Chồng ơi! Tôi thường gọi như vậy với chồng mỗi ngày, không phải những khi có việc cần nhờ giúp đỡ, mà đó là cách tôi thể hiện sự yêu thương và tôn trọng với anh ấy.
Sóng gió
Chúng tôi kết hôn khá muộn, tôi 30 tuổi còn anh 37. Không phải thuộc tuýp con gái “kẹo ngọt”, tôi có phần ngại ngùng, mắc cỡ khi thể hiện tình cảm dù là chỉ có hai vợ chồng với nhau.
Trải qua giai đoạn thử thách đầu tiên của cuộc hôn nhân, trong 3 năm đầu sau cưới, chúng tôi đi từ cảm xúc hạnh phúc mật ngọt, đến hụt hẫng, thất vọng và chán ngán nhau. Có lúc, chúng tôi đã không còn một chút tôn trọng nào với đối phương, không gọi tên nhau, nếu có thì là Anh/ Cô – Tôi. Đỉnh điểm, chúng tôi có 5 tuần liền không nói chuyện với nhau, không ăn cơm cùng nhau. Giai đoạn ấy, tôi đã từng 2 lần viết đơn li hôn, chỉ muốn bước ra khỏi cuộc hôn nhân càng nhanh càng tốt. Trong lúc buồn bã, tôi thường gọi điện cho Mẹ, bà luôn nhắc tôi: con à, vợ chồng là phải “tôn kính như tân”.
Việc đầu tiên trong nhiều biện pháp cứu vãn cuộc hôn nhân của mình, tôi quyết định thay đổi không gian sống, xóa bỏ những kỷ niệm xấu xí tại căn phòng trọ 15m2 để xây dựng tổ ấm thực sự.
Bước ngoặt
Từ sau khi mua nhà, chúng tôi có những sự quan tâm mới và có lẽ nhờ thế, chúng tôi đã hàn gắn được với nhau. Tôi nhận thấy rõ ràng rằng, chồng tôi không cần một người vợ quá đỗi thông minh, giỏi giang việc bếp núc nhưng nhất định cần một người vợ hiền dịu, tinh tế và biết cách cho người chồng cơ hội thể hiện. Ở công ty, tôi có thể là người phụ nữ đầy quyền lực, nhưng về đến nhà, hãy như một “cô mèo nũng nịu”: “chồng ơi, lau nhà giúp em, em đã quét rồi ạ”; “chồng ơi, chồng tưới cây nhé!”; “chồng ơi, lấy thùng mì trên kệ xuống cho em với”…. Những việc nhỏ xíu thôi, bản thân mình làm được đấy, nhưng tôi đã không ôm hết vào người. Bằng cách đó, chúng tôi vừa làm cùng nhau, vừa nói chuyện một ngày thế nào. Chồng tôi vốn tính sạch sẽ, ngăn nắp nên anh rất thích những việc dọn dẹp và sắp xếp nhà cửa; anh đã làm rất vui vẻ và tốt hơn tôi mong đợi.

Chồng ơi, em cảm ơn nha!
Tôi bắt đầu việc giao tiếp với chồng tôi bằng câu “chồng ơi”. Và tôi rất bất ngờ với hiệu quả của hai chữ ngắn gọn này, thậm chí, những lúc tôi mè nheo, lười biếng lấy nước uống, lấy trái cây ăn hay mở cửa khi đi làm về, tôi đều dùng tuyệt chiêu này để nhờ chồng tôi giúp đỡ. Tôi dùng cách nói “giúp em”, “giúp vợ”, “dùm em với” thay cho những từ ngữ mang tính chất mệnh lệnh hoặc nói trống không. Và sau khi nhờ việc gì, tôi đều thể hiện sự cảm ơn bằng cách nói “cảm ơn chồng nha” hoặc hôn lên má chồng một cái.
Tôi cũng không ngại ngùng đề nghị được hôn chồng hoặc chồng hôn, điều mà trước đây thật là “mắc cỡ chết”. Tôi giở trò năn nỉ: cho dzợ hun một cái được hông?, chỉ một cái thôi mà!. Ngược lại, chồng tôi cũng thế, đùa giỡn, trêu chọc vợ và mạnh dạn thể hiện tình cảm với vợ.

Vừa rồi, tôi có dự định khởi nghiệp bằng việc mở một nhà trẻ ở quê. Vì cảm xúc với công việc quá lớn, tôi xin phép chồng để về Nha Trang một thời gian. Ngày lên tàu về quê, tôi ôm chồng khóc sướt mướt vì quá nhớ – cảm xúc mà đã từ rất lâu rồi không trào dâng trong tôi như thuở còn mới yêu. Mấy ngày sau đó, cùng một số lí do khác, tôi quyết định ngừng dự án của mình. Tôi gọi điện cho chồng, khóc và báo về quyết định này, anh ấy an ủi và nói một ý khiến tôi rất cảm động: chồng không trách vợ đâu, những khoản tiền đã chi, coi như là mình đi học một khóa học, đừng áy náy; nhưng cứ bình tâm suy nghĩ lại lần nữa, có thể làm được thì tiếp tục.
Nhưng tôi đã quyết định dừng ở đó, vì tôi biết, nếu tiếp tục dự án này, điều tôi mất còn nhiều hơn thế. Tôi đã ích kỷ khi nghĩ đến đam mê của bản thân mà quên đi cảm xúc của anh ấy. Không thể để người bạn đời của mình cô đơn mỗi ngày, tôi nhanh chóng trở lại Sài Gòn.

Người ta nói, 3 năm đầu của cuộc hôn nhân là giai đoạn dễ tan vỡ nhất. Vì khi đó, hai người trong cuộc vỡ mộng về nhau. Thật may mắn khi chúng tôi đã thay đổi kịp thời. Về phần mình, tôi rút ra được kinh nghiệm về cách mà một người phụ nữ cần và nên làm để xây dựng tổ ấm. Thế nên mới có câu: Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Và, sự thay đổi dễ dàng và nhanh mang lại hiệu quả nhất là: hãy thường xuyên nói lời yêu thương với người bạn đời của mình và đừng ngại ngùng thể hiện tình cảm với nhau.
Chúc cho các cặp đôi đang trong những năm đầu hôn nhân và những ai chưa biết cách yêu sẽ có được ngôn ngữ tình yêu của riêng mình. Còn với tôi, “chồng ơi” vẫn là tiếng gọi kì diệu nhất cho cuộc hôn nhân của mình.
Hồng Tuyền (Nha Trang)
BEAUTYLIFE PHÁT ĐỘNG CUỘC THI “VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VIỆT NAM” VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2020”
Thời gian: Từ 20/5/2020 – 20/06/2020
Nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2020), Tạp chí Beautylife phát động cuộc thi “Viết về Gia đình Việt Nam 2020” với chủ đề: “Gia đình của tôi”. Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, cuộc thi còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Độc giả dự thi có bài viết được chọn đăng sẽ nhận được nhiều phần quà giá trị từ BTC
Thông tin chi tiết tại: https://bit.ly/2Zp9drW
Tương kính như tân, đúng là như vậy
tình cảm quá