Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Còn vương khói thuốc lào của cha!

Mấy năm rời quê lập nghiệp nơi phố thị, mỗi lần nghe thấy tiếng rít thuốc lào đầu xóm trọ là tôi lại nhớ cha da diết, tôi hậm hực vì chưa thể về ngay bên cha. Hơi thuốc lào ngai ngái mà lại xóa tan sương sớm, giá rét để cha mưu sinh trên bước đường cơm áo.

Cha tôi hút thuốc lào từ khi còn thanh niên. Vào mùa đông, cây điếu cày lại càng cần thiết, vì có thể làm ấm người hơn. Khói thuốc lào chẳng phải thứ tốt, cay xè và đắng ngắt nhưng nó lại trở thành vật bất ly thân với cha, đã có nhiều lần tôi khuyên cha bỏ nhưng cha chỉ cười nói “cha không bỏ được, con đừng có mà học cha hút”.

Làng tôi bao đời cấy lúa, vất vả mà chẳng đủ ăn. Cha mẹ tích góp mãi mới mua được chiếc xe máy cũ. Rồi cha đi buôn hàng gốm, sứ rất cồng kềnh, nặng và dễ vỡ. Khi trời chuyển lạnh là lúc cha tôi bán được nhiều hàng, nên cha dậy từ rất sớm để đi các chợ xa. Xe hàng của cha lúc nào cũng đầy ụ, nặng đến đôi ba tạ, cha vẫn khéo léo lách qua con ngõ sâu và cua tới năm bảy lượt. Thứ cha không quên mang bất cứ buổi chợ nào vẫn luôn là cây điếu cày, gói thuốc lào và bật lửa.

khoi-thuoc-lao-cua-cha-01
Cha mẹ tôi trên xe hàng gốm sứ cồng kềnh trong một buổi chợ tết

Sáng sớm còn dày sương, cha khẽ gọi tôi dậy nhấc giùm cha chiếc sọt nặng lên xe. Trong cơn ngái ngủ, giá rét, mùi thuốc lào từ miệng cha phả vào mặt khiến tôi khó chịu. Vội dậy khiêng hàng cho cha lên xe rồi tót vào đắp chăn ngủ tiếp, cha rít liền mấy điếu thuốc lào cành cạch, hơi thuốc cùng sương sớm lách qua khe cửa nhỏ làm tôi khó ngủ. Tôi lẩm nhẩm trong đầu “cha hút nhiều vậy, định không cho ai ngủ hay sao?”. Những suy nghĩ ích kỷ mà cơn thèm ngủ của tôi nghĩ ra để trách cha. Trong khi tôi ngủ ngon lành trong chăn mền, thì cha lại căng mình trong sương sớm đi kiếm từng hạt gạo về nuôi anh em chúng tôi.Thời tiết càng ngày càng khắc nghiệt, cái lạnh ở miền Bắc càng thêm tê tái, thấu xương. Nhiều người than vãn, cha vẫn đều đặn dậy từ ba giờ sáng và khởi hành chuyến xe nặng trịch trong gió rét, mưa phùn.

Hồi năm trước, anh trai tôi đến tuổi lập gia đình, cha phân vân giữa việc mua một chiếc ô-tô nhỏ thồ hàng, hay xây nhà thay thế căn nhà cấp bốn dột vách để anh trai lấy vợ. Đó cũng là năm tôi chuẩn bị vào đại học. Nếu có một chiếc ô-tô năm tạ, cha sẽ không phải gồng tay lái chở xe hàng cồng kềnh gốm sứ, không phải chịu cái giá rét cắt da xé thịt và cha sẽ an toàn trên cung đường cơm áo hơn. Nhưng nếu cha làm vậy, anh trai sẽ khó lấy vợ, rồi thằng út vào đại học… Rồi cha thà chịu đựng thêm để cho các con được tốt hơn, chứ nhất định không nhận an nhàn về mình. Cha thường bảo, cha quen với việc dậy sớm, cha chẳng ngại rét mướt, chỉ có điều phải có cây điếu cày thì cha mới vượt qua được, cha xin lỗi các con vì thường làm các con tỉnh ngủ khi gà trống còn chưa kịp gáy.

Tiếng rít thuốc lào buổi sớm của cha khác nhiều so với ban ngày. Cha thường rít khẽ, cố thở khói đi sang khe vườn bên cạnh, nhưng đã thành quen, sáng nào khi cha rít tôi đều nghe thấy cả tiếng lẫn ngửi thấy cả mùi. Hàm răng cha nâu suộm do hút thuốc lào thâm niên, đôi khi văng vẳng thêm tiếng ho khẽ là tôi biết cha đang cố chạy ra đầu cổng để ho, cha không muốn con cái phải lo nghĩ cho cha hoặc đơn giản là không muốn làm mất giấc ngủ đang tuổi ăn, tuổi lớn của chúng tôi.

Cha là dân đi chợ, nên chẳng có thời gian “sắm tết”. Tháng Chạp đến, mỗi ngày cha mua về một món để đến ngày ba mươi là đủ. Khi trong nhà bắt đầu hòm hòm không khí mùa xuân, cha tranh thủ thời gian gói bánh chưng buổi tối và giao trọng trách cho anh em chúng tôi trông nồi. Cha bảo, quê mình chiêm trũng, tự hào trồng ra hạt thóc, nuôi được con lợn, trồng được lá dong, rơm sẵn, củi sẵn, nhìn vào mỗi chiếc bánh các con sẽ thấy bàn tay của người nông dân quê mình.

Ngày ba mươi, trong khi hầu hết mọi nhà đều đã rung rỉnh đi sắm tết, ngắm quất chọn đào, buông xả công việc thì cha vẫn bận bịu, sớm hôm. Nếu như hàng không bán hết, trên đôi mắt cha lại buồn rười rượi, đôi bàn tay hanh khô nứt toác ấy lại khẽ vuốt mái tóc đã ngả màu mây, suy nghĩ, bần thần. Chập tối giao thừa, gia đình đã quen với bữa cơm tất niên vội vã ngoài chợ, với hình ảnh cha nằm ngả lưng trên đống tải, đống túi. Tiếng pháo giao thừa vồn vã qua mau, cha lại trở về với công việc thường nhật.

Giờ, anh em chúng tôi đã khôn lớn, thì sức khỏe của cha đã giảm xuống. Lá phổi của cha đã chai sạn với cái lạnh thấu gan và khói thuốc lào. Tôi luôn mong được hít hơi thở ngai ngái đó từ cha, để biết rằng cha vẫn đang khỏe mạnh, đang trò chuyện và ngắm nhìn chúng tôi.

Năm nào cha cũng bảo năm sau sẽ bỏ nghề, về trồng rau nuôi gà, rồi cứ năm này qua năm khác, rau chưa lớn gà chưa nuôi. Cha đã quen với chợ quê và những chuyến hàng gốm cồng kềnh, quen tám chuyện thuốc lào với bạn bè ở chợ. Cha ơi! Nếu thuốc lào không làm hại đến sức khỏe của cha, thì con xin được cảm ơn thứ khói ấy đã làm ấm cha mỗi sớm mai, đã cho con biết núi Thái Sơn cao ngất trượng nào….

Nguyễn Văn Công (Hà Nội)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

4.5 4 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Huỳnh Long
Huỳnh Long
2 years ago

Phà hơi khói như rồng bay phượng múa.

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx