Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2020 – “Dĩa xôi ngon nhất thế gian”

Gần 15 năm đã trôi qua, nhưng cứ khoảng 2h sáng là nó giật mình thức giấc. Và cứ trăn trở nhớ đến bà với bao kỷ niệm ùa về.

Ngày ấy nó là một đứa trẻ 10 tuổi hồn nhiên vô tư. Lúc nào cũng nũng nịu bên bà.

Khi đó bà vẫn còn khỏe lắm. Và thói quen của nó là tối tối lại lót tót lên nhà bà, nghe bà kể chuyện đời xưa rồi ôm bà ngủ. Và cứ khoảng 2 giờ sáng là bà nhẹ nhàng gỡ tay nó ra. Rón rén rời khỏi giường như sợ làm nó thức giấc. Những hôm đầu nó cứ vô tư ngủ thật say. Nhưng rồi những hôm sau đó, nó cũng vờ như ngủ say. Sau đó len lén ra xem bà đang làm gì.

Dia-xoi-ngon-nhat-the-gian-01
Tôi và Nội

Mắt nó mở to trợn tròn khi chứng kiến việc bà nặng nề khuân từng nồi nước to lên bếp và thở dài từng hơi thở nặng nhọc. Nó không hiểu sao bà khỏe đến vậy?. Sao bà không kêu ai dậy phụ bà nhỉ?. Rồi bà nhóm bếp, cầm ống khói thổi phì phò. Khói xộc vào mắt bà cay chảy nước hay bà đang khóc thì nó không biết…

Chỉ biết rằng nước mắt của nó thì đã ràn rụa. Trái tim  bé nhỏ rung lên từng hồi thổn thức không thôi khi thấy bà cực nhọc như vậy. Muỗi thì cứ vo ve xung quanh. Bà nó vừa nấu xôi, nấu đậu, miệng thì ngáp ngắn ngáp dài, vừa giơ tay xua muỗi. Lọ nghẹ bám đầy trên mặt bà. Nó thấy thương Bà quá!.

Nó không dằn lòng nổi nữa, quẹt nước mắt, vội vàng chạy ra và kêu lên 2 tiếng nghẹn ngào “ NỘI ƠI!”. Bà nó đang loay hoay xới xôi giật mình quay lại…

– Ủa! Giờ này không ngủ! Thức làm gì con! Đi ngủ mau. Mai còn đi học.

Nó chạy lại ôm bà, vùi đầu vào thân thể đẫm mồ hôi giữa trời khuya mà nó lại cảm thấy vô cùng vĩ đại (1 gánh xôi nuôi cả đàn con cháu) rồi thỏ thẻ: “Con thức làm tiếp nội”.

Bà mắng yêu: “Cha mày ! Đi ngủ đi…làm gì nổi mà làm…. 

Nó cứ năn nỉ mãi, bà nó mới chịu cho nó thức cùng. Nó không tiếp được gì mà cứ rớ vô cái gì là hư cái đó, lăng xăng mãi cuối cùng nó nảy ra sáng kiến và nũng nịu: Nội ơi! Con không làm nữa. Con ngồi đây quạt cho Nội mát cho đỡ mệt nha.! Con đợi muỗi tới con đập nó. Không cho nó cắn Nội nhé!”. Đúng là lời nói con nít. Được chừng một lúc thôi là nó gục đầu vì buồn ngủ. Miệng thì lẩm ba lẩm bẩm câu: “Lụm được trái xoài cóc Lụm được trái xoài cóc…

Dia-xoi-ngon-nhat-the-gian-02

Bởi vì ở quê nó cứ tới mùa xoài chín là bọn nó rủ nhau đi lụm xoài rụng trước khi trời sáng và nó chỉ mê mỗi trái xoài nhỏ tí mà chín vàng (ở quê gọi là trái xoài cóc). Nó đang hí hửng vì lụm được trái xoài cóc trong mơ thì giật thót dậy khi nghe tiếng hỏi: “Ủa! Con Hoàng sao không ngủ trong mùng mà ra đây ngồi ngủ gục vậy má!”.

Ah, thì ra là cô Út! Nó nhìn lên chiếc đồng hồ dây thiều cổ xưa của Ông Nội để lại thì thấy 3h30 sáng rồi. Cô út nó nói với Nội gì đó xong thì bắt đầu nạo dừa không để ý tới nó nữa vì miệng Cô  út cũng bận ngáp. Chút sau thì nó lại thấy Chú bảy nó xuống bếp…

Rồi Bà nó đem ra một chồng dĩa bằng nhau, bà bắt đầu đơm xôi ra dĩa, xôi vò, xôi đậu. Lần lượt đơm xong ra dĩa rồi chú bảy với cô Út mới lấy xôi từ trong nồi ra 2 cái thau. Xôi vò một thau, xôi đậu một thau, dưới đáy nồi hiện ra lớp xôi cơm cháy giòn rụm.

Cô chú dở lớp cơm cháy của xôi vò và xôi đậu để lên măt 2 thau, xôi đầy ắp nhìn vô cùng hấp dẫn.

Bà nó lấy cái dĩa còn lại đơm lên 4 miếng xôi cháy đậu rồi nói. Dĩa này của con nghe Hoàng. Bây giờ bưng phụ bà lên bàn thờ ông Nội cúng để sáng mai cả nhà ăn sáng. Nó đếm được tổng cộng 9 dĩa xôi. Rồi ngây thơ hỏi:“Nội ơi! Chừa lại nhiều quá bán đủ tiền mua lại cá ăn hông?”. Bà nó trả lời: Không sao con! Miễn bán hết là mua được cả thịt ăn.

Xong xuôi đâu đó là 4h sáng, bà nói cô Út với chú Bảy chuẩn bị lấy bọc trắng đậy lên mặt thau xôi rồi đội ra lộ bán. Nó xin xách giỏ lá chuối đi theo. Nội nói: “ừ ! xách đi”. Nó mừng rơn, nhưng xách hoài không lên, lá chuối gì nặng dữ ta?.

Dia-xoi-ngon-nhat-the-gian-03

Cuối cùng nó cũng lẽo đẽo đi theo ra chỗ Nội bán lăng xăng dọn phụ đồ bán, nó thấy vui ơi là vui không chịu về. Bà dỗ mãi nó mới chịu theo cô chú về. Vậy mà, vừa về tới nhà là nó chui vô mùng lại đánh một giấc tới sáng. Hôm đó nó trễ học vì thức mãi không nổi. Nhưng dù trễ nó vẫn không quên lấy dĩa xôi cơm cháy trút vô bọc đem theo trong cặp để dành ra chơi ăn. và cũng là lần đầu tiên trong đời nó ăn xôi ngon lành, ngấu nghiến như chưa từng được ăn. Mặc dù mấy hôm trước nó đã rất ngán định nói Nội không chừa nó nữa.

Rồi nó lên kế hoạch sáng chỉ ăn xôi để dành tiền ăn vặt trong tuần, trước khi đi học ngang chỗ Nội nó bán là nó kêu người ta bưng lại cho Nội tô hủ tiếu thịt hoặc đổi món mỗi tuần cho Nội – những món mà Nội nó chưa bao giờ dám ăn vì phải để dành tiền nuôi đàn con cháu. Nó vét hết những đồng tiền lẻ rồi đưa hết cho người ta và nói khi nào nó đi khỏi thì mới bưng lại cho bà nó thì bà nó mới ăn, nếu không bà sẽ nhường cho nó ăn. Nó nói với người ta nó chỉ thích ăn xôi bà nấu, để bà nó ăn thịt cá cho có sức khỏe hơn.

Cứ như vậy riết ngày này qua tháng nọ, bỗng dưng nó nổi tiếng khắp khu chợ nhỏ. Ai cũng nhắc về bé Hoàng, nhỏ mà hiếu thảo, và bảo con bé này lớn lên nó sẽ không bao giờ sống vì bản thân. Bà nó tự hào lắm, luôn cười tươi mỗi lúc như vậy. Bản thân nó thì khỏi nói, cứ vui phơi phới vì mua được món ngon cho bà, dù rằng cũng có lúc nó nuốt nước miếng thèm thuồng tô hủ tiếu thịt.

Thương nhất là những lúc bà bán ế cả thau xôi, không có tiền mua gạo hay thịt cá, phải trộn cơm chung với khoai lang hay kho một nồi nước mắm kho quẹt. Cả nhà quẹt tới quẹt lui ăn cho qua bữa hoặc khi nhà không có gì ăn thì đi học về nó lấy nước đá lạnh hoà với chút muối chan ngập cơm múc ăn ngon lành. Đúng là cái khó ló cái khôn….

Rồi mưa gió bà nó bán ế liên tục mấy ngày. Nhìn bà rầu rĩ nó không chịu nổi. Thế là nó kêu bà gói sẵn chừng 20 gói xôi để vô cái xề nhỏ để nó đội vòng xóm bán. Bán một chút hết nó lại chạy về lấy nữa. Vậy là cứ sáng bà nó bán ế thì trưa đi học về hàng xóm lại nghe tiếng nghêu ngao “Xôi ế đê, xôi ế đê”.

Nó bán cũng hay lắm à nghen, bán lúc nào cũng hết, ai cũng thương cũng mua dùm…

Bà nó rất mê cải lương trên vô tuyến đài Vĩnh Long và nó cũng vậy. Thế là cứ ti vi có cải lương là 2 bà cháu lại dắt díu nhau mặc áo mưa rọi đèn pin đi bộ 15 phút để ra quán coi, vì thời đó đâu ai có ti vi. Hai bà cháu kêu một ly nước thì được 2 cái ghế ngồi coi. Nó coi say mê lắm, từng câu vọng cổ, từng điệu bộ của các cô chú nghệ sĩ Minh Vương, Lệ Thủy, Vũ Linh, Tài Linh, Châu Thanh, Phượng Hằng nó đều nhớ mồn một, tuồng nào, tích nào nó cũng thuộc rồi về kể cho bà nghe lại.

Chưa hết, nó còn rủ mấy đứa nhỏ trong xóm về diễn lại tuồng mà nó được xem, phân vai từng đứa nói gì, làm gì. Bản thân nó lúc nào cũng thủ vai chính là Công chúa hoặc làm Vua mới chịu. Rồi nó lôi trong nhà ra tất cả vật dụng như khăn tắm, mền mùng, kể cả cái khay đựng mứt ngày Tết màu xanh lá có nắp đậy như cái vương miện. Nó cũng nhóm bếp lên lấy cây sắt nung cho nóng rồi vùi lỗ 2 bên buộc dây vô làm thành cái Mão đội. Tụi nó diễn tuồng y như thật, cũng phi thân từ trên giường xuống nhà sàn rồi lộn nhào, rồi té, rồi bị đánh đau vì lỡ tay nên cãi nhau chí choé.

Khán giả trung thành nhất của tụi nó lúc nào cũng là Bà Nội nó. Bà hiền từ giảng hoà cho tụi nó những lúc tụi nó định ai về nhà nấy, không diễn nữa, vì cãi bất phân thắng bại. Không hiểu sao trong lòng nó Bà luôn hiền từ, dù có đôi lúc nó thấy bà lớn tiếng với người lớn trong nhà, ai cũng sợ sệt không dám tới gần bà nhiều. Riêng nó, nó thương bà hơn cả bản thân nó, nó luôn cố gắng học thật giỏi, cố gắng làm bà vui.

Nó mong muốn lớn lên nó phải có thật nhiều tiền. Nó không cho Bà làm việc cực nhọc nữa, nó sẽ đưa bà đi khắp nơi, ăn ngon mặc đẹp, đưa Bà tới sân khấu hoành tráng để nhìn mấy cô chú nghệ sĩ thật ngoài đời. Thế mà, khi nó chưa làm được gì như mong muốn thì mắt bà cũng không nhìn thấy rõ, lúc nào cũng chèm nhem. Khi ấy đại gia đình nói có bác sĩ bên nước ngoài về mổ mắt miễn phí mà họ lại rất giỏi. Ai cũng nói: Con khuyên Nội đi mổ Mắt nhé Hoàng. Cơ hội chỉ có một Vì mình không có tiền để mổ cho Nội nếu như bỏ qua lần này”.

Dia-xoi-ngon-Dia-xoi-ngon-nhat-the-gian-04nhat-the-gian-04
Tôi và Nội

Suy nghĩ biết bao nhiêu đêm, cuối cùng khi nó đồng ý nói với Nội thì Nội nó cũng chịu đi mổ nhưng bà rất sợ khi nằm lên giường mổ nên huyết áp cứ tăng cao đến lần thứ 3 mới tiến hành mổ được. Nó túc trực bên ngoài, lúc Bác sĩ báo ca mổ thành công, nó đã khóc oà vì vui sướng…

Nhưng khi bà tỉnh lại thì đất dưới chân nó dường như sụp đổ, bà nó chỉ nhớ loáng thoáng mỗi nó, còn lại hầu như quên hết mọi người. Nó quáng lên chạy đi tìm bác sĩ thì được giải thích do mổ mắt ảnh hưởng đến dây thần kinh nên tạm thời trí nhớ bà không rõ ràng, khoảng một tuần sẽ hết, đừng lo. Hy vọng lại trở về trong nó, và họ cho bà nó xuất viện. Một tuần trôi qua, tình trạng của bà nó ngày càng tệ hơn. Mắt thì sáng rõ nhưng trí nhớ thì hầu như chỉ nhớ tới thời còn con gái ở nơi khác. Còn ký ức về nó thì bà lúc nhớ lúc quên. Nó dằn vặt tự trách bản thân từng giờ từng khắc.

Nó như suy sụp hẳn khi bà cứ lén trốn nhà để về nhà mẹ đẻ, rồi mọi người lại chia nhau ra tìm bà, canh chừng bà, hàng xôi của bà nó kể từ đó đóng lại, im bặt. Gia đình nó chạy chữa đủ mọi cách vẫn không làm sao phục hồi lại được trí nhớ cho bà. Rồi sức khỏe bà cũng suy giảm theo trí nhớ, cho tới một ngày mọi sinh hoạt của bà đều không làm chủ được nữa. Bà nó giờ ngồi không vững, đi không được, ăn thì phải xay nhuyễn, ốm o, gầy mòn, chỉ có da bọc xương, cả nó bà cũng quên rồi.

Mỗi lúc về lại chốn xưa, nó không dám ngồi nhìn bà lâu. Chỉ thầm cầu xin, nếu cho nó một điều ước, nếu có thể xin cho nó đổi lấy 10 năm tuổi thọ. Để bà nó được khỏe lại minh mẫn cười tươi với nó và nó sẽ được ăn lại dĩa xôi cơm cháy bà đơm. Dĩa xôi mà đối với nó đó là “Dĩa xôi ngon nhất thế gian”.

Trần Kim Liên (TP. HCM)

BEAUTYLIFE PHÁT ĐỘNG CUỘC THI “VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VIỆT NAM” VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2020”

Thời gian: Từ 20/5/2020 – 20/06/2020

Nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2020), Tạp chí Beautylife phát động cuộc thi “Viết về Gia đình Việt Nam 2020” với chủ đề: “Gia đình của tôi”. Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, cuộc thi còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Độc giả dự thi có bài viết được chọn đăng sẽ nhận được nhiều phần quà giá trị từ BTC

Thông tin chi tiết tại: https://bit.ly/2Zp9drW

0 0 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx