Anh chồng… nội trợ

Sáng sớm, khoác chiếc áo mỏng lên người rồi tất tả xách giỏ đi chợ, anh Quang (Q.7) nhận được những cái liếc kín đáo và điệu cười khúc khích của các cô bán hàng. Ban đầu, anh ái ngại lảng đi, sau thành quen, anh cười tươi rói khi gặp họ và trả giá thành thục như một bà nội trợ thứ thiệt, anh giờ là đàn ông nội trợ thứ thiệt đây! Ở nhà chăm con, cơm nước, săn sóc nhà cửa đối với anh là tình yêu, chưa bao giờ là trách nhiệm nên… sao phải ngại?

anh-chong-noi-tro

Ai tạo ra suy nghĩ “Việc nhà là của phụ nữ”?

Theo các nhà nghiên cứu Anh Quốc, định kiến về giới có thể bắt đầu từ chính chúng ta. Nhìn vào bất kỳ cửa hàng đồ chơi nào cũng có thể thấy: bộ đồ nấu ăn màu hồng cho các bé gái, ô tô màu xanh cho các bé trai. Trong tất cả các quảng cáo về thiết bị nhà bếp, máy giặt… các bà mẹ đều được “vinh danh” là đảm đang khi thành thục sử dụng các vật dụng này trong khi biến mất bóng dáng các ông bố.

Chính những hình ảnh lặp đi lặp lại này khắc sâu định kiến sai lầm: việc nhà là của phụ nữ.

Đàn ông nội trợ, tại sao không?

Tại Việt Nam, định kiến giới vẫn còn rõ rệt, đặc biệt trong việc nội trợ. Nếu đàn ông quanh quẩn làm việc nhà, nấu cơm, chăm con sẽ tạo cho người nghe cảm giác “tội tội sao đó”. Thậm chí, nội trợ còn là công việc chứng tỏ sự thất bại, thua thiệt, vô dụng của người đàn ông, khi không làm ra tiền, phụ thuộc vợ.

Thực tế cho thấy, giữa cuộc sống không ngừng thay đổi và biến chuyển như hôm nay cùng sự bình đẳng trong phân công lao động thì chuyện đàn ông ở nhà làm nội trợ đã không còn là chuyện cá biệt. Thậm chí đây còn là xu hướng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia châu Á, những nơi mà từ lâu vẫn mặc định nội trợ là công việc chỉ dành cho phụ nữ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Khi quy đổi ra giá trị lao động, Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc từng công bố một nghiên cứu cho thấy, nếu tính các công việc nhà như nấu ăn cho con, đọc sách cho chúng trước khi đi ngủ, ủi áo sơ mi cho chồng, chăm sóc bố mẹ chồng… thì người phụ nữ xứng đáng được trả tới 3.246 đô-la/tháng, mức lương gấp đôi công việc văn phòng của các ông chồng.

Điều đó chứng minh, công việc nội trợ không hề nhàn hạ như nhiều người vẫn nghĩ, do đó việc phân công công việc giữa hai vợ chồng bao gồm việc kiếm tiền và chăm sóc nhà cửa là dựa trên thỏa thuận đôi bên, không chứng minh được ai tài giỏi hơn hay ai đóng vai trò… nuôi ai như nhiều người vẫn lầm tưởng.

anh-chong-noi-tro

Đàn ông nội trợ vì tình yêu, không phải trách nhiệm

Quay trở lại câu chuyện của anh Quang, từ khi công ty giải thể do thua lỗ liên tục, anh ở nhà giúp vợ chăm con, làm việc nhà. Cũng nhờ vậy, anh thấm thía vợ vất vả ra sao. Chị Ngọc – vợ anh là nhân viên ngân hàng, đầu tắt mặt tối với khách hàng, con số. Tan sở chị lại vội vã đi đón con, đi chợ nấu cơm. Về nhà, cho con ăn xong lại chỉ con học, dọn nhà dọn cửa, đặt lưng xuống giường cũng đã ngót nghét 12h đêm. Ngày nào với chị cũng là cuộc chiến, trong khi anh đi làm về chỉ cần ăn cơm, uống trà, xem tivi rồi đi ngủ, đến con anh cũng ít phụ vợ chăm.

Khi anh thông báo nghỉ việc, chị hớn hở ra mặt, khuyên chồng cứ ở nhà nghỉ ngơi, phụ chị ít việc vặt. Ban đầu anh còn nghĩ quẩn, cảm thấy đang phải ăn bám vợ, nhưng lâu dần, anh cảm nhận rõ sự vất vả của vợ, thành ra dành hết việc nhà cho chị được nghỉ ngơi.

Người phụ nữ ở nhà chăm lo gia đình đã chịu cái nhìn không công bằng của xã hội, vào trường hợp “ông nội trợ” như anh Quang càng thua thiệt hơn với cách nghĩ xưa nay là đàn ông phải xông pha trận mạc, kiếm tiền, làm chỗ dựa cho vợ con… Tuy nhiên, hiện tại với anh không gì quan trọng bằng gia đình êm ấm, ai làm tiền tuyến, ai làm hậu phương đều được, miễn là cả nhà san sẻ vui buồn cùng nhau, sát cánh bên nhau, cả nhà hạnh phúc là được.

anh-chong-noi-tro

Ngọc Anh

0 0 Phiếu bầu
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả các bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luậnx