Chiếc xe ôm thả tôi xuống Cao Lãnh, đã bao lâu rồi tôi mới về lại đây trong tầm mắt rừng tràm trải dải bạt ngàn tít tắp, những khu sinh thái đầy nhóc sinh vật lạ lùng, không phải mùa du lịch nên khu này vắng lặng hơn bình thường. Con đường sỏi đá lồi lõm lâu lâu chạy vụt qua vài chiếc xe máy, dưới kênh nước đục ngầu màu phù sa thỉnh thoảng có chiếc ghe phành phạch đi qua, tất cả như hồi tôi ở nhà giống như mới hôm qua hôm kia vừa mới.
Cuối cùng tôi đã về đến nhà, chuyến xe gần 200 cây số đã gần hơn xưa với con đường N2 mới mở, với cầu Cao Lãnh hiện đại mới khánh thành nhưng tôi lại thấp thỏm ừ thì về nhà có gì đâu mà gấp mới có 2 năm chứ nhiều nhặn gì. Nhà tôi ở mé sông tuốt trong miệt Phong Mỹ nhỏ nhắn và đìu hiu với những con đường nhỏ ngoằn ngoèo giờ đã được bê tông hóa, xung quanh mấy vườn cây thấp lè tè xanh mướt rậm rì.
Từ đầu đường lớn tôi xuống xe đi bộ vào nhà, căn nhà của tôi nằm lấp ló giữa vườn xoài, má thấy tôi về vội buông chiếc rổ đang đan dở, “ủa về tới hồi nào không điện má ra đón, ăn gì chưa để má hâm cơm nghen…” má vừa nói vừa xách phụ tôi ba lô vào nhà.
Nhà có đất có ruộng nhưng tính má lúc nào cũng cắc củm từng đồng, má nhận đan gia công cho xưởng đan lát gần nhà kiếm ngày mấy chục, má tôi lúc nào cũng vậy cả mấy chục năm chưa bao giờ biết nghĩ cho bản thân mình được bao nhiêu tiền đều dành cho anh hai, chị ba và lo cho bà nội bản thân má giản dị đến mức nhiều khi tôi giận tôi nói mãi má không nghe, má cố chấp theo đuổi điều má nghĩ là đúng, từ nhỏ má con tôi lúc nào cũng khắc khẩu nhưng chưa bao giờ giận nhau lâu đến thế.

Má vốn là phật tử ngoan đạo ngày rằm mùng một đều ăn chay lên chùa niệm phật má tìm nơi để cõi lòng thanh thản, vào chùa trong giây lát lòng má thôi bớt chông chênh, từ ngày ba tôi bệnh má càng năng cầu nguyện cho ba chóng lành, không biết có phải vì lòng thành của má hay vì chữ thương của má quá lớn mà ba tôi tiến triển tốt hơn mỗi ngày.
Từ nhỏ trong nhà tôi luôn là đứa trẻ ương bướng lúc nào cũng thể hiện cá tính riêng của mình, và cũng đủ nhạy cảm nhận ra giữa ba và má dường như có bức vách vô hình. Cứ người nhà trước người nhà sau ở chung nhà nhưng ít nói ít cười mỗi người dường như chìm trong khoảng lặng của riêng mình, chỉ trao đổi những gì cần thiết liên quan đến các con, nếu không tất cả đều lặng lẽ. Lúc bé tôi hãy tìm cách níu họ gần lại nhưng sự non nớt của tôi không đủ để vá lành những vết thương lòng của người lớn. Tôi tập cho mình dần quen với không khí tưởng chừng bình yên nhưng bên trong là cơn sóng ngầm dữ dội chực vỡ, trong sâu thẳm tôi muốn kéo bức màn hạnh phúc mỏng manh ấy xuống dẫm nát dưới chân mình cho hả dạ nhưng trước vẻ mặt cam chịu của má, vẻ xa vắng của ba tôi không đành lòng.
Ba chị em tôi co cụm lại dựa vào nhau để lớn lên, trong ngôi nhà vách gỗ rộng thênh tôi thèm nghe tiếng cãi cọ của ba má như những nhà xung quanh, thèm tiếng cười rộn rã từ mâm cơm đủ đầy chứ không phải mạnh ai nấy ăn như bây giờ, thèm cảm giác túm tụm đông vui thay vì việc ai nấy làm, nhà cửa lạnh ngắt chỉ có tiếng radio rọt rẹt ngày đêm…
Có dạo tôi mon men hỏi bà nội vì sao ba má lại như mặt trăng với mặt trời, nội đang vui cũng thoáng buồn chỉ lắc đầu, sau này lớn hơn tôi mới biết thì ra lúc má mang bầu tôi ba phải lòng người phụ nữ xóm bên, chỉ là chút thoáng qua nhưng má giận đến tận bây giờ. Nội nói “khuyên mãi mà má bây cứ cứng đầu, đàn bà biết cầm lên đặt xuống, đàn ông nào chẳng có phút lạc lòng, má bây cứ ghim trong dạ hoài không buông bỏ…”
Má sinh tôi rồi tần ngần nuôi lặng lẽ trong lòng má có tảng đá trấn giữ ở đó không cách nào đẩy xuống được má đau má giấu nước mắt vào lòng, tôi lớn lên ít khi nào thấy má rơi nước mắt. Còn ba chỉ cặm cụi ngoài vườn hết tưới nước bón phân, hết mùa vụ này qua mùa vụ khác, lúc rỗi rãi tôi thấy gương mặt ba thoáng thẫn thờ, miệng hát vài câu ca cổ thiệt mùi, tôi không biết ba đang nghĩ đến người cũ hay là bâng khuâng vì má…
Má hay nấu canh chua cá lóc ba thích ăn, món đó má nấu ngon nhận nhì không ai dám nhận nhứt, mỗi lần má nấu ba ăn hết cả tô bự chảng, má thấy nồi canh vơi cũng mấp máy môi cười, những lúc đó tôi thấy ba với má thiệt sự đáng thương rõ ràng thương nhau như thế, để ý từng chút một nhưng ai cũng cố chấp không chịu hàn gắn, người ta sống là để thương không phải làm tình làm tội nhau thế này.
Có bữa ba ngồi coi tivi ngay phòng khách má ngồi đan lát gần bên tôi ngó thấy ba nhìn lén má trân trân, ánh mắt da diết đến vô cùng, má húng hắng ho ba vội quay mặt đi chỗ khác giả đò lơ đãng. Tôi đoán chừng má cũng biết nhưng như lời má “có tan thành bọt biển cũng không quên những gì ba đã làm”. Má vẫn tỉ mẩn ôm thau đồ nặng trịch đầy bùn đất của ba ra sông giặt, trời mưa bất chợt là đem dù để kế gần chỗ ba ngồi, ngày chị hai anh ba cưới ba má đứng kề bên đón khách như không có chuyện gì mọi thứ đều gọn ghẽ chỉn chu, chị hai gây lộn với chồng về méc má, anh rể tới nhà nằn nì ba má đều ngồi lại phân tích thiệt hơn, người rào câu trước kẻ vòng câu sau ăn ý đến không ngờ. Và đám con như đàn chim đã lớn cũng bận vô vàn với vấn đề riêng của mình chẳng ai còn nhớ ba má vẫn chưa lành, hai người nắm hai đầu cọng dây thắc thỏm tới lui vẫn chưa phân thành bại.
Chỉ có tôi chứng kiến từ đầu, từ lúc biết nghĩ tôi đã thấy gia đình mình thiếu vắng tiếng cười, như bức tranh mỗi người quay mặt mỗi hướng, lòng tôi se sắt những nỗi buồn không tên.
Có bữa đến nhà bạn giờ muộn thấy nhà bạn đang ăn bữa tối dở dang, tiếng nói cười rôm rả, cả nhà thi nhau kể những chuyện tếu táo sưu tầm, hỏi han nhau đủ thứ, tôi đứng dậy ra về lòng đầy rạn vỡ, sợ ở lại chút nữa mình sẽ khóc òa lên không biết chừng…
Bữa chị hai sanh con đầu nhờ má lên nuôi giúp buổi tối trong ánh đèn vàng vọt ba ngồi chuyển hết kênh này qua kênh khác bồn chồn than phim gì dở ẹc chiếu hoài. Má cứ xếp đồ vô lại mở ra giả vờ bận rộn. Tối nay có hai người không ngủ tiếng thở dài ngắt quãng, quặn lòng…
Má đi ba chê cơm tôi nấu dở òm, chê nhà không sạch, chê áo quần hôi sình không thơm, cứ xé lịch rồi nhẩm chừng giả đò hỏi chừng nào chị hai hết cữ, nghe đâu chừng đó má về, đêm ba trằn trọc không ngủ cái đồng hồ trên tường cứ tíc tíc khô khốc, ba nhổm dậy nhìn quanh mắt ráo hoảnh, tôi nhắn má mau về không ba thành con gấu trúc, má nhừa nhựa “tổ cha mày” nhưng giọng nói dường như có chút hân hoan.
Má về tôi lại nghe tiếng ba ngáy đều đều mỗi tối, sáng ra cả nhà lại lục đục bắc cơm tôi chuẩn bị đi học còn ba ra vườn cảnh nhà lại như cũ nhưng có gì đó đã mới hơn, ba bước ra cửa nhoẻn cười “bữa nay hừng đông đẹp dữ bây” tôi ngái ngủ ra dòm “có khác gì mọi bữa đâu đêm qua ba lại say sưa với bác Năm rồi à?” ba cốc đầu tôi đau điếng “con nít biết gì”.
Nụ cười đậu trên môi má như giọt mưa quý giá hồi sinh sa mạc trăm năm, thay cho cái run rẩy héo hắt của mọi ngày, ba thoáng nhìn má gương mặt giãn ra hài lòng tựa đồ như thể đây là thứ mình chờ đợi từ lâu.
Mọi thứ vẫn cứ lưng chừng đến vậy cho đến khi tôi đi học xa vẫn gọi về hỏi han đủ chuyện, hai người dường như vẫn không xích lại trong căn nhà rộng, bữa tôi về nói má định vầy hoài sao má U60 rồi đó mấy chục năm dài bộ chưa đủ trần ai, bộ má tính sống kiểu bằng lòng không bằng mặt đến chừng nào, má không nghĩ đến tụi con sao má ích kỷ cố chấp quá vậy, nhờ má mà tụi con lớn lên tâm hồn đứa nào cũng khiếm khuyết.., tôi hùng hồn kết tội má, đưa cánh tay run rẩy má tát tôi nóng ran cả mặt, vậy là sau cái tát đó tôi và má giận nhau đến mấy năm đằng đẵng.

Tôi không biết cách nào làm lành với má, tôi nhận ra mình cũng cố chấp và bướng bỉnh y hệt má cho đến khi nhận cuộc điện thoại má báo tin ba bệnh, giọng má nghèn nghẹn làm tôi phải tức tốc về liền, đứng trước việc người thân đau nặng bao nhiêu giận hờn bỗng chốc hóa hư vô, tôi và má hàn gắn nhẹ bẫng như chưa từng có cuộc cãi vã ngày hôm đó.
Bệnh tình ba chuyển biến nặng căn bệnh xơ gan nguy hiểm có khả năng biến chứng tôi và má đưa ba lên tuyến trên vội trong đêm. Nằm ở bệnh viện Đại Học Y Dược gần 2 tháng như dài hơn một năm, bệnh ba mấy lần chuyển nguy hóa lành làm cả nhà thắc thỏm không yên. Má chăm ba từng chút, dường như khi nhận ra người kia đang đứng trước cửa sinh tử đầy nguy hiểm lòng má buông bỏ hết, má khóc nghẹn mấy lần trước cửa phòng phẫu thuật, ba phẫu thuật thành công má cười trong nước mắt, đêm ba trở nhẹ má lật đật ngồi dậy, nhìn cảnh đó tôi thấy lòng dịu lại thì ra khoảnh khắc mà tôi ước ao suốt cả tuổi thơ dường như đang hiện ra trước mắt, cái hạnh phúc mà trong những giấc mơ dài tôi không ngừng tìm kiếm giờ đây rõ ràng như đã tôi đã từng mơ hoang hoải.
Hai mươi chín tết bác sỹ ký giấy cho ba về nhà, chiếc xe lao vun vút trên đường đâu đó khúc nhạc xuân vang vọng, nhà tôi từ đây đã có tết, những ưu phiền sầu não đã ở lại sau lưng, mùa xuân đã gõ cửa nhà tôi từ hôm ấy, ngày hôm qua đã vĩnh viễn ở lại phía sau….
Xe dừng trước nhà má với tôi dìu ba xuống, năm ấy nhà tôi đón cái tết lạ lùng, chẳng hoa chẳng bánh mứt nhưng lòng ai cũng đì đùng như có pháo, chỉ quây quần bên nhau, tấm gương vỡ đã lành lại, lòng người đã bình yên.
Má đã dành cả đời dám yêu dám hận nhưng không quản lòng mình thoát khỏi chữ “thương”, thực ra má đã tha thứ cho ba từ lâu chỉ là hai người đều không ai mở lời cứ ngầm ngầm quan tâm nhau lặng lẽ, cứ âm thầm thương trong im lặng, không ai biết cách nào để vá lành vết thương lòng cho đến khi biến cố xảy ra.
Tôi theo má lên chùa cầu an, má dặn mai này vợ chồng có hục hặc đừng như má, làm đàn bà đôi lúc phải biết níu sợi dây tình cảm để giữ gia đình luôn ấm, đừng như má cả đời cố chấp gây khổ cả nhà , may ba mày còn ở đó và kiên nhẫn chờ má quay lại nhiều người là đi biệt không về nữa đâu…
Ngoài trời những cơn mưa đầu mùa trút ào ạt, ba nằm trên phản coi tivi má thổi phù phù đút từng muỗng cháo cho ba, bệnh ba còn cần tĩnh dưỡng và chữa trị lâu lắm nhưng đã đỡ rất nhiều nhờ bàn tay má chăm chút má nói nhỏ điều gì mà tôi thấy ba cười, lòng tôi như có nắng chèn ơi đời bằng phẳng không đi đi đường vòng chi cho xa hoài xa mãi thương cho má cho ba tuổi thanh xuân đã trôi tuột đi mất tự bao giờ…
Huỳnh Thị Ngọc Hà (TP. HCM)
BEAUTYLIFE PHÁT ĐỘNG CUỘC THI “VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VIỆT NAM” VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2020”
Thời gian: Từ 20/5/2020 – 20/06/2020
Nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2020), Tạp chí Beautylife phát động cuộc thi “Viết về Gia đình Việt Nam 2020” với chủ đề: “Gia đình của tôi”. Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, cuộc thi còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Độc giả dự thi có bài viết được chọn đăng sẽ nhận được nhiều phần quà giá trị từ BTC
Thông tin chi tiết tại: https://bit.ly/2Zp9drW
- Chặng đường năm năm tuyệt vời của The Reverie Saigon
- Bài dự thi Nhật ký 15 ngày sống chậm: Chuyện của những bác tài thời Covid
- TST tourist triển khai tặng gói bảo hiểm corona bảo vệ sức khỏe khách hàng
- Điểm qua 4 cái nhất của dàn siêu anh hùng và siêu ác nhân DC
- Ngày hội đi bộ Nestlé MILO tại Nghệ An chính thức khởi động
Bài viết xúc động quá