Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2020 – “Nhà mặt phố”

Sài Gòn, ngày 27 tháng 02 năm 2015

Nha-mat-pho-02
Ảnh minh họa

Cánh cửa ọp ẹp, đưa qua đưa lại trong cơn gió tạo thành tiếng kẽo kẹt nghe đến buốt răng. Bên trong tối đen như mực, ánh đèn dầu leo lét trên bàn thờ thần tài đặt ở góc nhà chỉ đủ chiếu sáng một tẹo không gian ẩm thấp nơi đây. Thỉnh thoảng một vài bóng đen vụt chạy dọc cạnh tường của những con chuột già trụi lông chăm chỉ kiếm ăn. Chủ nghèo, nên chuột ở đây cũng chẳng có vẻ gì béo tốt. Tấm nệm lò xo để góc nhà với vài cọng thép buộc vội xuyên qua mặt nệm như bàn chông của thầy phù thủy luyện phép. Nằm trên đó ngự hẳn một bộ xương con người với đôi tay đang quờ quạng, lượm lặt mấy hột cơm rơi vãi quanh người. Đôi tay lại tiếp tục cuộc hành trình quờ quạng thu gom cơm thừa về một chỗ gắng dụ con chuột già quen thuộc đến xơi. Bộ xương ấy xem chúng như loại thú cưng trung thành, luôn quấn quýt bên chủ khi bệnh cũng như khi đau ốm.

Mẹ không được làm thế! Ẩm thấp thế này mà còn giấu cơm cho chuột để rồi bệnh hết cả đám à – Giọng hơi gay gắt, cục cằn của người phụ nữ đang đi lên từ xó tối.

Ừ… ự… -– Lời đáp yếu đuối của bộ xương nghe như tiếng rên kiêu hãnh của số phận thách thức cái chết. Bệnh bao năm, bộ xương ấy chỉ có thể nằm một chỗ, với cánh mũi phập phồng, đôi tay quờ quạng, lâu lâu kêu lên những tiếng ừ ự vô nghĩa như thể cho người xung quanh một dấu hiệu: “Tôi còn sống, tôi vẫn còn ngon lành lắm à nghen”. Bà già mặt mày nhăn nheo, teo tóp, da dính chặt vào xương trông chẳng còn chút gì gọi là sinh khí. Thần chết nhìn cũng phát hoảng, bỏ chạy, quên cả tên người phụ nữ ấy lâu nay.

– Mẹ nằm đây chút. Con ra ngoài cửa hàng.

– Ừ… ự…

Chị lại loẹt quẹt đôi dép lê cũ rích bước ra cửa để đến cái nơi được gọi là cửa hàng. Cửa hàng nghe quá sang so với vị trí mà nó tọa lạc. Cửa hàng thật sự chỉ là một bộ bàn ghế nhỏ chiếm khoảng diện tích chừng một mét vuông lề đường. Trên bàn bày biện vài miếng bánh, bịch kẹo cu đơ, hộp xing gum, bình trà nóng cùng với vài chiếc ly thủy tinh bám cặn trà vàng khè trông đến phát khiếp. Toàn bộ cửa hàng của hai mẹ con chị chỉ có thế nhưng nó nuôi sống gia đình bao nhiêu năm nay. Cuộc sống hè phố mùa lạnh rét căm căm, phải mặc, quấn hàng tá áo quần để giữ ấm nhưng đến mùa nóng mọi người lại muốn cởi phăng hết cả quần áo quạt phành phạch cho mát. Sống vất vả mãi thành quen hai mẹ con chẳng bao giờ than vãn.

Ai sống mà chẳng có ước ao? Chị cũng thế, chị cũng có một ao ước: hàng ngày buôn bán qua loa, sống đủ ăn, nuôi mẹ già. Ao ước ấy nào có to tát gì nhưng đôi khi thật vất vả để sống bám víu vào thứ mơ ước mong manh chỉ vì những phong trào phát động đường thông hè thoáng, … và đủ thứ phong trào trồi lên như vũ bão để rồi sau đó tắt ngấm như chưa từng tồn tại. Nghĩ lại, đôi khi cũng may, ở xứ ta họ chỉ làm cho có lệ, làm cho có cái để hô hào, đỡ buồn miệng rồi đâu lại vào đó. Nếu họ cứ căng cứng ngắc không biết bây giờ mẹ con chị sẽ ra sao.

Ngồi ngoài đường cũng thú, ngắm xe qua xe lại, ngắm bọn trẻ tuổi đôi mươi nhớ lại hồi xuân sắc cũng thấy lòng vui vui xao xuyến bồi hồi. Chị nhớ hồi chị còn nhỏ, mẹ chị bán hàng nước này. Mẹ ngồi chồm hổm ven đường, mơ ước có được cái nhà mặt phố. Mẹ bảo nếu có nhà mặt phố bé thôi cũng được, hai mẹ con có thể bán đủ thứ linh tinh không phải bỏ chạy mỗi khi trật tự phường bao vây đuổi bắt. Ngày trước, khi mẹ bán hàng, chị đứng chơi quanh đấy, vừa chơi vừa trông chừng các chú dân quân, trật tự. Chỉ cần thấy thấp thoáng bóng áo xanh, chị hét toáng lên thế là cả lề đường nhốn nháo, kẻ trước người sau, thu dọn hàng quán, xớn xác lao cả ra lòng đường chạy trối chết, chạy chí mạng.

Vốn bán hàng vỉa hè tuy không lớn nhưng đó là cả gia tài, kế sinh nhai mà họ phải lượm lặt chắt bóp từng ngày. Ngày nắng bán hàng bù cho những ngày mưa dầm ế khách, ngày tất bật bù lại cho những ngày ngồi ngáp đến sái quai hàm mà chẳng có nổi một con ruồi nào bay vào miệng.

Đời mẹ con chị sợ nhất vài chuyện đó là: trật tự đuổi, mưa dầm, gió bấc. Cái sợ ấy cứ đeo đuổi cuộc đời hai mẹ con như những bóng ma trơi lập lòe ngoài nghĩa địa, cố hù nhát mọi người để xin ít cơm cúng, tiền thừa. Cái sợ ấy chỉ biến mất khi đời họ có một căn nhà mặt phố. Đúng vậy đó là ước mơ rất thật của cả đám người sống trong xã hội với văn minh “bán hàng xén” chứ có riêng của ai(?)

**********

Nha-mat-pho-03
Ảnh minh họa

Chập… chập… cheng… cheng… đủ loại âm thanh chát chúa ầm ĩ trong ngày. Thần chết hôm qua đã đồng ý hóa kiếp cho bộ xương thoát khỏi cảnh đời vất vả chông chênh. Chị ngồi thừ mặt vì buồn, vì nhớ tiếng ừ ự quen thuộc, nhớ cả con chuột già trụi lông không còn chỗ trốn vừa bị đập chết chiều qua. Mặt chị chảy dài như những ngày bán ế, mưa dầm. Chị nghĩ về mẹ. Chị không biết sau khi chết, mẹ chị đi đâu? Không lẽ mẹ tiếp tục vất vả bán nước vỉa hè để rồi trật tự đuổi chạy vấp té trầy xước cả chân tay? Không lẽ cả đời khổ cực, đến khi chết qua bên kia thế giới lại tiếp tục cực khổ? Không, chị không muốn như thế. Chị cũng không biết tính sao cho tròn chữ hiếu. Vài tháng trước chị thấy mẹ mệt hơn, đuối hơn. Chị đã hỏi dò mấy khu đất ở nghĩa trang, ngoài mặt tiền, hét bán với giá kinh khủng. Có bán cả cái nhà ẩm mốc tối tăm cũng không tài nào mua được miếng đất nhỏ tẹo chỉ vài mét vuông ấy. Chị muốn khi mẹ chết, ước mơ có ngôi nhà mặt phố của mẹ sẽ thành hiện thực. Tiếng chập cheng, giọng ê a của ông thầy cúng làm chị phát ngán. Chị lẳng lặng đi ra khỏi nhà, tạm để mẹ nằm đấy, bắt xe ôm đi đến nơi chị nghĩ có thể làm mẹ sung sướng toại nguyện khi về thế giới bên kia.

Bác xe ôm có độ tuổi già hơn chiếc xe máy tập tàng một chút, gồng mình chở chị trong giá lạnh mùa đông, mưa phùn, gió bấc. Sình lầy bắn cả lên đầu lên cổ làm chị không những lạnh mà còn dơ bẩn như con chuột già rét cóng.

Dừng lại trước cổng chùa cách nhà chị ở khoảng hơn chục cây số. Ngôi chùa sừng sững uy nghi, mái ngói rêu phong đã lên xanh rì, cổ kính. Băng ngang qua chánh điện, chị qua gian nhà nữa rồi đến gian thờ tự. Nơi này không biết bao nhiêu hũ cốt, ngăn kệ cao thấp, chập chùng. Bao gương mặt được đính lên nhiều loại bình cốt đủ màu sắc trông cứ như căn phố dài hun hút mắt người. Nghiêng qua, ngắm lại chị thấy hài lòng về nơi thanh cao tĩnh mịch chị sẽ dành cho mẹ.

Với suy nghĩ: “Dương sao, âm vậy” Chị qua qua, lại lại, chị ngắm nghía săm soi, cố tìm ra một nơi để bình cốt của mẹ theo cái hiểu “thị trường”. Nơi để cốt nhiều tầng cứ như chung cư, tầng cao, tầng thấp. Mẹ già khọm, chị biết không thể để mẹ lên tầng cao được vì nếu lỡ thang máy hư mẹ chị đâu còn sức để về nhà sau một ngày bán hàng mệt nhọc. Lên tầng cao lỡ mất điện, mất nước lại càng khổ hơn sức đâu mà gồng gánh từng lu nước, ấm trà? Chị quyết không thể để mẹ trên tầng cao. Chị có nghèo đói đến đâu đi nữa cũng phải cố tìm lấy tầng thấp nhất, tầng trệt, sát mặt kệ là hay nhất.

Ở tầng trệt, mẹ chị có thể trông xe, bán hàng vớ vẩn, không lo trật tự đuổi, không chừng bà cụ có thể cho ai đó thuê lại để hưởng an nhàn tuổi già? Mai kia khi chị xuống xem như có người cắm chốt, chờ thời. Mong rằng đời sẽ khá khẩm khi hai mẹ con đoàn tụ xum vầy nơi cửa Phật!!!

Ngắm mãi khu mặt tiền, mắt chị lóe sáng, chị phải hỏi ngay vị trí này, nó giáp được cả hai mặt phố. Nếu đặt hũ cốt của mẹ ở đó chắc hẳn bà sẽ tự hào lắm cũng nên. Chị nhẩm nhẩm trong miệng, tay không ngừng chỉ trỏ: “Nam mô a di đà phật. Xin phù hộ độ trì cho con được đặt hũ cốt của mẹ con tại vị trí này. Con cầu mong vị trí này còn trống, không ai đăng ký… Con cầu mong… Con cầu mong…”.

Tiếng chuông chùa boooong… boooong… ngân dài trong mưa rét. Tượng phật tổ cao lớn uy nghiệm, khoác chiếc áo cà sa sáng ngời, chói lóa. Ánh mắt ngài nhân từ nhìn xuống chúng sanh. Người phụ nữ quỳ lạy thành tâm, đôi vai run từng cơn vì cái lạnh gió bấc mưa phùn. Tiếng chuông biiinh… boooong… trầm mặc, ngân nga quyện lẫn làn khói trắng của nhang trầm lãng đãng chốn trang nghiêm. Cây đa xơ xác, đưa vài cánh tay gầy guộc chĩa thẳng lên bầu trời xám xịt. Người phụ nữ vẫn quỳ lạy, khấn vái, cầu mong…

Cuộc đời đôi khi mơ ước mãi rồi có thành hiện thực?

Nhà mặt phố!!!

Đinh Thế Khải (TP.HCM)

BEAUTYLIFE PHÁT ĐỘNG CUỘC THI “VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VIỆT NAM” VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2020”

Thời gian: Từ 20/5/2020 – 20/06/2020

Nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2020), Tạp chí Beautylife phát động cuộc thi “Viết về Gia đình Việt Nam 2020” với chủ đề: “Gia đình của tôi”. Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, cuộc thi còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Độc giả dự thi có bài viết được chọn đăng sẽ nhận được nhiều phần quà giá trị từ BTC

Thông tin chi tiết tại: https://bit.ly/2Zp9drW

0 0 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx