Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2020 – “Giao thừa”

Chiều cuối năm, hai vợ chổng anh Tỷ và thằng con trai ra ga đón chuyến tàu chót về quê đón giao thừa. Gia đình họ tay xách, nách mang, lỉnh kỉnh đủ mọi thứ. Anh Tỷ tay cầm chiếc vali, tay xách trái mít rõ to làm quà cho nhà vợ. Vợ anh cũng thế, cũng xách chiếc bánh kem to đùng, đặt ở tiệm ngon nhất Sài thành về làm quà quê cho bố, tay kia chị dắt thằng con trai chừng bốn năm tuổi gì đó. Anh chị quyết định về quê muộn quá nên chạy vội ra đây hy vọng ai đó nhượng lại cho vài tấm vé về nhà. Cuối năm sân ga vắng ngắt, mọi người hình như đã về quê hết cả, những gánh hàng rong hàng ngày vẫn qua lại đông đúc, nay đã trốn đi đâu. Lâu lâu, còn thoáng thấy một hai thằng bé bán vé số dạo lại gần, năn nỉ gần như van xin anh chị mua mấy tấm vé còn lại vì giờ này nó chẳng thể đổi trả lại cho người ta được nữa. Những tấm vé tàu cuối cùng của một ngày cuối năm dường như chỉ là hy vọng ấm ớ, tự an ủi mình vào cơ hội chẳng bao giờ có thể xảy ra. Anh chị lê bước hỏi thăm vài anh xe ôm, để tìm cách có thể lên tàu, trốn chui nhủi ở đâu đó có thể về quê, hưởng một cái tết yên lành với gia đình.

Giao-thua-02
Ảnh minh họa

Chú hai, tụi em không có vé tàu, có cách nào để về quê không hả chú?

– Tụi mày về đâu?

– Chúng cháu về Hải Phòng chú ạ.

– “Thế thì tụi mày phải đi hai chuyến, hơi gay go đấy” – Mặt chú xe ôm nhăn lại, con mắt nheo nheo như cố suy nghĩ ra cách để giúp vợ chồng anh – “Tụi mày ra đầu ga có con mặt lang lang, hỏi nó, nó có cách đó”

Vợ chồng anh mừng như bắt được vàng, vội vã cám ơn, vội vã quay bước trở ra đầu ga. Tìm kiếm một hồi anh chị thấy có người đàn bà lang lang vài bớt đỏ trên mặt, ghé vào hỏi thăm. Nó nhìn nhìn anh chị và đứa con nhỏ từ đầu đến chân rồi lại từ chân lên đến đầu. Nó hỏi – “Thế tụi mày có tiền không? cả ba đứa cũng hơi tốn kém đấy” – Nó đưa ra số tiền khá lớn so với khoản tiền anh chị có. Sau một hồi năn nỉ, kỳ kèo họ cũng thỏa thuận được giá hợp lý cho chuyến về quê đắt đỏ, mong chờ. Người đàn bà mặt lang dắt anh chị vào ga, đoàn tàu đang kéo những hồi còi tuuu…tuuuu…. buồn bã, báo hiệu sẽ chuyển bánh trong vài phút nữa.

Lên được tàu, vợ chồng anh thở phào nhẹ nhõm. Sân ga vắng ngắt nhưng trên tàu chen kín những người là người. Anh chị được bà mặt lang gửi gắm cho trưởng tàu chuyến ấy, tiền bạc chắc hẳn phải được ăn chia theo tỉ lệ nào đó thơm thảo cho cả đôi bên, chỉ có người đi tàu chui là khổ. Trưởng tàu chỉ cho anh chị cái ngách nhỏ ở sát bên nhà vệ sinh, nhìn nhau một chút có vẻ chán ngán nhưng anh chị nào có được chọn chỗ cho mình. Anh hạ vội trái mít to đùng trên tay cùng chiếc va li không kém phần vĩ đại, xếp gọn ở cái ngách chuột chui ấy, chị cũng xếp thêm cái hộp bánh kem của mình lên trên. Cái ngách bây giờ chỉ đủ cho ba người ngồi bó gối, anh thấy thương chị và đứa con nhỏ trong cái chỗ chật hẹp ấy. Anh rời ra ngoài dành chỗ cho hai mẹ con nằm cong queo, dù gì cũng đỡ hơn là ngồi bó gối.

Giao-thua-03
Ảnh minh họa

Tuuuu……tuuuuuu…. con tàu rùng mình chuyển bánh, chầm chậm ra ga, tiếng xình xịch bắt đầu nhanh dần một cách tẻ nhạt. Anh đứng ở khung cửa nhìn ra, phố xá đã lên đèn cả rồi, nhà ai đó chuẩn bị mâm cơm chiều, đèn đường lập lòe khắp nơi. Một bàn tay bé xíu, nắm tay anh giật nhè nhẹ – “Bố ơi, bố đang làm gì đấy”. Anh ngồi xuống bế con lên rồi hôn lấy hôn để vào mặt: “Bố nhìn đường xá, nhà cửa bên ngoài con ạ”. Con anh bắt chước nhìn theo, thỏ thẻ nói: “Bố ơi! Con nhớ ông bà nội!”. Anh nhìn con lộ vẻ thông cảm: “Ừ, bố cũng nhớ ông bà con ạ, nhưng mẹ cả năm không thấy ông bà ngoại nên dịp tết bố con mình về với mẹ thăm ông bà ngoại luôn thể. Ưu tiên cho mẹ con nhé”. Thằng bé gật gật cái đầu ra chiều hiểu ý. Anh bế con vào, thấy chị đã ngủ từ bao giờ. Anh thương chị quá, cả năm mới được về thăm quê một lần. Chắc hẳn chị nhớ mẹ, nhớ bố lắm chứ chẳng chơi. Anh nhẹ nhàng bế thằng bé nằm sát bên chị, vỗ vỗ nhè nhẹ vào lưng ậm ừ ru con ngủ.

Trên đỉnh đèo nhìn xuống, làng chài ven biển nhỏ nhắn, xinh đẹp cứ như trong mơ. Con người đằng xa tít tắp nhỏ xíu, xa hơn nữa vài con thuyền thúng bé tẹo, xoay xoay, lắc lắc, từ từ tiến vào bờ. Anh bế con tay chỉ về phía trước, tàu lớn kìa. Con anh thích thú hỏi: “Tàu là gì vậy bố?”. Anh xoa đầu con không giải thích, anh bẹo vào cái má bụ bẫm, hôn yêu con vài cái. Hai bố con tiếp tục nhìn ra xa đến khi biển khuất sau rặng cây, ngọn núi. Giờ này chắc mọi người chuẩn bị đưa thuyền vào bến cả rồi. Họ chuẩn bị đoàn viên với gia đình, vợ con sau cả năm quần quật ngoài biển. Gia đình anh cũng cần được nghỉ ngơi sau cả năm kiếm tiền mệt mỏi. Vợ anh chui ra khỏi cái ngách bé tẹo giọng ngái ngủ hỏi: “Hai bố con ăn mì gói không?”. Hai bố con anh mắt sáng rỡ gật gật cái đầu trông thật ngộ nghĩnh. Cả nhà họ chịu cực vài hôm, chỉ ăn mì gói, uống nước cầm hơi. Chờ về đến nhà sẽ ăn lại sức.

Anh mấy hôm nay không ngủ được vì không có chỗ, anh phải ra ngoài đứng cho mẹ con chị có chỗ rộng hơn. Có lần đoàn tàu bị xóc, giật rầm rầm, làm anh té đập mặt vào ngực của người đàn bà buôn chuyến. Bà ta tát cho anh một cái trời giáng rồi bảo anh vô duyên, lợi dụng. Anh không biết nói sao chỉ cúi đầu xin lỗi, cảm giác của hàng chục năm trước của anh quay về, anh thấy mình khép nép như cậu học trò bị cô giáo phạt. Quay đầu ra chỗ khác, anh tủm tỉm cười một mình, “Sao ngực con mụ ấy có cái gì bên trong mà cứng thế?”.

Giao-thua-04
Ảnh minh họa

Đoàn tàu tiếp tục chạy, dập dình, đều đều, lắc lư cứ như trên sông nước… rồi chậm dần, từ từ vào ga. Một hai người bán hàng chạy đuổi theo, có đứa đu bám rồi leo qua cửa sổ tàu như làm xiếc, miệng la lớn: “Ai mua xôi, xôi đi, xôi gà anh ơi, chú ơi xôi gà nè”. Anh mua hai gói xôi, một cho vợ, một cho con. Hai mẹ con ngồi dậy cầm gói xôi ăn ngấu nghiến, mấy ngày nay ăn uống qua loa, hai mẹ con mệt lử, hốc hác như thiếu đói. Chị hỏi anh ăn chưa, anh nói dối ăn rồi cho chị yên tâm. Anh cố gắng tiết kiệm vài ba đồng bạc để lì xì cho mấy đứa cháu ở quê. Anh nhớ tụi nhỏ ở quê với cái cười thân thiện và thường chạy ra vui mừng, hò hét mỗi khi anh chị về quê. Anh nhớ mẹ vợ với dáng người đậm đậm. Bà chân chất, yêu con rể, yêu cháu ngoại. Bà là hiện thân của người mẹ quê miền Bắc với cái chân chỉ, thật thà và đôi khi cũng hơi dữ tợn, chua ngoa khi dạy cháu, dạy con. Ôi còn bố vợ anh nữa chứ, ông quý anh lắm, cứ mỗi khi anh về, bố con lại có cơ hội uống rượu, nói chuyện cùng nhau. Ông dạy anh lý lẽ, cách sống ở đời.

Nghĩ miên man mãi cuối cùng đoàn tàu cũng đến được ga Hà Nội. Sân ga nơi đây nhộn nhịp những xe ôm, tắc xi, chào đón, giành những hành khách cuối cùng của chuyến tàu chót trong năm. Họ kéo anh chị đến phát sợ, anh chỉ sợ bọn họ giật mất thằng con nhỏ. Gia đình anh chị còn phải đón chuyến nữa về Hải Phòng, anh kiếm một chỗ đứng gần quầy vé để mua cho tiện. Trời Hà Nội dịp tết lạnh căm căm, anh từ miền Nam ra, không quen với cái rét nơi này. Gió lùa lạnh quá, đôi khi tốc cả vạt áo, thốc những cơn gió lạnh vào cơ thể. Anh vội bỏ áo vào quần cố giữ lại chút hơi ấm còn lại của miền Nam mai vàng rực rỡ. Môi anh tím tái cả đi, anh bế con, gắng truyền hơi ấm vào cho nó, tay còn lại anh vòng qua eo chị. Cả gia đình anh gắng chống chọi với cái lạnh phương Bắc. Anh chị mang theo đồ lạnh nhưng để trong va li cả rồi, mở ra chỉ sợ mấy thằng nghiện hút giật mất thì công toi cả năm làm việc vất vả. Gió lại thổi, trời hình như lại hạ xuống thêm vài độ nửa. Mấy chị bán nước, bánh vòng quây quần với nhau xung quanh đống lửa được đốt trong cái thùng phuy cũ, hưởng hơi ấm tỏa ra hừng hực xung quanh. Thỉnh thoảng mấy chị lại cười ré lên khi có mấy anh xe ôm len vào xin chút hơi ấm.

Tiếng loa ầm ầm, khọt khẹt chuẩn bị phát ra thông tin nào đó giúp mọi người mong chờ chuyến tàu cảm thấy hưng phấn lên chăng? Giọng khàn khàn the thé làm không ai phân biệt nổi đó là giọng đàn ông hay đàn bà: “Đoàn tàu …. đang vào ga …. quý khách …. đi Hải Phòng chuẩn bị…….” Chất giọng khàn khàn nghẹt nghẹt như có ma thuật, làm đám người vật vờ, mệt mỏi vì chờ đợi như bừng tỉnh. Họ chen lấn, xô đẩy cố len lên trước giành chỗ sạch sẽ ấm áp cho mình. Anh chị chẳng thể chen lấn mạnh mẽ như họ vì còn phải mang hành lý, con trai nhỏ và cả một trái mít lớn nữa chứ. Cuối cùng anh chị cũng lên được chuyến tàu về Hải Phòng. Tàu nhiều toa dư quá, mọi người sao phải chen lấn chi cho khổ thế. Ấy cái văn hóa Việt kể từ hồi bao cấp, nó ăn sâu vào cái nghĩ, cách làm mất rồi. Ai ai cũng cố chen lấn giành nhau vì một chút lợi ích dù lợi ích đó đôi khi chẳng là cái gì. Họ chen lấn để nhận lấy cái vô dụng, mang về nhà cũng vất đi nhưng vẫn phải chen lấn cho nó sướng!!! Trên chuyến tàu này có vài thằng tây, con đầm xì xồ dăm ba câu, nhìn ra đám đông xô đẩy giành nhau lên tàu của một đoàn tàu khác, chúng nó cười hô hố, sằng sặc, chụp hình lia lịa làm kỷ niệm vui cho chuyến đi du lịch văn hóa của đất nước có hơn ngàn năm văn hiến(!?).

Trên tàu, gió từng cơn lùa vào toa, ai nấy co dúm dó người vì lạnh. Lâu lâu vài hạt mưa phùn bay vội qua cửa sổ, đập vào mặt vào cổ gây ra cái buốt đến phát sợ. Nhìn ra anh thấy cảnh làng quê vùn vụt qua cửa sổ, ánh đèn đường tạo thành vệt sáng chạy loang loáng trên đường cứ như bóng ma trơi lập lòe, buồn bã, đói khát, không nhà, chờ người ta cúng giao thừa nhào vào chia phần ăn cho thỏa 360 ngày đói khát còn lại trong năm. Tiếng xình xịch, lay động dập dình từ từ chậm dần, vợ chồng anh biết đoàn tàu đã về ga cuối. Đoàn tàu dừng hẳn, mọi người tất tả chen chen, lấn lấn giành nhau ra trước. Anh thở dài, không biết đến khi nào dân mình sẽ tử tế hơn. Văn hóa bao cấp nó thế, ăn sâu vào máu mất rồi.

Nhà chị sát đường tàu, anh chị với đứa con bưng bê khệ nệ hành lý, trái mít, hộp bánh kem to về trước cửa nhà. Nhà vẫn sáng đèn, hai đứa cháu đang bưng mâm cúng giao thừa ra sân, con gà khỏa thân ngậm bông hồng như hứa hẹn dĩa xé phay thơm ngon cho bữa sáng hôm sau. Bố mẹ chị đã mặc áo mới chuẩn bị cúng và đi xông đất đầu năm cho chính nhà mình. Không khí ấm áp quá, ngày cuối năm, ngày không thể thiếu trong văn hóa Việt. Nét đẹp ngày cuối năm vẫn đọng lại đâu đây trong từng nét nhà, từng con phố, khác hẳn với cảnh chen lấn chợ búa ngoài ga. Anh thấy cành đào với nụ và hoa hồng hồng sắc thắm làm ấm lòng người đi xa. Giao thừa là ngày mọi người tụ tập, quây quần bên nhau, kể cho nhau câu chuyện vui buồn trải qua trong năm. Con nít nhỏ chạy qua chạy lại khoe nhau chiếc áo mới, trai gái rộn ràng mặc áo phao, áo da đủ sắc màu. Các cụ mặc áo vest đi đi lại lại vẻ mặt nghiêm trang. Nhìn qua không khí nơi đây ắt hẳn tết đã về đến đầu cổng. Không khí lạnh tràn về, vài người sụt sịt, rụt đầu vào trong cổ áo len dày thích thú. Mùi nhang trầm lan tỏa khắp xóm.

Giao-thua-05
Ảnh minh họa

Gia đình anh vào nhà, hai đứa cháu hớn hở chạy ra mừng như mọi năm, bố mẹ vợ anh mừng lắm. Thằng con trai anh chạy ù vào lòng bà thỏ thẻ: “Bà ơi, cháu nhớ ông bà nội”. Bà ngoại cười nói: “Ừ thì ở đây với bà, tết xong về với ông bà nội, lo gì”. Cả nhà vui vẻ nhìn nhau, cười nói rôm rả. Anh chợt nhớ bố mẹ già của anh, chắc hẳn bây giờ bố mẹ anh đang lui cui bưng mâm cúng ra sân chuẩn bị nhang đèn rồi xì xụp vái lạy thần phật đầu năm mới. Anh thấy có lỗi với bố mẹ. Tiếng chuông chùa vang lên bonggg…. booongg…. lòng anh chùng lại. Anh nhớ bố mẹ vô cùng, anh tự nhủ chắc năm sau anh sẽ ở nhà lo cho bố mẹ. Chị nhìn anh hiểu ý, thì thầm bên tai: “Năm sau vợ chồng mình ở nhà với ông bà nội anh nhé!!!” Anh nhìn vợ lòng hạnh phúc, trời cho anh lấy được người vợ biết điều, chịu thương chịu khó, hai bên nội ngoại chị đều lo đầy đủ. Tiếng pháo tạch… tạch…. đùng…. đùng phát ra từ chiếc máy cát sét nhà ai vang lên báo hiệu năm cũ đã qua, năm mới vừa đến. Nhà nhà vang lên những bài nhạc xuân đón mừng năm mới. Giao thừa! Tết Bắc!

Đinh Thế Khải (TP. HCM)

BEAUTYLIFE PHÁT ĐỘNG CUỘC THI “VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VIỆT NAM” VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2020”

Thời gian: Từ 20/5/2020 – 20/06/2020

Nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2020), Tạp chí Beautylife phát động cuộc thi “Viết về Gia đình Việt Nam 2020” với chủ đề: “Gia đình của tôi”. Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, cuộc thi còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Độc giả dự thi có bài viết được chọn đăng sẽ nhận được nhiều phần quà giá trị từ BTC

Thông tin chi tiết tại: https://bit.ly/2Zp9drW

0 0 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
2 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Mai Nguyen
Mai Nguyen
3 years ago

Tết Bắc….

Nhã Khanh
Nhã Khanh
3 years ago

Bài viết xúc tích và tình cảm quá. Chắc tác giả cũng là một người nặng tình.

2
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx