh thoảng chúng tôi hay làm sai và đôi lúc thấy ngột ngạt nhưng sau này khi ra ngoài giao tiếp được mọi người khen ngợi mới thấy bài học mẹ dạy chẳng sai chút nào.
Nhà nghèo con đông nheo nhóc cơm không đủ no nhưng sách vở không bao giờ thiếu và việc học luôn được ưu tiên hơn tất thảy, sau bữa cơm tối đúng bảy giờ tất cả đều ngồi vào bàn học ngay ngắn. Thuở đó xung quanh còn xài đèn dầu nhưng mẹ lại ưu tiên lắp bóng đèn điện cho chúng tôi ngồi học dù sau đó mẹ phải ngồi gò lưng đến khuya để may đồ cho khách, có lẽ vì thế mà hơn bốn mươi mắt mẹ gần như không còn thấy rõ sự hy sinh của mẹ ngày ấy tôi chẳng bao giờ dám quên. Mẹ bảo học vấn chính là nền tảng vững chắc nhất, ba mẹ không có tài sản gì để lại cho các con, chỉ có cho các con được nền tảng kiến thức để làm hành trang vào đời, thất học là con đường dẫn đến nghèo đói nhanh nhất. Ba mẹ không mong sau này các con nuôi lại ba mẹ chỉ cần các con học hành nên người là trách nhiệm của ba mẹ đã xong, các con được quyền tự do đi tiếp quãng đời còn lại của mình, tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình về sau.
Trong nhà tôi là đứa ham chơi nhiều hơn ham học, từ trốn học đánh nhau cho đến những trò quậy phá dường như chẳng thiếu món nào, trong khi các anh chị và các em học hành giỏi giang chăm chỉ thì tôi chỉ xem việc đến trường như một nghĩa vụ. Có dạo đi học mà tôi chỉ nằm ngủ bài vở trống trơn mẹ giận đến nỗi quăng hết tập xuống sông, tôi vẫn bướng bỉnh nghênh ngang rất đáng ghét. Mẹ bắt tôi xuống vớt lên phơi khô và kềm cặp tôi chặt hơn nữa trong khi mọi người đều bảo nó hư như thế nên cho nghỉ cho đỡ tốn kém, cho nó ra đời để đời dạy…nhưng mẹ nhất quyết không. Mẹ bận tối mắt nhưng vẫn lên trường bất ngờ để xem tôi có học hành tử tế không, có bữa đang ngồi học tôi nhìn ra cửa sổ thấy mẹ đứng đó gương mặt gầy xanh xao che xùm xụp bằng chiếc nón lá cũ mèm…tự dưng lúc đó lòng tôi như thức tỉnh, cảm giác thương mẹ xộc thẳng vào tim, mắt tôi rơm rớm khi nhìn thấy mẹ. Từ đó tôi hiểu rằng dù mẹ nghiêm khắc hay đánh đòn tôi nhưng tôi lại là đứa làm mẹ thương và lo nhất, mẹ lúc nào cũng dõi theo từng bước chân của tôi, đứa được xem là “con cừu đen mang vận rủi của gia đình”. Nhờ có sự kiên quyết của mẹ mà tôi đã không còn lêu lổng tập trung vào học hơn, từ một đứa học hành chểnh mảng đã dần trở thành học sinh khá giỏi vào những năm sau này. Nếu không có mẹ ngày ấy chắc giờ đây cuộc đời tôi chẳng biết trôi dạt đến thế nào hay vẫn mãi ngụp lặn trong vũng lầy của riêng mình, ngồi nhớ lại mới thấy thương và biết ơn mẹ thật nhiều.
Nhà nghèo nhưng mẹ không để chúng tôi ăn rách mặc rưới bao giờ, mẹ bảo dù thế nào cũng phải có cốt cách tươm tất, không mặc áo nọ quần kia, tác phong chỉn chu phù hợp với hoàn cảnh hàng xóm hay mỉa mai nhà tôi “nghèo còn bày đặt quý tộc” khi thấy ngày Tết mẹ cho con gái mặc váy mang giầy có vớ, con trai áo sơ mi đóng thùng tươm tất… Một năm dù thế nào ngày Tết vẫn được đủ đầy thịt cá, bận đến mấy mẹ vẫn sên mứt gói bánh, mẹ bảo ngày Tết cổ truyền thiêng liêng nên phong tục tập quán cần được gìn giữ, mẹ muốn chúng tôi sau này trưởng thành vẫn nhớ đến điều này và tiếp tục gìn giữ sợi dây ấy cho nhiều đời sau nữa.
Sau khi đưa Ông Táo về trời mẹ sẽ phân công cho từng đứa, anh hai lau dọn bàn ghế đánh vẹc ni, chị ba giặt giũ chăn màn, còn tôi đi kiếm củi về nấu bánh, hai đứa em còn nhỏ sẽ làm các công việc lặt vặt khác, chộn rộn mà đầm ấm, lúc ấy cảm giác mong chờ Tết háo hức và ngóng trông từng ngày.
Đêm ba mươi cúng ông bà trong khói hương trầm nghi ngút, ba tôi áo quần chỉnh tề khấn vái tổ tiên, không khí trầm mặc hư ảo rất thiêng liêng, trong không gian ấy chúng tôi hiểu rõ hơn về nguồn cội, nhớ về ông bà tổ tiên là phần tôn kính tồn tại trường tồn trong tâm khảm của mỗi người, hòa quyện thành dòng mạch liên kết giữa quá khứ và hiện tại, là nét đẹp tinh thần mang đậm tính văn hóa dân tộc tự ngàn đời. Và ba mẹ tôi vẫn giữ nguyên nếp sống ấy mấy chục năm qua vững vàng như vị thuyền trưởng lèo lái con thuyền vượt sóng dữ qua bao nhiêu biến động của thời cuộc.

Tôi nhớ những cái Tết của những năm chín mươi từ hai mươi chín đã nghe tiếng pháo đì đùng từ phía xa vọng lại, đêm ba mươi pháo nổ vang trời tiếng cười nói rộn ràng khắp nơi, sáng mồng một chúng tôi quây quần chúc Tết người lớn và nhận những phong bao lì xì đỏ tươi, với tôi đó là điểm sáng hội tụ những triết lí nhân sinh sâu sắc, là những nét đẹp văn hóa biểu trưng cho tinh hoa dân tộc tự ngàn xưa để lại. Tôi biết ơn vì ba mẹ đã giữ cho chúng tôi những mùa Tết trọn vẹn như thế để hiểu rằng cuộc sống dù đổi thay đến thế nào cái hay cái đẹp cần được lưu truyền và phát huy đến tận ngàn đời, không có dân tộc nào trên thế giới chối bỏ cái hay cái đẹp trong nền văn hóa rất riêng của mình, phá bỏ hay khinh rẻ những giá trị tinh thần cao đẹp thì chỉ còn lại thân xác trống rỗng, đời sống tinh thần nghèo nàn hoang tàn mà thôi.
Ba mẹ tôi trồng trước nhà một khóm trúc quân tử, mẹ bảo trúc là loại cây đại diện cho sự ngay thẳng và trí tuệ, gió mạnh cỡ nào cũng chỉ ngả nghiêng chứ không gãy đổ. Nó thể hiện sự vững chắc trong tinh thần con người dù nghịch cảnh cũng không đầu hàng. Và trúc mọc thành cụm thể hiện sự đoàn kết vững chắc, mẹ muốn anh em chúng tôi cũng như khóm trúc ấy biết yêu thương nhường nhịn và chăm sóc lẫn nhau có như thế dẫu sau này không còn nữa ba mẹ vẫn an lòng. Mỗi bài học mẹ dạy đều ảnh hưởng sâu sắc đến tôi cho đến tận bây giờ, mấy mươi năm qua chúng tôi trưởng thành từ nếp nhà mẹ dạy dù đi đến đâu, dù có gia đình riêng vẫn không quên những lời dạy quý giá ấy.
Mấy mươi năm trôi nhanh như dòng nước, thời gian đã lấy đi rất nhiều thứ, dưới mái nhà của chúng tôi không phải lúc nào cũng bình yên có những khi cũng sóng to gió lớn nhưng sau tất cả rồi trở lại với sự tĩnh lặng như vốn có. Gia đình như đại dương lớn khi lặng lẽ khi ầm ào, khi sóng to gió lớn bởi cuộc sống vốn dĩ là thế mà. Mẹ tôi bảo làm người tốt chẳng bao giờ dễ dàng, có vất vả có hy sinh nhưng con sẽ nhận lại vô vàn sự ngọt ngào, làm người tốt con sẽ chẳng giàu có về vật chất nhưng sẽ nhận được sự kính trọng và trân quý từ mọi người, giá trị của con người không thể đong đo đếm được bằng tiền đâu con hiểu không.
Trong sự phát triển vượt bậc như hiện tại đôi lúc người ta bảo các giá trị truyền thống của gia đình đang bị lung lay nhường chỗ cho những sắc thái mới mẻ du nhập nhưng với riêng tôi giá trị của gia đình là muôn thuở vĩnh hằng, không thể thay thế, có thể học hỏi thêm những điều hay mới lạ nhưng dù thế nào nó vẫn tồn tại trường tồn theo thời gian từ đời ông tôi, từ đời ba mẹ, đời chúng tôi và nhiều đời sau nữa.
Lê Phương Mai (TP. HCM)
BEAUTYLIFE PHÁT ĐỘNG CUỘC THI “VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VIỆT NAM” VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2020”
Thời gian: Từ 20/5/2020 – 20/06/2020
Nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2020), Tạp chí Beautylife phát động cuộc thi “Viết về Gia đình Việt Nam 2020” với chủ đề: “Gia đình của tôi”. Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, cuộc thi còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Độc giả dự thi có bài viết được chọn đăng sẽ nhận được nhiều phần quà giá trị từ BTC
Thông tin chi tiết tại: https://bit.ly/2Zp9drW
- Khai hỏa vòng Đối Đầu Rap Việt, Dế Choắt – Lăng LD team Wowy tạo nên màn chạm trán lịch sử
- Prudential Việt Nam triển khai 2 chương trình khuyến mãi lớn nằm trong chiến dịch “20 Năm Giữ Lời Hẹn Yêu”
- Chung kết xếp hạng cuộc thi “Tình Ca Việt Nam 2022”
- Cách nhận biết bác sĩ đủ điều kiện hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ
- Khởi động chương trình “Mang Tết Về Nhà” năm 2023
Bài không phải có chất liệu, kết cấu đỉnh nhất mà cày bàn phím một ngày lên hơn 7,000 view mà chưa có tín hiệu dừng thi thố kiểu gì nữa…hợm!
Thứ nhất đây là cuộc thi viết Về Gia Đình mỗi người viết theo cảm nghĩ riêng của mình không phải nhà văn hay nhà báo chuyên nghiệp để bạn dùng nhận xét “Bài không phải có chất liệu, kết cấu đỉnh nhất”
Thứ hai không có giải thưởng nào về view cao hay view thấp để bạn phải cay cú vào comt liên quan đến vấn đề này, chuyện share bài tăng view chỉ là cách hưởng ứng cuộc thi mà thôi bạn nhé, tất cả giải thưởng quan trọng đều do BGK chấm và quyết định bạn cứ yên tâm mà thi chứ không cần nhọc công vào phá bài người khác như thế không hay chút nào cả.
Cuối cùng làm người đừng quá nhỏ nhen, xấu tính khi nước sông không phạm nước giếng, thân!
Thái độ nói lên tất cả…
Nề nếp quy củ đã mất dần trong nhiều gia đình ngày nay, mọi người có lẽ đang sống theo kiểu quá thoải mái thiếu đi sự dạy bảo từ cha ông đời trước. Có quá nhiều lí do để kết nối gia đình lỏng lẻo, do tiến bộ của xã hội, trọng vật chất, cơm áo gạo tiền, sống tùy tiện … tác giả thật may mắn khi được sinh ra gia đình còn giữ nếp nhà như vậy.