Bài dự thi: GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021 – Chuyến đi trải nghiệm đầu tiên cùng bố

Tối đến, ăn cơm xong, mình ngồi nghe bố và mấy chú nói chuyện công việc, mình mới biết công nhân mỏ khổ lắm. Mặt mũi đen xì, hở mỗi hai con mắt khi tan ca. Rồi có khi hầm hiếu oxy hay bị sập nguy hiểm đến cả tính mạng. Nhưng tất cả vì miếng cơm manh áo…

Lúc mình khoảng bảy, tám tuổi, trong một lần bố được về nghỉ phép, còn mình lúc đó đang nghỉ hè, bố đón mình lên chỗ bố chơi. Hồi ấy, bố làm tại mỏ Vàng Danh, Quảng Ninh. Công việc của bố là kĩ sư mỏ, công việc hàng ngày là tính toán, đo đạc làm những đường hầm xuyên qua núi để khai thác than. Hình như người ta gọi đấy là trắc địa. Mình cũng không rõ lắm.

chuyen-di-trai-nghiem-01
Bố tôi

Bố kể ngày xưa không có máy tính, phần mềm hiện đại như bây giờ. Tất cả đều đo bằng máy móc thô sơ và thậm chí phải vẽ bằng tay. Nếu không vẽ cẩn thận, sai lại vẽ lại từ đầu, rất là mệt. Nhưng được cái bố làm công việc gì cũng rất tỉ mỉ và cẩn thận, nên rất ít khi bố phải vẽ lại. “Mà cũng tài tình thật, chỉ cần làm theo đúng công thức, theo đúng bản vẽ kĩ thuật, thì hai đội, đội bên này và bên kia quả núi không nhìn thấy nhau, đào ngược chiều mà cuối cùng thế quái nào lại gặp nhau”. Vừa kể bố vừa vỗ đùi cười khoái chí.

Bố bảo, thời trước công nguyên con người ta đã giỏi tính toán như vậy, bây giờ mình chỉ thừa hưởng, chỉ học lại thôi cũng thấy chật vật. Phải công nhận họ là những thiên tài. Mình cứ há hốc mồm ra nghe, nhưng mà cũng biết phản biện bằng một câu rất chi ngô nghê mà có lí ra phết: “Thì người ta là nhà bác học, nhà toán học, còn con chỉ là người bình thường nên mới phải học”. Sự phản biện được bố tôi luyện từ nhỏ, bố nói nhờ có phản biện chúng ta sẽ đỡ sai lầm và đỡ rủi ro khi làm việc. Thế nên mình rất nhớ

Bố hồi đó ở nhà tập thể. Những ngôi nhà được Pháp xây dựng trên một quả đồi có vẻ kiên cố và vững chắc, nhưng ấn tượng với tôi lúc bấy giờ là nó được sơn màu vàng đúng theo đặc trưng những công trình thời Pháp thuộc. Muốn lên được khu nhà đó, phải leo lên một con dốc trải (đó là con đường được trải nhựa), sau đó lên các bậc cao, rồi mới đến khu nhà. Xung quanh là những quả đồi trơ trụi, thỉnh thoảng có vài bụi cây phía xa. Lên cao chút, nhìn bên tay trái là cơ quan bố làm việc, xa chút nữa là những đống than, đống to, đống nhỏ (ở đây là nơi khai thác than mà, nên chỗ nào hầu như cũng thấy than, than bùn, than kip… đủ cả).

Ở đấy cái gì mình cũng thấy lạ lẫm. Nhưng có lẽ thích nhất là có điện. Bóng điện tỏa ra ánh sáng vàng rất đẹp. Hôm đó đi ngủ, bố bảo tắt điện nhưng mình nhất định không đồng ý. Vì chưa bao giờ mình thấy điện, chưa bao giờ mình thấy sáng như thế cả. Còn nữa, chiếc quạt con cóc xanh ngọc, có 3 cánh, dáng như con cóc đang ngồi bật nhảy, mát rượi khiến tôi thích thú.

Nằm trước quạt, tôi lại nhớ ở nhà, đêm nào mẹ cũng quạt tay cho mình ngủ. Hôm đó có trăng, nếu như ở quê tôi đã trải chiếu ra hiên nằm hóng mát, ngắm trăng và nghe bà nội kể chuyện ma rồi. Nhưng ánh điện sáng quá nên ánh trăng với tôi chẳng có nghĩa lí gì…

Nhưng có lẽ vi diệu nhất là cách đun nước sôi để pha trà. Bố lấy một cái mũ màu vàng, công nhân hay đội vào mỏ, mũ to và rất dày – dày đến nỗi những cục than nhỏ rơi xuống đầu cũng không ảnh hưởng đến các chú công nhân. Bố đổ đầy nước sau đó lấy dây điện tách làm hai, bố buộc hai đầu dây điện vào con dao tem, thả xuống mũ rồi cắm điện. Sau dăm ba câu chuyện nhỏ, nước đã sôi. Quá tuyệt. Không phải đun củi hay lá toét mắt như ở quê…

Tối đến bố cho đi rạp chiếu phim (Đấy là lần đầu tiên mình vào rạp xem phim). Phim chiếu gì mình chẳng thèm quan tâm, mình chỉ đưa mắt để ý những người xung quanh và ánh đèn điện. Nó có sức hút ma mị như ánh sáng con tàu cuối ngày trong truyện của Thạch Lam vậy. Kết thúc phim, mình được bố cho ra quán uống nước. Mình chọn ăn kem – một que kem mát lạnh, nhiều vị sữa, mềm ngon thật quá ư xa xỉ với mình, nó khác hẳn với loại kem mà mình và các bạn trong xóm hay mót lạc để đổi (hồi ấy gọi là kem đá). Còn bố chọn cafe. Bố nghiện cafe và đến giờ bố vẫn thế. Phải là cafe pha phin chứ bố không thích cafe pha sẵn đâu nhé. Bố bảo cafe có chất gây nghiện, uống quen không uống nó nhạt miệng. Rồi tất nhiên bố không quên châm điếu thuốc lá đầu lọc. Mùi thuốc lá không hôi như các bà hay nói, mình thấy mùi rất thơm, rất đặc biệt. Bố bảo, muốn thơm, thì trước khi hút, bôi một ít cafe quanh điếu thuốc, mùi sẽ max thơm. Ban đầu bố không thích hút thuốc đâu, nhưng công việc đòi hỏi sự tập trung nên bố mới hút và lâu dần nó thành quen. Bố hút nhiều đến nỗi vàng cả ngón tay. Ấy thế mà lúc về hưu, bố lên bế cháu cho anh trai, bố bỏ luôn và không bao giờ hút lại. Chỉ có cafe bố vẫn nghiền như trước. Bố là thế đấy!

chuyen-di-trai-nghiem-02
Bố mẹ tôi

Hôm đó bố đi làm, để mình ở nhà chơi với đám trẻ con trong khu tập thể. Hồi nhỏ mình nhát hơn thỏ đế nên chẳng dám mạnh dạn hỏi tên hay làm quen gì cả. Thấy mình hiền lành dễ mến, nên đám trẻ cũng cho nhập hội. Trong đám bạn đó có bạn nam hay xét nét mình. Không biết là nó quý hay nó ghét nữa. Rồi cả đám rủ nhau lên đồi chơi trốn tìm, chơi đố lá… lúc đó mình mới biết cây sim, cây bụi, lá to bằng 2-3 ngón tay, chúng bạn mang cho mấy quả màu tím ăn ngọt khiến mình nhớ mãi. Sau này lớn lên đọc bài thơ “Màu tím hoa sim” hay nghe chị cùng trường hát là mình lại nổi da gà.

Tối đến, ăn cơm xong, mình ngồi nghe bố và mấy chú nói chuyện công việc, mình mới biết công nhân mỏ khổ lắm. Mặt mũi đen xì, hở mỗi hai con mắt khi tan ca. Rồi có khi hầm hiếu oxy hay bị sập nguy hiểm đến cả tính mạng. Nhưng tất cả vì miếng cơm manh áo…

Bố ngày đó không phải vào hầm, chủ yếu làm việc trên giấy tờ, mà người cân cả quần, cả áo chỉ được có 48kg. Bố gầy kinh khủng, hai chân như cái xe điếu. Vì bố đau dạ dày, lại bị sỏi thận nên không béo được. Hồi bố phẫu thuật sỏi mật, bác sĩ bảo bố giữ lấy viên sỏi để làm kỉ niệm. Viên sỏi có to tát gì, chỉ bằng ngón chân cái thôi. Hiện tại vẫn trong ngăn kéo, bố vẫn giữ nó như một kỉ niệm.

Cái lạ là bố chẳng bao giờ cầm tiền, lương được bao nhiêu bố gửi về cho gia đình, bố chỉ giữ lại một khoản chi tiêu những cái thiết yếu. Bố bảo không có tiền thì chết, nhưng cũng không cần quá nhiều, chỉ cần vừa đủ sống là được. Bởi tiền nó “bạc” lắm… cứ thế, bố nói về hạnh phúc. Bố bảo mỗi người có quan niệm riêng về thành công, về tiền bạc, về hạnh phúc. Nhưng chỉ cần ta thấy vui, thấy thanh thản khi làm việc gì đấy, thì đó là hạnh phúc rồi. Thế nên giờ nghỉ hưu trong túi bố không bao giờ có tiền, đến nỗi cắt tóc hết hai mươi nghìn, bố cũng bảo mẹ đưa cho…

Hè năm trước, mình có việc đi qua Vàng Danh, tự nhiên chợt nhớ về chuyến trải nghiệm đầu tiên cùng bố. Cũng đã hơn 30 năm rồi…

Giờ, nhiều khi trêu bố, ngày xưa bố có bằng cấp thế mà không giàu nhỉ. Bố mà biết cách có khi giờ con cháu được làm ông nọ bà kia rồi ý. Học cùng đại học khóa bố có ông Trần Đức Lương nguyên là Chủ tịch nước, ông Đặng Hùng Võ nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường…Bố cười: “Bố chỉ thích làm những gì mình nghĩ, mình vui thế nên sau bao nhiêu năm bố vẫn là bố”.

Mình trêu thế thôi, chỉ cần bố vẫn là bố, bố về hưu khỏe mạnh, chăm mấy cây cảnh, nuôi mấy con gà..thi thoảng đọc sách, nhâm nhi ly cafe và hứng lên thì chơi một bản đàn là mình đã thấy mãn nguyện rồi.

Vũ Thị Luyên (Hưng Yên)

CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VỚI CHỦ ĐỀ: “GIA ĐÌNH CỦA TÔI 2021” 

Thời gian: Từ 05/05/2021 – 15/06/2021

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Cuộc thi “Gia đình của tôi 2021” còn là dịp để các thành viên trong gia đình bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ, niềm tin, tình cảm và những mối quan tâm không chỉ ở gia đình mà cả ngoài xã hội. Đặc biệt, không chỉ hướng đến những tổ ấm hạnh phúc, cuộc thi còn là cơ hội để độc giả chia sẻ những câu chuyện về “tổ lạnh”, cuộc hôn nhân không may mắn, gia đình không trọn vẹn để từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu nhằm gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Thông tin chi tiết tại: Thể lệ cuộc thi

5 2 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
Phùng Tiến Dũng
Phùng Tiến Dũng
1 year ago

Hay và ý nghĩa cô ak

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx