Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2020 – “Giao thời”

Giao-thoi-03
Con viết tặng bố mẹ nhân dịp bố mẹ còn khỏe và cùng tiếp tục đồng hành với chúng con trên chặng đường dài làm bố mẹ

Phụ nữ ở độ tuổi ba mươi đâu có phải là già, còn xuân thì và mặn mà lắm. Lâu lâu chị cũng có những kẻ nhìn ra, ngó vào, nhưng chị có bao giờ để ý tới điều đó. Chị chỉ như chiếc đồng hồ đều đều gõ nhịp, hàng ngày khoảng năm giờ sáng, phải lóc cóc trên chiếc xe đạp cũ đến xí nghiệp giày da cách nhà hơn ba mươi cây số. Chị làm ở xí nghiệp tuềnh toàng, may may, vá vá để làm thành đôi giày đẹp cho người khác đi vào đôi chân sang trọng và hãnh diện với đời.

Buổi chiều, chị chăm sóc cho đàn con bốn đứa, nheo nhóc và luôn quấy phá. Khuya về chị lại tiếp tục may những chiếc xì líp bé xíu để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Đôi khi chị khóc một mình vì thấy sao cuộc đời cực nhọc quá. Chị thấy tủi thân vì chồng không có kế bên để động viên, chia sẻ những khó khăn trong lúc chị cần đôi vai của người chồng, người cha, người trụ cột trong gia đình.

Những ngày đầu tiên làm việc chị mong chờ sao cho mau hết tháng để được lãnh lương. Kỳ lương đầu tiên trong đời, đồng tiền đầu tiên trong đời làm ra từ sức lao động thật sự của mình. Ngày đó rồi cùng tới, chị hớn hở ký tên và nhận lương. Cầm đồng lương trên tay, chị bật khóc và khóc mãi trên đường đạp xe về nhà. Năm đồng, năm đồng cho cả tháng trời làm việc. Chị bật khóc không phải vì sung sướng, chị bật khóc vì không hiểu với năm đồng ấy trên tay, làm sao chị có thể nuôi nổi đàn con qua hết tháng này. Năm đồng.

Chị hiểu trong thời kỳ này, ai đó có chồng giúp đỡ đó là một điều bình thường, nhưng với chị điều đó dường như quá xa xỉ cho những ước mơ đơn sơ như thế. Đôi khi tôi thấy chị buồn, chị khóc thương cho số phận mình và đàn con dại. Đôi khi tôi thấy chị với điếu thuốc Phong Lan trên môi và thở ra làn khói cay xè toả nên thứ mùi thơm, khen khét đầy quyến rũ, rồi cùng với ly café đen đặc chảy qua cuống họng cho quên giấc ngủ để may đêm.

Tiếng xạch xè của chiếc máy may hiệu Singer cũ rích trong đêm khuya như ngàn lời tự sự của chị gửi gắm trong đêm. Chị gửi đến chồng lời cầu chúc cho anh mau về với vợ con. Chị gửi cho bầy con nhỏ hy vọng ở ngày mai đủ cơm gạo, không bệnh tật để còn tới trường.

Sài Gòn sau giải phóng khổ lắm các bạn ạ. Mọi thứ vật chất có được hầu như phải dùng đến tem, phiếu, tiêu chuẩn và hầm bà lằng đủ thứ thủ tục chứ có phải đơn giản đâu. Ấy vậy mà chị, người phụ nữ một nách bốn con như thế, các bạn thấy chị khổ biết nhường nào.

Có lần tôi thấy chị hối các con mau mau mang cái chai ra hợp tác xã để mua nước mắm. Chị thấy nước mắm có màu đẹp và nếm cũng ngon ngon, vừa miệng. Thằng anh lớn hối hả cầm cái chai bự chảng khoảng hơn ba lít chạy ra mua. Về nhà nó tâng tâng cái mặt kể cho mẹ nghe như thể lập được công trạng lớn.

– Đông lắm, con phải chen lấn suốt, nhỏ con quá, con lấn không lại mấy anh nhà bên, con luồn xuống bên dưới chen lên, không ai để ý thế là con… . Nó cầm cái chai đầy nước mắm với nụ cười và vẻ mặt hớn hở tươi vui.

Cả nhà vui như tết. Nhưng chỉ khoảng hai tuần sau tôi thấy chị lặng lẽ đổ chai nước mắm ấy đã nổi váng, mốc thếch, xanh lè vào lỗ cống, chỉ đơn giản vì: nó được pha bằng nước màu, muối và một ít bột ngọt. Chị buồn vì mất một khoản tiền tuy nhỏ nhưng phải may không biết bao nhiêu chiếc xi líp mới có thể bù vào khoản chi phí chợ búa nhỏ nhoi vừa đánh mất.

Có lần tôi thấy, mấy mẹ con mua cá sô, phân phối đến từng tổ dân phố, mỗi nhà được mua vài ký theo tiêu chuẩn định sẵn. Cầm cái rổ bên trong chứa đám cá con nát nhoét và đã chuẩn bị ươn. Chị vội vã ướp, nêm nếm cho vừa, thế là cả nhà có nồi cá thơm ngon kho cùng với ít xơ mít còn thừa lại hôm qua.

Đứa út hăm hở ăn vào bị chiếc xương cá nhỏ đâm vào lợi, nó khóc rầm trời nhưng cả nhà vui lắm vì lâu lâu lại có thêm chút đạm. Thời đó người ta gọi cá sô là cá Long Hội, đọc ngược lại là Lôi họng, khi ăn ai cũng dễ dàng hóc xương, phải ho ho khạc khạc hoặc dùng tay đưa vào miệng để cố lấy ra đoạn xương dăm trong cổ.

giao-thoi-01
Sài Gòn xưa – Ảnh: NVCC

Tôi còn nhớ ngày ấy, mỗi hộ gia đình hàng tháng được mua vài lạng thịt theo phân phối. Chị luôn phải dặn dò cho người thân may mắn làm ở hợp tác xã, chia cho gia đình chị ít thịt mỡ. Chị đun nó trên chiếc chảo để mỡ heo chảy ra thành một thứ chất lỏng nhầy nhầy, trơn bóng có thể chiên cơm cho con mỗi sáng, tóp mỡ được giữ lại xào rau cho con mỗi bữa cơm chiều. Mỡ, loại thịt mà hôm nay ai thấy đều phải tránh xa vì sợ bịnh mỡ máu, xơ vữa động mạch… Ngày ấy có ai bị loại bịnh này đâu mà phải sợ. Cuộc sinh tồn làm mọi người vượt qua ngàn nỗi sợ. Mỡ máu thì có là gì?

Sống trong cảnh phân phối chờ mua từng cái kim sợi chỉ nhưng có phải lúc nào cũng đầy đủ. Thiếu thốn trăm bề luôn hiện diện trong hầu hết mọi gia đình, nó len lỏi đến từng con hẻm nhỏ. Sáng ra những đứa con lại kể với chị về táo, lê, nước ngọt, thịt bò,…mà chúng sung sướng và hạnh phúc khi nhớ lại giấc mơ xa hoa đã có trong đêm.

Đâu phải lúc nào cũng có hàng để thức khuya may vá mỗi đêm. Hàng hết, chị lại phải xoay qua thứ khác để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Chẳng hiểu chị tìm đâu ra được mối bóc vỏ đậu phộng. Có chút thay đổi, tôi không còn nghe tiếng xạch xè đêm khuya nữa. Tôi thấy mẹ con nhà họ ngồi lăn lưng ra bóc vỏ đậu phộng. Đống đậu phộng cao ngất như trái núi, ấy vậy mà chỉ trong một vài ngày đã được làm sạch trơn.

Đám con nhỏ ban ngày học, trưa về tự chia nhau ra làm việc nhà, việc cửa, rồi tự động ngồi xuống để cùng nhau kiếm tiền phụ mẹ. Thương cho tụi nó hàng ngày phải làm công việc như trong chuyện cổ tích Tấm Cám. Chúng bóc bóc, lựa lựa đến toét cả da ở mười đầu ngón tay.

Kinh tế gia đình mỗi ngày cũng đỡ hơn, chị lại nhận xếp phong bì, bao thư cho bưu điện. Lần này có vui hơn, bớt cực nhọc hơn, gia đình nhỏ ấy làm việc trong nhà với bao tiếng cười ấm áp khi đêm về.

Gia đình chị có thiếu thốn nhưng lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Các con chị ngoan lắm, tụi nó biết phụ mẹ trong công việc. Đứa lớn lau nhà, đứa nhỏ hơn nấu cơm, đứa nhặt rau đứa lấy nước. Nói theo thời đó là: “Mọi đứa trong nhà đều được chị phân công lao động một cách hợp lý”. Chúng nó phụ mẹ từ khi còn nhỏ nên chúng rất yêu mẹ và gia đình.

Nhìn lũ nhỏ cười, đôi khi chị nhớ chồng, người chồng chị bị đi ở tù từ sau ngày giải phóng. Cứ vài tháng chị lại được lên thăm chồng, tiếp tế cho người chồng bất hạnh phải ở trong chốn lao tù. Mỗi lần thăm nuôi chị lại bán cái này cái nọ, khi thì quạt trần, khi vài ba cái chén kiểu để có tiền tiếp tế thêm cho chồng trong bữa ăn chắc hẳn còn thiếu hơn ở ngoài này.

Còn nhớ, mỗi lần đi thăm bố các con chị mừng lắm nhưng chị đâu có tiền để đưa hết cả nhà đi đâu (có muốn đưa hết cả nhà cũng không được vì quy định một lần thăm nuôi chỉ được vào một vài người thôi, không thể quá số người quy định). Mỗi lần chỉ được hai đứa đi thăm bố mà thôi. Đứa nào đi thăm phải về kể lại đầy đủ và chi tiết cuộc hội ngộ ấy ra sao. Nếu kể thiếu sẽ bị phạt lau nhà hay rửa chén để đền bù và cái tội kể chưa đầy đủ ấy. Đám trẻ ấy thật dễ mến. Tụi nó đâu biết tại sao? Nguyên cớ gì mà bố nó phải vào nơi ấy?

Tụi nó cùng mẹ rời nhà trên chuyến xe đò xuất phát từ lúc trời còn tờ mờ, chưa rõ mặt người. Tụi nó biết đây là chuyến xe chở lên gặp bố, tụi nó sẽ được hưởng không khí gia đình ngắn ngủi sau bao ngày chờ đợi. Khi gặp bố tụi nó được bố ôm hôn rồi cạ cạ râu cằm vào mặt, một thứ cảm giác nhồn nhột đến thích thú. Khi gặp bố, tụi nó lại được bố cho quà làm bằng chính tay bố. Quà được làm rất đẹp, lúc thì con bướm, lúc thì con cào cào làm bằng vỏ đạn, bóng loáng. Tụi nó thấy cứ mỗi lần bố mẹ gặp nhau, họ nói gì tụi nó không rõ kết quả là mẹ nó mắt sưng vù vì khóc còn bố nó thì ráng cười nhưng gương mặt thì buồn như mếu.

Hết giờ thăm nuôi tụi nó và mẹ lại lủi thủi ra về với những người đồng cảnh ngộ. Chiếc xe chạy phăng phăng trên đường gió lộng cuốn đầy bụi đỏ sau xe, nhưng những người ngồi trên xe thì nóng lắm. Họ nóng bởi vì chiếc xe chở họ chạy bằng than, cái thùng than hình trụ đặt sau xe cao khoảng hai mét và đường kính như chiếc thùng phuy loại nhỏ. Thùng than ấy phát ra thứ nhiệt kinh khủng. Vô phước cho ai đó ngồi sau xe thì nóng và ngột ngạt vô tả mặt mũi đen nhẻm khi về đến nhà. Lâu lâu, thùng than ấy lại rớt ra vài viên than nhỏ đỏ rực như muốn đốt cháy mọi thứ xung quanh, đốt cháy cả hạnh phúc của trẻ thơ với ước mơ sum vầy không tày gang tay ấy.

giao-thoi-02
Sài Gòn xưa – Ảnh: NVCC

Một năm, hai năm qua đi, chị bây giờ đã quen với cái cực, cái khó thời bao cấp. Chị thấy gần như đã quen với mọi thứ. Chị quen với gạo mốc đầy những con bọ đen bò lúc nhúc trong xô gạo. Khi nấu xong, ăn đưa lên trong miệng nhai cứ sột soạt như như ăn trấu. Chị nói với các con: “Cứ ăn đi cho thêm chất đạm”, chỉ là câu nói đùa nhưng chị vẫn thấy lòng đau như cắt.

Chị đã gần như thích nghi với mọi thứ, chỉ có một điều chị chưa làm được và không thể nào làm được đó là chị nhớ chồng, chị nhớ chồng chị nhiều lắm. Chị nhớ giọng nói, tiếng cười và cả dáng đi quen thuộc ngày nào. Chị mong chờ hằng ngày, từng giờ, từng phút được nghe tiếng nói của anh.

Sau gần ba năm đi tù, anh trở về nhà với gia đình yêu dấu. Anh nghĩ thầm: “Mình vẫn còn may mắn lắm. Những người cùng hội với mình, có người chết, có người khi về lạc lõng, bơ vơ không hơi ấm con cái vì người đầu gối tay ấp đã đi bước nữa, họ không chịu đựng được cực khổ lúc giao thời. Nơi cái tình, cái nghĩa chỉ là làn khói dật dờ, nhè nhẹ bay cao, cao mãi không điểm dừng”.

Anh hớn hở mong chờ giây phút đứng trước cổng nhà. Chỉ vài tiếng nữa thôi anh sẽ được gặp lại vợ con. Anh cất bước nhanh nhẹn trong buổi chiều tà như bức tranh mô tả cảnh đoàn viên ngập tràn nước mắt vì hạnh phúc đột ngột tràn về.

Ngày về, anh phải vất vả rất nhiều để phụ gia đình và thích nghi với cuộc sống mới, từ sửa giày dép thuê đến làm thợ khoá. Dưới ánh nắng Sài Gòn hừng hực, chói chang, ấy vậy mà anh phải ngồi ngoài đường cặm cụi dũa, mài từng chiếc chìa khoá cho ai đó rồi nhận về dăm ba đồng bạc. Những ngày đầu anh thấy hơi buồn tủi và mắc cỡ vì thấy dăm ba người bạn trên đường. Một giáo sư nay phải ra đường làm thợ sửa khoá nhưng nhớ lại anh cũng từng thấy có bác sĩ đạp xích lô, kỹ sư bán rau và nhiều cảnh đau lòng hơn thế nữa. Giới trí thức Sài Gòn bây giờ phải bươn chải là chuyện bình thường. Ngại ngùng rồi vụt mất như cái bóng mờ trong cuộc sinh tồn khốc liệt.

Cuối cùng anh lại được trở về cái nghiệp mà trước đó anh đã chọn: Thầy giáo. Với đồng lương ít ỏi, anh dạy ở trường cũng trang trải được ít chi phí gia đình. Anh mở lớp dạy thêm Tiếng Pháp, Tiếng Anh, Toán,… mọi thứ có thể để tăng thêm thu nhập, thêm chút tiền dành dụm cho con cái sau này.

Ngồi đây, họ nhìn lại một chặng đường dài khốn khó đã qua, Anh chị giờ đây đã là những người gần đất xa trời. Anh chị giờ đây đã hơn tám mươi cái xuân xanh, khổ cực cũng đã qua khi cùng nhau cố gắng và chắc hẳn chẳng có gì có thể làm nên thêm một cuộc chia lìa lần nữa ngoại trừ……tuổi già. Chắc hẳn chỉ có tuổi già và cái chết mới có thể làm được điều đó và nó cũng đang cận kề: Sinh – lão – bệnh – tử đã có ai tránh khỏi?

Tôi thấy cuộc sống đôi khi như một bức tranh, một đoạn phim. Lúc ồn ào sóng dữ, lúc hiền hoà phẳng lặng nhưng cuộc sống có bao giờ làm hài lòng hết mọi người. Vâng, bố mẹ tôi đấy, sau 30/4 bố tôi phải đi tù vì là sĩ quan của chế độ cũ, mẹ tôi phải cực nhọc sớm khuya nuôi, dạy chúng tôi nên người.

Đàn con giờ đã lớn khôn, người còn, người mất, người sống ở phương xa, vài năm họ mới có dịp về lại quê nhà. Họ là ai, họ có là gì đi nữa, nhưng trong lòng họ vẫn thấp thoáng hình bóng của chính mình bên núi đậu phộng đang bóc dở, với mười đầu ngón tại chai sần, sứt sẹo. Tai họ vẫn còn nghe thấy tiếng máy may xạch xè vang vọng, thoang thoảng đâu đây mùi thuốc lá khen khét của mẹ năm xưa và tiếng cười hạnh phúc của trẻ thơ với nụ hôn của bố.

Đinh Thế Khải (TP. HCM)

BEAUTYLIFE PHÁT ĐỘNG CUỘC THI “VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VIỆT NAM” VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2020”

Thời gian: Từ 20/5/2020 – 20/06/2020

Nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2020), Tạp chí Beautylife phát động cuộc thi “Viết về Gia đình Việt Nam 2020” với chủ đề: “Gia đình của tôi”. Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, cuộc thi còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Độc giả dự thi có bài viết được chọn đăng sẽ nhận được nhiều phần quà giá trị từ BTC

Thông tin chi tiết tại: https://bit.ly/2Zp9drW

0 0 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx