Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2020 – “Người giữ két”

Bầu trời sụt sùi, xầm xì, lợn cợn những áng mây đen kịt vởn vơ trêu ghẹo bất cứ ai đang khắc khoải héo mòn vì những cơn nắng nóng oi bức ngày hè. Đốm Nâu nằm đó, hàng mi khép mờ, ngước đôi mắt lờ đờ, đục ngầu đầy mỏi mệt hắt lên nhìn trời. Như thể chờ đợi một ân huệ lớn lao từ trên đổ xuống cứu vãn lấy tình cảnh của mình. Ai đi qua sẽ bất giác giật mình đôi chút hoảng sợ khi thấy chị. Mùa hè đã rút hết mọi sinh lực chị Đốm nhanh nhẹn, hoạt bát ngày nào. Chị chỉ có thể lết đi vài bước trên bốn chân teo tóp, gầy gộc, xiêu vẹo. Khuôn mặt tóp lại, chiếc mũi khụt khịt khô khốc bong tróc những mảng. Lớp lông thưa thớt không đủ che phủ phần da rút lại để trơ ra từng cạnh xương, hai bên cánh mép cứng sượng để lộ ra hai hàm răng lổm chổm ố vàng. Chỉ còn đôi tai khẽ phe phẩy theo từng nhịp thở hắt ra mệt nhọc. Nhìn như thế chỉ đang gầm gừ, chực chờ tấn công ai đó. Một cảnh tưởng như thể nạn đói 1945 lại ùa về căn nhà.

“Lông xù này! Lỡ sáng nào đó, tôi không nhúc nhích được là tôi chết… Cậu sẽ nhớ về tôi chứ?!”. Đốm Nâu thều thào qua cái rên ư ử.

Tôi ngoái nhìn về phía chị, trượt dài trong niềm hi vọng về bầu trời:

– Sẽ mưa thôi chị à! Cố lên chị… sẽ ổn thôi!

Tôi, Lông Xù cũng không khá hơn chị Đốm cho mấy, ngoại trừ vết hằn đỏ au do sợi xích hoen rỉ ghì chặt nhìn như thứ hình xăm nghệ thuật đầy tính thời thượng. Trong tình trạng đói khát cực điểm và ngược đãi thường xuyên, giờ đây, một cơn mưa sẽ đem đến sự sống cho cả hai chúng tôi. Ít nhất, sẽ là một ngụm nước mát cho tấm thân khô cằn phơi bao cái nắng ngày hè.

Nguoi-giu-ket-03
Ảnh minh họa

Bên hông nhà, có tiếng lạo xạo. Bóng người đàn bà cao tuổi hì hụi, lọm khọm với cây chổi cùn phẩy hết những thứ ngáng chân bà đi. Tiếng va đập liên hồi làm chị Đốm Nâu giật nảy mình. Như một quán tính của loài, chị ráng ngóc cổ lên để làm nhiệm vụ cảnh báo: “Gau… Gau… Gau” – đứt đoạn.

Bà cụ liếng thoắng tiến sát về phía cánh cổng, hai tay bám lấy song chắn cổng, đôi mắt kéo màng trắng đục đảo khắp phía như thể đang chờ đợi ai đó đến. Không thấy ai, bà lẳng lặng đi vào không quên quăng cho Đốm một nhát chổi cùn. Bà tiến lại gần thùng rác, lọ mọ sờ soạng lục tung mớ rác bẩn để xếp lại những bao ni-lông và ghém lại những mảnh giấy nhàu nát, ướt mẹp.

Chiếc xe máy lạch cạch trườn tới, thắng sát mép cổng nhà. Tôi đánh tiếng inh ỏi báo hiệu có người lạ đến. Phần chị Đốm Nâu choàng tỉnh, ánh mắt hoảng sợ bần thần sợ sệt nép sát trong gầm ghế đá sau cú chổi vừa nãy.

– Bà ơi! Tụi cháu đến hỏi phòng trọ, có chủ nhà ở nhà không ạ?!

Nghe tiếng gọi vọng vào, bà tất tả rảo bước về phía cổng, vẻ mặt đầy hứng khởi, đon đả nhanh tay mở toang hai cánh cổng:

– Thuê phòng trọ hả?! Vào đi cô, để xe đây đi, không mất đâu! Ở đây an toàn lắm.

Bà chỉ tay về phần sân trống ngay trước mặt tôi. Hai vị khách nặng nhọc đẩy chiếc xe máy ùn ùn cán phăng lên sợi xích rỉ sét ngắn cũn, táng thẳng một cú húc vào mạn mông trái. Khá đau!

– Bà ơi! Chủ có ở nhà không ạ?

– Tui nè, tui là chủ nhà này. Ngộ ha, ai vô đây cũng hỏi vậy đó. Cô vô đây, tui dẫn cô xuống phía sau coi phòng.

Vẻ bất ngờ lộ rõ trên khuôn mặt của hai vị khách lạ. Cũng phải thôi, ai ngờ được một bà cụ ở độ tuổi thượng thọ, lếch thếch trong bộ đồ bộ xỉn màu bốc mùi cánh gián, luôn đi chân đất khiến hai bàn chân thô kệch, ngón chân xương xẩu vươn dài đen xì bám chặt nền đất. Mặc duy chỉ hai bộ đồ cũ, chằng chịt những đường chỉ khâu vá đủ màu. Ăn lưng chén cơm lều khều với những thức ăn cũ, rẻ tiền ngoài chợ. Nhìn qua, bà chẳng có điểm gì toát ra thần thái của một bà chủ. Bà ở một mình, cuộc sống của bà quanh quẩn trong tòa nhà bốn tầng rộng lớn, nhặt nhạnh tất cả mọi thứ của các phòng trọ bỏ đi. Bà có sở thích bí mật chỉ tôi có dịp chứng kiến: mân mê vàng ròng! Nếu gặp bà lần đầu, ai có thể tin được bà chính là chủ của căn nhà bề thế, đồ sộ và thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng từ các khu nhà trọ. Thế nhưng, nhìn kĩ lại trên khuôn mặt già nua ấy, nếp nhăn chưa đủ che khuất đi sự phởn phao, tinh tường có phần xảo quyệt thường thấy của những tay chuyên gia kinh doanh và môi giới nhà trọ khu chợ cây Quéo này.

Bà chủ còn “thiếu thốn” như thế thì thật khó trách vật nuôi trong nhà có một cuộc sống cơm đầy nước đủ khá khẩm hơn hoặc giả mơ tưởng đến cảnh chiều chuộng, yêu thương.

Cánh cửa phòng khách mở hờ, tiếng nói chuyện xầm xì, đôi khi tiếng cười khanh khách phá tan không gian tĩnh mịch đến bí ẩn, một cuộc trao đổi giữa bà chủ và những người khách thuê phòng. Vẫn chiêu bài cũ, bà mồi chài bằng mọi lời lẽ mật ngọt về những điều khoản trong mơ của khu phòng trọ: riêng tư tuyệt đối, giờ giấc tự do, an ninh thắt chặt… Thế nhưng, khi con mồi sập bẫy, bà bắt đầu toan tính mọi thứ, theo dõi và thọc mạch tất cả: kê khống tiền điện, chửi đổng mỗi khi ai đó làm trái ý, cấm túc không người nào có thể đến chơi, ai đem gì vác gì cũng chạy ra dò xét, rồi lầm bầm vì sợ trầy cầu thang tám kiếp nằm chổng chơ giữa trời nắng mưa, bà mon men dọc theo bờ nhà để soi mói, theo dõi nhất cử nhất động người ra vô…

Ngôi nhà sừng sững và kín bưng như két sắt khổng lồ. Nó cất giữ những bí ẩn và khối tài sản chết khổng lồ mà bà chủ tích cóp suốt cuộc đời. Nó che phủ những bí mật mà những kẻ thuê trọ ẩn nấp sau lưng. Và Tôi, Lông Xù kẻ trông nom mọi bí mật của khu nhà.

Họ chấp nhận những đều gàn dở đó vì sự tuyệt mật mà chỉ có nhà bà mới giữ được bí mật riêng của họ. Những kẻ trụ chân được nơi đây, không đơn thuần là bên thuê và cho thuê mà là giao kèo giữa “kẻ bí hiểm” và “kẻ muốn giữ bí mật”. Giữa những toan tính hằng ngày của cuộc sống, gạt bỏ những điểm gàn dở thái quá của một bà chủ hắc ám – bí hiểm, tất cả những kẻ đến đây thuê trọ đều muốn cất giữ cho mình một phần cuộc sống bí mật. Một đôi tình nhân luống tuổi xế chiều lén lút qua lại, thoắt đến thoắt đi vội vã trong đêm khi bà đã chìm vào giấc ngủ say. Một mối tình kín đáo giữa hai chàng trai trẻ mà bà luôn cho đó là anh em. Một bà cô kín bưng sáng đi, tối về le lói ngọn đèn đỏ lòm cùng thứ nhạc ma mị sau cánh cửa đóng ỉm… Tất cả những kẻ chọn nơi này để trọ đều “kín đáo” lạ lùng, cánh cửa phòng nào cũng luôn đóng kín tránh ánh mắt dò xét của bà chủ trọ. Tất cả im ắng, kín kẽ xây cho mình không gian đầy sự bí ẩn.

Hai vị khách ra về với tâm trạng đầy phấn khích về câu chuyện đã trao đổi. Những đám mây đen ngòm bắt đầu quyện vào nhau trên nền trời, những lằn chớp lóe sáng như những lằn roi điện hằn học. Gió gào từng cơn cuốn theo bụi mù bung tỏa khắp nơi. Viễn cảnh cho một trận mưa cứu rỗi chị Đốm Nâu không xa.

Và mưa đến, ào ạt và vồ vập mọi thứ sau bao ngày bị cái nắng ngăn cách. Chị Đốm Nâu lết hẳn ra ngoài nằm phơi mình để mặc cơn mưa xối xuống, đôi mắt nhắm nghiền vẻ tận hưởng những giọt nước tự chui qua khe mép khô.

Phía trên cầu thang lộ thiên, tiếng lạch bạch cọc cạch phát ra, tôi ngóc cổ từ dưới gầm ngó lên: “Bà chủ!”.

Bà bò dọc cầu thang lau từng bậc trong mưa. Kĩ càng, từng bậc từng bậc. Gió thốc từng cơn mạnh, cây cối xiêu vẹo, chị Đốm Nâu di chuyển vô sát gầm ghế đá trú ẩn những cơn mưa dông kéo tới mù mịt đang quật phăng mọi thứ.

Xoảng!

Mảnh chậu hoa bể tan nát cùng bùn đất nằm vương vãi trước mặt, tôi được một phen thất kinh. Chưa kịp lùi xa, đằng sau, phía trên đầu, bóng người trượt xuống không phanh, sõng soài dưới chân cầu thang. Trong hoảng loạn, tôi gào tiếng sủa thất thanh đánh động mọi thứ trong mưa bão, tôi rướn cổ hết sức sủa lớn:

– Gâu… Gâu … Gâu…uuuuu. Có chuyện rồi! có chuyện rồi!

Tiếng gió rít từng cơn, tiếng mưa tạt ồ ạt liên tục vào cánh cửa, tiếng tru của những người bạn hàng xóm. Mọi thứ hỗn loạn, ngả nghiêng, inh ỏi. Nghe thấy sự bất thường, Ly – cô cháu ở bên, trong căn nhà ọp ẹp kế bên tất tả chạy ra, thét lên thất thanh:

– Bà giáo! Bà giáo… Bi, Bi ơi!

Bà nằm sõng soài trên nền gạch, tay còn nắm chặt mớ giẻ lau rách tươm, mặt trắng bệch, hai hàm răng cắn xít vào nhau, phía mạn thái dương có ít máu nhòe trong mưa, tay chân co quắp trong bộ quần áo nhàu nát những màu chỉ cũ.

Nguoi-giu-ket-02
Ảnh minh họa

Tiếng xe cấp cứu vang inh ỏi con hẻm, cũng may nhà gần bệnh viện. Cậu An – người con trai duy nhất của bà được điều tới, ướt sũng, hớt ha hớt hải nhìn vào phòng cấp cứu. Cậu ngồi khụy trên băng ghế chờ, đưa tay vuốt những màn nước mưa nhòe trên mặt. Ly cũng ở đó, bần thần, lo lắng đi qua đi lại. Đã ba tiếng trôi qua, người phía trong vẫn sau cánh cửa im phăng phắc, người phía ngoài chờ đợi trong mệt mỏi và hơi lạnh sau cơn mưa dông.

Hơn ai hết, Cậu An hiểu rõ mẹ mình. Cũng vì sự áp đặt, gò bó, tiết kiệm đến ti tiện mà cậu phải chung sống suốt thời trẻ nên cậu quyết xa mẹ. Tuần đôi ba lần ghé nhà thăm. Đến giờ, bà vẫn chê dâu, chối cháu. Bà cho rằng cô con dâu không giàu có kia khi về sẽ mưu toan lấy hết của nhà bà. Thế nên, đến giờ bà vẫn một mình toàn tâm toàn ý lo cho gia sản! Cậu vật lộn giữa những làn suy nghĩ. Người ta thường sợ những gì mình đã biết rõ. Cậu thương mẹ nhưng cũng yêu gia đình nhỏ của mình. Tréo ngoe sao cả hai lại không chung con đường để cậu làm toàn vẹn. Ngộ nhỡ, mẹ cậu nằm đấy với thân thể bất động, sức cậu sao đủ để vừa chăm mẹ vừa bên vợ bên con nhỏ. Vợ cậu có chấp nhận và hi sinh chăm sóc người mẹ chồng đã ruồng bỏ cô không? Ngộ nhỡ, bi thảm hơn nữa, cậu mất mẹ thật, cậu đối diện sao đây với người bà hoàn toàn xa lạ với các con mình, cậu xử lý sao với khối tài sản khổng lồ mang tiếng chiếm đoạt đây? Chính những điều bà mẹ luôn ấp ủ, tích trữ, mưu tính cho cậu lại đang dằn vặt cậu hằng ngày. Hơn ai hết, cậu mong bà khỏe mạnh, cậu xin cho mình thêm thời gian để có thể khuyên giải người mẹ già cố hữu.

Phần Ly, tôi nắm giữ những điều thầm kín sâu thẳm trong tâm hồn đầy toan tính của cô. Chẳng tự nhiên, sau khi bà chiếm hết phần gia sản của gia tộc, khi bao nhiêu người – ngay cả con trai ruột đều rời xa bà nhưng cô lại ở cạnh. Chẳng tự nhiên khi trong ngôi nhà bề thế ấy, con cô lại được ở nhờ. Cô là tai, là mắt của bà trong mọi hoạt động thám thính. Cô như cành tầm gửi nhỏ, bấu víu và hút dần sinh lực của cây chủ để phát triển. Sự chịu đựng của cô cũng đem đến mối lợi, số tiền cô bòn rút từ bà qua những lần ốm đau, mua bán những thứ thuốc vô thưởng vô phạt hoặc những lần gạ gẫm mượn chác, cô đã mua được xe, mua căn nhà nhỏ cho chồng. Phần cô vẫn cố thủ ở cạnh bà, cô cũng đã mệt mỏi nhiều về những chịu đựng triền miên. Nhìn chằm chằm vào cánh cửa phòng cấp cứu, cô loạng choạng giữa những suy nghĩ của mình: Cô sợ gánh nặng chăm sóc bà thay cho anh con trai dứt áo ra riêng bao năm qua, bà nếu có mệnh hệ gì thì cô mất đi đời sống kí sinh thoải mái. Nhưng chưa chắc vậy, biết đâu cô có thể giấu nhẹm số tiền đã vay mượn vì chẳng có thứ giấy tờ gì để chứng minh về nó. Nếu có mất mát, sau sự mất mát này, biết đâu cô nghiễm nhiên được thừa hưởng phần nào khối gia sản đáng lẽ một phần thuộc về chi họ của cô.

Cánh cửa phòng cấp cứu hé mở, vị bác sĩ bước ra. Chẳng ai biết được họ nói với nhau những gì. Bác sĩ điều trị đưa cho An chiếc chìa khóa nhỏ nằm giắt trong lưng quần bà cụ. Cầm chiếc chía khóa, cậu hiểu đến lúc mình phải khai mở chiếc két sắt ngột ngạt mấy chục năm qua. Cả hai buông ra tiếng thở dài thườn thượt sau lưng bác sĩ. Hành lang bênh viện thăm thẳm tối như hũ nút, tối như những gì cả hai sắp phải đối mặt.

Hai tuần lễ sau, xe cấp cứu đậu trước nhà, cánh cửa kéo xệch nặng nề qua một bên. Bà chủ về! Không phải thoăn thoát bước xuống mà nằm bất động trên cáng cứu thương. Điều đáng lo sợ đã đến, bà nằm đó, mất ý thức, bất động.

Vợ chồng Cậu An bàn định mời luật sư công khai và trả lại toàn bộ số đất đai, tài sản vốn dĩ thuộc về bà cụ. Bất kể di chúc có viết gì, anh nghĩ đã đến lúc cần chấm dứt mệt mỏi và sự dằn vặt của bản thân về đống tài sản tranh chấp kia.

An tìm thấy chiếc tủ nhỏ được xây chìm trong tường nhà dưới gầm chiếc gường rỉ sét của bà. Không có tiền trong tủ, chỉ toàn là vàng miếng và một tờ di chúc nguệch ngoặc nét chữ. Ly đứng nép gần đó, ngực đánh trống luôn hồi. Từng giọt mồ hôi rơi lã chã theo giọng đọc. Tờ di chúc không nhắc gì đến khoản nợ cô lừa phỉnh. Đến giờ cô hiểu rằng, cuộc đời cô vừa thoát mức án. Một người không tôn giáo, không quan hệ xã hội, bóp chẹt và tôn thờ  “vàng” như bà, việc bỏ qua khoản nợ trong di chúc dù vô tình hay hữu ý lại là bí ẩn hay chỉ là sự sơ suất? Điều đó xem như sự đền bù cho hi sinh và mất mát của gia đình Ly và mẹ cô – em ruột bà. Lương tâm cô xé nát vì những trù ếm bà cụ khi không bòn mót được tiền hay những lần bà nhờ vả.

An cầm lá vàng trên thay thở dài trong ngao ngán rồi quay sang nhìn bà cụ:

– Mẹ nghĩ chúng có thể chăm sóc mẹ lúc như thế này ư?!

Chẳng biết bà cụ nghe được hay không, chỉ thấy giọt nước mắt rơi trộm từ khóe mắt. Không biết rằng giọt nước ấy là giọt nước mắt hối tiếc hay tức tưởi của người cả đời giữ két.

Minh Nguyên (TP. HCM)

BEAUTYLIFE PHÁT ĐỘNG CUỘC THI “VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VIỆT NAM” VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2020”

Thời gian: Từ 20/5/2020 – 20/06/2020

Nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2020), Tạp chí Beautylife phát động cuộc thi “Viết về Gia đình Việt Nam 2020” với chủ đề: “Gia đình của tôi”. Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, cuộc thi còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Độc giả dự thi có bài viết được chọn đăng sẽ nhận được nhiều phần quà giá trị từ BTC

Thông tin chi tiết tại: https://bit.ly/2Zp9drW

0 0 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Mai Nguyen
Mai Nguyen
2 years ago

Cay mắt…

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx