Bài dự thi Nhật ký 15 ngày sống chậm: Bà ngoại sống chậm cho cả nhà sống khác

Chị Lan đã nghỉ hưu 6 năm rồi, nhưng không lo cho bản thân mình nhiều, mà vẫn giữ thói quen dành thời gian lo việc gia đình, chăm sóc cho chồng còn đi dạy học, hai con gái đi làm. Từ sáng tới chiều, chị ở nhà vừa quán xuyến hết việc đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ, vừa trông hai cậu cháu ngoại – con của cô gái lớn.

Ba-ngoai-song-cham-de-ca-nha-song-khac
Chị Lan đã nghỉ hưu 6 năm rồi, nhưng không lo cho bản thân mình nhiều, mà vẫn giữ thói quen dành thời gian lo việc gia đình

Lúc mới nghỉ hưu, chị nghĩ rất đơn giản: Hồi còn đi dạy (chị cũng là giáo viên), bận rộn với trường lớp, giáo án, thế mà chị đã cố gắng chu toàn chăm sóc gia đình. Được ở nhà rồi, chị sẽ có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, phục hồi sức khỏe yếu kém đã khiến chị phải về hưu trước hai năm.

Chưa kịp phục hồi sức khỏe, con gái lớn của chị sinh con trai đầu lòng. Chị vui lắm, quên hết mệt mỏi, lao vào chăm cháu ngoại ngày đêm. Cháu ngoại đầy tháng, đến thôi nôi, rồi hai tuổi, ba tuổi hầu như chỉ một tay chị. Cô con gái lớn phụ được mẹ “ngủ với con trai của nó, hay ngồi chơi với con trai của nó” là chị vui lắm rồi, mọi việc chị lo tất. Từ khi sinh con đầu lòng đến khi con hơn hai tuổi, cô con gái lớn chưa đi làm gì.

Cháu ngoại đầu mới đi mẫu giáo, con gái lớn đã sanh thêm con trai thứ hai. Chị lại quên hết mệt mỏi, lao vào chăm cháu ngoại đầy tháng, đến thôi nôi, hầu như cũng chỉ một tay chị. Con gái lớn có tiến bộ hơn chút là “ngoài ngủ với hai con, ngồi chơi thì còn đút cho con ăn”. Lý lẽ chị đưa ra để bao biện cho con khi mấy em gái của chị không hài lòng vì cô con gái lớn vẫn thản nhiên để chị làm hết mọi việc.

Nghe mấy dì chì chiết mãi, cô con gái lớn quyết định đi làm, gửi con lớn ở trường mẫu giáo, con nhỏ ở nhà trẻ gần nhà bà ngoại. Cô con gái thứ hai của chị Lan cũng đi làm sau khi tốt nghiệp đại học.

Mấy em gái thấy hai đứa cháu ngoại được gửi đi học thấy đỡ xót cho chị, nghĩ là chị sẽ có thời gian nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe, nhất là ít đi đứng lại để hai chân bị giãn tĩnh mạch sâu đỡ đau nhức hành hạ chị.

Ba-ngoai-song-cham-de-ca-nha-song-khac
Con gái lớn có tiến bộ hơn chút là “ngoài ngủ với hai con, ngồi chơi thì còn đút cho con ăn”

Em gái rủ chị Lan đi du lịch để thư giãn. Thật bất ngờ, chị Lan nói: “Đi chơi thì thích đó, nhưng mình đi thì ai lo cơm nước cho chồng con, ai đưa rước hai đứa nhỏ đi học. Không được đâu!”.

Hình như chồng con chị chờ câu nói này của chị thì phải, chẳng ai đốc thúc chị đi. Tức chị cứ khoanh mình trong nhà, lấy công việc làm niềm vui, không biết ngoài xã hội có gì, em gái chị đã phải gọi điện thoại, rồi gặp trực tiếp chồng chị, hai con gái chị để “xin phép”, để “thương lượng” thời gian cho chị yên tâm đi chơi. Tội lắm, vậy mà chị cứ lo, bảo em gái: “Sắp xếp đi thứ bảy, chủ nhật về, nhiều lắm là đi từ tối thứ sáu thôi nhe!”. Rồi trước ngày đi, chị làm việc quên cả ngủ nghỉ, đi chợ mua thật nhiều thức ăn cho người lớn và con nít riêng, đứng suốt trong bếp lặt rửa sạch sẽ, sơ chế, tẩm ướp thịt cá, thậm chí kho nấu sẵn một, hai món có thể hâm là ăn ngay được.

Lần nào đi chơi cũng vậy, ngày khởi hành, chị nói với em gái: “Tối qua không có ngủ, giờ hơi mệt”. Em gái bực mình: “Chồng con chị tự phục vụ hai, ba ngày không được sao mà lo dữ vậy!”. Chị trả lời: “Cha con họ cũng nói để tự lo, nhưng chị biết toàn là đi ăn quán hay mua đồ quán về ăn. Còn hai đứa nhỏ mà không lo sẵn thịt cá, rau thì mẹ nó không nấu đâu, toàn mua cháo bịch về cho hai đứa nhỏ ăn cho nhanh. Nó thấy có sẵn thịt cá, rau thì có thể nấu cho hai đứa nhỏ”. Em gái chỉ còn biết buông tiếng thở dài: “Thôi kệ, miễn chị ấy đi chơi là được, thư giãn, cho biết đất trời, đây đó với người ta”.

Ba-ngoai-song-cham-de-ca-nha-song-khac
“Đi chơi thì thích đó, nhưng mình đi thì ai lo cơm nước cho chồng con, ai đưa rước hai đứa nhỏ đi học. Không được đâu!”.

Một lần sau chuyến đi chơi về, chị gọi điện thoại tâm sự với em gái, giọng đầy ấm ức: “Thức ăn mình làm sẵn, về còn nguyên, kể cả đồ để nấu cho hai đứa nhỏ. Quần áo trước khi đi mình giặt, về thấy còn nguyên ngoài sân phơi. Cằn nhằn thì cha con họ nói cho mình đi chơi là được rồi, ở nhà họ sống thế nào miễn họ thấy được thôi, sao cứ phải lắm lời”. Thì ra có thức ăn chị làm sẵn rồi, muốn ăn thì phải nấu cơm, hâm thức ăn, ăn rồi lại phải rửa chén. Làm chi mệt vậy, chồng con chị ra quán ăn cho xong. Còn hai đứa nhỏ, ăn cháo chợ, cháo bịch trong siêu thị vài bữa có chết đâu.

Chị nói cho xả ấm ức, rồi đâu lại vào đó. Em gái tức quá, tới nhà chị ở hai ngày để xem sinh hoạt gia đình chị thế nào.

Ngày nào như ngày nấy, sáng ra khi cả nhà còn ngủ, chị đã dậy lo bữa sáng cho chồng đi dạy, lo cho thằng cháu lớn ăn sáng rồi thay đồ cho nó để kịp giờ con gái nhỏ của chị thuận đường đi làm chở cháu vô trường luôn. Tiếp đến, chị gọi thằng cháu nhỏ dậy ăn sáng, thay đồ, rồi dắt nó qua nhà trẻ gần nhà gửi xong thì đi chợ mua thức ăn. Đi chợ về chị mới ăn sáng, lúc này là 9 giờ 30 đến 10 giờ. Rồi chị bày thịt cá, rau củ mới mua để chế biến, lặt rửa. Nhìn đồng hồ thấy 11 giờ là chị lo bắc nồi cơm, để 12 giờ chồng đi dạy về và cô con gái nhỏ nghỉ trưa trong công ty về là có bữa trưa. Chồng con ăn xong nghỉ trưa, chị lo rửa chén, làm tiếp việc sơ chế, lặt rửa còn dang dở. Sau đó, con gái nhỏ vô công ty làm tiếp, anh chồng lo soạn giáo án, chấm bài. Chị ngả lưng được một tiếng, thức dậy là vào bếp buổi chiều liền vì buổi chiều phải nấu cho người lớn và con nít riêng. Hai cô con gái thường đi làm về muộn, nên chị đón cháu ngoại nhỏ, còn chồng chị đi đón cháu ngoại lớn. Trong khi chờ có mặt đông đủ người lớn ăn cơm, chồng chị đi tập thể dục, chị lo đút cho hai cháu ngoại trước.

Ba-ngoai-song-cham-de-ca-nha-song-khac
Thì ra có thức ăn chị làm sẵn rồi, muốn ăn thì phải nấu cơm, hâm thức ăn, ăn rồi lại phải rửa chén

Đến 18 – 19 giờ, bữa ăn tối chị dọn sẵn, hai cô con gái về là có ăn ngay. Chướng mắt nhất là nết ăn của hai cô con gái, một bữa ăn nhanh nhất phải một tiếng đồng hồ mới xong, có khi vừa ăn vừa xem tivi đến gần hai tiếng mới đứng dậy dọn. Trong khi các con gái ăn, chị tranh thủ tắm cho hai đứa cháu cho chúng sạch sẽ, thoải mái trước khi ngủ.

Cô con gái nhỏ ăn xong còn biết phụ mẹ rửa chén buổi tối. Còn cô con gái lớn, buổi sáng đã không hề quan tâm hai con trai mình ăn gì, mặc gì, ai đưa đi học. Ăn tối xong, cô chỉ biết nhiệm vụ của mình là tắm rửa để chuẩn bị ngủ với con là xong một ngày của bà mẹ có hai con nhỏ, mọi sự đã có bà ngoại của con cô lo hết rồi.

Chồng con gái lớn có công việc kinh doanh riêng, bận suốt, nên gửi vợ con cho mẹ vợ, chẳng phải bận tâm biết mỗi ngày cuộc sống ở nhà vợ diễn ra thế nào, chỉ biết cuối tuần về đón vợ con về nhà mình chơi, xong rồi chở gửi lại.

Mỗi lần đi chơi với em gái, đi bộ chừng nửa tiếng là chị đã than đau chân. Vậy mà về nhà là chị ôm hết việc. Chứng kiến cảnh sinh hoạt gia đình của chị Lan, em gái của chị khuyên chị nên nghĩ đến bản thân mình bởi hai cái chân đau nhức vì giãn tĩnh mạch sâu khiến chị lúc nào cũng phải mang vớ trị bệnh, mà chị cứ đi đứng suốt ngày này qua ngày kia thì uống thuốc hoài cũng vô ích. Mặt khác, chính sự ôm đồm của chị đã khiến anh chồng và hai cô con gái của chị trở thành người vô tâm.

Ba-ngoai-song-cham-de-ca-nha-song-khac
Bữa ăn trong nhà luôn chờ có mặt đông đủ người lớn mới ăn cơm

Bà ngoại đình công

Cuộc sống chị Lan sau mấy năm về hưu như thế đó. Cho đến ngày mọi người nhận được thông tin “Virus Corona làm chết quá nhiều người ở Vũ Hán, Trung Quốc, đang lan ra nhiều nước. Việt Nam đã có các ca nhiễm virus Corona đầu tiên”, cuộc sống mọi người dân thay đổi từng ngày theo nhịp độ lây nhiễm dịch bệnh, theo những yêu cầu “giãn cách xã hội” ngày một cao hơn của Chính phủ. Bên cạnh nhiều nỗi lo, đã có nhiều câu chuyện được chia sẻ về một xã hội đùm bọc, đoàn kết, đồng lòng, yêu thương nhau trong mùa dịch. Trong hoàn cảnh phải “giãn cách xã hội” thì giá trị cuộc sống gia đình được nhận ra nhiều hơn, người ta nói với nhau về “sống chậm” ngoài xã hội sẽ có nhiều thời gian cho gia đình để yêu thương, chăm sóc và gắn bó nhau.

Thế nhưng, gia đình chị Lan lại liên tục có những biến cố trong những ngày “chống dịch như chống giặc” ấy.

Một ngày trong mùa dịch, khi chưa có yêu cầu “giãn cách xã hội”, hạn chế giao thông, chị tới nhà em gái trong nước mắt. Chị kể vừa mới gây nhau với chồng, con một trận tưng bừng. Nỗi buồn âm ỉ kéo dài đã đến lúc phát lửa nóng trong chị.

Chuyện là, khi dịch Covid-19 khởi phát ở trong nước, các trường học đóng cửa liên tục. Từ hôm đó, chồng chị ở nhà thường xuyên, mỗi tuần thì vào trường một, hai lần để vệ sinh trường lớp. Trường mẫu giáo, nhà trẻ cũng đóng cửa, hai cậu cháu ngoại của chị cũng ở nhà suốt. Chỉ có hai cô con gái còn đi làm. Có chồng ở nhà chị Lan cũng mừng vì có người phụ, ít ra cũng trông được hai đứa nhỏ. Nhưng không, anh chồng vẫn cho mình là người đang đi làm, anh hết mở tivi coi thể thao, bóng đá, đến mở mạng coi tình hình thời sự, coi dân mạng bàn tán gì về dịch bệnh, đến bữa thì ăn, đến giờ thì ngủ nghỉ.

Cô con gái lớn của chị làm công việc tổ chức sự kiện. Rơi đúng vào mùa dịch công ty của cô khó khăn nên giảm bớt nhân sự, cô nghỉ việc. Ngày con gái nói nghỉ làm, chị Lan an ủi con: “Từ từ tìm công việc khác con ạ, con có năng lực mà. Giờ ở nhà ngày nào thì phụ mẹ lo cho hai đứa nhỏ. Hổm rày nghỉ học, hai đứa ở nhà nghịch quá, mẹ phát mệt”. Cô con gái nói ngay: “Ngày mốt, mẹ giữ hai đứa nhỏ dùm, hai vợ chồng con đi chơi ba ngày nhe mẹ”. Chị cản con: “Khi khác rồi đi được không con”. Con gái trả lời: “Con đã mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn cả tháng nay rồi mà mẹ” (lúc này các chuyến bay trong nước vẫn còn nhiều, các nơi dịch vụ du lịch vẫn hoạt động). Chị chưng hửng vì rõ ràng hai vợ chồng con chị đã có kế hoạch đi chơi từ trước, nói với chị như “thông báo” thôi.

Chị Lan hỏi: “Sao vợ chồng con đã tính chuyến đi chơi mà không cho hai đứa nhỏ đi với”. Cô con gái thản nhiên: “Mang hai đứa nhỏ theo thì phải lo cho tụi nó, vợ chồng con sao thoải mái được”. Chị cố nói: “Hai đứa nhỏ năm tuổi, ba tuổi rồi, ăn uống cũng đâu có kén gì đâu”. Cô con gái gằn giọng: “Mẹ kỳ thật. Mẹ muốn đi chơi thì con cũng đã giữ mấy đứa nhỏ cho mẹ đi chơi rồi. Giờ con đi chơi, nhờ mẹ mấy ngày mà mẹ cứ thắc mắc hoài vậy”.

Đến lúc này, chị sững sờ, phân trần với chồng về thái độ của con. Chồng lớn tiếng ngay: “Ai cũng đi làm. Người về hưu rảnh rỗi thì lo cho gia đình, làm việc nhà, nấu mấy bữa cơm, coi chừng hai đứa nhỏ thôi, có gì đâu mà hở ra là càm ràm. Lâu lâu muốn đi chơi thì cũng cho đi chơi rồi, còn muốn gì nữa”.

Đất trời như sụp đổ. Chị hiểu ra, mấy năm chị nghỉ hưu, chồng con chị đều cho là chị có bổn phận phải làm “người giúp việc”. 

Mang nỗi ấm ức, chị gói vài bộ đồ rồi lặng lẽ đi Sài Gòn, ghé nhà mấy em gái chơi cho khuây khỏa… và tâm sự. Mấy em gái biết tính của chị đi đâu vài ngày thôi là nhớ nhà, không ngủ được, từ khi có cháu ngoại còn thêm hay lo cho cháu càng không yên bụng dạ ở đâu lâu. “Yếu điểm này của chị đã được chồng con chị khai thác hết mức. Không ai muốn gia đình chị lục đục, nhưng chị cần phải thay đổi bản thân, đừng mãi lẩn quẩn lo hết mọi việc trong nhà như vậy, quên mất ngoài xã hội còn nhiều thứ mình nên giao tiếp để làm mới cuộc sống, làm cho mình vui vẻ hơn. Chị hãy biết làm lơ việc nhà, bớt chuyện bếp núc, để mọi người trong nhà chú ý vào những việc phục vụ cho chính họ”, mấy em gái khuyên chị.

Giờ rảnh chị đọc sách, xem tivi, chăm sóc mấy cây kiểng và ngủ nghỉ đúng giờ.

Đúng như mọi người dự đoán, chưa được một tuần, chị đã gói đồ trở về Biên Hòa. Hai ngày sau, em gái gọi hỏi thăm, chị khóc vì chị đã về hai ngày mà chồng con không hỏi han gì tới. Chị nói chị không dám tin bản thân mình có làm được như các em “xúi” không, có đủ cứng rắn để thay đổi sự vô tâm của chồng con không, nhưng chị cứ thử.

Một cuộc đình công của “người phụ nữ nghỉ hưu” đã diễn ra trong mùa dịch Covid-19. Chị Lan dành thời gian chăm sóc cho bản thân mình thôi. Những ngày đầu, chồng con chị vẫn lề thói cũ: ra tiệm ăn.

Thật là ngẫu nhiên, tình hình căng thẳng của dịch bệnh, Chính phủ đưa ra từng lúc những qui định đối với nhà hàng, quán ăn, từ chỉ được phục vụ dưới 30 người, rồi cấm tập trung trên 10 người, đến yêu cầu đảm bảo khoảng cách 2 mét, cao điểm là yêu cầu “giãn cách xã hội” cấm tụ tập trên 2 người.

Thế là nhà hàng, quán ăn đóng cửa từ từ hết, chỉ còn có thể đi mua về ăn hay đặt hàng qua mạng cho người ta giao tới nhà. Anh chồng và hai cô con gái vẫn thấy tốt không sao cả.

Mặc cho ba cha con ăn uống kiểu gì, chị cứ vờ như không nghe, không thấy. Mỗi sáng chị đi chợ mua đủ đồ nấu cho mình chị ăn. Giờ rảnh chị đọc sách, xem tivi, chăm sóc mấy cây kiểng và ngủ nghỉ đúng giờ.

Tin tức trên báo đài nói về Công ty Trường Sinh là một trong những ổ dịch lớn ở Hà Nội đã làm chồng con chị hoang mang: Nơi cung cấp dịch vụ bữa ăn cho bệnh viện mà còn xảy ra chuyện không thể ngờ như vậy, liệu người ở những nơi nấu ăn khác có an toàn trong mùa dịch bệnh? Rồi còn người giao hàng nữa, họ đi nhiều nơi lắm, tiếp xúc nhiều lắm, liệu có an toàn?

Lần này, chị muốn mình thật sự sống khác

Chuyện không tưởng đã xảy ra. Từ đầu tháng 4, sáng nào anh chồng chị Lan cũng dậy sớm đi chợ, con gái út vẫn đi làm, trưa về phụ bố làm bếp, chiều về sớm phụ bố làm bếp, dọn ăn rồi dọn rửa. Việc ai nấy làm, không ai nói gì đến ai. Chị Lan thấy hai cha con loay hoay trong bếp, thấy cũng thương, nhưng chị bấm bụng quyết lần này không mềm lòng.

Vợ chồng cô con gái lớn đưa hai con trai về nhà tự chăm lo nhau. Chị Lan nhớ cháu ngoại lắm, nhưng dằn lòng. Chị không cần con cảm ơn những mệt nhọc của mẹ trước đây, chỉ hy vọng con gái sẽ thay đổi, tự lo cho gia đình và chăm sóc con tốt.

Một tuần, rồi hai tuần “giãn cách xã hội” bên ngoài trôi qua. Trong nhà chị Lan, không khí “giãn cách” còn “nghiêm” hơn. Như mọi người, chị Lan mong dịch Covid-19 nhanh được đẩy lùi, cuộc sống yên bình trở lại, không còn lo lắng. Dịch Covid-19 đang có dấu hiệu giảm căng thẳng, nhưng lời kêu gọi không nên chủ quan luôn được nhắc nhở.

Trong ngôi nhà nhỏ của mình, chị Lan thấy chồng con chị đang tự phân công việc với nhau, từ đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ. Chị len lén quan sát. Chị mong căn bệnh “vô tâm” sẽ được đẩy lùi vĩnh viễn. Hai tuần chưa đủ để chứng minh những người thân yêu của chị đã thay đổi. Chị cần thêm thời gian cho họ và cho cả chính chị. Chị Lan muốn mình thật sự sống khác, chứ không phải “làm mình, làm mẩy” một thời gian như chồng con chị từ trước giờ vẫn nghĩ.

(Bài viết từ một nhân vật có thật, tên nhân vật đã được thay đổi)

NHƯ Ý (TP. HCM)


BEAUTYLIFE CHÍNH THỨC PHÁT ĐỘNG CUỘC THI VIẾT “NHẬT KÝ 15 NGÀY SỐNG CHẬM”  TỪ NGÀY 1-4 ĐẾN HẾT NGÀY 30-4-2020

Beautylife chính thức phát động cuộc thi viết “Nhật ký 15 ngày sống chậm” với những câu chuyện, mẩu chuyện, đoạn văn, hình ảnh ngộ nghĩnh về những gì bạn đã trải qua, là góc nhìn của bạn trong những ngày nghỉ dịch covid-19, đó cũng có thể là suy ngẫm, chiêm nghiệm của riêng bạn khi thực hiện “cách ly xã hội”.

Bài viết của bạn có thể lan tỏa sự tích cực đến cộng đồng và đặc biệt là may mắn nhận được những giải thưởng hấp dẫn từ BTC.

Thông tin chi tiết tại: https://songdepvn.vn/UserClient/Rules

0 0 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx